Văn Kiện của Trung Ương đảng CSVN thực hiện năm 2010

Ban biên tập trang nhà https://www.vietquoc.org tìm được tài liệu của Trung Ương Đảng cộng Sản Việt Nam gọi là: “Văn Kiện Ban Tuyên Giáo Trung Ương” với nội dung Hướng dẫn số 91- HD/BTGTU  ngày 04/12/2009 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN về công tác tuyên truyền, giáo dục các ngày lễ lớn trong năm 2010. Trong bản nội dung hướng dẫn này, Trung Ương đảng CSVN sẽ tổ chức những ngày lễ lớn trong năm nay, tất cả đều nhắm vào mục đích tuyên truyền, giáo dục chuẩn bị cho Đại hội XI của đảng Cộng Sản Việt Nam dự định tổ chức năm 2011. Nhận thấy cần phổ biến tài liệu này cho công động người Việt Hải ngoại tìm cách phá vỡ luận điệu tuyên truyền, và người dân trong nước tẩy chay các ngày lễ lớn tuyên truyền của CSVN. Dưới đây là toàn bộ văn kiện của chúng.
Ban Điều Hành Trang Nhà www.vietquoc.org

Văn Kiện Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam

Hướng dẫn số 91- HD/BTGTU  ngày 04/12/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền, giáo dục các ngày lễ lớn năm 2010

Ngày 16/12/2009 cập nhật lúc 14h:44′


Năm 2010 có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc, đồng thời cũng là năm diễn ra sự kiện chính trị trọng đại – đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Thực hiện Chỉ thị 32-CT/TU ngày 20/3/2009 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền, giáo dục các ngày lễ lớn năm 2010 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

– Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục các ngày lễ lớn năm 2010 nhằm tiếp nối truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc; khẳng định quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

– Tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội đối với những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng.

– Khẳng định những thành tựu của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới đất nước; bồi dưỡng, nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong giai đoạn mới.

– Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần được tổ chức chu đáo, thiết thực, mang tính quần chúng sâu rộng, tạo được khí thế cách mạng, tăng thêm niềm tin và tinh thần phấn khởi của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, lãng phí.

II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC:

1. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2010), mừng Xuân Canh Dần.

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thành quả cách mạng Việt Nam 80 năm qua; khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước theo con đường XHCN.

– Nâng cao niềm tự hào về truyền thống 80 năm đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta; bồi dưỡng nhận thức về lý luận Đảng cầm quyền và kinh nghiệm xây dựng Đảng qua 80 năm trưởng thành, phát triển.

– Tuyên truyền nhiệm vụ, giải pháp lớn của công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X, nghị quyết các hội nghị Trung ương (khóa X); kết quả thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2010 .

– Tuyên truyền hoạt động của đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

– Tuyên truyền hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng ở các cấp, các ngành gắn với hoạt động mừng Xuân Canh Dần và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cơ sở.

– Tuyên truyền các nội dung đón Tết vui Xuân an toàn, tiết kiệm, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Hoạt động mít tinh ở Trung ương và địa phương thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước các ngày lễ lớn.

– Các học viện, trường đại học, trường chính trị tỉnh… tùy điều kiện tổ chức hội thảo, tọa đàm góp phần khẳng định thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

– Các tổ chức cơ sở đảng sinh hoạt chuyên đề theo Đề cương kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị vào dịp cuối năm đánh giá chất lượng công tác xây dựng Đảng thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Các tổ chức chính trị – xã hội, các trường học, lực lượng vũ trang…tùy theo điều kiện, tổ chức tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Đảng.

– Các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động tôn vinh đảng viên lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang; khen ngợi, biểu dương đảng viên có thành tích trong học tập, lao động, chiến đấu; rà soát giải quyết chế độ chính sách cho đảng viên lâu năm có nhiều cống hiến; trao huy hiệu Đảng, kết nạp đảng viên mớí, tổ chức gặp mặt các thế hệ đảng viên; thi tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử đảng bộ địa phương…

– Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương có chuyên trang, chuyên mục đặc biệt chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đảng; phản ánh sinh động các hoạt động triển khai kế hoạch năm 2010 và kết quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền sâu rộng gương sáng đảng viên, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; biểu dương các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trong dịp Tết, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp trong xã hội, hướng sự quan tâm tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và kiều bào về thăm đất nước dịp năm mới.

2. Kỷ niệm Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch năm 2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo lý hướng về cội nguồn; bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần nhân ái; phát huy ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; xây dựng ý chí, quyết tâm, bản lĩnh chinh phục thiên thiên, làm chủ công nghệ, khoa học – kỹ thuật của con người Việt Nam trong thời đại mới.

– Tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả các chương trình kinh tế, xã hội, văn hóa hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hòa nhịp phát triển chung của cả nước.

– Cổ vũ các tầng lớp nhân dân, kiều bào hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Tổ chức lễ hội quốc gia tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) do tỉnh Phú Thọ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức. Các địa phương có đền thờ Vua Hùng tổ chức lễ dâng hương.

– Tổ chức sinh hoạt vui chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhiều điểm, nhiều địa bàn trên cả nước vì đây là dịp người lao động được nghỉ việc.

3. Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh V.I Lênin (22/4/1870-22/4/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Thân thế, sự nghiệp của V.I Lênin, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới.

– Di sản tư tưởng, lý luận quý báu của V.I Lênin.

– Sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I Lênin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của V.I Lênin.

– Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương có một số bài viết.

– Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga và các tổ chức Hội hữu nghị Việt – Nga ở các ngành, các địa phương tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, gặp mặt thân mật.

4. Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của sự kiện chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và lịch sử phong trào cách mạng vô sản thế giới.

– Thành tựu của công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Bài học về phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào công cuộc đổi mới đất nước.

– Kết quả giải quyết chế độ, chính sách cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công trong kháng chiến, việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh; phong trào nhân dân tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; phát huy nghĩa tình đồng đội, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào giải quyết hậu quả chiến tranh.

– Vị thế chính trị, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế và bước tiến trong quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.

– Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Hoạt động mít tinh ở Trung ương và địa phương thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước các ngày lễ lớn.

– Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an chỉ đạo tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, tôn vinh, biểu dương những người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nghiên cứu, giải quyết những trường hợp vướng mắc; xúc tiến các chương trình, dự án trợ giúp đối tượng chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

– Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tổ chức hội nghị gặp gỡ điển hình tiên tiến, gương tuổi trẻ sáng tạo trong học tập, lao động và chiến đấu có năm sinh từ năm 1975.

– Các học viện, trường học, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… tổ chức hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề về những giá trị lịch sử của chiến thắng 30/4, thành quả cách mạng 35 năm qua và nhiệm vụ xây dựng đất nước hiện nay.

– Các địa phương, đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội tổ chức các sinh hoạt chuyên đề ôn lại lịch sử cách mạng, thăm quan các di tích chiến trường xưa; có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới các gia đình thương binh- liệt sĩ, người có công với cách mạng; khuyến khích các hoạt động tương trợ đồng đội trong giải quyết việc làm, đời sống, học tập; trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử và đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình phục vụ dân sinh và đợt kỷ niệm.

– Cơ quan thông tấn, báo chí, hãng phim tư liệu ở Trung ương và địa phương khai thác tư liệu, xây dựng phim mới, tìm gặp nhân chứng cả trong và ngoài nước để phản ánh toàn diện các góc nhìn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; phản ánh những thay đổi của đất nước sau 35 năm chiến tranh kết thúc; biểu dương, ghi nhận đóng góp của những cá nhân, tập thể, địa phương trong và ngoài nước đã có công lao trong cuộc kháng chiến; xuất bản sách và tổ chức một số triển lãm ảnh về đề tài này.

5. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2010), 20 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”(1990-2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Cuộc đời, tấm gương đạo đức cách mạng và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc, đất nước, cách mạng Việt Nam và cách mạng vô sản thế giới. Tình cảm của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đấu tranh bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

– Ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước giai đoạn hiện nay.

– Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện Di chúc của Người.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Tổ chức mít tinh, cầu truyền hình trực tiếp thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước các ngày lễ lớn.

– Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế về thân thế, sự nghiệp, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng vô sản thế giới.

– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, chiếu phim… chào mừng sinh nhật Bác trên toàn quốc và hướng ra ngoài nước. Xuất bản, tái bản các công trình khoa học, sách nghiên cứu về tư tưởng cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh.

– Tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ hội làng Sen. Các địa phương đầu tư trùng tu, tôn tạo tượng đài, nhà tưởng niệm, đền thờ Bác, tổ chức lễ dâng hương, báo công tại khu di tích, xây dựng một số công trình kỷ niệm.

– Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin phản ánh các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2010 và học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

6. Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh

– Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước.

– Những thành tựu về kinh tế- xã hội của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Tỉnh Hưng Yên tổ chức mít tinh, phối hợp với Học viện chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp, công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

– Báo chí Trung ương và địa phương đưa tin, bài phản ánh các hoạt động kỷ niệm sự kiện này ở Hà Nội, Hưng Yên và các tỉnh, thành khác.

7. Kỷ niệm 80 năm: Ngày truyền thống Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng cấp ủy Đảng (18/10/1930-18/10/2010), Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2010), Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2010), Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2010). Thực hiện theo Đề án, Kế hoạch của Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban Đảng về tổ chức Ngày truyền thống. Ngành Tuyên giáo đã có Hướng dẫn số 82-HD/BTGTW ngày10/8/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

8. Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2010) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của sự kiện; những thành tựu đạt được 65 năm qua của Cách mạng Việt Nam; những bài học lớn về xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

– Nâng cao nhận thức trách nhiệm tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật và giáo dục ý thức chấp hành Hiến pháp, pháp luật cho mọi người dân; giáo dục tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đảng viên, cán bộ, công chức.

– Những kết quả và phương hướng, nhiệm vụ trong cải cách tư pháp, cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc của cán bộ công chức theo tinh thần trọng dân, vì dân, phục vụ dân.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Hoạt động mít tinh, cầu truyền hình trực tiếp thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước các ngày lễ lớn.

– Các địa phương tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, triển lãm, xuất bản, tái bản sách, ấn phẩm về chủ đề ca ngợi đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.

– Báo chí, truyền hình Trung ương và địa phương tích cực phát hiện, biểu dương cá nhân, đơn vị, địa phương có thành tích trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu, cổ vũ các phong trào thi đua điển hình được phát động nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phong trào thi đua yêu nước được phát động tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII.

9. Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (19/8/1945-19/8/2010) và 5 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân qua các giai đoạn cách mạng Việt Nam và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tuyên truyền bản chất, truyền thống tốt đẹp của công an nhân dân qua đó củng cố niềm tự hào và tin yêu của nhân dân đối với lực lượng công an nhân dân và quân đội nhân dân.

– Nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình hiện nay; giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; động viên toàn dân tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

– Tuyên truyền các phong trào thi đua lập thành tích của ngành công an hướng về ngày kỷ niệm; thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; những thành tích và chiến công tiêu biểu của các đơn vị, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến, mô hình mới…trong lĩnh vực an ninh, trật tự của lực lượng công an nhân dân; biểu dương, tôn vinh những tấm gương dũng cảm hy sinh, tận tụy vì dân của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn ngành công an giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, ôn lại truyền thống và xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành công an trong giai đoạn cách mạng mới.

– Bộ Công an tổ chức mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, mời đại diện lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương dự; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến trong ngành; quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho các thương binh, gia đình liệt sĩ.

– Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành công an về chủ đề lực lượng công an nhân dân làm theo lời Bác và trong nhân dân về chủ đề toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến ở các đơn vị, địa phương và Đại hội thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ VI.

– Báo đài Trung ương và địa phương tích cực phản ánh các hoạt động của ngành công an hướng về ngày kỷ niệm và sự hưởng ứng của nhân dân đối với phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

10. Kỷ niệm 80 năm Xô viết – Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là Cao trào Xô viết – Nghệ Tĩnh năm 1930-1931; thành tựu xây dựng Đảng, phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh qua các thời kỳ.

– Giáo dục cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, lòng tự hào về truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.

– Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành ở Nghệ An và Hà Tĩnh hướng về ngày kỷ niệm.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng về ngày kỷ niệm; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử trong Cao trào Xô viết – Nghệ Tĩnh; tôn tạo Khu di tích lịch sử Xô viết – Nghệ Tĩnh, tổ chức biên tập và xuất bản sách, xây dựng phim, phóng sự, tài liệu, phát động cuộc thi tìm hiểu, sáng tác văn thơ hội họa về chủ đề Xô viết – Nghệ Tĩnh…

– Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phối hợp với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo tại địa phương.

– Các địa phương, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hành hương về địa chỉ đỏ, dâng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ và Khu di tích lịch sử Xô viết – Nghệ Tĩnh.

– Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương dành nhiều tin, bài phản ánh các hoạt động kỷ niệm sự kiện này.

11. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010). Theo Kế hoạch số 71-KH/BTGTW ngày 3/3/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

12. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Bối cảnh lịch sử ra đời, quá trình 80 năm xây dựng và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam, những đóng góp của Hội đối với tiến trình chung của cách mạng Việt Nam.

– Vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân và của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

– Những văn bản của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam

– Phương hướng, nhiệm vụ, các chương trình, kế hoạch hoạt động thời gian tới của Hội.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh trọng thể tại Hà Nội, mời đại diện lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương dự. Các cấp hội căn cứ vào Chỉ thị, Kế hoạch của Hội Nông dân Việt Nam để tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, chú trọng biểu dương những nông dân có thành tích trong lao động sản xuất; giao lưu giữa doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các nông dân điển hình tiên tiến…

13. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2010):

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Sự ra đời, quá trình phát triển của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 80 năm qua; những đóng góp của Hội và các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Phương hướng, nhiệm vụ, các chương trình hoạt động thời gian tới của Hội.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội tại Hà Nội, mời đại diện lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương dự. Cấp hội các tỉnh, thành tổ chức các hoạt động mang tính chất ngày hội cho phụ nữ. Xuất bản nhiều sách, ấn phẩm, phim tài liệu về lịch sử 80 năm của Hội.

– Các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương đưa nhiều tin, bài phản ánh sự kiện này.

14. Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Ý nghĩa lịch sử, vai trò, vị trí, những đóng góp của Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong tiến trình của cách mạng Việt Nam.

– Giáo dục bài học lớn về đại đoàn kết toàn dân tộc, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo trên cơ sở củng cố khối liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”.

– Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức sinh hoạt kỷ niệm gắn với việc kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2010; tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII…

– Tổ chức gặp mặt cán bộ mặt trận qua các thời kỳ, tổ chức một số hội thảo để làm sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

– Tổ chức ngày hội đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến một số cuộc vận động lớn như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

15. Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

Vị trí, vai trò của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trong thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

– Thành tựu 70 năm phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân các địa phương tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ.

b. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Các địa phương tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng về ngày kỷ niệm; thăm hỏi, động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử …

– Các địa phương, đơn vị tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hành hương về địa chỉ đỏ, dâng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ và khu di tích.

– Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương dành nhiều tin, bài phản ánh các hoạt động kỷ niệm sự kiện này.

16. Kỷ niệm 190 năm Ngày sinh Ph. Ăngghen (28/11/1820-28/11/2010).

a. Chủ đề tuyên truyền:

– Cuộc đời và sự nghiệp của Ph. Ăngghen.

– Những đóng góp của Ph. Ăngghen với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học và giai cấp công nhân.

– Sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác, Ăngghen sự nghiệp cách mạng và đổi mới ở Việt Nam.

b. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục:

– Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp, công lao của Ph.Ăngghen.

– Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương có một số bài viết.

– Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Đức tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề.

III. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN:

1. Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Canh Dần!

2. Nhiệt liệt chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2010)!

3. Đảng Cộng sản Việt Nam – Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm!

4. Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN!

5. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích thiết thực chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam!

6. Tinh thần Ngày chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 bất diệt!

7. Người người thi đua, ngành ngành thi đua làm nhiều việc tốt vì một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh!

8. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2010!

9. Nhiệt liệt chào mừng 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9!

10. Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng!

11. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng!

12. Nhiệt liệt chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng!

13. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”!

14. Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!

15. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam!

16. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng!

17. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!

18. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

19. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

20. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Phó trưởng ban thường trực
Phùng Hữu Phú

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt