Trung Quốc, quốc gia đánh cá lậu số 1 thế giới: Quốc tế làm gì để đối phó ?

Hạm đội tàu đánh cá (du kích biển?) của Trung Cộng đông như kiến

Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Cộng đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2020 hết hiệu lực hôm thứ Hai, 16/08. Việt Nam, Philippines và một số quốc gia láng giềng khác lo ngại tàu cá Trung Cộng tràn ngập các khu vực khai thác hải sản truyền thống của mình. Tuy nhiên, hạm đội tàu cá của Trung Cộng, với các hoạt động đánh cá lậu được coi là đứng đầu thế giới, cũng đang ngày càng trở thành mối đe dọa khắp nơi. 

Các hoạt động đánh cá lậu của Trung Cộng có quy mô thế nào? Quốc tế làm gì để đối phó với Trung Cộng? Chuyên mục Theo dòng thời sự của đài quốc tế RFI tổng hợp tin tức báo chí về vấn đề này.

1 – Tại sao nói Trung Cộng là quốc gia đánh cá bất hợp pháp số 1 thế giới? 

Theo tổ chức WWF (Quỹ Thiên Nhiên Hoang Dã Thế Giới), hơn 800 triệu người trên thế giới sống dựa vào nghề khai thác hải sản. Thế nhưng nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động “khai thác không bền vững”, các hoạt động đánh cá lậu, không được công bố, không được điều chỉnh bằng các quy định (illegal, unreported and unregulated / IUU). Các hoạt động khai thác hải sản lậu chiếm khoảng từ “12 đến 18% sản lượng khai thác toàn cầu, và góp phần vào việc khai thác cạn kiệt các đại dương, phá hủy các hệ sinh thái”. Tổng thiệt hại chỉ riêng do đánh cá lậu mang lại ước chừng từ 8 đến 19 tỉ euro.  

Trong một bài viết trên trang mạng của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Claude Berube, giảng viên Học viện Hải Quân Mỹ, cũng nêu ra con số 20% sản lượng hải sản khai thác trên thế giới là do các hoạt động đánh bắt lậu (riêng tại Hoa Kỳ, số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp ước tính cũng khoảng 20 đến 30%, và số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp tại nhiều nơi khác còn cao hơn). Giảng viên Học viện Hải quân Mỹ cũng lưu ý đến con số 30% số tàu đánh cá trên thế giới là của Trung Cộng. Hiệp hội ODI, chuyên theo dõi lĩnh vực này, trong một báo cáo chi tiết hồi 2016, đã cho biết lực lượng tàu cá đánh bắt biển xa (DWF) của Trung Cộng có “quy mô lớn nhất thế giới”, với khoảng 17,000 tàu cá, cao hơn gấp từ 5 đến 8 lần so với các ước tính trước đó (ODI – Overseas Development Institute, có trụ sở tại Luân Đôn, là một hiệp hội phi chính phủ có uy tín trong lĩnh vực này). Khoảng 1.000 tàu Trung Cộng đánh bắt biển xa được đăng ký với cờ hiệu của các nước khác. Ít nhất, gần 200 tàu cá Trung Cộng bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động đánh cá lậu. Để so sánh, chúng ta biết lực lượng đánh cá biển xa của Mỹ chỉ có khoảng 300 tàu (theo trang mạng chuyên về môi trường Yale). 

Theo bảng xếp hạng Index IUU (illegal, unreported and unregulated / IUU), về đánh bắt cá lậu, khai thác bừa bãi, của cơ quan chống các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organized Crime), có trụ sở tại Genève, Trung Cộng là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 152 nước. 

Một trong các ví dụ tiêu biểu ví dụ tiêu biểu cho các hoạt động đánh cá lậu quy mô lớn của Trung Cộng gần đây là việc chính quyền Peru bắt giữ tàu đánh cá Trung Cộng Damanzaihao, vì khai thác cá lậu, và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển Peru. Tàu Damanzaihao được coi là “tàu đánh cá – xưởng chế biến hải sản trên biển lớn nhất thế giới”, có khả năng xử lý đến 547.000 tấn cá một năm. Năm 2016, tàu bị chính quyền Peru phạt nhiều triệu đô la, vì đánh cá lậu. 

