TT Obama tìm cách mở đường lâu dài cho chiến lược hướng về châu Á
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm tới khi ông đón tiếp tất cả 10 nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại khu nghỉ dưỡng Rancho Mirage tại Sunnylands, bang California.
Chương trình nghị sự cho ngày thứ Hai và thứ Ba sẽ ít phần trang trọng hơn so với những hội nghị cấp cao khác tại địa điểm đẹp như tranh vẽ và thư giãn này, nhưng các nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc một loạt những vấn đề hệ trọng và gai góc ở vị trí trung tâm trong chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á Thái Bình Dương của Mỹ.
Tòa Bạch Ốc xem sự giao tiếp của Mỹ trong khu vực là rất quan trọng cho sự thịnh vượng và an ninh tương lai của đất nước. Khu vực năng động và đa dạng này đang chứng kiến tăng trưởng bùng nổ và căng thẳng gia tăng, mỗi thứ đều có tiềm năng tác động đến nền kinh tế và an ninh toàn cầu.
Những quan chức trong chính quyền nói rằng bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN, ông Obama hy vọng sẽ vạch ra một kế hoạch làm việc cho năm cuối cùng ông tại chức để tiếp tục nỗ lực tái cân bằng và gửi đi một thông điệp đến những chính quyền trong tương lai rằng sự giao tiếp ở tầm mức cao như vậy là cần thiết cho việc giữ vững và duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Kế hoạch này dự kiến sẽ bao gồm những mối quan hệ chặt chẽ hơn về thương mại và mậu dịch, tăng cường quan hệ giữa người dân với người dân, hợp tác nhiều hơn trong việc chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tạo ra những quy định và nguyên tắc hướng dẫn các nước về một loạt những vấn đề.
Tranh chấp Biển Đông
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và những hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở đó sẽ là cuộc thảo luận chính trong hội nghị thượng đỉnh này.
Mỹ sẽ gửi “một thông điệp rất rõ ràng” tới các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Mỹ phản đối Trung Quốc “quân sự hóa” những lãnh thổ đang tranh chấp và bất cứ sự leo thang căng thẳng nào trong khu vực, các quan chức Tòa Bạch Ốc nói.
Đây sẽ là một vấn đề tế nhị vì các nước ASEAN muốn thấy một mối quan hệ đưa đến kết quả giữa Washington và Bắc Kinh và đang lo lắng về những căng thẳng giữa hai siêu cường quốc.
Dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền trong những tranh chấp ở Biển Đông, ông Obama dự kiến sẽ nói rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục những hoạt động tự do hàng hải ở trong vùng biển này. “Lợi ích [của Mỹ] ở Biển Đông là tự do thương mại, những tuyến đường biển rộng mở, và nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào nó,” Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói.
Bắc Triều Tiên và Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo của Mỹ và ASEAN cũng sẽ thảo luận về vụ thử nghiệm hỏa tiễn gần đây của Bắc Triều Tiên và vai trò nào của Trung Quốc nhằm gây sức ép lên Bình Nhưỡng buộc nước này chấm dứt những hành động “khiêu khích” của mình.
Dù Trung Quốc và Mỹ bất đồng về Bắc Triều Tiên, Mỹ nhìn thấy lợi ích chung với Trung Quốc trong việc bảo đảm việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhưng hội nghị thượng đỉnh ASEAN “không phải là về Trung Quốc,” Daniel R. Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, nói. Thay vào đó, hội nghị tập trung vào việc tạo ra một khối ASEAN chặt chẽ, theo đuổi luật lệ và sự công bằng.
“Nó cho phép những nước lớn như Hoa Kỳ và những cường quốc khác giao tiếp có tính xây dựng như những đối tác. Nó ngăn khu vực Đông Nam Á trở thành một khu vực nằm dưới ảnh hưởng hoặc trở thành một chiến trường,” ông Russel nói.
Ông Obama sẽ lên tiếng vì nhân quyền và dân chủ, nhưng các quan chức chính quyền thừa nhận rằng các nước ASEAN có những mô hình chính trị và thành tích về nhân quyền và dân chủ hết sức khác nhau.
Những nước cho thấy “diễn biến tích cực trong việc theo đuổi của một tiến trình chuyển tiếp dân chủ,” như Myanmar, sẽ nhận được ủng hộ của Mỹ, giới chức nói.
Mười nước thành viên ASEAN gộp chung lại tạo nên nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ bảy trên thế giới, với GDP kết hợp là 2,4 ngàn tỉ đôla, theo thống kê của Mỹ. Hơn 65 phần trăm trong số 632 triệu người dân của khối ở trong độ tuổi dưới 35.
Các nước ASEAN đang phát triển thành những nền kinh tế thúc đẩy bởi tinh thần sáng nghiệp, công nghệ và thị trường dựa trên tri thức, và “đây là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ thực sự có thể thêm vào giá trị,” ông Rhodes nói, bằng cách “kết nối tương hỗ sự cải tiến và tinh thần sáng nghiệp bên trong chính nền kinh tế của chúng ta và nền kinh tế toàn cầu.”
Theo VOA