Úc-Trung Cộng căng thẳng… mắt xích “Vành đai, Con đường” của Tập bị đứt

Úc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin 99 năm với Trung Cộng

Hải cảng Darwin miền Bắc nước Úc cho Trung Cộng thuê 99 năm, nay xét lại vấn đề

Bộ Quốc Phòng Úc đang xem xét lại hợp đồng cho tập đoàn Trung Cộng Landbridge thuê cảng Darwin (miền bắc) trong vòng 99 năm. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định “chính phủ sẽ hành động” nếu “cơ quan tình báo cho rằng có những rủi ro đối với ninh quốc gia” liên quan đến hợp đồng trị giá 506 triệu đô la Úc (390 triệu đô la Mỹ).

Cảng Darwin, được tập đoàn Trung Cộng Landbridge ca ngợi trong một đoạn video quảng cáo năm 2019 là một trong những mắt xích của dự án hạ tầng đầy tham vọng của Tập Cận Bình, hiện trở thành một điểm chiến lược quan trọng đối với an ninh quốc gia Úc. Vì vậy, theo ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của ASPI, “đã đến lúc chấm dứt hợp đồng cho thuê cảng Darwin” với 4 điểm thay đổi được nêu trong bài phân tích ngày 04/05/2021.

– Thứ nhất: Trung Cộng, dưới thời Tập Cận Bình, ngày càng hung hăng tìm cách thống trị vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hất Mỹ để trở thành lực lượng quân sự chính trong vùng, làm suy yếu các đồng minh của Hoa Kỳ và trừng trị mọi ý kiến đi ngược lại mong muốn của Bắc Kinh. Hiện giờ Canberra “vỡ mộng” về “khả năng lớn mạnh của Trung Cộng chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ an ninh trong khu vực và thế giới” được ca ngợi trong Sách Trắng Ngoại Giao của Úc năm 2017. Trung Cộng tung hoành xâm lấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, uy hiếp Đài Loan, đe dọa Úc… Theo nhà nghiên cứu Úc, Bắc Kinh tỏ rõ mục đích phá vỡ trật tự thế giới, thay vào đó là sự kiểm soát chuyên quyền.

– Thứ hai: hợp tác kinh tế “đôi bên cùng có lợi” hiện trở thành công cụ bắt chẹt và trừng phạt của Trung Cộng. Canberra bất lực nhìn Bắc Kinh lần lượt tăng thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như rượu vang, thịt bò, nông phẩm… Bắc Kinh không ngần ngại trừng phạt mọi bất đồng nào bị cho là mang tính “phá hoại”. Và theo những phát biểu của đại sứ Trung Cộng tại Úc, chính Canberra phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ tiêu cực song phương hiện nay.

– Thứ ba: Tập Cận Bình gia tăng quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản đối với các doanh nghiệp Trung Cộng và Hồng Kông, thông qua Luật Tình báo Quốc gia 2017 và Luật An ninh Quốc gia được áp dụng ở đặc khu hành chính từ năm 2020. Bằng chứng mới nhất về sức mạnh của Đảng là trường hợp nhà tỉ phú Mã Vân của Alibaba bị “thất sủng”.

Tập đoàn Landbrigde, quản trị cảng Darwin, không nằm ngoài quy luật này, thậm chí khẳng định là “đang thực hiện giấc mộng Trung Hoa”. Liệu “nhiệt thành” của các thương gia Trung Cộng đối với mục tiêu đề ra của đảng Cộng Sản có tác động đến những công trình hạ tầng trọng yếu ở Úc do phía Trung Cộng kiểm soát vào lúc mà Bắc Kinh muốn “trừng phạt” Canberra không ?

– Thứ tư: chiến lược về Trung Cộng của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden đã thay đổi. Trước nguy cơ xung đột gia tăng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Washington áp dụng chiến lược “phân tán” lực lượng để giảm bớt khả năng đối thủ tấn công vào những khu vực quan trọng Guam và Nhật Bản.

Theo tình hình này, miền bắc Úc có vị trí chiến lược quan trọng hơn đối với an ninh trong vùng, không chỉ đối với Úc mà còn cho cả các đồng minh của Canberra. Vì vậy, việc kiểm soát cảng cũng trở nên quan trọng hơn so với tình hình năm 2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Úc lúc đó, Dennis Richardson, khẳng định hợp đồng cho thuê cảng Darwin trong vòng 99 năm không hề đe dọa đến an ninh quốc phòng, dù hải cảng Darwin chỉ cách cảng HMAS Coonawarra của Hải Quân Úc khoảng 8 km.

Nhà nghiên cứu Úc cho rằng trước một Trung Cộng không che giấu tham vọng thống trị khu vực, các nước trong vùng phải xem lại những rủi ro của các công trình hạ tầng có liên quan đến doanh nghiệp Trung Cộng. Phá vỡ hy vọng kinh doanh cùng có lợi là việc hi hữu, gây khó chịu nhưng có lẽ là điều cần thiết để định hình thực tế chiến lược dựa trên những gì đang xảy ra.

Úc hủy một thỏa thuận về Con đường Tơ lụa mới của Trung Cộng

Quan hệ giữa Úc và Trung Cộng lại thêm căng thẳng sau khi chính phủ Canberra, hôm 21/04/2021, thông báo hủy bỏ một thỏa thuận mà chính quyền tiểu bang Victoria đã ký với Bắc Kinh để tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Cộng.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc: Peter Dutton

Phát biểu trên đài phát thanh sáng nay, bộ trưởng Quốc Phòng Peter Dutton tuyên bố chính phủ Úc rất “lo ngại” khi thấy các chính quyền địa phương ký những thỏa thuận như vậy với Bắc Kinh. Bộ trưởng Dutton nói thẳng: “Chúng tôi không thể cho phép ký loại thỏa thuận này, bởi vì chúng được sử dụng vào những mục đích tuyên truyền”. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng việc chính phủ Úc hủy bỏ thỏa thuận nói trên gây ra “một sự tổn hại nghiêm trọng” cho quan hệ giữa hai nước. Phát ngôn viên Vương Văn Bân cảnh báo là phía Trung Cộng “bảo lưu quyền thi hành các biện pháp bổ sung về vấn đề này”

Thông tín viên Grégory Plesse có phần tường trình:

Trái với chính sách ngoại giao của Úc”, đó là lý do mà ngoại trưởng Úc Marise Payne đưa ra khi thông báo quyết định hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền tiểu bang Victoria đã ký với Trung Cộng về việc tham gia dự án Con đường tơ lụa mới.

Chính phủ Canberra có quyền phủ quyết như vậy kể từ tháng 12 năm ngoái sau khi thông qua một luật mới về quan hệ đối ngoại. Chiếu theo luật này, chính phủ liên bang Úc có quyền ngăn chận mọi thỏa thuận ký kết giữa các tiểu bang, các đại học với một chính phủ nước ngoài, nếu họ xét thấy thỏa thuận này là trái với lợi ích quốc gia.

Đối với tiểu bang Victoria, tiểu bang đông dân nhất nước Úc, các thỏa thuận như vậy là một phương tiện để thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm cho địa phương. Nhưng ngược lại chính phủ Canberra xem các dự án Con đường tơ lụa mới là một mối đe dọa, có thể làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của nước Úc trong khu vực. 

Quyết định của Canberra dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh bất bình trong bối cảnh mà quan hệ giữa hai nước đã rất căng thẳng từ nhiều tháng qua. Nước Úc, vốn vẫn đòi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus gây đại dịch virus Vũ-Hán, hiện đang bị những trừng phạt thương mại, đặc biệt nhắm vào đại mạch, thịt bò và rượu đóng chai, những sản phẩm mà Trung Cộng là thị trường hàng đầu thế giới.

Chính phủ Úc mạnh mẽ công khai lên án Trung Cộng

Thủ Tướng nước Úc: Scott Morrison

Có thể nói, sự căng thẳng trong mối quan hệ Úc – Trung Cộng nóng rát như một ngọn lửa âm ỉ qua nhiều năm và bùng cháy dữ dội từ khi đại dịch virus Vũ Hán xảy ra cho đến nay. Thực chất của sự căng thẳng này là gì, tại sao Canberra mạnh mẽ lên án Bắc Kinh, nền kinh tế Úc có thật sự bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự trả đũa của Trung Cộng, xu hướng nào cho sự phát triển của mối quan hệ Úc – Trung.

Những vấn đề này sẽ được phân tích dưới cách nhìn của ông Paul Huy Nguyễn, một Kế toán gia trong lĩnh vực tư vấn tài chính và thương mại, một Nhà bình luận các vấn đề về Kinh tế Úc, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do New South Wales.

RFI Tiếng Việt  phỏng vấn:

RFI: Thưa ông, bằng kinh nghiệm chuyên môn cũng như sự nhạy bén trong bình luận các vấn đề về kinh tế, xin ông cho biết quan điểm của mình về mối quan hệ căng thẳng giữa Úc – Trung Cộng hiện nay?

Ông Paul Huy Nguyễn: Sự thịnh vượng của nước Úc sau hơn ba thập niên cũng là sự tăng trưởng bộc phát của nền kinh tế Trung Cộng. Vì vậy, qua đó, người Úc nhìn thấy được sự thịnh vượng của mình là nhờ sự phát triển kinh tế Trung Cộng. Người ta thường nói, kinh tế Trung Cộng tăng bao nhiêu thì GDP Úc cũng sẽ tăng bấy nhiêu phần trăm.

Trung Cộng vẫn nghĩ, nền kinh tế Úc thịnh vượng trong ba thập niên qua là nhờ sự đóng góp của Trung Cộng. Cho nên, Bắc Kinh dường như muốn lấn át qua cả những giá trị khác của nước Úc, chẳng hạn quyền tự chủ, tự quyết của một đất nước. Đó chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự căng thẳng.

Từ ngày thủ tướng Scott Morrison công bố nước Úc là một trong những nước phải lên tiếng về cúm Vũ Hán và đồng thuận kêu gọi các nước khác đứng ra để điều tra việc này thì Bắc Kinh tỏ vẻ rất bất bình và cho rằng Úc đã phản bội lại Bắc Kinh. Chính sự bất bình đã dẫn đến sự trả đũa của họ về kinh tế.

RFI: Theo ông, tại sao chính phủ của thủ tướng Scott Morrison công khai lên án, chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Cộng dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình đối với hàng loạt các vấn đề có liên quan trong và ngoài nước Úc?

Ông Paul Huy Nguyễn: Thủ tướng Scott Morrison là dưới thời của chính phủ Liên đảng. Và, đường lối của chính phủ Liên đảng kể từ thời của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull (nhiệm kỳ 2015-2018) đã có những chính sách và đường lối rất cứng rắn về quyền tự quyết. Giáo sư Clive Hamilton đã ra một cuốn sách “Silent Invasion: China’s Influence in Australia”, có nghĩa là có một sự xâm lăng ngầm của Trung Cộng ở Úc. Nhưng thật sự không ngầm một tí nào cả, mà càng ngày càng xâm lăng rất rõ ràng, đó là xâm lăng về kinh tế.

Khoảng chừng 10 năm gần đây, làn sóng người Trung Cộng thu mua bất động sản, nhà đất cho đến các cơ sở bất động sản huyết mạch, trang trại, hầm mỏ và cố gắng sở hữu những tài sản chiến lược của nước Úc. Nhiều người Úc cho rằng, đây là một sự thao túng về kinh tế và từ đó gây ảnh hưởng về chính trị. Đây là một sự dìu dắt của Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình: giấc mơ làm bá chủ toàn cầu. Và, Úc là một nơi mà Trung Cộng thí dụ cho thế giới biết đây là một nước dân chủ, văn minh, đã phát triển mà bị Trung Cộng gây sức ảnh hưởng.

Năm 2018, cựu thủ tướng Malcolm Turnbull ra đạo luật “Foreign Interference”, đạo luật chống sự can thiệp của ngoại quốc. Và gần đây, 12/2020, Thủ tướng Scott Morrison cũng ra đạo luật để tiếp nối đạo luật này là “Australia’s Foreign Relation (State and Territory Arrangement) Bill 2020”. Có nghĩa, chính quyền liên bang có quyền hủy bỏ hoặc ngăn chặn các thỏa thuận do các chính quyền tiểu tiểu bang, vùng lãnh thổ hoặc các trường đại học công ký kết với các chính phủ nước ngoài. Hai đạo luật ra đời để ngăn chặn sự bành trướng của những thế lực nào đó.

Thủ tướng Morrison vẫn giữ quyền tự quyết của ông ta và làm sao hướng nước Úc mạnh mẽ hơn. Cho nên, những lời nói, sự ngăn chặn sự thu mua gần đây của Trung Cộng mà Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã mạnh mẽ từ chối vì hai lý do: sự thu mua đó ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia; cũng như ảnh hưởng đến sự thao túng về chính trị. Chính điều này đã làm cho Trung Cộng càng nổi giận hơn.

RFI: Sau những phát ngôn mạnh mẽ từ Canberra, Bắc Kinh đã giáng đòn trả đũa lên ngành thương mại, theo đó, nền kinh tế Úc đã bị ảnh hưởng như thế nào, xin ông cho biết?

Ông Paul Huy Nguyễn: Nhiều bình luận gia cho rằng, nếu Trung Cộng phong tỏa hết và không mua đồ của Úc thì nước Úc sẽ bị ảnh hưởng co cụm tới mức 16% GDP. Trong khi, ngược lại, nếu Úc quyết định không mua đồ của Trung Cộng, thì Trung Cộng chỉ ảnh hưởng chừng 0,6% thôi. Như vậy, chúng ta thấy, kinh tế Úc lệ thuộc nhiều vào Trung Cộng bởi vì xuất cảng của nước Úc tới Trung Cộng gần 40%.

Trong năm 2020, Trung Cộng đưa ra danh sách 14 sự bất bình vì Trung Cộng đang có hướng nghĩ là trong suốt 30 năm vừa qua, Úc có được sự thịnh vượng như vậy là nhờ Trung Cộng đã đóng góp vào nền kinh tế Úc. Trung Cộng bất bình vì Úc đưa ra những lập luận về an ninh quốc gia để từ chối không cho Trung Cộng vào. Từ đó, Trung Cộng làm tất cả mọi thứ có tính chất trả đũa: không cho mang rượu vào vì cho rằng rượu giả với giá rẻ để phá giá thị trường, nho bị hư, gỗ bị mối, lúa mạch có vấn đề, tôm hùm, …

Nhưng có một điều mà nhiều người không đế ý đến là tại sao Thủ tướng Scott Morrison, Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg và tân Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan hầu như không quá vẻ lo âu. Điểm chính là chúng ta có quặng sắt rất lớn và có thể nói Trung Cộng không bao giờ dám đụng đến. Nếu Úc không bán những quặng sắt cho Trung Cộng sản xuất ra sắt thép, có lẽ kinh tế Trung Cộng sẽ bị kiệt quệ.

Giá quặng sắt của chúng ta gia tăng vượt bật, trong những thời kỳ thấp nhất là 40 USD/tấn mà bây giờ lên 160 USD/tấn. Đó là một con số khổng lồ đã mang lại lợi nhuận cao cho kinh tế Úc. Chỉ có 4 nước mà Trung Cộng có thể mua quặng sắt là: Úc, Brazil, Nam Phi và Canada. Trong đó, Úc đứng đầu và số lượng mà Trung Cộng thu mua vừa rồi là 800 triệu tấn. Trong khi, quặng sắt ở Brazil thì đang đóng cửa cho nên Bắc Kinh rất tức tối và đang tìm các thị trường khác để trả đũa lại.

Nhưng, tôi không nghĩ là chuyện đó có thể xảy ra vì quãng đường vận chuyển từ Úc đến Trung Cộng chỉ chừng 13 ngày. Trong khi, nếu mua từ Brazil lên đến 55 ngày. Sự khác biệt thời gian không có khả thi. Những yếu tố đó cộng lại, cho thấy, vì sao Úc vẫn không bị hề hấn gì tuy có sự sụt giảm về đầu tư. Quặng sắt là điểm mấu chốt giữ sự thịnh vượng cho nền kinh tế Úc. 

RFI: Cuối tháng 2 vừa qua, đại học Quốc gia Úc công bố trong một nghiên cứu, tổng đầu tư của Trung Cộng vào Úc năm 2020 là 800 triệu đô la, giảm mạnh so những năm trước. Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là gì?

Ông Paul Huy Nguyễn: Có nhiều nguyên nhân hợp lại. Cụ thể, trong những năm gần đây, những thành phố lớn như Sydney, Melbourne, có hiện tượng là những người mua nhà bị giành mất bởi những người Trung Cộng nên chính phủ liên tiểu bang và một số chính phủ tiểu tiểu bang ra đạo luật đánh thuế rất cao đối với các nhà đầu tư của nước ngoài vào Úc.

Cùng với hai đạo luật đã ban hành, Bắc Kinh loan tin Úc không phải là điểm đến đầu tư; bêu xấu rằng, Úc không phải là nơi tốt cho du học sinh, vì vậy, sự sụt giảm kinh tế rất rõ ràng.

RFI: Một cách cụ thể, các doanh nghiệp Úc đã bị ảnh hưởng như thế nào và chính phủ Úc đã làm gì để hỗ trợ họ?

Ông Paul Huy Nguyễn: Chính phủ Úc rất băn khoăn khi mà thấy được sự trả đũa này vì dù gì chăng nữa nó cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bao nhiêu công ăn việc làm ở các ngành nghề như các đại công ty rượu được yêu chuộng suốt cả thập niên qua đã bị ngừng lại, các nông trại thịt bò, lúa mạch, tôm hùm, trái cây. Tuy vậy, nước Úc đang cố gắng lèo lái con thuyền đi qua thị trường khác.

Một trong những định luật của đầu tư, chúng ta không nên đầu tư vào một nơi, không nên bỏ tất cả quả trứng vào một cái rổ. Ấn Độ, Trung Đông, và người láng giềng Indonesia có thể là ba thị trường tương lai để cho các doanh nghiệp Úc chuyển hướng đến.

Đồng thời, chính phủ Úc cũng có suy nghĩ khi đại dịch COVID -19 xảy ra, rõ ràng chúng ta quá lệ thuộc về sản xuất của ngoại tiểu bang. Theo truyền thống, trong suốt hai thập niên qua, chúng ta mất cả triệu việc làm về sản xuất vì giá thành quá cao. Chính phủ liên tiểu bang đang hướng các doanh nghiệp tái sản xuất các mặt hàng của Úc để có một sự độc lập hơn chứ không bị quá lệ thuộc.

RFI: Mối quan hệ Úc – Trung Cộng sẽ phát triển theo chiều hướng nào trong thời gian tới, theo dự đoán của ông và Úc nên làm gì, thưa ông?

Ông Paul Huy Nguyễn: Theo tôi thiết nghĩ, Trung Cộng vẫn đang tiếp tục tấn công và trả đũa. Tại vì, họ muốn dùng nước Úc là một thí dụ để răn đe những nước khác là không nên chống đối Trung Cộng nếu đã bị lệ thuộc về kinh tế. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chỉ trừ khi nào mà quặng sắt của chúng ta không được mua bởi Trung Cộng thì lúc đó chúng ta thật sự mới có vấn đề.

Và, nói gì thì nói, người dân Trung Cộng vẫn muốn có một nền giáo dục tốt cho con em thì họ vẫn phải đến nước Úc, những sản phẩm chất lượng cao của Úc thì người dân Trung Cộng vẫn muốn tìm đến. Cho nên, tôi thiết nghĩ, sự dao động và xung đột là ngắn chứ không phải dài như nhiều người nghĩ. Dần dần, sự tấn công của Trung Cộng không còn là điểm chính nữa mà sẽ trở về đúng thực chất là ai cần ai hơn. Nếu nước Úc của chúng ta xoay hướng được, tìm được những thị trường khác thay thế cho dù cần một thời gian dài nhưng Úc vẫn có thể làm được.

Ngoài ra, có một điều giúp nước Úc đứng vững trước một thử thách lớn, trong tình thế bị lệ thuộc kinh tế đến mấy đi chăng đó là giữ được quyền tự quyết của nước Úc. Đây là điểm son mà chính phủ liên tiểu bang đã giữ vững và đã làm trong suốt thời gian qua nhất là trong đại dịch COVID -19. 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Paul Huy Nguyễn.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt