Vấn đề Hồng Kông: Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên tiếng phản đối, Tập Cận Bình có thể đi được bao xa?
Một bức thư ngỏ có tựa đề đầy bi quan là “Liệu chúng ta sẽ còn gặp nhau ở Bắc Đới Hà vào năm tới?” của cựu quan chức Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST) cũng đặt ra 10 câu hỏi cấp thiết cho Tập Cận Bình.
Đại dịch Virus Vũ Hán chưa qua, Bắc Kinh lại đưa ra “Luật An Ninh Quốc Gia phiên bản Hồng Kông”, làm rộn lên chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ thống trị của Tập Cận Bình. Có nguồn tin tại Hội Nghị Bắc Đới Hà năm ngoái, cả hai ông Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào đều đã từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách hà khắc áp đặt cho Hồng Kông của Tập Cận Bình. Vậy trong vấn đề Hồng Kông, liệu Tập Cận Bình có thể đi được bao xa?
Tờ “Le Monde” (Pháp) trong số mới nhất có đăng bài báo, coi “Luật An Ninh Hồng Kông” do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông là tác phẩm mới nhất của Tập. “Le Monde” đặt câu hỏi, Tập Cận Bình còn muốn tấn công mục tiêu nào nữa? Nhắm vào Đài Loan? Chinh phục biển Đông? Bắt nạt Ấn Độ?
Mặc dù bài viết không đưa ra kết luận, nhưng không khó để thấy rằng sau khi Bắc Kinh đưa ra Luật An ninh Quốc gia, Hồng Kông trước nay vốn được xem là hòn ngọc phương Đông sắp bị hủy hoại bởi nhà cầm quyền Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST). Hoa Kỳ, Anh, Úc và Đài Loan đều đang lên kế hoạch cho làn sóng đào thoát của lượng lớn người dân Hồng Kông.
Sau khi Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông được đưa ra, 27 chính phủ các nước phương Tây đã có bài phát biểu tại Hội đồng Nhân Quyền LHQ, hối thúc ĐCST bãi bỏ luật này. Liên minh châu Âu cũng đưa ra tuyên bố bày tỏ sự tức giận và “phản đối mạnh mẽ”, nhấn mạnh rằng Luật An Ninh Hồng Kông đã có tác động bất lợi đáng kể đối với hệ thống tư pháp của Hồng Kông, và cho biết họ đang thảo luận về bất kỳ biện pháp đối phó nào có thể xảy ra với các đối tác quốc tế.
Nhà Trắng của Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố lên án nghiêm khắc hành vi vi phạm các cam kết quốc tế của ĐCST và tuyên bố sẽ có hành động mạnh mẽ để “đáp trả những người đã bóp chết tự do và tự trị của Hồng Kông”.
Đài Á Châu Tự do đăng bài bình luận nói rằng, Luật An ninh Hồng Kông được đưa ra không chỉ chính thức tuyên bố án tử cho tự do của người dân Hồng Kông, mà còn đưa thế giới vào tình huống nguy hiểm hơn cả trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra.
Cũng có nhân sĩ đã từng nhận xét rằng nếu phá hủy Hồng Kông, nó gần như là điềm báo cho sự hủy diệt của Trung Cộng. Điều khiến người ta cảm thấy khó hiểu là tại sao Tập Cận Bình lại khăng khăng muốn liều mạng như vậy?
Bài viết nói rằng nếu khủng hoảng kinh tế Trung Cộng nổ ra hoặc một thảm họa tự nhiên trên quy mô lớn xảy ra vào thời điểm này, thật không khó để tưởng tượng Tập Cận Bình sẽ phải rơi vào hoàn cảnh thụ động và bế tắc ra sao, kèm theo đó nguy cơ Trung Cộng phát sinh biến động sẽ rất lớn.
Hiện nay, nguy cơ hỗn loạn ở Trung Cộng ngày càng tăng. Từ giới chức cao tầng đến cơ sở, toàn bộ hệ thống quan liêu đều đã thấy được tình thế nguy hiểm của Tập Cận Bình và ĐCST. Loại tình thế nguy hiểm này thậm chí đến cả nước ngoài cũng đều thấy được.
Bài báo đặt câu hỏi liệu Tập Cận Bình còn có đường lui hay không? Sự xuất hiện gần đây của Ôn Gia Bảo khiến mọi người nghĩ rằng với địa vị, kinh nghiệm và uy tín của mình, hẳn ông sẽ có cơ hội giúp Tập Cận Bình một tay.
Ôn Gia Bảo, cựu Thủ tướng của ĐCST, đã có lần xuất hiện hiếm hoi vào ngày 27/6 và viết vài chữ cho Học viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản của Trường Đại học Lan Châu, điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Năm 2012, trước khi hết nhiệm kỳ, cựu Thủ tướng DCST Ôn Gia Bảo đã liên thủ với Tổng Bí thư ĐCST Hồ Cẩm Đào, chủ trương hạ bệ các thành viên cốt lõi của tập đoàn đảo chính của Giang Trạch Dân gồm Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, giúp Tập Cận Bình, người mới được bổ nhiệm loại bỏ mối đe dọa lớn nhất vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề liên quan đến Hồng Kông, cả hai Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đều không tán thành với “phép nghiêm hình nặng” của Tập Cận Bình.
Theo các phương tiện truyền thông Hồng Kông trước đó đã trích dẫn nguồn tin rằng, tại cuộc họp Bắc Đới Hà hồi tháng 8 năm ngoái, các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCST đã có những bất đồng về vấn đề Hồng Kông. Hồ Cẩm Đào đại diện cho các nguyên lão công thần đã đưa ra cảnh báo với các quan chức cao cấp đương nhiệm cùng chung ý kiến với Tập Cận Bình rằng tuyệt đối đừng trở thành “nhân vật hung ác” của Hồng Kông.
Tập Cận Bình chủ trương “dùng hình phạt nghiêm khắc để mau chóng dẹp loạn” và ra lệnh cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông dưới sự kiểm soát của Văn phòng Liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung Ương tại Hồng Kông phải “bắt nhiều người” và tăng án phạt nặng.
Có nguồn tin khác cho hay, tại cuộc họp Bắc Đới Hà năm 2019, một nguyên lão của ĐCST đã viết một bức thư ngỏ có tựa đề đầy bi quan là “Liệu chúng ta sẽ còn gặp nhau ở Bắc Đới Hà vào năm tới?” và gửi cho tất cả những người tham dự hội nghị, trong thư có đưa ra 10 câu hỏi.
Thứ nhất, vấn đề Hồng Kông cuối cùng sẽ được giải quyết như thế nào?
Thứ hai, nền kinh tế Trung Cộng tiếp tục suy giảm, liệu sang năm ĐCST có còn tồn tại được?
Thứ ba, xã hội Trung Cộng dưới sự thống trị áp bức tàn khốc, ĐCST có còn tồn tại được đến sang năm?
Thứ tư, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đã trở nên như vậy, ĐCST còn có thể chèo chống cho đến sang năm?
Thứ năm, nếu người dân ở các dân tộc thiểu số như Tân Cương và Tây Tạng đột nhiên tất cả đều xuống đường biểu tình, ĐCST còn có thể trấn áp được họ không? Làm sao để giải quyết? Có thể bắt được tất cả không?
Thứ sáu, hiện giờ mọi người bên trong thể chế ĐCST đều đang tự cảm thấy nguy hiểm, điều này sẽ dẫn đến sự tiêu cực trong nội bộ đảng. Cùng với ảnh hưởng của các lực lượng ở nước ngoài, Trung Cộng nếu phát sinh biến động và bạo loạn bên trong, làm thế nào để giải quyết?
Thứ bảy, ĐCST vẫn có thể kiểm soát Internet và phương tiện truyền thông xã hội hay không?
Thứ tám, điều gì sẽ xảy ra nếu thâm hụt tài chính và nợ nước ngoài của Trung Cộng “bùng phát cùng lúc”?
Thứ chín, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, liệt kê tất cả các tài sản quốc gia của Trung Cộng ở nước ngoài là tài sản bất hợp pháp và tịch thu chúng, thì phải làm thế nào?
Thứ mười, hệ thống Ủy ban An ninh Quốc gia hiện tại của ĐCST, cũng giống như bãi bỏ Bộ Chính trị Trung ương ĐCST và Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Trung ương ĐCST. Mô hình này liệu còn có thể tiếp tục?
Một loạt các câu hỏi được đề cập ở trên được coi là đã mở đầu thời khắc quan trọng nhất của việc “ĐCST đánh nhau nội bộ và lấy ĐCST tiêu diệt ĐCST“.
Theo Zhu Xingrui, NTDTV
Vũ Dương biên dịch