Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam
Thiền sư Tuệ Sĩ có bài viết “trí thức phải nói”, bốn chữ như đinh đóng cột để xác định vai trò của kẻ sĩ trước thời đại. Thời đại ngày nay của dân tộc Việt là thời đại mạc vận, mọi lãnh vực đều chạy ngược giòng văn minh nhân loại. Thời đại của sự thoái hóa trước thế giới đang tiến dần đến văn minh nhân bản thì Việt Nam như bị dậm chân tại chỗ, lúng túng trên mọi lãnh vực: kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội… Trí thức là người nhận biết ra điều này và “trí thức phải nói”. Thấy nhà văn Nguyên Ngọc đứng ra Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, trong danh sách nhiều nhà trí thức đã từng viết và từng lên tiếng…nhưng đơn lẻ, tiếng nói chưa vút cao và tiếng hô chưa vang dội… Hy vọng Văn đoàn độc lập sẽ bùng phát tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Tuyên bố Vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam
Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.
Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.
Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo.
Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.
Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.
Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.
Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
– Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;
– Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;
– Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.
Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.
Điều lệ và Chương trình hành động cụ thể của Văn đoàn sẽ được hình thành và công bố trong quá trình vận động. Mọi liên lạc xin gửi về email: nhavandoclap@gmail.com
Hà Nội ngày 3 tháng 3 năm 2014
TM Ban vận động
Nguyên Ngọc
BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĐĐLVN
1. Nguyên Ngọc – nhà văn (Trưởng ban)
2. Bùi Chát – nhà thơ
3. Bùi Minh Quốc – nhà thơ
4. Bùi Ngọc Tấn – nhà văn
5. Chân Phương – nhà thơ, dịch giả (Hoa Kỳ)
6. Châu Diên – nhà văn, dịch giả
7. Dạ Ngân – nhà văn
8. Dư Thị Hoàn – nhà thơ
9. Dương Thuấn – nhà thơ
10. Dương Tường – nhà thơ, dịch giả
11. Đặng Tiến – nhà nghiên cứu phê bình (Pháp)
12. Đặng Văn Sinh – nhà văn
13. Đoàn Lê – nhà văn
14. Đoàn Thị Tảo – nhà thơ
15. Đỗ Lai Thúy – nhà nghiên cứu phê bình văn học
16. Đỗ Trung Quân – nhà thơ
17. Giáng Vân – nhà thơ
18. Hà Sĩ Phu – nhà văn
19. Hiền Phương – nhà văn
20. Hoàng Dũng – nhà nghiên cứu ngôn ngữ
21. Hoàng Hưng – nhà thơ, dịch giả
22. Hoàng Minh Tường – nhà văn
23. Lê Hoài Nguyên – nhà thơ
24. Lê Minh Hà – nhà văn (CHLB Đức)
25. Lê Phú Khải – nhà văn
26. Lưu Trọng Văn – nhà văn
27. Mai Sơn – nhà văn, dịch giả
28. Mai Thái Lĩnh – nhà nghiên cứu triết học, văn hóa
29. Nam Dao – nhà văn (Canada)
30. Ngô Thị Kim Cúc – nhà văn
31. Nguyễn Bá Chung – nhà thơ (Hoa Kỳ)
32. Nguyễn Duy – nhà thơ
33. Nguyễn Đức Dương – nhà nghiên cứu ngôn ngữ
34. Nguyễn Đức Tùng – nhà thơ, nhà phê bình văn học (Canada)
35. Nguyễn Huệ Chi – nhà nghiên cứu văn học
36. Nguyễn Quang Lập – nhà văn
37. Nguyễn Quang Thân – nhà văn
38. Nguyễn Quốc Thái – nhà thơ
39. Nguyễn Thị Hoàng Bắc – nhà thơ (Hoa Kỳ)
40. Nguyễn Thị Thanh Bình – nhà văn (Hoa Kỳ)
41. Phạm Đình Trọng – nhà văn
42. Phạm Nguyên Trường – dịch giả
43. Phạm Vĩnh Cư – nhà nghiên cứu văn học, dịch giả
44. Phạm Xuân Nguyên – nhà phê bình văn học, dịch giả
45. Phan Đắc Lữ – nhà thơ
46. Phan Tấn Hải – nhà văn (Hoa Kỳ)
47. Quốc Trọng – tác giả kịch bản điện ảnh
48. Thùy Linh – nhà văn
49. Tiêu Dao Bảo Cự – nhà văn
50. Trang Hạ – nhà văn, dịch giả
51. Trần Đồng Minh – nhà nghiên cứu văn học
52. Trần Huy Quang – nhà văn
53. Trần Kỳ Trung – nhà văn
54. Trần Thùy Mai – nhà văn
55. Trịnh Hoài Giang – nhà thơ
56. Trương Anh Thụy – nhà văn (Hoa Kỳ)
57. Võ Thị Hảo – nhà văn
58. Vũ Biện Điền – nhà văn (Nhật Bản)
59. Vũ Thế Khôi – nhà nghiên cứu văn học, dịch giả
60. Vũ Thư Hiên – nhà văn (Pháp)
61. Ý Nhi – nhà thơ