Vai trò bà Thủ Tướng Đức sau khi Trump thắng cử tại Hoa Kỳ ?

Nữ Thủ Tướng Đức Angela Markel

Nữ Thủ Tướng Đức Angela Markel

Trong những ngày sau khi ông Donal Trump được bầu làm tân Tổng Thống siêu cường Hoa Kỳ, có lẽ đây là vị tổng thống được trúng cử gây nhiều tranh cải nhất của nước Mỹ và thế giới…vì trong lúc tranh cử ông muốn thay đổi toàn cảnh chính trị thế giới với những lời tuyên bố “gây ngạc nhiên” cho thế giới nhưng “đầy chú ý” của dân Mỹ. Ở Châu Âu vai trò của nữ thủ tướng Đức được nổi lên nào là bà Angela Markel sẽ làm thủ tướng lần thứ 4 của Đức (Angela Merkel, German Chancellor, to seek fourth term) , bà Angela Markel sẽ “lãnh đạo thế giới tự do” (vai trò Trump về bảo thủ nước Mỹ không lo chuyện thế giới), gần đây khi viếng thăm từ biệt nước Đức của TT Barack Obama, bà tuyên bố “không muốn đơn độc giữ gìn giá trị tự do…”. Dưới đây là những bài bình luận, bản tin về người đàn bà Angela Markel.

Angela Merkel, “lãnh đạo thế giới tự do”

Sau chiến thắng của nhà tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nước Mỹ có nguy cơ đi theo chủ nghĩa biệt lập và như vậy sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa. Vào lúc mà chủ nghĩa chuyên chế đang trỗi dậy ở những nước như Nga thay Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi khối Liên Hiệp Châu Âu chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, mọi con mắt đang đổ dồn vào thủ tướng Đức Angela Merkel, nay được xem như là “lãnh đạo thế giới tự do”.

Cho tới nay và nhất là vào thời chiến tranh lạnh, cụm từ “lãnh đạo thế giới tự do” vẫn được dùng cho tổng thống của Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới. Nhưng trong một bài viết đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian, nhà sử học Anh Quốc Timothy Garton Ash, giáo sư đại học Oxford, cho rằng kể từ nay, lãnh đạo thế giới tự do chính là bà Angela Merkel.

Để từ biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Barack Obama đã không đến Anh Quốc, đồng minh truyền thống của Mỹ, mà chọn nước Đức, như thể là ông muốn giao cho thủ tướng Merkel tiếp nối vai trò của ông.

Ngay chính tờ New York Times cũng đã nhận định rằng với việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel trở thành “người cuối cùng bảo vệ các giá trị nhân bản của phương Tây”. Còn đối với nhật báo cánh tả của Đức Die Tageszeitung, vai trò của thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng, vì bà phải làm sao duy trì sự gắn kết của khối Liên Hiệp Châu Âu, vừa đối phó với tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, vừa phải kềm chế Donald Trump.

Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã gây lo ngại cho phương Tây khi ông tuyên bố sẽ hành động theo phương châm “nước Mỹ trước đã”, kể cả trong quan hệ giữa Washington với các nước châu Âu. Trong bối cảnh này chỉ có nước Đức là bức tường thành vững chắc nhất, vì nước Anh thì phải lo chuyện Brexit, trong khi Pháp và Ý, hai trụ cột khác của châu Âu, thì đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.

Đa số dân Đức nay tin rằng thủ tướng Merkel sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới, vào lúc uy tín vẫn còn rất cao, thậm chí còn tăng thêm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo nhận định của bà Daniela Schwazer, giám đốc viện nghiên cứu DGAP của Đức, nhìn thấy những tác động từ chiến thắng của Trump đối với châu Âu, thủ tướng Merkel chắc chắn nghĩ rằng nhiệm vụ của bà chưa chấm dứt và bà phải tiếp tục lãnh đạo châu Âu.

Trong bức điện chúc mừng ông Trump thắng cử, bà Merkel đã đặc biệt nhấn mạnh đến những giá trị dân chủ, như thể bà không thật sự tin tưởng là tổng thống tương lai của Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị đó.

Chưa nói đến chuyện bảo vệ tự do dân chủ, trước mắt thủ tướng Đức sẽ phải đối đầu với xu hướng nước Mỹ thu mình lại, không còn muốn đóng vai trò “sen đầm của thế giới” nữa, theo dự báo của nhà phân tích Stefani Weiss, chuyên gia của tổ chức Bertelsmann.

Vấn đề là trên trường quốc tế, khuôn khổ hành động của nước Đức rất hạn hẹp, vì nước này không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài, tuy gần đây có đưa quân sang Mali để chống khủng bố Hồi giáo hoặc sang Litva để đối phó với mối đe dọa của Nga.

Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì ông Donald Trump đã tỏ ý muốn có một quan hệ hòa dịu hơn với tổng thống Nga Putin. Thêm vào đó, sau chiến thắng của nhà tỷ phú New York, sẽ có thêm nhiều nước chỉ trích chính sách nhập cư hào phóng của bà, cũng như chủ trương của bà thúc đẩy tự do mậu dịch toàn cầu và tích cực chống biến đổi khí hậu. Một gánh nặng quá lớn trên vai của vị nữ thủ tướng Đức, cho dù bà là một người rất có bản lĩnh.

Merkel không muốn đơn độc “giữ gìn” giá trị tự do dân chủ

Chuyến công du châu Âu cuối cùng của tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama chiếm trọng tâm trên các trang báo chí Pháp ngày 18/11/2016. Việc chọn Athens và nhất là Berlin để “nói từ biệt châu Âu”, được giới quan sát cho rằng ông Obama muốn thủ tướng Đức tiếp tục “gìn giữ” các giá trị dân chủ phương Tây trước đà đi lên của chủ nghĩa dân túy. Câu hỏi đặt ra: Liệu rằng bà Angela Merkel có muốn đảm nhận trọng trách này hay không?

Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận định, việc chọn Đức là nơi để “từ biệt” các lãnh đạo châu Âu là một quyết định mang tính biểu tượng. Vì sao chỉ có hai điểm đến này thôi mà không là Paris, hay Luân Đôn, đồng minh truyền thống của Washington ? Đó là vì hai thủ đô này đã “đối nghịch nhau dữ dội trong suốt những năm gần đây”.

Barack Obama muốn nhắc lại “tầm quan trọng của thách thức đang đè nặng lên sự thống nhất của toàn châu Âu“, theo như phân tích của bà Almut Moller, giám đốc văn phòng European Council on Foreign Realations đóng tại Berlin với báo Le Monde. Giải thích cho sự chọn lựa này, Le Figaro đưa ra một luận điểm khác cho rằng theo quan điểm của ông Obama, Athens là cái nôi của nền dân chủ và Berlin là chiến lũy của châu Âu.

Đối với tổng thống Mỹ mãn nhiệm, Berlin mới chính là trung tâm của châu Âu và ông có thể “trông cậy vào Merkel để ngăn chặn chủ nghĩa dân túy”“, là hàng tít lớn trên trang nhất của Le Figaro. Bởi vì bà mới chính là “đối tác tuyệt hảo” nhất, là “đồng minh thân cận nhất trong suốt 8 năm làm tổng thống Mỹ” (Le Monde) và chỉ có thủ tướng Đức mới có thể “giữ gìn được những giá trị tự do của phương Tây”.

Angela Merkel là một người có đức tính “bền bỉ” và sẵn sàng đấu tranh cho những “giá trị của phương Tây”, những đức tính mà ông Obama đã ca ngợi khi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Spiegel và ARD tại Đức. Trái với tuyên bố ca tụng thắng lợi của Donald Trump, bà cũng cứng rắn nhắc lại “những giá trị cơ bản” hình thành nền tảng cho mối quan hệ Mỹ – Đức. Những lời lẽ rất được giới báo chí tán thưởng cho rằng bà là người “xứng đáng” nhất trong số các lãnh đạo châu Âu và kêu gọi bà cầm lấy ngọn đuốc bảo vệ các giá trị dân chủ phổ quát.

Đối mặt với một vị tổng thống Mỹ vừa đắc cử gây lo ngại, chỉ có “Angela Merkel là chống Trump“, như tựa bài nhận định trên Libération. Vì sao ? Le Figaro cho rằng giữa bà Merkel và ông Trump có nhiều điểm đối lập. Ông Trump là tỷ phú, trong khi bà Merkel vẫn phải tự tay xách giỏ đi chợ. Ông Trump bốc đồng, bà Merkel điềm tĩnh. Một người khó đoán, người khác lại chính xác khoa học. Ông Trump la ó người tị nạn hay người Hồi Giáo, bà ấy lại là “thủ tướng của người tị nạn“.

Đức nắm quyền lãnh đạo châu Âu ?

Câu hỏi đặt ra: Phải chăng đã đến lúc Đức nắm giữ vai trò lãnh đạo tại châu Âu hay chưa ? Le Figaro và Le Monde có cùng quan điểm cho rằng “chưa chắc”. Đối với Berlin, “một vai trò lãnh đạo chỉ có thể có với các đối tác” như cảnh báo của ông Volker Perthes với Le Figaro.

Cho dù cuộc khủng hoảng Ukraina là cơ hội để Angela Merkel nắm lấy vai trò quyết định, nhưng nước Đức lại không có các phương tiện ngoại giao và quân sự để gây sức ép hàng đầu trong quan hệ quốc tế như khủng hoảng Syria cho thấy. Đức chưa thể nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP như đòi hỏi của các đối tác trong khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Do đó, cho dù ông “Barack Obama có đưa ra một cảm giác muốn thủ tướng Đức tiếp lấy vai trò bảo vệ thế giới tự do và dân chủ, chưa chắc gì bà Merkel thật sự muốn đảm nhận vai trò này“, theo như quan sát của nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer trên Le Monde.

Nếu như Le Fiagro cho là việc lãnh đạo bốn nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha phải tề tựu về Đức để hội đàm lần cuối với ông Obama cho thấy vai trò trung tâm của Berlin tại châu Âu, thì Le Monde nghĩ rằng “Điều đó chứng tỏ bà Merkel không muốn đơn độc mang ngọn đuốc bảo vệ nền dân chủ đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay“. 

Duy có một điều có lẽ La Figaro có lý, đó là việc ông Obama chọn Đức để nói lời giã biệt với châu Âu làm nổi rõ một điểm “Với Washington, Angela Merkel đã làm lu mờ François Hollande“.

Châu Âu ngơ ngác do Hoa Kỳ đổi hướng

Báo Le Monde tiếp tục bình luận về những tác động của việc Donald Trump thắng cử. Trong bài “Châu Âu ngơ ngác do Mỹ đổi hướng”, tờ báo nhấn mạnh, mô hình của châu Âu bị đe dọa vì hai đối tác thương mại hàng đầu thế giới, tức Mỹ và Trung Quốc, chủ trương giảm bớt mở cửa, bảo vệ các lợi ích quốc gia nhằm chống lại những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa.

Theo tờ báo, một trong những lý do giải thích vì sao các nhà quan sát không dự báo được thắng lợi của ông Donald Trump, đó là việc một bộ phận tầng lớp trung lưu đã bác bỏ tiến trình toàn cầu hóa. Có một thực tế hiển nhiên là việc Trung Quốc nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới, năm 2001, đã gây chấn động mạnh mà đến giờ người ta mới đánh giá được một vài hậu quả.

Tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa thể rõ tại hai quốc gia gần như thống trị thương mại thế giới. Tại Hoa Kỳ, việc giá cả nguyên nhiên liệu trên thế giới giảm, tình trạng các doanh nghiệp di dời ra nước ngoài đã làm cho mức lương nhân công bị đình trệ, nợ gia tăng vì hỗ trợ nhu cầu, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực giảm và hàng triệu người thất nghiệp. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế nói bối cảnh kinh tế đình đốn trong nhiều năm và nguy cơ thoái lạm. Một bộ phận tầng lớp trung lưu có cảm giác bị bỏ rơi và bị rơi xuống tầng lớp nghèo.

Còn tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế ở mức trên 10% trong nhiều năm đã làm giàu cho tầng lớp trung lưu, thế nhưng nước này vẫn còn tới 13% dân số sống trong cảnh rất nghèo khó. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng.

Chính trong bối cảnh đó mà lãnh đạo Trung Quốc và ban lãnh đạo mới tại Hoa Kỳ tin tưởng rằng cần phải chú trọng đến thị trường nội địa, áp dụng bảo hộ mậu dịch ở một mức độ nào đó và Nhà nước cần can thiệp để vực dậy một số ngành nghề ; các biện pháp này sẽ giúp làm giảm sự bất bình của người dân.

Do vậy, theo báo Le Monde, châu Âu bị mất phương hướng. Các phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ càng gây lo ngại hơn. Ngoài nguy cơ xem xét lại, thậm chí bác bỏ các thỏa thuận tự do thương mại với các nước châu Á, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ sẽ làm suy giảm trao đổi thương mại thế giới và gây ra hậu quả tiêu cực đối với tăng trưởng của châu Âu. Việc thay đổi chiến lược kinh tế của Mỹ còn có thể đi kèm với chính sách “tự cô lập” của Hoa Kỳ trên phương diện ngoại giao.

Các chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền sắp tới tại Mỹ phản ánh mối lo ngại là cái thế giới hiện nay đang dần dần biến mất. Bởi vì, kể từ sau đệ nhị thế chiến cho đến nay, nhờ có mối quan hệ ưu tiên với Hoa Kỳ mà châu Âu đã có thể khẳng định ảnh hưởng và lập trường của mình đối với phần còn lại của thế giới.

Ấy vậy mà trên lĩnh vực kinh tế, Donnald Trump lại có quan điểm trái ngược hẳn với lãnh đạo các nước trong khu vực đồng euro: giảm thuế ồ ạt, tăng chi tiêu công. Về ngoại giao, chính quyền sắp tới tại Mỹ chủ trương có quan hệ mang tính “xây dựng” với Matxcơva, trong lúc châu Âu và Nga đang có nhiều bất đồng, căng thẳng, đặc biệt trong vấn đề Syria, Ukraina. Trong trao đổi thương mại quốc tế, việc từ bỏ đàm phán về các thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tạo thêm sức mạnh cho phe tố cáo châu Âu ký kết các hiệp định thương mại bất bình đẳng với những nước nghèo.

Nói tóm lại, các tuyên bố của Donald Trump đe dọa mô hình hiện nay của giới lãnh đạo các nước châu Âu, theo đó, tự do mậu dịch là yếu tố tạo ra sự phồn thịnh của các quốc gia, duy trì kỷ luật ngân sách, coi ngoại giao thương mại là yếu tố mở rộng ảnh hưởng địa chính trị.

Các cam kết của Donald Trump còn thể hiện xu hướng quay trở lại mô hình Nhà nước – Quốc gia mà các lãnh đạo châu Âu không hề muốn vì hai lý do:

Trước tiên là không một nước châu Âu đơn lẻ nào có thể có sức nặng chính trị và kinh tế khi đối mặt với những nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga. Lý do thứ hai là chiến lược “mạnh ai nấy đi” sẽ dẫn đến tình trạng nhiều nước ở Trung và Đông Âu củng cố quan hệ song phương với Hoa Kỳ và điều này làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp và Đức.

Tin tức RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt