Sóng ngầm (Chương I)

Chương 1: Truyện ngắn “Sóng Ngầm” là “Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hiện thực xã hội và một số nhân vật có thật. Viết tặng những ai đã và đang dũng cảm đứng lên chống lại chế độ độc tài bất công – Vì một xã hội Việt Nam tự do, bác ái trong tương lai”.

Chương 1

MÁI ẤM GIA ĐÌNH 

Gia đình ông Chiến ở cuối làng Nhân Hạ, căn nhà ngói kiểu chắn mái rộng rãi, được phủ bởi một lớp sơn màu vàng nhạt. Dãy nhà ngang nằm ở bên hông, gian trong là phòng của hai cô con gái, gian ngoài rộng hơn thì làm nơi đặt bếp ăn cho cả nhà. Ngay cổng ra vào có cây Lộc Vừng sum suê, cứ đến mùa thì nở hoa đỏ ối cả một góc sân. Khu nhà rộng chừng vài sào trung bộ, phần đất dư ra, chủ nhân làm vườn và trồng cây ăn trái. Chỗ đầu đốc căn nhà lớn, hơi chếch ra phía sân, có hai cái chuồng bồ câu, ban ngày lúc nào cũng vang lên những tiếng cúc cu và đập cánh phần phật của lũ chim. Ngôi nhà ẩn hiện trong màu xanh cây trái, rõ là một kiểu nhà nông thôn mẫu mực, mới nhìn qua người ta đã có thể biết được sự siêng năng và tài khéo của chủ nhân. Phía trước, bên kia hàng rào là cánh đồng thẳng cánh cò bay. Khi lúa đến thì con gái, những cơn gió thổi dào dạt khiến cho làn sóng xanh cứ trãi dài như vô tận. Từ đây nhìn ra xa, có thể thấy những ngọn núi màu xanh rêu lờ mờ trong hơi sương bàng bạc. Ngày đẹp trời, tưởng như núi sừng sững ngay trước mắt, kỳ thực cũng phải cách đây đến bảy, tám cây số đường chim bay. Ở nơi cách xa trung tâm này, nhịp sống cứ thế lặng lẽ trôi. Mối bận tâm nhiều nhất của người dân là chuyện làng trên xóm dưới, được tỉ tê qua từng câu chuyện rỉ tai nhau. Ở đây ít người cấp tiến, người có tư tưởng cách mạng lại càng không. Vốn vùng chiêm trũng, đa phần diện tích làng Nhân Hạ là đồng ruộng. Nhưng ngược lên phía tây chỉ độ vài cây số đã là miền bán sơn địa, với những ngọn đồi thoai thoải nhô lên cách quãng, như những quân cờ mà thượng đế vô tình đặt xuống giữa một màu xanh bát ngát.

Ra khỏi làng một quãng ngắn thì bắt gặp con đường đê ghồ ghề đất đá, đây là lối duy nhất để đi trung tâm thị trấn và các xã phía đông nam của huyện. Bờ đê chạy dọc suốt con kênh thủy lợi dài gần chục cây số, thi thoảng lại bắt gặp những máng điều tiết nước, hoặc những cây cầu xi măng nhỏ bắc qua. Dọc theo triền đê, người ta trồng nhiều cây bạch đàn để chống xói mòn và tạo bóng mát.

Ông Chiến là con trai thứ hai trong một gia đình có đến tám người con. Bố ông xưa kia là một lão nông chính hiệu. Nhà đông con, nên cụ là người nhận làm nhiều ruộng nhất trong xã này. Những mảnh đất hoang mà không ai chịu cày cấy trên đó vì chua phèn, cụ đều nhận làm tất. Suốt ngày, người ta thấy ông cụ quần quật hết đồng trên bãi dưới như một con trâu mộng sung sức. Rồi với sự siêng năng và kinh nghiệm làm nông của mình, chẳng bao lâu những mảnh đất hoang lại được cụ cải tạo thành ruộng lúa màu mỡ, cho năng suất cao. Cụ cày đến hơn mẫu rưỡi ruộng, với sự giúp sức của mấy đứa con lớn trong nhà. Vì vậy mà cũng tạo dựng được một cơ ngơi kha khá, có bát ăn bát để. Được bố mẹ nuôi ăn học, hết lớp mười thì Chiến cũng đi nghĩa vụ quân sự như bao chàng trai mới lớn thời đó.

Hình minh hoạ

Hai mươi năm về trước, ông Chiến lập gia đình với một cô gái người xã bên, khi đó ông đã gần ba mươi tuổi. Sau khi tổ chức đám cưới, bố mẹ cho hai người ra ở riêng chỗ mảnh đất cuối xóm, là nơi ở hiện nay đây. Có nhà riêng, hai vợ chồng bắt đầu xây dựng cơ ngơi, cải tạo khu vườn và chăn nuôi gia súc. Giống như bố mình, ông Chiến cũng là một nông dân khéo tay, cần mẫn. Ông xây được, làm mộc được, cái gì cũng đẹp vì có hoa tay. Căn nhà đang ở, cũng tự tay vợ chồng ông xây nên, chỉ thuê thêm mấy người quen phụ giúp. Chồng xây, vợ phụ hồ, ngôi nhà cứ thế ngày một mọc cao lên như trong truyện cổ tích. Những tối sáng trăng, hai vợ chồng còn tranh thủ gánh đất để đắp nền nhà. Cứ túc tắc như vậy mà có nhà cửa khang trang để ở. Ông quy hoạch khu vườn khéo léo, chỗ trồng cây ăn trái, chỗ trồng rau, lại còn có nơi để cho mấy khóm hoa đua nhau tỏa hương sắc. Cứ như người thợ dệt gấm thêu hoa lên một mảnh lụa mềm mại vậy. Cái chuồng chó bằng gỗ bạch đàn có mái ở góc sân cũng là do ông đóng, rộng đến độ đủ chỗ cho cả gia đình cún mẹ, cún con ở. Hai năm sau khi cưới, bà Hải vợ ông sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Thắng. Rồi cứ cách ba năm một, hai cô con gái là Nga và Thắm cũng lần lượt chào đời. Cậu bé Thắng thì càng lớn càng kháu khỉnh và học hành tấn tới, nức tiếng làng trên xóm dưới.

Ông Chiến cao tầm thước sáu và đậm người, khuôn mặt chữ điền nghiêm nghị, làn da nâu bóng vì nắng gió thời gian. Với độ tuổi năm mươi, sức vóc của ông vẫn khỏe lắm, khối chàng trai còn sợ không bì kịp. Được thế là nhờ thói quen chăm chỉ làm lụng và nếp sống lành mạnh của nhà nông. Ít khi người ta thấy ông Chiến uống rượu, thuốc lá cũng không, chỉ đôi khi hút vài điếu thuốc lào để giao lưu bạn hữu. Ở ông luôn toát lên cái vẻ chắc chắn, tự tin của một người chủ gia đình được vợ con tin yêu, nể phục.

o0o

Vụ lúa năm nay được mùa. Những cánh đồng màu vàng trĩu hạt tít tắp tận chân trời. Lũ chim sẻ tha hồ nhặt hạt rơi vãi, hễ cứ thấy bóng người là chúng vỗ cánh bay vút lên, rồi lại sà xuống chỗ đám ruộng gần đó. Bây giờ đang mùa gặt, dọc theo các bờ ruộng, xe kiến an, xe bò, xe công nông đỗ tấp nập như đội quân vận chuyển quân lương ngoài chiến trường. Việc gặt hái vẫn theo phương thức thủ công từ ngàn đời nay, ấy là dùng liềm để cắt. Người ta dàn hàng ngang, tiếng cắt lúa soàn soạt, đoàn người nhích dần từng chút, từng chút một như tằm ăn rỗi.

Ngày nay ít người làm nông, vì chi phí tốn kém và không có lãi. Trừ công lênh, phân bón và thuế nông nghiệp ra, thì chẳng còn được bao nhiêu nữa. Số lúa còn lại cũng chỉ đủ để khỏi phải đong gạo cho gia đình. Đến vụ gặt, người ta cắt lúa về, những nhà neo người thì đổi công cho nhau, rồi thuê máy tuốt hạt. Vì nhà ít nhân khẩu, các con lại còn đi học, cho nên năm nay vợ chồng ông Chiến chỉ làm ba sào ruộng. Việc gặt và tuốt đã xong xuôi, bây giờ chỉ còn đợi phơi cho khô khén nữa là cho vào bì, rồi mang cất vào góc nhà để xay ăn dần.

Những đám mây đen hình thù kỳ quái đang đùn lên ở phía chính tây. Phút chốc, ánh mặt trời chói chang đã bị làn mây che khuất, bầu trời trở nên tối sầm. Vài tiếng sấm gầm gừ vang vọng, như lời dọa nạt của các vị thần từ trên cao khi nổi cơn thịnh nộ. Đang thiu thiu nghỉ trưa, ông Chiến giật mình nhỏm ngay dậy như người lính nhận được lệnh báo động. Ông chạy vội ra sân, khum tay rồi nheo mắt nhìn lên trời. Đang có động mưa. Vớ vội cây cào dựng ở góc sân, rồi vừa vun lúa ràn rạt, ông vừa gọi váng vào trong nhà:

– Nga, Thắm đâu? Ra xúc lúa mau lên. Trời sắp mưa rồi đấy!…

Nghe tiếng bố gọi, hai cô con gái chạy ngay ra, Nga vớ lấy cào, còn Thắm thì cầm cây chổi mà quét vội vàng những chỗ lúa đã được cào. Bà Hải cũng tất tả ra giúp mấy bố con một tay, ánh mắt dáo dác ngó đông nhìn tây, vẻ mặt còn chưa hết hốt hoảng vì nổi lo lúa ướt.

Nga vẫn không ngừng vun lúa, mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt đỏ ửng của cô gái mới lớn. Cô lo lắng đưa mắt nhìn những chỗ lúa vừa mới được vun thành đống, cuống quýt hỏi bố:

– Có gọi anh Thắng không bố?…

– Cứ để cho anh ngủ! Nó sắp phải đi học đại học rồi.

Thấy bố nói vậy, Nga đưa mắt cho Thắm, rồi hai chị em tủm tỉm cười với nhau ra vẻ đồng đảng lắm. Cái gì bố cũng nhường anh, công việc thì ưu tiên phần nhẹ. Bị bố thiên vị như vậy, lắm lúc hai cô con gái cũng cảm thấy tủi thân và ganh tị. Nhưng đó chỉ là những chút hờn dỗi thoáng qua, chứ sự nể phục đối với ông anh thì vẫn không hề thay đổi.

Nghe tiếng sấm ì ùng, theo bản năng của con nhà nông, Thắng chạy vội ra xem sao. Đến thềm, thấy lúa đã được vun ngoài sân, sau thoáng ngần ngừ, cậu nhanh chân quay vào nhà để lấy mấy bao tải ra hốt lúa.

Tuy phải làm việc tất bật, nhưng tâm trạng mọi người trong gia đình ông Chiến lúc này vui vẻ lắm. Cái tình cảm này bắt đầu lan tỏa từ người bố, ông đang vui vì Thắng vừa nhận được giấy báo đỗ đại học sư phạm Vinh. Tự hào quá đi chứ, vì nó là người duy nhất trong nhà học lên cao, vả lại còn là thầy giáo tương lai nữa, cái nghề mà ông rất kính trọng xưa nay. Chẳng gì thì xứ Nghệ cũng là đất ông đồ mà.

Cô bé Thắm lúc lắc cái đuôi tóc cột búi phía sau, ngước cặp mắt đen láy hân hoan nhìn bố:

– Bố ơi! Nhà mình tổ chức liên hoan đi chứ? Mừng cho giáo viên tương lai kia mà!

Ông Chiến dậm chân thình thịch cho những hạt lúa bám vào rơi ra, và vì hơi nóng của nền gạch, rồi quay sang nhìn con với ánh mắt trìu mến:

– Con bé này nói chí phải! Phải làm liên hoan thật lớn mới được!

Thắm sung sướng áp hai tay vào má, mơ mộng:

– Ôi! Ước gì em được như anh Thắng. Được làm giáo viên. Thích thích là!…

Rồi Cô nhặt một một cái que dưới đất làm thước, giả bộ đứng nghiêm, đằng hắng:

– E hèm! Cả lớp trật tự nào! Hôm nay chúng ta học bài…

Bà Hải lườm con gái, mắng yêu:

– Thôi đi cô! Học dốt như cô thì ở nhà mà lấy chồng, rồi nuôi anh ăn học nhé.

Cô bé vênh mặt lên, láu lỉnh:

– Xin sẵn sàng!

– Nhanh tay lên nào. Mưa đến nơi rồi kìa! – Thắng ngượng ngùng nhắc em, tay siết chặt sợi dây lạt để buộc miệng cái bao tải, chỗ bắp tay nổi lên cuồn cuộn, cho thấy sức lực tràn trề của một chàng trai mới lớn.

Gió bắt đầu thổi mạnh, những chiếc lá bị gió vặt ra khỏi cành rơi lả tả vào tận trong sân.

Lúa đã được hót vào bì và chuyển hết vào trong nhà. Vậy là sức người đã chiến thắng sự đỏng đảnh của thời tiết. Ông Chiến xoa xoa tay hài lòng, vì bây giờ dù trời có mưa đi nữa thì cũng không còn lo lúa bị ướt. Xong công việc, cánh đàn bà rủ nhau vào nhà trong, ngoài thềm chỉ còn lại hai bố con đang đứng quan sát thời tiết. Khuôn mặt ông Chiến đầy vẻ xúc cảm, chợt ông chỉ tay về phía cánh đồng trước mặt:

– Mưa kìa!

Thắng nhìn theo tay bố, ngoài kia mưa đã kéo đến mịt mù, trắng xóa, rồi nó di chuyển với một tốc độ nhanh chóng mặt. Bố anh vừa mới dứt lời thì mưa đã rào rào lên mái nhà và cây cối trong vườn như trút nước.

Đang đào bới ngoài vườn, chú chó Vàng cúp đuôi chạy vội vào chuồng, nằm liếm láp những chỗ lông bị ướt. Rồi nó lại lè lưỡi nhìn ra ngoài trời mưa như muốn nói: “Trận mưa khủng khiếp thật!”. Cây cối ngả nghiêng, hân hoan trong làn nước mát. Chẳng mấy chốc nước đã loang loáng khắp mặt sân. Mấy chú Cóc với bộ da xù xì, lon ton với vũ điệu đón chào cơn mưa muôn thủa của chúng.

o0o

Từ nhỏ Thắng đã là một học sinh thông minh đỉnh ngộ. Góc học tập của cậu luôn dán đầy những giấy khen, nhìn đến hoa cả mắt. Ông Chiến tự hào về đứa con trai lắm, bản thân ít được học đến nơi đến chốn, cho nên muốn con cái học lên cao, để thỏa cái ước mơ dang dở của đời mình. Đi đâu ông cũng khoe: “Thằng con nhà tôi là học sinh giỏi đấy! Năm nào cũng được giấy khen”. Thắng trở thành niềm vui, niềm động lực để ông sống và làm việc.

Hồi Thắng còn học cấp hai, có lần ông Chiến đi họp phụ huynh cho con về. Đến cổng, ông đã phấn khởi huýt sáo vang lừng, trên ghi đông xe đạp còn treo lủng lẳng gói bánh. Thấy bố về, hai đứa con gái chạy ùa ra, tíu tít:

– A! Bố về. Có cả bánh nữa…

Ông khẽ lấy tay đẩy hai đứa con gái ra, làm vẻ không quan tâm, miệng thủng thẳng:

– Xê ra nào! Cái lũ vịt giời chỉ vô dụng thôi! Đứa nào cũng dốt nát như mẹ mày cả! Quà này là cho anh Thắng, vì anh ấy đạt học sinh giỏi tỉnh đấy!….

Bị bố mắng vờ, hai cô bé chẳng hiểu gì, phụng phịu dỗi hờn, rồi nước mắt vòng quanh đôi má ngây thơ. Vậy đấy, khi nào ông cũng lấy Thắng ra đe nẹt các em và để khoe với mọi người. Đối với ông, con trai mình là tất cả những gì tốt đẹp và hay ho nhất đời.

Trong thôn có một ngôi đền cổ gọi là Ứng Thiên, xưa nay rất linh thiêng. Đền nằm trên một gò đất cao, cây cối mọc rậm rì. Những đám rêu lấm tấm mượt như nhung, lỗ chỗ bám vào các bức tường và những hàng chữ nho ngoằn ngoèo. Quanh đền có hồ sen thơm ngát, nước trong vắt như mắt mèo. Dân trong vùng và những nơi khác thường xuyên đến đây để cúng tế và xem bói. Người ta đồn rằng, muốn biết quá khứ vị lai, hoặc khẩn cầu điều gì cũng đều hiệu ngiệm cả. Vì vậy mà trong đền, khói nhang luôn nghi ngút, tiếng đọc văn tế vang lên không ngớt.

Mùa hè, Thắng và đám bạn nhỏ thường rủ nhau đi lên đền, ngồi chơi dưới bóng cây râm mát và ngắm nhìn sen nở. Lắm lúc, cậu cũng mang sách ra đây ngồi học bài một mình. Gió từ dưới hồ thổi lên như mơn man da thịt. Khung cảnh mát mẻ và yên tĩnh, đọc sách ở đây thật là thú vị. Thắng học mê mải, đến khi trời gần tối mịt mới chịu gấp sách ra về. Ông Từ trong đền, một lần trông thấy như vậy thì khen:

– Thằng bé này chăm chỉ học tập. Về sau chắc là khá đây!…

o0o

Vậy là ngày mai Thắng đã lên đường vào Vinh nhập học. Tối nay ông Chiến mời mọi người đến nhà chơi, cũng là để chung vui với gia đình. Bàn ghế được kê thành dãy ngoài sân, bóng điện thắp sáng trưng. Trên các bàn, bánh kẹo và nước chè xanh bày biện sẵn, ai đến thì cứ việc ngồi uống nước, ăn kẹo. Ông Chiến còn hứng chí treo mấy cái dây bóng nháy lên cây lộc vừng, màu sắc lập lòe nom thích mắt, rõ là không khí hội hè. Hùng – cậu bạn trong xóm, học và chơi thân với Thắng từ nhỏ – đến sớm để giúp sửa soạn mọi thứ. Hai đứa luôn ngồi cạnh nhau, ra chiều quấn quýt, bịn rịn lắm. Hùng không học khá như Thắng, vừa rồi thi trượt đại học, nhà cũng neo đơn, vì vậy mà cậu ta quyết định ở nhà làm nông để phụ giúp cha mẹ.

Người trong xóm lục tục kéo đến mỗi lúc một đông. Tiếng trò chuyện, tiếng cười nói tức thì nổi lên rôm rả. Hôm nay ông Chiến mặc áo sơ mi màu xanh da trời, được bỏ vào trong cái quần âu có li thẳng đứng, trông bảnh dáng như chú rể. Nhìn trang phục chủ nhà cũng đủ biết sự hệ trọng, vì ngày thường ít thấy ông ăn mặc lịch sự như vậy.  Ông ngồi ở ngay chỗ chiếc bàn được kê gần phía cổng, để ai vào còn tiện thể đón tiếp.

– Xin chào chủ nhà! Chào mọi người! – anh trai ông Chiến, vốn là trung tá quân đội về hưu được vài năm nay, bổng từ ngoài cổng xuất hiện như một cơn lốc và cất tiếng chào oang oang.

Rồi trong khi miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm, ông tiến đến chỗ Thắng đang ngồi. Hơi lom khom vì dáng người cao quá khổ, ông ta cúi xuống và giơ bàn tay to bè ra bắt kiểu quân ngũ:

– Chúc cho ông cháu ngày mai lên đường chân cứng đá mềm, học hành tấn tới nhé! Thế là họ nhà ta sắp có một ông thầy giáo rồi. Sau này nhớ phấn đấu trở thành đảng viên để phục vụ cho sự nghiệp trồng người nghe cháu!

Tuy không hiểu “sự nghiệp trồng người” là thế nào, nhưng Thắng vẫn đưa cả hai tay ra bắt, vẻ ngượng ngùng:

– Cháu cảm ơn bác!…

Người ta lại ngồi xuống trò chuyện, lại hỏi thăm nhau nồng nhiệt. Chợt có tiếng cười sằng sặc đâu đó cất lên, khiến cho ai cũng ngơ ngác mà không hiểu chuyện gì cả. Đến khi nhìn ra thì thấy ông Hoạch “tiên tri” ngật ngưỡng đi vào, cái đầu hói bóng lắc lư theo từng nhịp bước. Ông vốn người ở xóm bên, người ta vẫn gọi là “Nhà tiên tri kiêm dự báo thời tiết”. Nguyên nhân là vì ông hay dự đoán trước sự việc, và thực tình thì cũng đã có nhiều lần ứng nghiệm. Dân chúng lưu truyền nhiều câu chuyện thần bí về ông. Ví như có lần thấy một ông lão dắt con bò có chửa đi qua, ông Hoạch liền lấy tay vỗ vỗ vào người con bò và nói: “Chà! Rồi nó sinh đôi cho mà xem!”. Ít lâu sau, quả là con bò đó sinh đôi thật. Thế là ông trở nên linh thiêng. Còn về phần dự báo thời tiết, thì chủ yếu là dựa vào hiện tượng tự nhiên, kết hợp với ca dao, thành ngữ dân gian. Những câu như: “Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa”, “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”,  “Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn”, “Gió heo may, chẳng mưa dầm thì bão giật”…luôn là khẩu quyết cửa miệng của ông. Hoặc khi nào thấy kiến tha trứng leo ngược lên cao, tức thì ông dự báo sắp có mưa lớn. Đại thể là như vậy. Dân ở đây làm nghề nông, cho nên thời tiết là yếu tố quan trọng đối với họ. Cũng có đài và ti vi, nhưng không thể đích xác và tùy nghi như ông Hoạch được. Cho nên cái tài dự báo thời tiết của ông cũng được tín nhiệm ghê lắm. Có lẽ do sử dụng nhiều năng lượng để lắng nghe thiên ý, khiến ông Hoạch hơi bị nghễnh tai, phải nói to một chút mới nghe tỏ. Những cuộc vui trong xã, ông thường là khách không mời mà đến, chẳng hiểu là do tính ông ham vui hay để thực thi cái sứ mệnh tiên tri của mình?

Bấy giờ mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ông Hoạch với vẻ tò mò chờ đợi, vì mỗi lần xuất hiện, ông đều phán một câu mang tính chất dự báo nào đó. Từ từ tiến đến chỗ  giữa sân, “nhà tiên tri” lúc này giơ hai cánh tay lên trời, mắt gần như nhắm nghiền, tiếng ông như vang vọng từ cõi trên:

– Mai là một ngày đẹp trời! Thượng đế đã cho biết như vậy. Cháu Thắng sẽ nhanh chóng học xong ba năm và trở về với xóm làng!

Ông Chiến mỉm cười, chạy lại kéo tay “nhà tiên tri kiêm dự báo thời tiết” ngồi xuống cạnh mình:

– Mời ông xơi kẹo! Cháu nó học đại học những hơn bốn năm cơ ông ạ!

“Nhà tiên tri” ngồi xuống, sửa lại cho ngay ngắn cái áo kiểu đại cán bạc màu, rồi nghiêng tai về phía chủ nhà, tỏ vẻ không tin:

– Hả? Hơn bốn năm hả? Tôi cứ tưởng là ba năm cơ đấy!

Mọi người cùng cười vui, vì cho rằng “nhà tiên tri” đã có vấn đề nhầm lẫn về con số.

Một bà trong xóm, vừa bóc kẹo cho đứa cháu nhỏ, vừa nói nựng:

– Cháu ngoan của bà. Sau này gắng học giỏi như chú Thắng nhé!

Câu nói này dĩ nhiên là lọt ngay vào tai ông Chiến, vốn chỉ ngồi cách đó chỉ một cái bàn, trên khuôn mặt ông lập tức nở một nụ cười rạng rỡ hết sức, ánh mắt trở nên linh hoạt lạ thường. Ông vui và tự hào lắm, nghe những lời khen của mọi người mà cứ như nở từng khúc ruột. Mặc dù cố tỏ ra khiêm nhường, nhưng hai cánh mũi của ông vẫn cứ phập phồng lên xuống mà không chịu tuân theo sự điều khiển của chủ nhân.

Thắng vẫn ngồi ở góc sân với đám bạn, cậu thường mỉm cười bẽn lẽn mỗi khi có ai đó hỏi thăm hoặc nhắc đến tên mình.

Một lúc thì người ta quay về với chủ đề mà ai nấy quan tâm. Người lớn ngồi quây quần nói chuyện mùa màng năm nay. Nên gieo thẳng hay cấy, rồi nổi lo lắng về nước nôi thủy lợi. Cánh học sinh thì nói chuyện thi cử, hỏi thăm tin tức nhau về những ai thi đỗ trường nào, ai bị trượt.

Đến gần mười giờ đêm thì khách rủ nhau ra về, với lý do là để sáng mai cử nhân tương lai còn phải vào Vinh nhập học. Ông Chiến lại đứng lên tiễn khách, ông tươi cười gật đầu chào hết thảy mọi người, miệng không ngớt nói lời tri ân sâu sắc.

 Khi mọi người đã lục tục ra về hết, Hùng vẫn còn nán lại một lúc. Cậu rụt rè nắm lấy ống tay áo Thắng kéo ra chỗ gốc cây lộc vừng ngoài cổng. Qua ánh điện nhấp nháy vì bị bóng cây che khuất, Thắng thấy khuôn mặt Hùng ửng đỏ. Chưa bao giờ cậu thấy bạn mình có thái độ lạ như vậy, đang toan hỏi thì Hùng ấp úng:

– Ngày mai Thắng đi học. Mình chẳng có nhiều…cậu cầm lấy ít tiền để thêm vào mà chi tiêu!…

Thoáng chút bối rối, Hùng dúi vội cái phong bì vào tay bạn, rồi bước nhanh ra cổng. Phút chốc, cái dáng lầm lũi của Hùng đã khuất vào bóng tối, Thắng gọi với theo nhưng cậu ta không còn nghe thấy được nữa. Còn lại một mình, Thắng bần thần mở phong bì ra, thì thấy trong đó có ba trăm ngàn, phần lớn là những tờ tiền lẻ đã nhăn nhúm. “Chắc là tiền tiêu vặt cậu ấy dành dụm mấy bữa nay” – Thắng nhủ thầm. Tự nhiên trong lòng cậu cảm thấy thương đứa bạn nối khố của mình vô hạn. 

Minh Văn

[Bấm đọc chương 2]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt