Tết Nguyên Đán ở Việt Nam

Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều có Lễ Đầu Năm (New Year’s Holiday), ngày đó đối với Việt Nam gọi là ngày Tết hay Tết Nguyên Đán, một ngày lễ trọng đại của dân tộc. Vì tết tính theo Âm Lịch là lịch vận hành theo chu kỳ của Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Âm Lịch (thường trể hơn Tết Dương Lịch hay gọi là Tết Tây). Năm nay là tết Bính Thân (con khỉ) ngày Tết đúng vào ngày 08 tháng 02, 2016 của Dương Lịch. Ngày Tết mọi người Việt dù đi xa Nam-Bắc-Trung, dù tị nạn năm châu bốn bể, bận rộn bao điều nhọc nhằn, trong thâm tâm đều canh cánh nhớ ngày Tết cổ truyền thiêng liêng đó… xin mời qúy bạn tìm về ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam:

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam 

Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, phổ biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mâu và cả vùng hải đảo xa xôi, trong cộng đồng người Việt hải ngoại trên năm châu bốn bể. Một lễ hội tưng bừng và nhộn nhịp nhất của dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
Tết Nguyên Đán là lễ đầu tiên và quan trọng nhất trong các lễ hội Việt Nam. Phần “lễ” cũng như phần “hội” đều rất phong phú về nội dung lẫn hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà.
Ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời-Sinh vật), chữ NGUYÊN có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên.

cây nêu ngày Tết

Xét ở góc độ mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Tết – do tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – có một ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội mà nền kinh tế vẫn còn dựa vào nông nghiệp là chính. Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên hệ đến được và mất mùa như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.

Về nhân sinh quan của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục lệ hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn cây số, vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, sân nhà, nơi mà gót chân một thời bé dại đã tung tăng và được sống lại với bao kỷ niệm thời thời thơ ấu ở nơi mình cất tiếng khóc chào đời. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn, mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối liên hệ họ hàng làng xóm được ràng buộc lẫn nhau trở thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình gia đình, tình thầy trò, con bệnh với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri, con nợ và chủ nợ…

Tết cũng là dịp “tính sổ” mọi sinh hoạt của một năm qua, liên hoan vui mừng chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Nhưng rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào bất cứ nhà nào trong lúc này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, đông con cháu, dâu rể, có quan hệ với xã hội rộng thì công việc chuẩn bị càng lớn và chu đáo hơn.

Theo tập tục, đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về trời để tâu việc trần gian có sớ Táo Quân, thì không khí Tết bắt đầu những ngày lễ hội. Ngày xưa dưới thời phong kiến, từ triều đình đến quan chức các cấp đều nghĩ việc sau lễ “Phất Thức” (tức lễ rửa ấn, rửa triện). Ở cấp triều đình, trong lễ “Phất Thức” có sự hiện diện của nhà Vua, các quan đều mặc phẩm phục uy nghiêm, xem thế đủ biết rằng ngày Tết được coi trọng như thế nào.
Sau đó, các quan cất ấn-triện vào tủ, niêm phong cẩn thận. Không một văn bản nào được kiềm ấn, mọi pháp đình đều đóng cửa. Con nợ không thể bị sai áp, các tội tiểu hình không bị trừng phạt, tội nặng thì giam chờ đến ngày mồng 7 tháng giêng (lễ khai hạ) mới tiến hành xét xử. Như vậy, Tết Cả kéo dài từ ngày 23 tháng Chạp (một tuần trước giao thừa) đến mồng 7 tháng Giêng (một tuần sau giao thừa).

Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, cành mai, chậu quất khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết. Làm sao quên được thuở ấu thơ cùng đám trẻ con ngồi vây quanh nồi bánh chưng sôi sục chờ giờ vớt bánh! Làm sao có thể quên được những phiên chợ Tết rợp trời hoa!

Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên nhiên, Tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Cúng giao thừa xong cả nhà quây quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu năm mới, con cái chúc thọ ông bà cha mẹ, người lớn cho trẻ em tiền quà mừng tuổi đựng trong những bao giấy đỏ (gọi là lì xì).
Sau lễ giao thừa còn có tục đi đến chùa làm lễ, rồi hái một nhánh cây đem về gọi là hái Lộc, hoặc đốt một nén hương rồi đem về cắm trên bàn thờ gia tiên gọi là Hương Lộc. Họ tin rằng xin được Lộc của trời đất thần Phật ban cho thì sẽ làm ăn phát đạt quanh năm. Sau giao thừa người nào từ ngoài đường bước vào nhà đầu tiên là người “xông nhà” hay “đạp đất”, là người “tốt vía” thì cả nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, vì vậy người xông nhà thường được chọn trong số những người bạn thân.

Tết là dịp để con người trở về cội nguồn. Ai dù có đi đâu xa vào ngày này, cũng cố trở về quê hương để được sum họp với người thân dưới mái ấm gia đình, thăm phần mộ tổ tiên, gặp lại họ hàng, làng xóm. Ngày Tết cũng làm cho con người trở nên vui vẻ hơn, độ lượng hơn. Nếu ai có gì đó không vừa lòng nhau thì dịp này cũng bỏ qua hết để mong năm mới sẽ ăn ở với nhau tốt đẹp hơn, hoà thuận hơn. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân bản của Tết Việt Nam.

Hải Vân sưu tầm

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt