Trung Quốc muốn gì ?

ANDREW J. NATHAN là Giáo sư Khoa Chính trị tại Columbia University và là đồng tác giả, với Andrew Scobell, cuốn sách sắp xuất bản, nhan đề “Trung Quốc tìm kiếm an ninh” (China’s Search for Security).

Andrew J. Nathan

Là một người sành điệu trong nghệ thuật ngoại giao tế nhị, Henry Kissinger tỏ ra rất khâm phục Trung Quốc (TQ) về nghệ thuật này. Tác phẩm mới của ông, được viết dưới dạng một cuốn lịch sử ngoại giao TQ, vẽ ra những khúc mắc chiến lược của TQ kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, trích dẫn khá nhiều các cuộc hội đàm của ông với một số lãnh đạo TQ. Nhưng thật ra, cuốn Bàn về Trung Quốc (On China) của Kissinger chẳng phải là một cuốn lịch sử mà cũng chẳng phải là một hồi ký. Mục đích chính của nó là nhằm tranh luận rằng Hoa Kỳ (HK) nên tử tế nhượng bộ trước sự trỗi dậy của TQ để tránh một cuộc xung đột bi thảm.

Aaron Friedberg lại đưa ra một lời khuyên ngược lại. Hiện là giáo sư của Đại học Princeton và từng là cố vấn về chính sách đối ngoại cho Phó Tổng thống Dick Cheney, Friedberg phân tích những chiến lược mà TQ và HK đã sử dụng để ứng xử với nhau kể từ đầu thập niên 1990 và cố gắng giải mã những ý định của TQ trong những thập kỷ tới. Ông lý luận rằng, để đối phó với quyền lực và tham vọng ngày càng lớn của TQ, Hoa Kỳ cần phải giữ thế mạnh trong nhiều lãnh vực mà lợi ích của hai nước xung khắc lẫn nhau. Cả hai cuốn sách sẽ hé mở một cánh cửa cho thấy một sự rạn nứt chiến lược giữa các nhân vật Cộng hòa chính thống về vấn đề TQ. 

Kissinger ví chính sách ngoại giao của TQ với môn cờ vây — weiqi (tương tự như cờ igo của Nhật), một cuộc đọ trí kiên nhẫn bằng chiến thuật bao vây, trong đó chiến thắng chỉ là tương đối. Các nhà chiến lược TQ coi một thành quả quyết định là ảo tưởng. Thay vào đó, họ chơi trò “vừa sống chung vừa đấu đá” (a game of combative coexistence), tìm cách cải tiến địa vị quyền lực tương đối của mình giữa những thế lực biến chuyển không ngừng của chính trị thế giới. Vào lúc cần thiết, TQ có thể dàn chào địch thủ bằng một cú sốc tâm lý rồi rút lui, như họ từng làm với Ấn Độ năm 1962 nhằm chặn đứng những cuộc xâm lấn vào biên giới tranh chấp giữa hai nước, và như TQ từng làm với Liên Xô năm 1969 để ngăn chặn không cho Mác-xcơ-va thọc vào những vị trí của TQ dọc theo biên giới. Trong những trường hợp khác, TQ có thể che đậy ánh sáng và chờ thời cơ [“thao quang dưỡng hối”], như mọi người đều biết Đặng Tiểu Bình đã khuyên các đồng chí của mình vào năm 1991, bảo họ phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ trong khi xây dựng lực lượng của TQ. Hay có khi TQ lấy lý do tự ái quốc gia bị tổn thương để khẳng định toàn bộ một vấn đề nào đó là không thể thương thuyết, như Bắc Kinh đã làm trong những năm 1993-94 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton cố đưa ra những mức thuế quan thuận lợi cho hàng hóa TQ với điều kiện TQ phải cải thiện nhân quyền, và như TQ đang coi các vấn đề lãnh thổ hiện nay là không thể thương thuyết. 

Kissinger nhận thấy có những tương phản rõ nét ở đây với đường lối thông thường của các nhà ngoại giao Mỹ, một điều lắm lúc làm ông bức xúc trong thời gian ông điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Trong khi các nhà thương thuyết Mỹ muốn tách riêng các vấn đề và tìm giải pháp cho từng vấn đề một, thì các đồng nhiệm TQ lại muốn gộp các vấn đề lại với nhau và tìm kiếm sự thông cảm từ phía bên kia. Trong khi người Mỹ tin rằng hai bên có thể đạt được những thỏa thuận trong một lãnh vực nào đó và có thể nêu lên những bất đồng trên một lãnh vực khác, thì các nhà thương thuyết TQ thích mô tả toàn bộ bầu không khí là nồng ấm hay lạnh nhạt, thân thiện hay căng thẳng, tạo động lực để khuyến khích phía bên kia gác lại các bất đồng. Trong khi người Mỹ lấy làm lo ngại vì những bế tắc, thì phía TQ biết lợi dụng những bế tắc này để duy trì sức ép lên phía bên kia. Ngoại giao của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề (transactional); ngoại giao của TQ nhằm gây tác động tâm lý (psychological). 

Kissinger trích dẫn lời khuyên của Tôn Tử, một nhà chiến lược quân sự cổ đại TQ đã cho rằng người ta có thể nắm được phần thắng trong tay trước khi ra trận bằng cách trước hết là phải giành lấy ưu thế chính trị và tâm lý. Thuở xa xưa, vào thế kỷ thứ ba, tư lệnh Gia Cát Lượng đã đẩy lui một đạo quân của địch bằng cách mở toang các cửa thành rồi lên thành nằm phơi nắng; sự dàn cảnh này tạo ấn tượng một chiếc bẫy, khiến tướng địch sợ hãi rút quân. Khoảng năm 1793-94, Hoàng đế Càn Long đã tránh né những yêu cầu của sứ thần Anh là Lord George Macartney bằng một cuộc  tiếp đãi hết sức nồng hậu; khi Macartney không hiểu được thâm ý của nhà vua, triều đình đã xua đuổi ông bằng một tờ thư để trên một chiếc ghế lụa. Năm 1958, Mao Trạch Đông không chỉ tiếp lãnh đạo Xô-viết Nikita Khrushchev tại hồ tắm riêng mà ngay trong hồ tắm, buộc nhà lãnh đạo Xô-viết phải đàm phán trong khi đang mang phao. Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai lần đầu, năm 1971, thủ tướng TQ đã bố trí thời khắc biểu của mình thế nào để chỉ dành cho Kissinger hai thời khoản thương thuyết tổng cộng là 13 giờ trong suốt thời gian Kissinger có mặt tại Bắc Kinh, buộc nhà ngoại giao Mỹ phải vội vã chấp nhận một cuộc viếng thăm TQ của tổng thống Mỹ với rất ít chi tiết được giải quyết trước. 

Kissinger giải thích rằng những chiến thuật này đã biến tính hiếu khách của TQ thành “một khía cạnh chiến lược”, khiến cho khách nước ngoài phải nễ sợ, bối rối, hoặc bị dụ khị do sự giàu có, hào phóng, và điềm tĩnh của chủ nhà. Các nhà ngoại giao TQ rất khéo dùng tình hữu nghị, khiến “phía bên kia…cảm thấy mát lòng [được nịnh] vì được cho gia nhập vào ‘hội quán’ TQ trong tư cách một ‘người bạn cũ’—đây là một tư thế làm cho việc bất đồng với họ thêm khó khăn và việc đối đầu với họ trở nên nhức nhối”, Kissinger viết. Nhà ngoại giao Kỳ Anh của nhà Thanh đã nói về cách ứng sử với bọn “phiên” Anh (British barbarians) như sau: cần phải “kiềm chế chúng bằng sự chân thành của mình”. 

Kissinger cho rằng có gốc gác từ một nền văn minh cổ đại là một lợi thế. “Độ dài và phạm vi rộng lớn của lịch sử TQ cho phép các nhà lãnh đạo TQ nhận lấy trọng trách của một lịch sử gần như dài bất tận, do đó có thể gợi lên trong tâm trí người đồng nhiệm ở phiá bên kia một sự khiêm nhượng nhất định”, Kissinger viết. Những lời chỉ trích đây đó của ông nhắm vào Hoa Kỳ — mà văn hoá đối ngoại được ông mô tả là “có tính truyền giáo”, theo chủ nghĩa can thiệp, có viễn kiến hẹp hòi, và thực dụng một cách thô bỉ — chứng tỏ ông đã gặp khó khăn khi đại diện một quốc gia thiếu lợi thế đó. Trong cuộc đàm luận đầu tiên của Chu Ân Lai và Kissinger, họ Chu đã dành thâm niên (seniority) cho Hoa Kỳ bằng cách so sánh số tuổi của nước cộng hòa Mỹ (khoảng 200 năm) với số tuổi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (22 năm). Cách so sánh này làm mát lòng người nghe, mặc dù Kissinger biết điều đó là không thật. 

Vấn đề với cuốn sách của Kissinger không nằm ở sự kiện. Những sự kiện được đưa ra là có cơ sở vững chắc trong tác phẩm nghiên cứu này và, đây đó trong cuốn sách, ở những ghi chú về các cuộc đàm đạo mà chính Kissinger có tham dự. Nhưng từ bấy đến nay những nghiên cứu mới mẻ đã hoài nghi bất cứ một lý thuyết nào về các yếu tính (essentialism) liên quan đến TQ như “tính đơn nhất”, “tính trung tâm”, hay “óc nhẫn nại chiến lược” (singularity, centrality, or strategic patience).  Mặc dù Kissinger không nói ra, nhưng bức tranh ông vẽ lên nói về một nước Trung Hoa trường cửu – và rất Đông phương. Và Kissinger không cắt nghĩa rõ ràng lý do tại sao lịch sử ngoại giao lâu đời của TQ lại khiến Hoa Kỳ phải nhượng bộ những tham vọng của TQ. Một lập luận như thế thiếu sự  phân tích những thực tế vật chất tạo nên quyền lực tương đối hiện nay của TQ –thậm chí sau 20 năm tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, trên nhiều mặt những thực tế vật chất này vẫn còn rất bất  lợi. 

NHỮNG Ý ĐỊNH LÔI THÔI CỦA TQ 

Friedberg cũng phóng đại sức mạnh của TQ, mặc dù ông đi theo một lập luận khác. Nhưng tác phẩm của ông là một cuốn sách sâu sắc và đầy đủ thông tin nhất trong một loạt sách nói về hiểm họa TQ được xuất bản từ giữa thập niên 1990 cho đến nay. Trong thể loại này, sự đóng góp của Friedberg là tập trung vào những ý định chiến lược của TQ. Mặc dù Friedberg đồng ý với lô-gic thực tế cổ điển (the classical realist logic), theo đó một sự thay đổi trong tương quan quyền lực sẽ tất yếu tạo ra cạnh tranh quyền lực, nhưng ông nghĩ rằng điều quan trọng là phải tìm cho ra TQ thật sự muốn gì – theo cách diễn tả của ông. 

Phương pháp của Friedberg là tổng hợp quan điểm của các nhà trí thức TQ đã công khai viết ra trên các tạp chí nghiên cứu chính sách TQ có chức năng tương tự như tạp chí Foreign Affairs tại Mỹ và các phương tiện truyền thông khác. Các tác giả mà ông trích dẫn là giáo sư đại học hay những nhà nghiên cứu (và một số sinh viên theo đuổi chương trình thạc sĩ và tiến sĩ) tại các đại học và các viện nghiên cứu chính sách. Ông cũng dựa vào một số sĩ quan quân đội làm việc trong các ngành được phép viết sách, báo phục vụ độc giả quần chúng. Friedberg lý giải rằng những tư liệu này “phản ánh những luồng dư luận chính ‘có trách nhiệm’” trong giới viết lách tại TQ. “Người ta biết rằng một số trong những nhà văn này được phép tiếp cận với các giới lãnh đạo trung ương của đảng và nhà nước”. Điều mà ông đọc được từ những chuyên gia này là, TQ phải tìm cách “thay thế Mỹ trong vai trò khống chế tại Đông Á, và có thể đẩy Mỹ ra khỏi hẳn khu vực”. Nhưng phương pháp đánh giá các ý định của TQ mà Friedberg sử dụng có rất nhiều khuyết điểm. Các tác giả viết cho công chúng TQ cần phải tranh giành sự chú ý của bạn đọc, cũng giống như các trí thức quần chúng (public intellectuals) tại Mỹ mà thôi, nghĩa là phải có quan điểm gay gắt và lối viết sống động. Thật vậy, các tác giả mà Friedberg trích dẫn có lập trường rất khác nhau, từ lập trường của Đại tá Lưu Minh Phúc, một người muốn TQ trở thành “số một trên thế giới” (world number one), đến lập trường của học giả Vương Tập Tư, một người nhấn mạnh những lợi ích chung giữa TQ và HK. Việc Friedberg cố gắng tổng hợp những quan điểm này đã tạo ra một sự hợp nhất không thật (a false unity), cùng với sự kiện ông chỉ tập trung vào những tác giả phát biểu những điều sắc bén nhất. Hơn nữa, như Thomas Christensen đã vạch ra trong tạp chí này [bản dịch trên BauxiteVN, “Những lợi thế của một Trung Quốc biết khẳng định”, DG], trong thực tế các nhà hoạch định chính sách TQ luôn luôn thận trọng hơn giọng điệu trên các phương tiện truyền thông TQ. Điều đáng tiếp thu từ sự phân tích của Friedberg là: dân chúng TQ được báo đài trong nước thiết đãi những món ăn đầy cảm tính dân tộc chủ nghĩa (a rich diet of nationalist sentimentality) — dù với bất cứ lý do gì, điều này được cho phép, hay thậm chí được giao phó bởi ban tuyên giáo, một cơ quan nhiên hậu kiểm soát hết mọi báo đài TQ. 

Bằng cách tập trung vào ý định của TQ, Friedberg, cũng như Kissinger, đã không đề cập một cách nghiêm túc những khả năng TQ cần phải có để thực hiện những mục tiêu mà nhiều học giả khác nhau của TQ đã đề xuất. Một sự kiểm toán như thế, nếu có, sẽ cho thấy rằng TQ đang sa lầy cả trong nước lẫn tại châu Á nói chung. Ở trong nước, TQ đã dành nhiều nguồn lực hết sức to lớn, kể cả các nguồn lực quân sự, để duy trì quyền kiểm soát trên 2/5 lãnh thổ TQ, gồm Tân Cương và Tây Tạng, để duy trì trật tự dân sự khắp miền trung châu của người Hán quá đông đúc và bất ổn, và để ngăn chặn phong trào độc lập của Đài Loan. Chung quanh biên giới của mình, TQ bị bao vây chủ yếu bởi hai loại quốc gia: những nước mất ổn định mà gần như bất cứ một thay đổi nào xảy ra ở đó đều đặt các nhà chiến lược TQ vào tình trạng khó xử (chẳng hạn Miến Điện, Bắc Hàn, và các nước nhược tiểu Trung Á) và các quốc gia hùng mạnh có khả năng vươn lên trong tương lai để cạnh tranh với TQ (như Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, và Việt Nam). Và khắp nơi trên chu vi của TQ, trên bộ và trên biển, TQ đều phải đối mặt với sự hiện diện hùng hậu của Hoa Kỳ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vẫn là một lực lượng có cơ bắp lớn nhất trong sáu bộ tư lệnh chiến đấu khu vực (regional combatant commands) của quân lực Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Bộ Tư lệnh Trung ương (đang điều hành hai cuộc chiến). Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương tiếp tục điều chỉnh chiến lược của mình trong khi quân đội TQ hiện đại hóa. 

Friedberg còn tỏ ra thiếu chính xác, khi nhan đề A Contest for Supremacy (Cuộc thi đua giành địa vị siêu cường) nói lên một điều, mà một phần của tiểu đề the Struggle for Mastery in Asia (cuộc tranh đấu giành quyền bá chủ tại châu Á) lại có nói lên một điều khác – và cả hai ý tưởng này không được phần chính của cuốn sách biện minh. Nhưng lý luận của ông có phần vững chãi hơn khi ông viết rằng “nếu quyền lực của TQ tiếp tục gia tăng, và nếu TQ tiếp tục bị cai trị bởi một chế độ độc tài độc đảng, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở nên ngày càng căng thẳng và cạnh tranh.” Nhưng va chạm không có nghĩa là xung đột. 

Và tất cả điều này dựa trên giả định cho rằng sự trỗi dậy của TQ sẽ tiếp diễn không ngừng. Một cách chừng mực vừa phải, Friedberg chỉ đưa ra giả định này với mục đích tranh luận. Nhưng đây không phải là một giả thuyết có thể đúng về lâu về dài, vì mô hình kinh tế và chính trị TQ đang gặp phải quá nhiều sơ hở. Chồng chất lên những mối lo âu của giới lãnh đạo TQ, như Friedberg vạch ra, là những ý đồ của Hoa Kỳ: “gạt bỏ những tế nhị ngoại giao qua một bên, mục đích sau cùng trong chiến lược Mỹ là thúc đẩy một cuộc cách mạng, dù là một cuộc cách mạng ôn hòa [diễn biến hoà bình], để cuốn phăng nhà nước độc tài độc đảng của TQ”. Điều này giúp giải thích tại sao các lãnh đạo TQ đang hành xử như những kẻ bị vây khốn hơn là những kẻ đang trên đường đi gây chiến tranh bành trướng. 

Cho dù có tiếp tục con đường trỗi dậy của mình, TQ cũng không hi vọng đạt được một địa vị gọi là siêu cường thế giới, hay thậm chí một bá quyền khu vực, trừ phi quyền lực Mỹ suy yếu quá đột ngột. Trừ khả năng ấy ra, sẽ không có chuyện, như Friedberg tiên đoán, “các quốc gia châu Á cuối cùng sẽ quyết định đi theo sự lãnh đạo của một TQ đang lên, ‘hùa theo’ TQ…chứ không cố tình đối trọng với TQ”. Thay vì như vậy, TQ càng vươn dậy, thì hầu hết các láng giềng của TQ càng muốn đứng với Hoa Kỳ để quân bình quyền lực với TQ, chứ không chống lại Hoa Kỳ. 

PHẢN ỨNG TRƯỚC SỰ TRỖI DẬY CỦA TQ 

Kissinger kết thúc cuốn sách của mình bằng một đề xuất chính sách vắn tắt và thiếu chính xác đến mức đáng thất vọng. Ông thúc đẩy thành lập một Cộng đồng Thái Bình Dương “mà Hoa Kỳ, Trung Quốc, và các quốc gia khác trong vùng đều là thành viên và tất cả đều tham gia vào việc phát triển hoà bình của cộng đồng này”. Nhưng câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Hoa Kỳ phải nhượng bộ quá nhiều thẩm quyền cho TQ? Mỗi thành viên tiềm năng khác của cộng đồng cũng sẽ thắc mắc là liệu một dự án như vậy sẽ gia tăng hay làm suy giảm quyền lực của họ. Người TQ sẽ tự hỏi tại sao họ phải tự ràng buộc mình vào những ưu tiên của Mỹ qua dự án này. Những cường quốc châu Á, như Nhật Bản và Nam Hàn, sẽ không tin vào lợi ích của việc tự dìm mình trong một chế độ công quản Mỹ-Trung. Và các quốc gia nhỏ bé hơn sẽ thấy mình có nguy cơ bị người anh cả đồng minh bán đứng, dù đó là TQ hay HK. Tiền đề của đề xuất này, rằng chúng ta cần phải tránh một cuộc đối đầu Mỹ-Trung, là đúng đắn, nhưng đây là một tiền đề không xét đến các lợi ích quốc gia. 

Friedberg bác bỏ ý kiến thành lập một chế độ công quản do hai cường quốc lãnh đạo và coi đó là một sự khoan nhượng vô nguyên tắc (appeasement). Mặt khác, ông cũng bác bỏ đề nghị làm trì hoãn hay phá hoại sự trỗi dậy của TQ vì cho như thế là quá trực diện đối đầu (too confrontational). Lựa chọn thứ ba, “gia tăng cam kết” (enhanced engagement), ở một mức độ nào đó là có thể chấp nhận, nhưng lập trường này đặt quá nhiều hi vọng vào thiện chí của các nhà làm chính sách TQ trong việc cộng tác với một đối thủ có lợi ích bất đồng với lợi ích của họ. Thay vào đó, Friedberg đề nghị Hoa Kỳ phải vạch ra những ranh giới phù hợp với sự trỗi dậy của TQ, bằng cách duy trì một cán cân quyền lực thuận lợi tại châu Á. Việc này sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ phải thực thi “những biện pháp tốn kém và khó khăn”, như duy trì các liên minh với Nhật Bản và Nam Hàn và các quan hệ hợp tác với hầu hết các nước láng giềng khác của TQ, tiếp tục nâng cấp thế đứng quân sự của mình cho phù hợp với chương trình hiện đại hóa quân đội của TQ, và quân bình các quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương. Dựa vào câu “chúng ta đã gặp kẻ thù và nó chính là ta” [ý nói Hoa Kỳ có những khuyết tật nội tại, DG], Friedberg cho rằng để thực hiện tất cả những điều trên, Hoa Kỳ phải phục hồi sức mạnh kinh tế, giữ vững lợi thế khoa học kỹ thuật, bảo vệ công nghệ tân tiến của mình, và duy trì khoảng cách trong thế mạnh quân sự. Người ta chỉ biết cầu nguyện cho cái đề xuất là Hoa Kỳ phải biết cải thiện chính mình. Những đề nghị loại này là rất thuyết phục dù có hay không có Trung Quốc trong kịch bản, và chúng cần được tăng cường trong bối cảnh một nước Trung Hoa đang trỗi dậy. Nhưng thật ra, cũng ít ai tranh cãi về những đề nghị này. Sự kiện những đề nghị này tạo thành cốt lõi cho chiến lược mà Friedberg đưa ra là một dấu hiệu cho thấy rằng tương lai của Hoa Kỳ tại châu Á không bị sự trỗi dậy của TQ đe dọa, như được ám chỉ bằng giọng điệu báo động của ông trong phần đầu của sách. TQ không thể đẩy HK ra khỏi châu Á; chỉ có HK tự ý làm việc đó cho mình mà thôi. Lời khuyên của Friedberg cơ bản phản ánh yếu tính của chính sách Mỹ ít ra trong thập kỷ vừa qua. Chắc chắn là, chính quyền Obama đã và đang làm những điều như Friedberg đề nghị. Hoa Kỳ không “có dấu hiệu thua cuộc trong màn thi đua địa chính trị với TQ”. 

Sự chỉ trích của Friedberg không nhắm vào chính sách ngoại giao của HK, nhưng nhắm vào “các chuyên gia về TQ trong giới hàn lâm, thương mãi, hay chính quyền” là chính; những người này bị ông lên án là đã bóp nghẹt tranh luận và có “thái độ lạc quan cố tình và thiển cận” (wilful, blinkered optimism). Nổi bậc nhất trong đám là Kissinger, người mà Friedberg coi là thành viên của một “Liên minh Thượng Hải” (nói trắng ra, một tổ chức lobby mới xuất hiện, phục vụ quyền lợi của TQ), một tổ chức “tránh né việc chỉ trích TQ và hậu thuẫn quan hệ hữu hảo giữa hai nước”. Bất đồng mãnh liệt nhất của Friedberg với nhóm này có liên quan đến vai trò của nhân quyền trong chính sách của Washington đối với TQ.

Nếu một thủ thuật chủ yếu của chính sách ngoại giao theo truyền thống Tôn Tử là thuyết phục phía bên kia tránh thảo luận một số vấn đề nhất định có tính nhạy cảm chính trị và văn hóa, thì TQ có vẻ đã giành được phần này trên bàn cờ vây (the wei qi board) nếu chúng ta chấp nhận quan điểm của Kissinger về nhân quyền. Bàn về giai đoạn tiếp theo sau biến cố Thiên An Môn, Kissinger nói rằng “những người Mỹ kêu gọi nhân quyền nhấn mạnh những giá trị mà họ cho là phổ quát” và tính phổ quát ấy “phản lại yếu tố tế nhị, theo đó chính sách đối ngoại thường bị bó buộc phải vận hành”. Ông nói tiếp: “Nếu coi việc chấp nhận các nguyên tắc điều hành quốc gia kiểu Mỹ là điều kiện chủ yếu để xúc tiến tất cả các lãnh vực khác của mối quan hệ giữa hai nước, thì bế tắc là điều không thể tránh”. Những phát biểu này của Kissinger có ba điều sai lầm: rằng tính phổ quát của các nhân quyền quốc tế là một vấn đề tùy theo quan niệm chứ không phải là luật pháp quốc tế, rằng nhân quyền đồng nghĩa với các nguyên tắc điều hành quốc gia kiểu Mỹ, và rằng cổ vũ cho nhân quyền có nghĩa là đe dọa sự tiến bộ trong mọi lãnh vực khác của chính sách đối ngoại. 

Lý luận phản biện của Friedberg là rất thuyết phục. Nếu Hoa Kỳ tỏ ra mềm yếu đối với các giá trị cốt lỏi, thái độ này sẽ tăng cường quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo TQ rằng Hoa Kỳ đang suy yếu, vì vậy sẽ khuyến khích TQ tính toán sai lầm quyết tâm của HK. Như Friedberg viết, “Nếu không đặt nặng vấn đề tự do trong các cuộc thương thuyết, Hoa Kỳ sẽ trấn an các lãnh đạo TQ thì ít nhưng khuyến khích họ trở nên liều lĩnh thì nhiều”. Friedberg thẳng thắn áp dụng quan điểm của Kissinger về những hiệu ứng hòa dịu của tình hữu nghị vào chính bản thân Kissinger, bằng cách tranh luận rằng những thành viên của Liên minh Thượng Hải được thúc đẩy một phần do “các phần thưởng tâm lý phát xuất từ việc tin rằng họ đang giúp gìn giữ hòa bình và từ sự thoả mãn vì được Bắc Kinh kính nễ và tiếp đãi tử tế”. 

Thảo nào, chính sách ngoại giao của TQ cố tình coi nhân quyền chỉ có giá trị tương đối tùy theo văn hóa từng quốc gia và coi vấn đề nhân quyền như một kẻ thù của tình hữu nghị. Dẫu sao, việc không tôn trọng nhân quyền là một yếu kém nổi bật của TQ ngay trong nước cũng như ở nước ngoài, trong khi đó chủ trương bảo vệ nhân quyền lâu nay vẫn là một trong chiến thuật thành công nhất của Hoa Kỳ trên bàn cờ vây (wei qi) của chính trị thế giới. Điều đáng ngạc nhiên là, nhà chiến lược lỗi lạc của Hoa Kỳ [tức Kissinger] muốn chơi cờ vây theo luật chơi của Bắc Kinh. Thiết tưởng ta có nên bắt chước chiến lược này của TQ thay vì chỉ nhường bước cho nó? Nhấn mạnh vai trò trung tâm có nguyên tắc của chủ trương nhân quyền trong ý thức hệ Mỹ và tích cực nuôi dưỡng vấn đề nhân quyền trong các quan hệ song phương cho dù không thể tìm ra giải pháp cho nó – cùng với việc sử dụng thế mạnh của Hoa Kỳ trong các lãnh vực khác — tỏ ra là một phương cách hữu hiệu để tạo ra những hạn giới, trong đó một cường quốc Trung Hoa đang trỗi dậy có thể hoạt động mà không đe dọa các lợi ích của Hoa Kỳ.

 

Chuyển ngữ: Trần Ngọc Cư

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt