Ukraine sẽ nhận vũ khí gì trong những ngày tới?

Máy bay vận tải Mỹ vận chuyển những khẩu pháo M777 tới viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle)

Tổng thống Ukraine, Zelensky hầu như hằng ngày đều yêu cầu cung cấp nhiều vũ khí sát thương hơn. Mỹ và Đức và một số quốc gia tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hạng nặng để đối phó quân xâm lược Nga. Chúng ta xem Ukraine sẽ nhận những vũ khí gì trong những ngày tới? Và những vũ khí này có làm Nga chùn bước trên chiến trường Ukraine hay không?

Tin tổng hợp từ các báo chí Mỹ và châu Âu về cung cấp vũ khí cho Ukraine

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 2/6, Ukraine cho rằng, họ không thể thắng được ở chiến trường vùng Donbass nếu không có vũ khí hạng nặng. Để vô hiệu hoá ưu thế về số lượng của quân đội Nga, Mỹ các đồng minh Tây phương cung cấp cho Ukraine hàng nghìn loại vũ khí và đạn dược.

Mặt khác, NATO không muốn mạo hiểm xảy ra chiến tranh với Nga. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng các nước cung cấp vũ khí đã có thể được coi là một hành động chiến tranh – đặc biệt nếu vũ khí được cung cấp có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Trước vấn đề này, nhóm nước ủng hộ Ukraine đang thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng lợi hại để xem những loại vũ khí nào có thể được cung cấp cho Ukraine.

Hoa Kỳ, quốc gia cung cấp nhiều vũ khí nhất

Vào cuối tháng 5, tình hình càng trở nên rõ ràng hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng theo yêu cầu của chính phủ Ukraine, ông đã quyết định cung cấp cho quân đội Ukraine các giàn phóng hoả tiễn di động, như Hệ thống phóng hỏa tiễn nhiều nòng (Multiple Launch Rocket System – MLRS) hoặc Hệ thống hoả tiễn nhiều nòng dễ dàng di chuyển (High Mobility Artillery Rocket System – HIMARS).

Pháo nhiều nòng chạy bằng bánh dây xích Mỹ viện trợ cho Ukraine: Multiple Launch Rocket System – MLRS

Cả hai đều là loại hệ thống di động có thể phóng nhiều loại hoả tiễn khác nhau. Điểm khác biệt chính là mặc dù HIMARS được lắp trên xe tải nó không phải là xe bánh xích và chạy bằng bánh cao su có khả năng di chuyển nhanh và ít tốn kém nhiên liệu. Và quan trọng nhất, HIMARS nhẹ bằng 1/3 MLRS nên dễ dàng vận chuyển số nhiều bằng máy bay vận tải quân sự.

Pháo nhiều nòng chạy bằng bánh cao su HIMARS

Cả hai hệ thống này đều có khả năng phóng các loại đạn hoả tiễn tầm trung với tầm bắn lên tới hàng trăm cây số. Tuy nhiên, Washington chỉ cung cấp các loại đạn có tầm bắn tối đa không quá 80 cây số dùng đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine. Hệ thống radar do Mỹ sản xuất để phòng thủ pháo binh cũng sẽ giúp cho việc sử dụng các hệ thống này. Washington cho biết, Ukraine đã bảo đảm rằng loại vũ khí này sẽ không được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ nước Nga.

Ngày 1/6 vừa rồi, những nguồn tin thông thạo cho biết chính phủ Mỹ đã có kế hoạch bán 4 máy bay không người lái MQ-1C Gray Eagle cho Ukraine.

Theo Reuters ngày 1/6, trích dẫn ba người quen thuộc cho tin về vấn đề này, nói chính quyền của TT Joe Biden sẽ báo cho Quốc Hội Hoa kỳ về việc mua bán này trong vài ngày tới và dự kiến ​​sẽ ra thông báo sau đó. Các máy bay không người lái (UAV) dự kiến ​​bán cho Ukraine có thể được trang bị hoả tiễn Hellfire còn gọi là “lửa địa ngục” để chống lại Nga trên chiến trường.

Nhưng tin cũng cho biết việc bán máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle do General Atomics sản xuất viện trợ cho Ukraine vẫn có thể bị Quốc Hội Mỹ ngăn chặn và cũng có khả năng đảo ngược chính sách vào phút chót có thể phá vỡ kế hoạch này.

Có tin Mỹ sẽ cung cấp máy bay không người lái MQ-1C cho Ukraine. Hình trên là UAV MQ-1C

Hiện Ukraine đã và đang sử dụng một số UAV tầm ngắn, nhỏ hơn để chống lại Nga, bao gồm RQ-20 Cougar do công ty Aero Vironment của Mỹ và Bayraktar-TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

MQ-1C Grey Eagle UAV có những tiến bộ cao về kỹ thuật công nghệ, có thể bay liên tục 30 giờ hoặc hơn tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ và có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu cho các nỗ lực tình báo. Ngoài ra, nó có thể mang 8 hoả tiễn Hellfire “lửa địa ngục” phóng từ máy bay xuống mục tiêu dưới đất có hướng dẫn mục bằng radar thông minh.

Các chuyên viên về máy bay không người lái, cho rằng nói chung MQ-1C là loại máy bay lớn hơn với trọng lượng gấp khoảng 3 lần so với Bayraktar-TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, với những ưu thế tuyệt đối về tình báo, đánh chặn và vận tốc.

Các nguồn tin cho biết, việc huấn luyện điều khiển hệ thống máy bay không người lái của General Atomics thường mất mấy tháng, nhưng trong những tuần gần đây, công ty này đã khởi động một chương trình đào tạo những người Ukraine có thể vận hành và bảo trì trong vài tuần. Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine hoả tiễn Hellfire sau khi huấn luyện xong việc sử dụng UAV.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát đến nay, Mỹ là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Ukraine. Đặc biệt, hoả tiễn vác vai Javelin (chống xe tăng) và Stinger (phòng không) đã đóng vai trò ngăn chặn cuộc tấn công của Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Đối với chiến dịch Donbass không thể đoán trước được kết cục đến bao lâu, Mỹ và các quốc gia NATO khác cũng cung cấp cho quân đội Ukraine các trực thăng quân sự và pháo binh 155mm, và sẽ tiếp tục cung cấp số lượng nhiều hơn nữa.

Đức: cung cấp nhiều loại vũ khí vẫn bị chê trách

Ukraine và nhiều đối tác NATO đã chỉ trích Đức về thái độ lừng khừng, chậm chạp cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chính phủ Đức biện luận rằng họ đã và đang tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận nội bộ của NATO. Trên thực tế, đến nay Đức đã cung cấp cho Ukraine hàng chục nghìn vũ khí hạng nhẹ như súng trường, mìn, hoả tiễn chống tăng, hoả tiễn chống công sự chiến đấu (bong-ke) và hàng triệu viên đạn. Nhưng chưa cung cấp vũ khí hạng nặng.

Cách đây vài tuần, chính phủ Đức đã cam kết cung cấp 50 xe tăng phòng không “Gepard” và 7 pháo tự hành chống tăng PzH-2000 đời cũ. Không giống như loại pháo binh xe kéo có thể tự di chuyển vị trí khác sau mỗi lần bắn.

Xe tăng phòng không Đức cung cấp cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố tại Hạ Viện Đức hôm thứ Tư (1/6) rằng ông sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa tiễn phòng không IRIS-T tối tân nhất cùng radar theo dõi và định vị hiện do quân đội Đức sở hữu, đồng thời lấy ra 4 hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng từ kho hàng của Quân Đội Đức để viện trợ Ukraine.

Có một vấn đề trong việc cung cấp vũ khí của phương Tây là binh lính Ukraine hầu hết không quen sử dụng. Đối với các vũ khí đơn giản, chỉ cần đọc một bản hướng dẫn ngắn là có thể sử dụng. Nhưng các chuyên viên cho biết rằng việc huấn luyện sử dụng một hệ thống vũ khí phức tạp như xe tăng phòng không “Gepard” có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Đây là một lý do khác khiến Đức tham gia vào cái gọi là “trao đổi lòng vòng”. Ví dụ, Đức đã chuyển các xe tăng chiến đấu chủ lực “Marder” và “Leopard-2” từ kho của Quân đội Đức sang Cộng hòa Séc, Slovenia và Hy Lạp để đổi lấy việc các nước này cung cấp cho Ukraine các xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh do Liên Xô sản xuất mà quân đội Ukraine đã quen sử dụng.

Đan Mạch: cung cấp hoả tiễn chống hạm Harpoon

Hoả tiễn chống hạm Harpoon Đan Mạch cung cấp cho Ukraine

Không chỉ Donbass trở thành một chiến trường khốc liệt. Hạm đội Hắc Hải (Black Sea) của Nga cũng có mặt ngoài bờ biển phía Nam của Ukraine, dù bị bắn chìm Soái Hạm Moscow và nhiều tàu chiến và tàu tiếp liệu. Cho đến nay, Ukraine chủ yếu chỉ có thể thủy lôi trên biển để bảo vệ Odessa và các thành phố ven biển khác. Do Ukraine không có lực lượng hải quân hùng mạnh, nên tuyến bờ biển của nước này ở phía Nam phần lớn không được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ biển.

Đan Mạch đã cam kết cung cấp loại hoả tiễn chống hạm Harpoon sử dụng trong mọi thời tiết, việc làm này giúp gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ bờ biển của Ukraine và thậm chí phá vỡ sự phong tỏa đường biển đã cắt đứt phần lớn Ukraine khỏi thị trường thế giới chuyên chở bàng tàu thuỷ.

Anh: cung cấp hoả tiễn, xe thiết giáp và UAV

Chính phủ Anh, cũng như Thủ Tướng Boris Johnson nói họ đã cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm nhiều loại vũ khí chống xe tăng khác nhau như hoả tiễn vác vai Javelin và Stinger, mà lính bộ binh có thể sử dụng để chống lại các mục tiêu trên không và trên bộ chỉ sau một vài ngày huấn luyện. Ngoài ra, Anh đã cung cấp các hệ thống hoả tiễn lớn hơn có thể được phóng từ trên xe hoặc từ mặt đất.

Anh cung cấp giàn phóng hoả tiễn Brimstone-1 cho Ukraine

Theo Bộ trưởng Quốc phòng James Heappey, Anh cũng sẽ gửi hàng trăm hoả tiễn Brimstone-1 tới Ukraine để tiêu diệt các xe tăng, vị trí pháo binh và tàu thủy hạng nhẹ của Nga. Ngoài ra còn có 120 xe chiến đấu bộ binh Mastiff có áo giáp bảo vệ chống mìn và các máy bay vận tải không người lái cỡ nhỏ để cung cấp lương thực và đạn dược cho tiền tuyến.

Cộng hòa Séc: cung cấp xe tăng, xe chiến đấu, dàn pháo phản lực, trực thăng

Có thông tin cho rằng Cộng hòa Séc đã cung cấp cho Ukraine một số lượng không xác định các loại xe thiết giáp và xe tăng chiến đấu, nhiều giàn phóng hoả tiễn nhiều nòng pháo binh, có thể cả trực thăng vũ trang do Liên Xô sản xuất. Rõ ràng là nước này có ý định cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng. Vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Cộng Hòa Séc – James Heappey đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp vũ khí liên tục cho Ukraine.

Nhiểu nước khác cung cấp vũ khí cho Ukraine

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, một số quốc gia bao gồm Canada, Italy, Hy Lạp, Na Uy và Ba Lan cũng đang có kế hoạch cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo binh và hàng chục nghìn viên đạn pháo cỡ 155mm. Giống như Đức, Hà Lan quyết định cung cấp cho Ukraine một số pháo tự hành PzH-2000.

Pháo tự hành PzH-2000

Cả pháo binh dã chiến M777 Howitzer và pháo tự hành PzH-2000 thường được các thành viên NATO sử dụng đều có thể bắn các loại đạn khác nhau, chẳng hạn như đạn phân mảnh, đạn khói nhiều màu, đạn chiếu sáng hoặc đạn phá huỷ mục tiêu. Tuy nhiên, lựu pháo tự hành PzH-2000 có thể bắn đạn pháo tầm xa, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 40 cây số; Cổ pháo M777 có tầm bắn tối đa 25 cây số.

Tin tổng hợp hrttp://vietquoc.org

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt