Vụ án Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang
Sài Gòn – Tác giả của các nhạc phẩm hát Lỡ Chuyến Đò Chiều, Chơi Vơi Câu Hò, Miền Trung Ơi, Người Việt Nam, Cho Con Ngày Mai,…, đã được nhiều ca sĩ, trong đó có Đan Trường, Mắt Ngọc hát, bị quy kết là phản động.
Trần Vũ Anh Bình 38 tuổi là một nhạc sĩ, được biết đến như là người chuyên viết về tình yêu quê hương đất nước, về con người Việt Nam hiền lành, mộc mạc, chân chất… Anh Bình cũng là ca viên ca đoàn liên xóm 7-8 giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn. Anh Bình có vợ và đứa con trai 7 tuổi. Anh bị bắt ngày 19/09/2011, đang bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu từ đó đến nay.
Cũng giống trường hợp của anh Việt Khang, do biểu tình và sáng tác nhạc có nội dung yêu nước nên anh đã bị bắt. Nhưng anh Việt Khang được nhiều người biết đến do 2 bài hát nổi tiếng “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu?” còn anh Bình thì ít người biết hơn.
Đã có nhiều tiếng nói yêu cầu nhà nước trả tự do cho Việt Khang. Yêu cầu đó dường như đã có tác dụng phần nào khi trong vụ án “Tuổi trẻ yêu nước” đang chuẩn bị đem ra xét xử. Theo bản kết thúc điều tra của công an Sài Gòn thì Việt Khang là người phụ thuộc, còn anh Bình lại là người đầu vụ.
Anh Bình có vào một số trang web để ca hát trong room nhạc tiền chiến, và tham gia phát biểu ý kiến riêng của của mình về kinh tế, thời sự, xã hội, nhất là về đời sống khó khăn nghèo khổ của người dân và bất công trong xã hội. Anh được bạn bè tạo cho blog “Thương Mẹ Việt Nam” anh đã viết bài, đăng nhạc và hình lên đó.
Anh Bình cũng đăng một số bài hát đấu tranh đòi tự do, nhân quyền của tác giả Hoàng Nhật Thông trên blog Nhacviet.tuoitreyeunuoc.com. An ninh (Cộng sản) Việt Nam cho là anh chính là tác giả của những bài hát ấy.
Mục đích việc đăng nhạc lên blog là để đấu tranh đòi nhân quyền, tự do vì anh thấy dân Việt Nam nghèo đói quá, ngư dân lại bị Trung Quốc bắn giết trên biển, khi người dân lên tiếng thì không ai bảo vệ, VN thiếu nhân quyền, không có tự do ngôn luận.
Bức xúc việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, ngư dân Việt Nam bị bắt, đánh đập, bị giết chết và bị đòi tiền chuộc, anh đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc ngày 5 và 12 tháng 6 năm 2011 với tư cách cá nhân, không đại diện cho một tổ chức nào. Khẩu hiệu “HS-TS-VN” là do anh làm. Lý do đưa anh ra tòa thì tuyệt nhiên không nhắc gì đến sự kiện này. Cũng giống như trường hợp của các bloggers, yếu tố biểu tình chống Trung Quốc đã bị loại ra khỏi cáo trạng.
Trong Bản cáo trạng, Viện Kiểm Sát (CSVN) nhận định: “Trần Vũ Anh Bình là đối tượng hoạt động đắc lực. Ngoài việc tạo lập và quản trị blog ‘Nhacviet.Tuoitreyeunuoc.com’ đăng những bản nhạc do Bình sáng tác hoạc biên tập, sưu tầm, Bình còn phát tán các bài viết có nội dung chống nhà nước; làm, tán phát cờ vàng ba sọc đỏ (cờ Ngụy); cắm, rải truyền đơn có nội dung chống nhà nước Việt Nam nhiều nơi tại các tỉnh Thái Nguyên, Long An, Đồng Tháp và TP. HCM.
Mục tiêu hoạt động của Nhóm “Tuổi Trẻ Yêu Nước” là tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, gây mất ổn định chính trị, khi có thời cơ thì nổi dậy xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ”.
Anh Trần Vũ Anh Bình bị Cơ quan an ninh điều tra bắt giam ngày 19/09/2011 và bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân TP/HCM truy tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo khoản 2 điều 88 Bộ Luật Hình Sự, Mức án ở khung này là 10 năm đến 20 năm tù. Ngày 06/07/2012 Hồ sơ đã chuyển qua Tòa án nhưng nay chưa lên lịch xét xử.
Cho đến nay, theo luật pháp Việt Nam, không có một văn bản luật nào nói đến việc “tán phát cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” là tội cả. Điều 2, Bộ luật hình sự (năm 2009) xác định: “Cơ sở của trách nhiệm hình sự: Chỉ người nào phạm một hay nhiều tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Mà Bộ luật hình sự này không hề nói đến chuyện Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, do đó cách quy kết tội của Viện Kiểm Sát cho anh Bình “là tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, gây mất ổn định chính trị, khi có thời cơ thì nổi dậy xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ”, là một nhận xét vu vơ, chủ quan và tùy tiện, không nêu ra được hành vi phạm tội. Nhất là không chỉ rõ ra ai là người bị hại, và mức độ bị thiệt hại do việc anh Bình gây ra như thế nào?
Đó là chưa bàn đến trong lịch sử Việt Nam, chỉ có đội quân mang “Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ” là đương đầu với Trung Quốc xâm lược để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Khi nghe các nhạc phẩm của anh Bình, anh Quang ở Chợ Sặt, Đồng Nai nhận xét: “Tinh thần thể hiện trong các bài hát là tình yêu quê hương đất nước, sao lại gọi là phản động khi thể hiện tình yêu với đất nước của mình, thật khó hiểu”.
Bạn Ngọc, một sinh viên ngành xã hội học nghe từng bài và có nhận xét cụ thể: “Bài Người Việt Nam: Nhạc mang âm hưởng dân tộc, lời nhạc ý nghĩa, hùng dũng. Có câu này “Việt Nam tiến lên cho quê hương ngời sáng, trời đông thêm rạng ngời” [rất hay] có thể bị quy là kêu gọi “phản động, chống phá nhà nước cách mạng” chăng?
Bài Cho Con Ngày Mai: Chỉ đơn thuần là bản nhạc ca ngợi công ơn người cha âm thầm “vượt qua bão giông chông chênh tháng ngày” nuôi dạy con mình. Không có gì bất thường. Hơn nữa, đây còn là bản nhạc thể hiện tâm tình biết ơn người cha của đứa con đã chứng kiến đôi vai hao mòn của ông từng ngày.
Bài Miền Trung Ơi: giai điệu bài này tha thiết quá, lời của người con trai phải rời bỏ quê hương ra đi [đi đâu không biết] nói với quê hương và người em gái của mình. Với những từ “cố hương” “ngăn cách lối” có khi nào là nguyên nhân bị quy kết phản động? Một bài hay và tình cảm như thế này. (Nghe nhạc Miền Trung Ơi audio dưới đây)
Tóm lại, cả ba bài đều nói lên tình cảm yêu quê hương tha thiết của tác giả, không hề có dấu vết gì gọi là “phản động” cả. Nếu bị gọi như thế thì phải xem lại định nghĩa “yêu nước”. Có lẽ phải đổi ngược lại định nghĩa của hai khái niệm đó mới đúng với nhà nước XHCN”.
VRNs xin giới thiệu bài “Người Việt Nam” (audio dưới) để quý vị cùng nghe để biết chàng nhạc sĩ trẻ Trần Vũ Anh Bình đang bị ghép tội một cách gian manh như thế nào.
trích: