TT Biden dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để huy động đồng minh chống Trung Cộng
Hôm nay ngày 26/10/2021, khối ASEAN mở hội nghị thượng đỉnh trực tuyến dưới sự chủ tọa của nước chủ nhà luân phiên Brunei. Đáng chú ý là trong đó có sự tham dự trực tuyến của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, từ năm 2017 đến nay mà một tổng thống Hoa Kỳ trở lại tham gia thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, khối các nước mà Washington xem là then chốt trong chiến lược đẩy lùi Trung Cộng.
Theo Reuters, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Brunei, nước chủ tịch luân phiên ASEAN hiện nay, xác nhận là tổng thống Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-ASEAN, và một số các cuộc họp khác trong tuần này trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.
Thái độ quan tâm đến ASEAN nổi bật trong tình hình từ 4 năm nay Tổng Thống nước Mỹ không tham gia các cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN. Lần cuối cùng mà người tiền nhiệm của Ông Biden là cựu TT Donald Trump tham dự thượng đỉnh với ASEAN là tại Manila vào năm 2017.
Đối với giới phân tích, cuộc gặp của đương kim tổng thống Hoa Kỳ với các nhà lãnh đạo ASEAN lần này nói lên nỗ lực của Washington nhằm thu hút đồng minh và bạn bè trong nỗ lực đẩy lùi đà bành trướng của Bắc Kinh.
Trung Cộng đang đầu tư mạnh vào các nước châu Á dưới chiêu bài cải thiện hạ tầng cơ sở và kinh tế, thương mại, nhưng dư luận tại nhiều nước ngày càng lo sợ trước nguy cơ bị sa vào chiếc bẫy nợ của Bắc Kinh. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã mô tả Bắc Kinh là thách thức dài hạn hàng đầu của Hoa Kỳ, và trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN, một giám đốc cao cấp về Đông Á tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Toà Bạch Ốc, ông Edgard Kagan, đã ám chỉ rõ ràng đến các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Cộng ở Biển Đông để khẳng định rằng Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN nhằm bảo đảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu và giải quyết “các thách thức chung về các vấn đề hàng hải”.
Trên cơ sở đó, nhân cuộc họp với giới lãnh đạo ASEAN, Ông Biden sẽ bảo đảm rằng việc Mỹ gần đây tập trung vào việc khối Bộ Tứ QUAD, bao gồm cả Ấn, Nhật và Úc, cũng như việc thành lập liên minh AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) không nhằm thay thế vai trò trung tâm khu vực của ASEAN.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC, cho biết: “Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của TT Biden với các nhà lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống, vì vậy ông ấy sẽ muốn bảo đảm với họ rằng Đông Nam Á quan trọng đối với Mỹ”. Theo chuyên gia Hiebert, về phần mình, giới lãnh đạo ASEAN cũng rất muốn được biết rõ hơn về các kế hoạch của Hoa Kỳ tăng cường cung cấp vaccine chống virus Vũ Hán (Covid-19) cho khu vực, và cũng như trong các lãnh vực thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng.
Đối với giới quan sát, việc thiếu yếu tố kinh tế trong cam kết khu vực của Hoa Kỳ là một khuyết điểm lớn, và mong đợi Mỹ quay trở lại Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương trước mắt không có dấu hiệu được đáp ứng. Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Á xin giấu tên, nhận định rằng Mỹ đã “đặt ra một loại cấu trúc cạnh tranh chiến lược với Trung Cộng, nhưng điều đó không hề có lợi cho khu vực, trong khi tất cả các nước trong vùng đều có quan hệ hợp tác ngày càng phát triển với Trung Cộng.”
Theo Trọng Nghĩa – RFI