Phóng viên điều tra Ian Urbina, trong một bài viết trên mạng Yale Environment 360, cho biết Trung Cộng không chỉ là “nhà xuất khẩu hải sản số một thế giới”, mà bản thân Trung Cộng cũng là quốc gia tiêu thụ đến “hơn một phần ba lượng hải sản toàn cầu” hàng năm. Sau khi đánh bắt hải sản cạn kiệt tại các vùng biển gần Trung Cộng, trong những năm gần đây, hạm đội tàu cá Trung Cộng đã vươn xa hơn, đặc biệt là tại vùng biển tây châu Phi và Nam Mỹ, là nơi các quốc gia ven bờ ít có phương tiện kiểm soát vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế quốc gia mình. Tàu cá Trung Cộng đánh bắt xa thường có trọng tải rất lớn, một tuần đánh cá của tàu Trung Cộng tại các vùng biển Senegal hay Mêhicô bằng thuyền bè địa phương đánh bắt trong cả năm. Theo nhà báo Ian Urbina, chỉ riêng lượng mực Trung Cộng khai thác tại các vùng biển quốc tế chiếm từ 50 đến 70% lượng mực thế giới khai thác tại vùng biển này.

Hoạt động đánh bắt lậu hải sản của Trung Cộng ắt hẳn có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết. Hồi cuối tháng trước (tháng 7/2020), truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi tin tức về các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của Trung Cộng tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Bắc Triều Tiên. Tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Outlaw Ocean Project, có trụ sở tại Washington, dựa trên các dữ liệu vệ tinh trong hai năm gần đây, đã vén lộ hoạt động của tàu cá công nghiệp Trung Cộng quy mô lớn, tại một khu vực ít ngờ cho đến này. Năm ngoái, có ít nhất gần 800 tàu cá Trung Cộng hoạt động tại vùng biển này, khu vực vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong khuôn khổ các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Các dữ liệu vệ tinh nói trên cũng được cơ quan theo dõi nghề cá Global Fishing Watch và nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản phân tích, được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances. 

2 – Thế giới đối phó ra sao với hiện tượng tàu của Trung Cộng khai thác hải sản bất hợp pháp? 

Trước hết về mặt truyền thông, việc các tổ chức điều tra, quan sát theo dõi sát các hoạt động khai thác hải sản của Trung Cộng cũng buộc Trung Cộng phải dè chừng. Một ví dụ mới nhất: Giữa tháng 7/2020, việc một hạm đội tàu cá hơn 280 chiếc của Trung Cộng áp sát vùng bảo tồn biển thuộc quần đảo Galapagos trên Thái Bình Dương (của Ecuador), một khu bảo tồn biển được UNESCO xếp hạng, cách bờ tây của Ecuador khoảng 1.000 km, đã được các tổ chức quan sát biển theo sát, truyền thông loan tải rộng rãi. Việc đội tàu cá Trung Cộng hiện diện đông đảo tại khu vực bảo tồn biển hết sức quý giá này, bị đông đảo giới bảo vệ môi trường coi là một hành động khiêu khích. 

Ông Tony Long, chủ tịch của Global Fishing Watch, cho đài France 24 biết là “nhiều tàu trong số đội tàu trên đã từng tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá lậu (IUU)”. Lần này, các tàu Trung Cộng hoạt động sát vùng ranh giới của vùng bảo tồn biển Galapagos. Mặc dù, không xâm nhập vào khu vực bảo tồn biển, nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, hoạt động của tàu cá Trung Cộng đe dọa nghiêm trọng các loài sinh vật biển trong khu bảo tồn, bởi nhiều loài trong đó, bao gồm các loài cá mập quý hiếm, vốn là các loài cá di cư, và chúng thường xuyên rời khỏi khu vực bảo tồn để ra vùng biển khơi, nơi chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho các tàu cá Trung Cộng. 

Năm 2017, chính quyền Ecuador từng bắt giữ tàu cá Trung Cộng Fu Yuan Yu Leng 999, với 300 tấn hải sản, ngay trong khu vực bảo tồn, trong số hải sản trên tàu bị thu giữ có nhiều cá mập nằm trong danh sách các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Lần này, trên thực tế, tàu Trung Cộng chưa thâm nhập vào khu bảo tồn, có thể là do sự theo dõi sát sao của giới bảo vệ môi trường, thế nhưng chỉ riêng việc các tàu cá Trung Cộng khai thác quy mô lớn trên vùng biển quốc tế đã có thể để lại các thiệt hại khó vãn hồi. Một số ngư dân Ecuador cho biết đã chứng kiến các tàu cá Trung Cộng với dây câu dài đến 100 km (Bài “Une flotte géante de navires chinois pêche en bordure des Galapagos, ONG et habitants lancent l’alerte”, France 24, 6/8/2020) 

Phát biểu đầu tháng 8/2020, đại sứ Trung Cộng tại Ecuador khẳng định các hoạt động đánh bắt của tàu Trung Cộng trên vùng biển quốc tế, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, của Ecuador, là “hoàn toàn hợp pháp”, và “không đe dọa bất cứ ai”. Trước đó, ngày 02/08, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Bắc Kinh về vấn đề này, và khẳng định sẵn sàng trợ giúp Ecuador cũng như tất cả các quốc gia bị đe dọa bởi “các tàu đánh cá Trung Cộng, hoạt động phi pháp và sử dụng các kỹ thuật đánh cá vô trách nhiệm”. 

3 – Phải chăng quốc tế gần như cơ bản là bất lực trước các hoạt động đánh bắt lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi của Trung Cộng? 

Như chúng ta thấy, hoạt động của nhiều tổ chức bảo vệ nghề cá, bảo vệ môi trường phi chính phủ, và truyền thông quốc tế trong thời gian qua, đã có một số tác dụng nhất định. Và nạn đánh bắt cá lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi cũng liên quan đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứ không chỉ Trung Cộng, cho dù Trung Cộng là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. 

Trên thực tế, gần đây, đã ra đời một công cụ pháp lý quốc tế quan trọng (Port State Measures Agreement – PSMA), được coi là thoả thuận pháp lý quốc tế mang tính cưỡng chế đầu tiên nhằm chống nạn khai thác cá lậu, khai thác bừa bãi (IUU). Nguyên tắc chính của Thỏa thuận này, là ngăn chặn không để các tàu tham gia vào các hoạt động khai thác cá lậu (IUU) cập cảng các nước, trên toàn thế giới. 

Thoả thuận PSMA, ra đời năm 2016 và đã bắt đầu có hiệu lực, có khả năng cưỡng chế rất lớn so với các quy định trước đó. Theo đại diện của Greenpeace ở Bắc Kinh, trước đây các doanh nghiệp vi phạm chỉ phải trả tiền phạt, kể từ giờ thuyền trưởng các tàu đánh bắt lậu sẽ bị tước quyền hoạt động 5 năm, chủ doanh nghiệp bị cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm. Nếu Bắc Kinh gia nhập Thỏa thuận này, ngoài chuyện cấm tàu vi phạm cập cảng, chính quyền Trung Cộng cũng sẽ phải có trách nhiệm điều tra các tàu cá vi phạm, theo luật Trung Cộng, và theo các hiệp ước quốc tế, mà Bắc Kinh tham gia. Hồi năm 2017, Bắc Kinh hứa sẽ tham gia Thỏa thuận quốc tế này (bài “China is key to closing ports to illegally caught fish», Savingseafood.org, 28/10/2019). 

Bên cạnh việc quốc tế gây áp lực để Trung Cộng sớm tham gia Thỏa thuận PSMA, các quốc gia liên quan cũng cần có các biện pháp tự vệ phù hợp. Cụ thể như trong trường hợp Ecuador, theo nhà hoạt động môi trường Inty Grønneberg, chính quyền Ecuador cần “tuyên bố quyền chủ quyền đối với khu vực hàng lang trên biển dài 200 hải lý, nối liền vùng đặc quyền kinh tế ven bờ biển Ecuador với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos”, với lý do bảo vệ luồng di cư của các loài hải sản quý giữa lục địa và quần đảo được UNESCO xếp hạng, nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu cá nước ngoài trong khu vực. Ecuador cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ này. 

Sự phối hợp giữa các cường quốc biển, như Hoa Kỳ, với các quốc gia ven bờ, cũng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy việc đẩy lùi nạn đánh bắt cá trộm. Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2020 (National Defense Authorization Act), việc chống đánh bắt cá trộm, khai thác hải sản bừa bãi (IUU) cũng được coi là một vấn đề an ninh quốc gia

Theo Trọng Thành (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt