Từ Bắc Đới Hà tới thế ‘cờ vây’ của Mỹ trong thương chiến nóng với TC
Tuyên bố của Bắc Kinh cho thấy ông Tập lựa chọn đường lối đáp trả cứng rắn với Mỹ, bất chấp các hậu quả nặng nề đang và sắp xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc.
Hôm 5/8, thị trường chứng khoán Mỹ tuột dốc nặng nề với cả ba chỉ số chính đều giảm khoảng 3%. Hai hôm sau, vàng nhảy vọt lên trên 1,500 USD/ounce, cao nhất từ 6 năm qua và đồng bitcoin dù đứng sau trong hậu trường tài chính cũng vượt mức 12,000 USD.
Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Phản ứng trên được coi là do Trung Cộng quyết định trả đũa Mỹ bằng cách tuyên bố ngưng mua tất cả các nông sản Mỹ, thay vì mua thêm một số lớn như đã hứa hồi cuối tháng 6 vừa qua như điều kiện để nối lại thương thuyết về thương mại đã bế tắc, và nhất là ngừng các chính sách can thiệp để cho đồng nhân dân tệ phá giá qua mức 7 nhân dân tệ ăn 1 USD.
Con dao hai lưỡi với Trung Cộng
Sự mất giá của đồng nhân dân tệ là do áp lực thị trường từ khá lâu nay, phản ánh sự rối loạn trong nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Cộng, chứ không phải do thao túng tiền nhân dân tệ như số đông hiểu sai tình hình.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Trung Cộng lại nắm cơ hội coi đây là “vũ khí tiền nhân dân tệ” trong tay mình để đáp ứng với áp thuế của Mỹ. Thực sự đó chính là con dao hai lưỡi mà Trung Cộng không thể sử dụng quá mức, đồng nhân dân tệ xuống giá quá mức sẽ gây các dòng vốn tháo chạy và sự sụp đổ nhanh toàn bộ hệ thống kinh tế tài chính Trung Cộng.
Các quan sát viên cũng coi đây là câu trả lời chính thức của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình sau mấy ngày hội ý ở khu nghỉ mát mùa hè nổi tiếng Bắc Đới Hà. Cuộc họp với các lãnh đạo Trung Cộng kỳ cựu và đương nhiệm này nhằm góp ý giải quyết thương chiến ra sao, thêm vụ biểu tình Hong Kong đang chuyển hướng mạnh mẽ và gây ảnh hưởng chính trị rất nặng cho Trung Cộng, cũng như vụ Đài Loan muốn tỏ ra độc lập hơn…Tiền Trung Cộng đã liên tục mất giá từ mức 6.3 nhân dân tệ/USD trong suốt năm qua do khủng hoảng tiền nhân dân tệ gây ra bởi cuộc thương chiến. Nhân chuyện Trung Cộng cường điệu nhận vơ tỷ giá tiền nhân dân tệ là vũ khí đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng chính thức tuyên bố luôn hôm 5/8 rằng Trung Cộng là nước thao túng tiền nhân dân tệ (currency manipulator) nhằm đối phó lại với việc Mỹ gia tăng áp thuế lên hàng nhập Trung Cộng.
Tuyên bố của Trung Cộng cho thấy ông Tập đã chọn lựa đường lối đáp trả cứng rắn với Mỹ, bất chấp các hậu quả nặng nề đang và sắp xảy ra với nền kinh tế Trung Cộng.
Tăng trưởng GDP của Trung Cộng chỉ còn 6.2% trong sáu tháng đầu năm 2019 và có thể giảm thêm 0.5% để xuống dưới mức 6% trong sáu tháng cuối năm.
Kết quả là nạn thất nghiệp thành thị đang xảy ra nghiêm trọng, cùng lúc do các hãng chạy khỏi Trung Cộng, lạm phát lương thực gia tăng và dân chúng đổ về nông thôn.
Gây hiệu ứng rối loạn chính trị tối đa cho Trung Cộng
Khi đồng nhân dân tệ xuống dưới mức gây mất tín nhiệm như trên, khủng hoảng sẽ xảy ra với các dòng vốn tháo chạy, khi các hãng ngoại quốc và Trung Cộng gia tăng việc di dời sang các nước khác, dân cư chuyển tiền sang mua vàng và ngoại nhân dân tệ mạnh như tiền yen. Thêm vào đó, khủng hoảng nợ công (vốn đã lên tới 300% GDP) và nợ ngân hàng cũng đang đè nặng áp lực.
Áp lực chính trị nội bộ như vậy không phải là dễ dàng, dù chưa có tin tức về cuộc tranh luận ở Bắc Đới Hà đã có kết quả ra sao.
Tuy vậy, biện pháp trả đũa tuyên bố sau cuộc họp nội bộ Trung Cộng cho thấy rõ hơn là các điều đình để giải quyết thương chiến lại một lần nữa thất bại, sau khi hai bộ trưởng tài chính và thương mại Mỹ đã lần chót có mặt ở Thượng Hải để tiếp nối vòng điều đình trong hai ngày 31/7 và 1/8.
Chuyện đánh thuế 10% thêm lên 300 tỷ hàng Trung Cộng, sau thuế 25% trên 250 tỷ hàng ban đầu, là theo lộ trình Mỹ định sẵn bởi Tổng thống Trump, tuyên bố ngay lúc lãnh đạo Trung Cộng họp ở Bắc Đới Hà nhằm gây hiệu ứng rối loạn chính trị tối đa cho Trung Cộng, trong thế “cờ vây” Mỹ đã vạch ra.
Hiện còn lại 2 bước được chờ đợi, bao gồm tăng thuế lên 25% trên 300 tỷ hàng mới áp đặt; và vòng vây công nghệ siết thêm tối đa với Huawei và các hãng Trung Cộng khác.
Ngoài ra, với việc liệt Trung Cộng vào danh sách thao túng tiền nhân dân tệ, Mỹ cũng có thêm lý do chính trị hợp lý cho việc i) áp thêm thuế nếu muốn; ii) cấm doanh nghiệp Trung Cộng tham gia chương trình mua sắm chính phủ; iii) kiện Trung Cộng tại Tổ chức Thương mại Thế giới; và iv) vận động các quốc gia khác áp dụng các chế tài thương mại.
Theo một số quan sát viên quốc tế theo sát tình hình, thương chiến Mỹ – Trung không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế, mà phản ánh càng ngày càng rõ hơn lập trường của Mỹ muốn cùng với khối Tây Âu chống lại tham vọng bành trướng của Trung Cộng.
Vì vậy, các điều kiện của Mỹ ngoài việc đơn giản đòi Trung Cộng mua hàng nhiều hơn, còn nhắm đến việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc bàn giao công nghệ của các hãng Mỹ muốn đầu tư ở Trung Cộng, và nhất là ngăn chặn gián điệp công nghệ và an ninh quốc phòng qua việc giới hạn hoạt động của Huawei.
Khác với ý nghĩ của một số đông quan sát viên chính trị, Tổng thống Trump cần duy trì căng thẳng kinh tế và chính trị với ông Tập để thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước bầu cử, Mỹ thực tế cần người lãnh đạo mạnh để đối phó với Trung Cộng, nhất là khi cả hai đảng đều ủng hộ chuyện đó.
Nếu giải quyết xong thương chiến, mọi chuyện êm hết thì nội bộ chính trị Mỹ lại lưu ý chuyện riêng tư của ông Trump. Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Cộng đã không đọc được điều này từ hiện tình chính trị Mỹ, mà chỉ muốn trì hoãn nhượng bộ điều đình cho đến sau bầu cử Mỹ tháng 11/2020 trong hy vọng đảng Dân chủ sẽ thắng cử.
Ngoài ra, với áp lực thương chiến tiếp tục gay go, gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu, ông Trump có thể gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) để tiếp tục giảm lãi suất có lợi hơn cho kinh tế Mỹ đến ngày bầu cử.
Áp lực của thương chiến lên lạm phát Mỹ thấy rõ là không đáng kể từ hơn một năm nay, và Fed không thể dựa vào lạm phát gia tăng mà ngưng việc giảm lãi suất ở Mỹ đã bắt đầu từ tuần trước (lần đầu sau 10 năm).
TS Phạm Đỗ Chí