Trung Quốc xây phi đạo thứ ba tại Biển Đông – Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động đơn phương…
Trung Quốc vẫn tiến hành chính sách “quân sự hóa” Biển Đông mặc dù cam kết ngưng lại hồi tháng Tám. Các nguồn tin Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh tiếp tục đưa trang thiết bị quân sự ra Trường Sa và xây thêm một phi đạo mới, sau khi đã hoàn tất hai phi trường quân sự cho phép Trung Quốc khống chế không phận Biển Đông. Hôm 14/09 vừa qua Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hành động đơn phương tại biển Đông…
Theo bản tin của Reuters ngày 14/09/2015, trích dẫn thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, CSIS (Washington), Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một căn cứ rộng lớn trên các đảo nhân tạo Subi (Subi Reef) và Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Trong dự án này, có cả một phi trường quân sự thứ ba đặt trên đảo Vành Khăn. Chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu CSIS cho biết thêm phi đạo thứ ba có chiều dài hơn 3 km như hai phi đạo ở đảo Chữ Thập và Subi.
Ba phi trường này sẽ là căn cứ tiền phương của quân đội Trung Quốc yểm trợ cho việc tìm kiếm khí đốt cũng như đe dọa và khống chế bầu trời Biển Đông. Song song với việc xây dựng phi trường, Trung Quốc còn có kế hoạch đưa vũ khí phòng không, hải thuyền đủ loại. Tin này là do các viên chức Trung Quốc tiết lộ.
Chuyên gia Michael Green, được Washington Post trích dẫn, thẩm định là trong tương lai các căn cứ tiền phương của Trung Quốc không ngăn chận được chính sách của Mỹ bảo vệ tự do thông thương tại Biển Đông nhưng sẽ gây “khó khăn phức tạp” cho chính sách này.
Được Reuters đặt câu hỏi, hôm thứ Hai 14/09, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, tiếp tục khẳng định “chủ quyền không thể phủ nhận được của Trung Quốc tại Trường Sa và do vậy Trung Quốc có quyền thiết lập căn cứ quân sự tại đây”.
Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ không bình luận về những thông tin đáng lo ngại liên quan đến vùng biển thuộc chủ quyền truyền thống của Việt Nam và Philippines vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế loan báo. Trung tá Bill Urban chỉ kêu gọi Trung Quốc “ngưng đòi hỏi chủ quyền biển đảo và tiến hành các dự án xây dựng để làm giảm căng thẳng trong khu vực, tạo điều kiện cho những giải pháp ngoại giao”.
Theo Fox News, hồ sơ quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc sẽ được tổng thống Obama nêu lên với Chủ tịch Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh vào cuối tháng Chín này.
Trong khi đó, báo chí Mỹ, trích dẫn các viên chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, cho biết thêm hai thông tin. Một là Hoa Kỳ không trừng phạt doanh nhân và xí nghiệp Trung Quốc để trả đũa các vụ tin tặc trước ngày viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc. Thứ hai là có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ bỏ chuyến thăm viếng Hoa Kỳ nếu Trung Quốc bị trừng phạt.
Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động đơn phương:
Lầu Năm góc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động đơn phương và gây mất ổn định ở Biển Đông, như xây các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Hôm qua, 14/09/2015, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Bill Urban tuyên bố rằng việc Trung Quốc tiếp tục những công trình nói trên “sẽ không làm giảm bớt căng thẳng hoặc sẽ không giúp đạt đến một giải pháp ngoại giao thỏa đáng” cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Bill Urban nói : “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh với Trung Quốc, như chúng tôi đang làm đối với toàn bộ những nước có tranh chấp, rằng con đường duy nhất để giảm căng thẳng đó là chấm dứt những hành động đơn phương và gây mất ổn định”.
Ông Urban khẳng định Hoa Kỳ cũng có lợi ích trong việc duy trì ổn định khu vực và tuân thủ trật tự dựa trên những quy định hiện có. Trong tinh thần đó, Washington khuyến khích toàn bộ các quốc gia tranh chấp “nên có những bước cụ thể để giảm căng thẳng trên Biển Đông”.
Phát ngôn viên Lầu Năm góc nhắc lại rằng vào tháng Tám vừa qua Trung Quốc đã tuyên bố ngưng việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông, nhưng cùng lúc đó Bắc Kinh lại loan báo ý định xây dựng thêm các cơ sở, trong đó có những cơ sở được sử dụng vào mục đích quân sự.
Theo lời ông Bill Urban, bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục thi hành chiến lược để đạt được những mục tiêu ở vùng biển châu Á, trong khuôn khổ chiến lược của Hoa Kỳ ở toàn khu vực. Chiến lược này đã được trình bày chi tiết trong bản báo cáo được công bố gần đây.
Tin RFI