Tưởng niệm lần thứ 73 (1947-2020): Nhà văn, nhà cách mạng VNQDĐ Khái Hưng qua đời

Nhà văn Khái Hưng nhà cách mạng Trần Khánh Dư

Nhà văn Khái Hưng, một nhà văn lớn của nền văn học cận đại, thành viên cột trụ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một trong những nhà lãnh đạo VNQDĐ của thế hệ 1945. Theo những tin nhận được của VNQDĐ thì cố đồng chí Khái Hưng là người chủ toà báo của VNQDĐ tại phố Ôn Như Hầu mà sau này trong đảng sử VNQDĐ gọi là vụ án Ôn Như Hầu. Cố đồng chí Khái Hưng bị đảng CSVN bắt và thủ tiêu năm 1947, theo nguồn tin từ gia đình và các đồng chí VNQDĐ cùng hoạt động, thời gian Việt Cộng thủ tiêu Khái Hưng vào những ngày đầu năm 1947. Trong khoảnh khắc này, giờ đây rơi vào những ngày của năm thứ 73 văn hào Khái Hưng qua đời, để tưởng niệm lần thứ 73 một đảng viên VNQDĐ và là một văn hào trong nền văn học cận đại, VNQDĐ đăng bài của cố lão đồng chí Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách, người từng hoạt động cùng thời với nhà văn Khái Hưng: “TƯỞNG NHỚ KHÁI HƯNG – người bạn, người anh thân mến, nhà văn, chiến sĩ cách mạng” …..(mời qúy đọc để tưởng nhớ nhà văn, nhà cách mạng Khái Hưng)…

Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trần. Bút danh Khái Hưng của ông được ghép từ các chữ cái của tên Khánh Dư.

Ông sinh năm 1896 (có tài liệu ghi năm 1897), xuất thân trong một gia đình quan chức ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng. Thân phụ ông giữ chức Tuần phủ. Cha vợ ông là Lê Văn Đinh cũng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Em ruột ông là nhà văn Trần Tiêu.

Ban đầu, Khái Hưng học chữ Hán, sau đó Khái Hưng đi học ở trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài I, vì không muốn làm công chức, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hỏa. Được một thời gian Khái Hưng lên Hà Nội dạy ở trường Tư thục Thăng Long. Trong khoảng thời gian 1930 đến 1932, Nhất Linh từ Pháp về nước và cũng dạy tại trường này. Khái Hưng đã quen Nhất Linh ở đó và họ trở thành một cặp tác giả nổi tiếng. Tuy Khái Hưng hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đàn sau nên được gọi Nhị Linh.

Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Văn đoàn này bắt đầu xuất hiện công khai từ 1932, và đến đầu năm 1933 thì tuyên bố chính thức thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.

Trong thời gian Đệ nhị thế chiến, giống như Nhất Linh, Khái Hưng cũng tham gia hoạt động chính trị. Đầu tham gia Đảng Đại Việt Dân Chính nên Khái Hưng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, Khái Hưng được trả tự do. Đảng Đại Việt Dân Chính sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1943, nên Khái Hưng trở thành đảng viên VNQDĐ. Sau ngày 02/09/1945 Khái Hưng viết bài đăng trên các báo của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Năm 1947, Khái Hưng bị Việt Minh cộng sản bắt giam tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo ông Nguyễn Tường Triệu, con nuôi Khái Hưng tiết lộ thì Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi (22/1/1947)

TƯỞNG NHỚ KHÁI HƯNG
Người bạn, người anh thân mến, nhà văn, chiến sĩ cách mạng

Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách

I.

Cuộc đời có nhiều sự không ngờ đến. Trước đây, khi còn là một học sinh Trung học, tôi đã được may mắn và vinh hạnh gặp mặt anh Khái Hưng ở tòa báo Phong Hóa, phố Quan Thánh, Hà nội. Từ đó, suốt 15 năm, anh đã là người anh, người bạn thân thiết của tôi trong sự nghiệp văn học cũng như trong công cuộc chống đế quốc thực dân. Anh là một nhà văn lỗi lạc, tiền phong trong nền tiểu thuyết Việt Nam, đồng thời lại là một chiến sĩ đấu tranh trung thành và gan dạ.

Anh xứng đáng là một nhân tài xuất sắc của đất nước, một “Kẻ Sĩ” hiếm có trong thời đại. Hình ảnh anh đã ghi sâu trong tâm hồn của tất cả những người Việt Nam chân chính.

Nhưng, cuộc đời của anh cũng đã gặp những tai họa, những thử thách nghiêm trọng. Anh đã bị bọn thực dân Pháp khủng bố, giải đi an trí tại Hòa Bình, vì đã gia nhập Đại Việt Dân Chính.

Sau đó, được thả về, anh đã cùng với mọi anh em, đã gia nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, chống đối Việt Minh độc tài, trải qua biết bao khó khăn, nguy hiểm.

Lúc đó, có ai có thể ngờ rằng những nhà văn lương thiện, những người yêu nước lại có thể bị chính người Việt mình khủng bố, uy hiếp.

Tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khai Hưng

Ai có thể ngờ rằng chúng tôi phải rời bỏ tổ quốc để sang nước ngoài. Nhất Linh, Hoàng Đạo và tôi đều phải lánh sang Trung Quốc. Và từ ngày đó, tôi không còn được trông thấy mặt anh Khái Hưng nữa.

Sau đó, trong cảnh lưu vong và hoạt động bận rộn chúng tôi chỉ được nghe tin anh đã rời Hà nội, rồi về sau ra sao, không rõ. Anh em ở ngoài chỉ biết nhìn nhau, im lặng trong thương cảm.

Trong cuộc sống gian truân, chúng tôi đã trải qua biết bao cảnh ly biệt, tang tóc trong lúc loạn ly. Trái tim hầu như đã cứng lại. Bao nhiêu bạn hữu đã ngã xuống, hay mất tích. Riêng đối với chúng tôi, lại phải chịu đựng sự ra đi vĩnh viễn của anh Hoàng Đạo tại một nhà ga nhỏ gần thành phố Quảng Châu, rồi 15 năm sau, anh Nhất Linh tự rời bỏ cuộc đời tại miền Nam.

Số phận không may của anh em chồng chất lên nhau trong vận mệnh điêu tàn của cả dân tộc. Nếu còn nước mắt, tất cả chúng ta đều cần phải khóc cho những người đã qua, và đều nên cầu cho một tương lai sáng sủa hơn.

Nếu không ngờ đến việc mất tích đau thương của một tài hoa đất nước, thì cũng không ngờ đến là, 50 năm sau, tôi vẫn còn sống, ngồi trong một căn nhà nhỏ tại một quận Cam đầy nắng chói ở tận Hoa Kỳ, cách xa quê hương hàng vạn dặm, và hoài niệm Khái Hưng – nay đương yên nghỉ giấc trường miên ở đâu?

Hơn nửa thế kỷ rồi, cái chết của anh vẫn chưa được làm sáng tỏ, niềm uất hận hàm oan vẫn chưa tan. Chúng tôi vẫn còn sống để ngậm ngùi và tiếc thương vô hạn.

Con người Việt Nam, bao giờ mới thoát khỏi đau khổ?

Vì thế, nhắc đến Khái Hưng, ta không thể, và không nên lạnh lùng như một nhà giải phẫu để mổ xẻ từng trang, từng chữ tác phẩm, hay làm việc một nhà phê bình khen điểm này, chê điểm kia. Chúng ta nên mang cả một tấm lòng thành với tình thương mến sâu xa để nhìn vào Khái Hưng và tác phẩm của anh.

Nhân vật Khái Hưng không phải là ngẫu nhiên mà có mà là do ảnh hưởng của cả một thời kỳ sôi động trong lịch sử Việt Nam, và cả trên tầm mức nhân loại.

Tiếng bom nổ ở Sa Điện, Quảng Châu năm 1924 do liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném vào viên toàn quyền Merlin, đã dấy động cả một trào lưu hoạt động chống đế quốc, mà cao triều là cuộc Tổng Khởi Nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào ngày 10 tháng 02 năm 1930. Khái Hưng cũng đã chịu ảnh hưởng của trào lưu chung đó.

Sự xung đột cũ mới trong một xã hội đang vươn lên, đang đòi hỏi cải cách truyền thống, phong tục gò bó, lỗi thời. Một nền văn hóa phóng khoáng, nhân bản hơn đã dần dần lớn mạnh. Với nhà văn Nguyễn Tường Tam làm tiên phong, một số tài năng có chí khí đã tự nhiên tập hợp lại. Cuộc gặp gỡ giữa Nhất Linh và Tú Mỡ, giữa Nhất Linh và Khái Hưng là một cuộc gặp gỡ lịch sử, và cùng với Hoàng Đạo, Thạch Lam – đã tạo nên một trào lưu văn học độc đáo, tạo nên Tự Lực Văn Đoàn, với những sáng tác có giá trị cả về nội dung lẫn hình thức.

Cũng như mọi anh em, Khái Hưng không những là muốn viết văn, mà viết để gạt bỏ những cái lạc hậu, xấu xa, nêu lên những cái tiến bộ, tốt đẹp. Anh đồng tình với những kẻ yếu nghèo, gặp trắc trở, khó khăn, tạo nên những hình tượng lý tưởng, đưa người ta đến chỗ hy vọng. Có hiểu con người Khái Hưng, mới có thể thưởng thức đến nơi đến chốn văn chương của anh.

Mặt khác, trào lưu văn hóa mới, cũng như trào lưu chính trị tự do, dân chủ, không phải chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà trên toàn thế giới. Chỉ cần nhìn tới nền văn học Trung Quốc bên cạnh, hay của Nhật Bản, nước Xiêm, là thấy rõ điều này.

Sự nghiệp của Khái Hưng, cũng như của các nhà văn khác trong Tự Lực Văn Đoàn, hay nhiều văn nghệ sĩ Việt nam đi tiên phong trong thời kỳ đó, vừa mang đặc tính dân tộc lại mang đặc tính thời đại.

II.

Sự tiếp xúc và cộng tác giữa tôi và Khái Hưng, như đã nói trên, kéo dài gần 15 năm và bao gồm nhiều mặt, không thể thuật lại hết trong phạm vi một bài viết. Chỉ xin trích vài đoạn để độc giả có ấn tượng về giai đoạn ấy, trong cuốn Hồi Ký, của tôi sẽ ra đời nay mai.

1932. Sau những năm sôi động 1930-31, xã hội Việt Nam đã lắng đọng hơn sau những cuộc đàn áp tàn bạo của Pháp. Bọn thực dân cũng cảm thấy cần phải nới tay một chút để dẹp bớt bất mãn của dân chúng. Chúng còn bày trò khuyến khích buôn bán làm ăn, chơi thể thao, đua thi ngựa, mở hội chợ, và ca nhạc, điện ảnh để hấp dẫn thanh niên, học sinh.

Khi Nguyễn Tường Tam từ Pháp du học về nước, đã có nguyện vọng làm một cái gì để cải tiến đất nước. Anh không màng đi kiếm công việc tốt, lương cao, mà chọn đi dạy học ở trường tư thục Thăng Long. Cũng như Nguyễn Tường Long, tốt nghiệp trường Cao đẳng Luật, đã từ chối không ra làm quan, mà vẫn đi làm tham tá lục sự ở Tòa án để đủ sống và làm báo. Một điểm chung nữa là mấy anh em, gồm cả Nguyễn Tường Vinh, đều rất thích viết, và đều rất có khiếu về viết.

Thêm vào đó, gặp hai người bạn cùng chí hướng, cùng tỏ ra có tài viết văn, đó là anh Hồ Trọng Hiếu và anh Trần Khánh Giư. Một nhóm văn chương nòng cốt năm người này tự nhiên đã hình thành. Sự tâp hợp này là một sự kiện ít có trong lịch sử Việt Nam, và có lẽ trên thế giới cũng không nhiều. Với một lực lượng như vậy, hoàn toàn có thể ra một tờ báo có giá trị và có ảnh hưởng đối với độc giả …

Tài hoa viết văn và nguyện vọng cao cả về cải cách xã hội là tinh thần đã tạo thành sự tập hợp này – bước đầu của Tự Lực Văn Đoàn. Cuộc kỳ ngộ may mắn trong tiến trình văn học, dưới sự tổ chức của Nhất Linh, đã tạo nên một trào lưu nổi tiếng nhất, và duy trì được mười mấy năm.

Cuộc đời của Khái Hưng Trần Khánh Giư có thể gọi là kỳ lạ. Anh đã đậu Tú Tài ban Triết học, độ ấy còn rất hiếm, nhưng không ra làm quan hay một công chức cao cấp nào, một việc rất dễ cho anh – ông thân sinh là Tuần phủ, và nhạc phụ là Tổng Đốc. Tại sao không chạy một chân tri huyện, mà lại xoay sang làm nghề dạy học và nghề làm báo nghèo kiết bấp bênh? Một lần, tôi có gạn hỏi thì anh chỉ cười đáp:

– “Cũng chẳng hiểu tại sao cả. Thích làm báo thì làm báo chớ sao?”.

Đó cũng là câu trả lời chung của mấy anh em.

Nghe nói, nhà tiểu thuyết xã hội, lãng mạn trước kia đã từng đi … buôn; làm đại lý cho một hãng dầu xăng, chắc muốn giàu to. Song chắc đầu óc nghệ sĩ không thích hợp lắm với lồi buôn bán quắt quéo, nên chỉ thua lỗ (cũng may, vì nếu phát tài thì Việt Nam đã không có nhà văn Khái Hưng!). Từ Ninh Giang anh lên Hà nội, làm giáo sư trường tư thục Thăng Long. Ngay hồi đó, anh đã viết cho tờ Duy Tân những truyện vui hay xã thuyết, cùng với nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, nhà văn Tchya (Tôi chẳng yêu ai?) Đái Đức Tuấn, một số bài nữa đăng trên tờ Phong Hóa (cũ, trước khi sang tay Nhất Linh quản lý) và tờ Văn Học tạp chí của anh em Dương Bá Trạc.

Nhất Linh sau đó lại vào dạy trường Thăng Long. Hai người hiểu nhau rất nhanh, rất tâm đắc, có cái nhìn chung về xã hội, về văn học.

Mấy người bạn bàn nhau ra một tờ báo. Xin giấy phép ra tờ Tiếng Cười, nhưng bị bọn thực dân Pháp bác. Theo lời Tú Mỡ “anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và xoay rất cừ … bấy giờ nhân có tờ báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh đương gặp khó khăn, anh Tam đề nghị nhượng cho mình làm chủ bút”. Thế là tờ Phong Hóa ra đời.

Khác với những tờ báo đã có, tờ Phong Hóa là tờ đầu tiên đưa ra tôn chỉ rõ ràng, tỏ ra nhóm chủ trương có mục đích, đường lối đàng hoàng, như:

– Hăng hái theo con đường mới, lý tưởng mới.

– Không chịu khuất phục thành kiến.

– Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào.

– Lấy thành thực làm căn bản.

– Lấy trào phúng làm phương pháp.

Đây giống như một tuyên ngôn, thể hiện ý chí quật cường. Tinh thần này đến tận bây giờ, cũng còn có giá trị.

Anh Khái Hưng, với một bút hiệu nữa là Nhị Linh, trong suốt cuộc đời văn học, đã cố gắng phát huy tinh thần ấy, trong tác phẩm, cũng như trong đời sống, cho đến tận cùng. Tờ Phong Hóa bộ mới ra đời, đã được độc giả hoan nghênh vượt bực.

III.

Vào cuối năm 1932.

Một tòa nhà hai tầng, nằm giữa sân rộng, có tường bao bọc, ở giữa phố Quan Thánh và phố hàng Bún. Lần đầu, từ quê, trại Cẩm Giàng, tôi tới thăm tòa báo Phong Hóa. Cùng với anh Thạch Lam, chúng tôi qua cổng, rẽ vào đằng sau, qua một khóm tre Đằng Ngà, rồi lên gác.

Tầng lầu rất rộng. Bên trái, là phòng của hai vợ chồng Khái Hưng, ở giữa là tòa soạn, một bên là phòng khách. Trong cùng, còn có nơi để tài liệu, máy móc cần thiết.

Tôi chưa gặp anh Khái Hưng bao giờ, vì lúc đó tôi mới là một chàng học sinh Trung Học chưa tới 17 tuổi, cũng chưa viết báo. Khi bước vào phòng khách, một người thấp, gầy, da mặt ngăm ngăm đen đương ngồi, quay ra nhìn.

Thạch Lam – anh Sáu, giới thiệu với tôi:

– “Đây là anh Khái Hưng”.

Anh đứng dậy, miệng cười nhiệt tình và hiền hậu; chúng tôi bắt tay nhau, anh bắt tay rất chặt, tỏ ra con người có cảm tình. Tôi cảm thấy xúc động trước thái độ của anh đối với một người bạn nhỏ. Và từ đó, tự nhiên chúng tôi đã trở nên một đôi bạn hữu thân thiết, tuy cách xa nhau về tuổi.

Tôi nhìn kỹ hơn, khi ngồi xuống. Anh nhanh nhẹn, lấy ấm nước pha trà cho mọi người uống. Anh mặc một bộ Âu phục bằng dạ, màu xanh, thường thường anh chỉ mặc bộ này. Đôi mắt anh sáng và lanh lẹn, mũi không cao lắm, đôi môi hơi dầy, môi dưới hay trễ xuống khi nói chuyện. Thoạt trông, cũng biết anh là người nhanh nhẩu, nói chuyện rất có duyên. Vì gầy, môi lại hơi thâm, nên có người nói anh nghiện thuốc phiện, thực là oan cho anh quá! Nhưng anh lại nghiện thuốc lá, luôn luôn môi ngậm một cái tẩu màu xẫm.

Không khí dễ chịu như trong anh em một gia đình. Để khoản đãi đặc biệt tôi từ xa tới, anh đề nghị pha cà phê uống. Một thứ cà phê đen đặc, anh pha rất nồng, vị rất ngon.

Có khách đến thêm, mọi người giở bàn cờ tướng ra sát phạt. Thói quen ở đây là lúc rỗi, đánh cờ và đánh bài tây. Khái Hưng hỏi tôi có thích đánh cờ tướng không.

– “Cứ thử xem, anh chơi một ván với nó xem” anh Thạch Lam nói.

Xem ra Khái Hưng có vẻ khinh địch, vừa đi nước vừa truyện gẫu; nhưng đi răm nước rồi mới thấy mình hớ, lâm vào thế yếu. Sau khó nhọc lắm, phải thí quân, anh mới gỡ được hòa.

– “Hậu sinh khả úy” anh gật đầu. Anh không biết rằng, tuy còn ít tuổi, tôi đã đọc qua cuốn “Quất Trung Bí” chuyên giảng về các thế trận.

Một đặc điểm chung cho các nhà văn lúc đó – như Khái Hưng, Tú Mỡ, Thạch Lam, Thế Lữ, như Nguyễn Tuân thường rêu rao – là đều có bộ ngực Omega cả. Có nghĩa là lép kẹp như chiếc đồng hồ Omega mỏng dính.

Nhưng điều này đâu phải là đặc quyền của mấy anh đó? Cứ nhìn vào ngực Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương là biết. Đủ rõ đời sống các văn sĩ thời ấy thế nào rồi.

Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc. Vô hình chung, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó. Mỗi ngày, bài vở thư từ chồng chất trên các bàn giấy. Hai anh Khái Hưng và Thạch Lam có nhiệm vụ giải quyết, một công việc phiền phức và khô khan. Sau này, khi rỗi, tôi cũng có khi đến giúp vào nhiệm vụ này.

Chị Khái Hưng, một phụ nữ mẫu mực. Người mảnh khảnh, ít nói, chị chú trọng vào việc nội trợ; rất ít khi bước sang tòa soạn. Hai vợ chồng không có con, sau nhận một con trai của anh Nguyễn Tường Tam làm con nuôi.

Gia đình chúng tôi từ Cẩm Giàng dọn lên Hà nội ở cho tiện, và cũng vì tôi phải dự thi bằng Tú Tài phần thứ nhất. Do đó, tôi thường tới tòa soạn, và cũng bắt đầu viết báo, làm thơ.

Bầu không khí sáng tác kích thích tôi cầm bút. Hai anh Khái Hưng, Thế Lữ thường khuyến khích tôi. Lúc đó, Thế Lữ đã có một số bài thơ đăng trên Phong Hóa, được hoan nghênh là khai sáng luồng thơ mới. Ngoài viết một số bài tùy bút, truyện ngắn, tôi cũng làm mấy bài thơ chuyên tả cảnh thiên nhiên, được độc giả thưởng thuưc – có người gọi là “tiểu Leconte de L’isle – một nhà thơ chuyên về cảnh của Pháp. Khái Hưng chính là người cổ võ tôi nhiều nhất. Về sau, vì bận rộn học và đầu óc khô khan, không còn thi hứng nữa, Khái Hưng thường ngỏ ý tiếc cho tôi.

IV.

Mặc dầu có nhiều trắc trở, như tờ Phong Hóa thường bị đình bản, tờ Ngày Nay cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng sáng tác của Khái Hưng vẫn đều đặn với nhiều tác phẩm mới. Trong đó, cuốn Nửa Chừng Xuân có lẽ được độc giả thưởng thức nhất.

Thời kỳ từ 1933 đến 1938, là thời kỳ toàn thịnh của Tự Lực Văn Đoàn, mà mọi người đều biết. Song từ 1938 trở đi, thời cục đã biến chuyển mau lẹ. Tuy sáng tác văn nghệ vẫn còn tiếp tục, nhưng một số anh em đã bước vào một con đường khác: con đường hoạt động cách mạng.

Với tấm lòng yêu nước sâu sắc và mong mỏi cho dân tộc được độc lập, tự do, đời sống được tốt đẹp hơn, nhiều văn nghệ sĩ đã nghe theo tiếng gọi của non sông, tham gia vào những phong trào chống đế quốc thực dân khác nhau. Trên thực chất, đảng phái Việt Nam gồm hai phái chính: phe Quốc gia và phe Cộng sản.

Phe Cộng sản rút lại, cũng chỉ có một đảng ấy mà thôi. Nhưng về phe quốc gia, thì lại xuất hiện nhiều đảng phái khác nhau, trong đó có Đại Việt Dân Chính, do anh Nguyễn Tường Tam khởi xướng. Anh Khái Hưng và tôi cùng ở trong một chi bộ, và tôi nhận công việc phát triển trong giới sinh viên.

Những chuyển động lớn đã tới với Đông Dương. Năm 1941, quân Nhật tiến vào Việt Nam và cấu kết với thực dân Pháp. Được rảnh tay, thực dân Pháp khủng bố các đảng phái Việt Nam. Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị bắt, bị tra tấn, rồi bị tù đầy tại Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi phải tạm lánh ra ngoài Hà nội một thời gian, mới trở về học. Anh Tam tôi phải chạy sang Trung Quốc.

Anh Thạch Lam lúc đó phải cáng đáng công việc nhà xuất bản và nhà in Đời Nay. Còn tôi thì ứng phó với việc học, thi ra trường Thuốc, nhưng họa vô đơn chí, một ngày tháng 7 năm 1942, Thạch Lam đã đi tận con đường của mình vì bệnh phổi.

Còn là sinh viên, tôi phải ra gánh vác việc nhà xuất bản, cùng lúc với sự duy trì những hoạt động bí mật. Đây là một thời kỳ đen tối, gian nan nhất cho chúng tôi.

Một điều may: năm 1943, các anh Khái Hưng, Hoàng Đạo, Gia Trí và một số anh em khác được thả về, song bị quản thúc. Tuy bị cấm không được hoạt động chính trị, song hồi đó, do tin tức anh Tam gửi về, đã có đề nghị hợp nhất Việt Nam Quốc Dân Đảng với Đại Việt Dân Chính. Các anh em hai bên trong nước đều chấp thuận, và từ đó, Đại Việt Dân Chính đã sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau đó, lại có việc kết hợp giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng do anh Trương Tử Anh lãnh đạo. Khái Hưng là một thành viên trong ban Trung Ương.

Tháng 4-1945, sau cuộc đảo chính của Nhật, chúng tôi cho ra tờ Ngày Nay (bộ mới) để tuyên truyền tư tưởng ái quốc và cải cách xã hội. Tờ báo do tôi làm Giám đốc, Khái Hưng đảm nhiệm tòa soạn, Nguyễn Trọng Trạc giữ việc trị sự. Tờ báo rất được hoan nghênh, và đã góp công vào việc thức tỉnh, dấy động lòng yêu nước, ý chí cải cách của mọi tầng lớp quần chúng. Trong điều kiện hạn hẹp và khó khăn, chúng tôi làm việc hết sức mình.

Đặc biệt là anh Khái Hưng, nhiều tuổi hơn cả và sức yếu, nhiều khi ngồi soạn bài và sắp đặt bài vở cho tới khuya, mà không bao giờ có một lời phàn nàn. Hai chúng tôi hợp tác với nhau rất thân thiết; tờ Ngày Nay thành công vượt bực không thể không ghi đến công sức anh đã bỏ ra. Có khi tranh cãi về nội dung một bài bình luận rất gay cấn, anh vẫn tỏ ra điềm tĩnh và khiêm tốn, sẵn sàng đi tới kết luận chung để giải quytế vấn đề.

Anh cũng điềm tĩnh và kiên quyết trong việc tranh luận với những phái khác. Một lần, tôi cùng anh đi gặp đại biểu của Mặt Trận Việt Minh, Dương Đức Hiền, Tổng Thư Ký đảng Dân Chủ. Dương vốn là thành viên cũ trong Đại Việt Dân Chính.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trên bờ sông Nhuệ, Hà Đông. Dương Đức Hiền có vẻ coi thường các lực lượng quốc gia, vừa khuyên chúng tôi tham gia Việt Minh vừa tỏ ý đe dọa. Song, hồi đó, chúng tôi sát nhập với Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đâu có thể gia nhập Việt Minh? Anh Khái Hưng đã bày tỏ ý kiến là vì công cuộc chung, hai bên có thể hợp tác chống Pháp, nhưng không có vấn đề chúng tôi tham dự Việt Minh. Dương Đức Hiền tỏ vẻ thất vọng.

V.

Tình thế biến đổi quá nhanh chóng, không thể ngờ tới. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, quân Nhật đầu hàng. Ngày 19 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền tại Hà nội và thành lập Chính phủ ngày 2 tháng 9.

Bị dồn vào thế thụ động, các đảng phái Quốc Gia phải tạm rút vào bí mật, trừ tại một số địa phương. Tuy vậy, để duy trì tiếng nói cho mình trước dân chúng, chúng tôi xuất bản một tờ báo hàng ngày, Việt Nam Thời Báo. Vẫn do tôi và Khái Hưng chủ trách, trong lúc anh Hoàng Đạo đương phải điều trị bệnh thương hàn. Làm tờ báo này, tuy nội dung trung lập, nhưng sự đe dọa không ngừng của Việt Minh vẫn treo trên đầu, với những câu hiệu triệu như:

“Những kẻ lầm lường lạc lối hãy sớm tỉnh ngộ, quay về với tổ quốc!”

Bọn Cộng Sản cầm quyền bao giờ cũng tự hóa mình với tổ quốc, với dân tộc. Và ai làm trái với họ cũng bị gán là phản quốc, phản dân tộc.

Từ đó trở đi, cuộc chiến đấu giữa người Quốc Gia và người Cộng Sản đã ngày càng khốc liệt.

Với sự về nước của một số chiến sĩ lưu lạc ở hải ngoại, như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đã ra công khai hoạt động. Cùng lúc đó, quân đội Tưởng Giới Thạch cũng kéo vào miền Bắc Việt Nam để tiếp quản thay quân đội Nhật Bản. Tháng 11-1945, anh Nguyễn Tường Tam cũng trở về Việt Nam.

Lịch sử đã nói nhiều về thời kỳ cực kỳ quan trọng này. Riêng chúng tôi giữ công việc tuyên truyền, đã đổi tờ Việt Nam Thời Báo sang tờ Việt Nam, một tờ báo tranh đấu. Đây là một hành động cách mạng đúng ý nghĩa của nó, vì là lần đầu tiên có một tờ báo công khai chống lại với chính quyền Việt Minh.

Sự ra đời của tờ Việt Nam cũng là một việc kỳ lạ, hiếm có. Lấy danh nghĩa công khai là “cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng”. Tờ báo này không cần giấy phép của đương cục. Việc ra báo tất gặp sự phản đối và phá hoại kịch liệt về phía chính quyền.

Tờ báo này kể cũng ngộ thực, chính tôi cũng không thể tưởng tượng được là mình phụ trách một tờ báo đặc biệt trên thế giới, có vệ binh đứng gác, thi hành việc kiểm soát cả nhà in, nhà xuất bản. Tất cả các nhân viên đều không được ra ngoài nếu không có giấy phép của ban chỉ huy. Trung Ương cử tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, chuyên trách về phần bình luận chính trị. Anh Khái Hưng quản lý tòa soạn, còn anh Hoàng Đạo vì bận việc đảng, chỉ có nhiệm vụ viết bài và cố vấn về mặt đường lối.

Cũng may là tuyệt đại đa số nhân viên đều tự nguyện tuân theo kỷ luật. Chỉ có một người thừa tối, nhảy qua hàng rào bỏ đi.

Việc sinh sống trong tòa báo cũng thực là cách mạng. Làm việc không phân ngày đêm, có khi nhiều đêm không ngủ, để cho ra bài kịp thời. Ăn uống thì rất kham khổ, thường chỉ có rau đậu, thỉnh thoảng mới có thịt cá, theo đúng tiêu chuẩn của tất cả các anh em tại mọi trụ sở khác.

Bận rộn đến nỗi ai nấy đều để mặc tóc mọc dài, râu ria tua tủa, sồm soàm trông gần như Robinson Crusoe tại hải đảo. Có khi nhìn nhau không biết nên cười hay nên khóc …

Anh Khái Hưng làm việc say sưa cùng mọi bạn trẻ. Anh phải lượm lặt tin tức, bài vở, phải lên bản in. May mà anh ở tại chỗ nên cũng còn dễ chịu một chút. Còn chúng tôi khi có công việc cần ra ngoài hay về chỗ ở, bao giờ cũng cần có anh em đi kèm!

Các anh em đều rất mến phục ý chí và sức làm việc của Khái Hưng. Vì riêng tôi sau đó, còn có nhiệm vụ đi họp những cuộc họp nội bộ Trung Ương và họp với các đảng phái khác, nên trách nhiệm của anh càng ngày càng nặng. Người anh đã gầy nay càng còm cõi hơn, đôi mắt sâu xuống. Nhưng anh vẫn nỗ lực không nói điều gì có thể ảnh hưởng tới tinh thần của mọi người.

Trong lúc đó, chung quanh, nguy hiểm đầy rẫy. Xung đột luôn luôn xảy ra tại Hà nội. Chiến sự đã bắt đầu giữa phe Quốc Gia và phe Việt Minh. Mặc dầu, có cái gọi là “Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến” do sự thỏa hiệp giữa các đảng phái, nguy cơ càng ngày càng gần.

Tháng 2 năm 1946, tôi bị đẩy sang bên Trung Ương làm việc tổ chức. Từ đó anh Khái Hưng phải giữ trọng trách bộ tuyên truyền kiêm tờ báo, và sau đó, anh được cử vào làm Ủy Viên Trung Ương.

Vì công việc quá bận rộn, quá khẩn trương, nên anh và tôi ít có dịp gặp nhau nữa. Tháng 5-1946, tôi có nhiệm vụ lên Đệ Tam Khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thế rồi, như mọi người đều biết, chiến sự liên miên. Phe Quốc Gia đã thất bại. Và do đó, Việt Minh trực tiếp tấn công vào các cơ sở của các phái Quốc Gia tại Hà nội, bắt đầu một cuộc khủng bố tàn bạo và toàn diện.

Ở xa, được tin chánh quyền tấn công vào tòa báo Việt Nam, chúng tôi lo ngại cho vận mệnh các anh em còn lại, trong đó có Khái Hưng. Nhưng mãi về sau, khi đã sang bên Trung Quốc, chúng tôi mới được nghe tin anh mất tích tại quê nhà ngoại. Vì tin tức không rõ rệt, nên cũng chỉ biết ức đoán và ngậm ngùi. Và lúc đó, cũng biết bao nhiêu người thân, bạn hữu cũng đã mất tích.

Trên con đường lưu lạc và vật lộn, chúng tôi cũng không còn nước mắt để tưởng niệm những người bạn thân mến đã ra đi.

VI.

Ngày nay, có lẽ chỉ có tôi cùng với ít bạn là còn sống trên đời, trong số những người đã từng góp sức vào văn nghệ, vào công cuộc đấu tranh cho dân tộc những năm kỳ diệu và bi đát xưa kia.

Tôi kính xin viết mấy giòng thô thiển này để thành kính và tiếc thương vô hạn đối với Khái Hưng, người anh lớn, và người bạn thân thiết của tôi, đã từng chung sống và cổ võ tôi trong những năm khó quên của lịch sử dân tộc.

Tôi tin rằng tinh thần cao cả, tài hoa xuất chúng của Khái Hưng, một nhà văn lớn, một chiến sĩ cách mạng kiên trinh, sẽ sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta.

Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách (viết tại Nam California)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt