Trung tâm CSIS: Biển Đông sẽ thành ao nhà của Trung Quốc năm 2030

Nếu Hoa Kỳ không nỗ lực thêm, vào khoảng năm 2030, Biển Đông sẽ mặc nhiên trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. Lời cảnh báo trên đây vừa được Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS tại Washington đưa ra  ngày 20/01/2016, trong một bản báo cáo độc lập về chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Một cách cụ thể, các chuyên gia của trung tâm CSIS đã cảnh báo Washington rằng so sánh lực lượng quân sự trong khu vực châu Á đang dịch chuyển về phía Trung Quốc, nước đang tăng tốc độ tiến hành các “hoạt động cưỡng chế” và xây đắp đảo nhân tạo trong cả hai khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

hàng không mẫu hạm giúp Bắc Kinh khống chế Biển Đông mà không cần ra tay

Về Biển Đông, bản báo cáo cho rằng từ nay đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có một lực lượng hàng không mẫu hạm hùng hậu, cho phép nước này tung hoành trong khu vực. Đội hàng không mẫu hạm này sẽ cho phép Bắc Kinh khủng bố tinh thần các nước khác mà không cần phải có những hành vi đe dọa trực tiếp.

Trung Quốc hiện đã có một chiếc hàng không mẫu hạm cũ mua lại của Ukraina. Cuối năm 2015 vừa qua, họ đã chính thức loan báo việc đang đóng chiếc tàu thứ hai, và giới quan sát cho rằng nhiều chiếc khác sẽ được đóng tiếp trong những năm sắp tới.

Các chuyên gia của CSIS ghi nhận : “Đối với các bên có tranh chấp với Bắc Kinh tại Biển Đông, hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ có tác dụng thay đổi luật chơi. Hầu như là lúc nào cũng sẽ có một hạm đội hàng không mẫu hạm Trung Quốc hiện diện tại vùng biển tranh chấp, hay chỉ cách đó nửa ngày hải hành”.

Bản báo cáo đưa ra nhận định khá bi quan khi cho rằng dù trực tiếp chiếm cứ các vùng biển, hay thương thuyết với các nước có tranh chấp, việc cùng khai thác và phân chia sản phẩm, “Biển Đông sẽ mặc nhiên trở thành ao nhà của Trung Quốc, tương tự như Biển Caribê, hay Vịnh Mêhicô đối với Mỹ hiện nay.”

Mỹ phải mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á

Trước tình hình đó, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế đã tỏ ý lo ngại trước các yếu kém được ghi nhận trong chính sách xoay trục của Mỹ qua vùng Châu Á-Thái Bình Dương, bị cho là không được tài trợ một cách thỏa đáng để chống lại các mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Để đối phó với vấn đề này, chính quyền Hoa Kỳ cần phải quan tâm nhiều hơn đến chiến lược tái cân bằng lực lượng qua châu Á, và bổ sung thêm nguồn lực cho chính sách này.

Một cách cụ thể, CSIS khuyến cáo chính phủ Mỹ là phải củng cố và mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như phải giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực tăng cường năng lực quốc phòng.

Công trình nghiên cứu của Trung Tâm CSIS được thực hiện sau khi Quốc Hội Mỹ yêu cầu bộ Quốc Phòng phải cho thực hiện một bản đánh giá độc lập về chiến lược của Mỹ trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Tin tổng hợp VOA & RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt