Tự tử hay thêm một cái chết khả nghi sau khi làm việc với Công an CSVN?

Lời người post: “Công An Cộng Sản Việt Nam hãy chấm dứt những trò ác độc giết người, hay phải đền tội trước quốc dân đồng bào?”

Hứa Hoàng Anh chết trong đồn công an CSVN tỉnh Kiên Giang

Một nông dân tỉnh Kiên Giang đã tham gia các cuôc biểu tình chống các dự luật đặc khu và an ninh mạng ngày 10/6/2018, qua đời không lâu sau khi bị công an địa phương thẩm vấn. Cái chết có nhiều dấu hiệu khả nghi đã khiến Hội Ân Xá Quốc tế lên tiếng đòi mở một cuộc điều tra để xác minh nguyên nhân.

Ông Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện đã tử vong sau khi cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà ông làm việc hôm 2/8. Phía công an nói ông Hoàng Anh tự sát. Tuy nhiên, những vết tích trên thi thể như vết thương và những vết bầm tím ở đầu, cổ và bụng, đặt ra nhiều nghi vấn, và có dư luận cho rằng ông Hoàng Anh có thể bị tra tấn tới chết.

Giám đốc Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế Clare Algar, cho biết: “Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và minh bạch về nghi vấn công an địa phương đã tra tấn và giết Hứa Hoàng Anh.”

Giới hoạt động và những người theo dõi trường hợp ông Hoàng Anh cho rằng có nhiều dấu hỏi lớn về cái chết này. Anh Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động ở Hà nội nói với VOA-Việt ngữ hôm 6/8:

“Cái chết của bạn Hứa Hoàng Anh, một người đang khỏe mạnh và trước khi anh ấy chết thì anh vẫn vào Facebook và vẫn chia sẻ bài và không có biểu hiện gì là anh ấy chán nản hay là có vấn đề gì về tâm lý mà anh phải tự sát cả.”

Giấy triệu tập lên đồn công an do tên Thượng tá CSVN Trần Minh ký

Gia đình ông Hứa Hoàng Anh hầu như vẫn hoàn toàn giữ im lặng nên VOA-Việt ngữ không xác nhận được với gia đình những chi tiết dẫn đến xung quanh cái chết của người đàn ông 35 tuổi, được cho là vẫn khỏe mạnh về thể chất cũng như tâm lý ngay trước cái chết bất ngờ.

Nhiều nhà hoạt động đồng hành với ông Hứa Hoàng Anh trong các cuộc biểu tình chống luật đặc khu mới đây nói rằng rất nhiều người đã bị đối xử tàn bạo trong đồn công an.

Anh Trịnh Bá Phương, con của gia đình ‘dân oan’ Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Khiêm, người bị chính quyền cho là “cầm đầu dân oan Dương Nội” nói rất nhiều người bị đánh đập khi làm việc với công an, trong đó có cá nhân anh, ngay trước phiên tòa xét xử các nhà hoạt động trong Hội Anh Em Dân chủ mới đây:

“Khi mà họ bắt tôi vào đồn thì họ cũng đánh đập tôi rất là tàn bạo, đánh vào những điểm yếu không, hoàn toàn là có thể gây tử vong. Khi tôi làm việc với tổ chức quốc tế ở Ireland mới đây tôi cũng cho họ biết rằng là việc công an Việt Nam liên tục sử dụng bạo lực thô bạo đối với những người bất đồng ý kiến hay lên tiếng về những vấn nạn xã hội, thì họ thường sử dụng bạo lực rất là tàn bạo, họ có những đòn đánh hoàn toàn có thể gây tử vong.”

Năm ngoái, nhiều trường hợp chết trong đồn công an đã gây chú ý của các bên quan tâm quốc tế, kể cả quốc hội Mỹ, như trường hợp của ông Nguyễn Hữu Tấn, chết trong đồn công an vào ngày 3/5/2017. Công an nói ông Tấn đã “tự cắt cổ”.

Một trường hợp khác liên quan tới bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi. Bà bị tạm giữ tại đồn Công an tỉnh An Giang hôm 3/9 để điều tra về một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 3 ngày sau, Công an huyện thông báo cho gia đình biết bà đã tử vong trong bồn nước phòng tạm giam.

Một trường hợp nữa là trường hợp Võ Tấn Minh, 25 tuổi, được Công an Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện ngất xỉu trong nhà tạm giữ chiều ngày 8/9, anh Minh được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trong chiều cùng ngày.

Anh Trịnh Bá Phương nói sở dĩ bạo lực xảy ra là vì Việt Nam “là một xã hội công an trị, công an có quyền bắt bất cứ ai về đồn hoặc triệu tập bất cứ ai mà họ cho là có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

“Họ sử dụng nắm đấm chứ không phải là dùng những điều luật để mà truy tố bắt giam theo trình tự pháp luật.”

Trong khi cái chết của ông Hứa Hoàng Anh còn nhiều mâu thuẫn về cả địa điểm lẫn nguyên nhân, lễ an táng đã được cử hành tương đối lặng lẽ ngay trong chiếu ngày 3/8 và trong sự im lặng của gia đình. Theo các thông tin, hình ảnh video quay lén tải lên mạng thì không có bao nhiêu người có mặt tại đám tang, giới hoạt động cho rằng đó là vì áp lực của chính quyền và “vì an ninh địa phương kiểm soát”. Một người đến viếng cho biết đã bị an ninh địa phương yêu cầu để điện thoại bên ngoài trước khi vào viếng. Đây cũng là điều xảy ra trong các trường hợp chết trong đồn công an trước đây.

Hội Ân xá Quốc tế đang hối thúc Việt Nam điều tra trường hợp tử vong khả nghi của ông Hứa Hoàng Anh. Tin cho biết ông Anh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình về nhiều đề tài từ năm 2004, phần lớn là để phản đối Trung Quốc về những hành động vi phạm chủ quyền và quyền tự quyết của Việt Nam ở Biển Đông, gần đây nhất là các cuộc biểu tình chống các luật đặc khu và luật an ninh mạng.

Hội Ân xá Quốc tế lưu ý rằng quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định trong điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, và Việt Nam “phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam” cũng như “Công ước chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2013.”

Một phúc trình của Tổ chức Human Rights Watch cũng chỉ trích bạo lực dưới tay công an được miêu tả là “có tính hệ thống ở Việt Nam.” Việt Nam thừa nhận là có 226 nghi can và tù nhân chết tại đồn công an hoặc trong khi bị giam giữ trên khắp nước trong thời gian từ tháng 10/2010 tới tháng 9/2014.

Tin VOA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt