Trung Cộng choáng váng vì Donald Trump…….
Mới mấy đoạn trên Twitter của ông Trump mà Trung Cộng đã choáng váng, thế thì khi Trump dùng đòn thiệt chắc Trung Cộng như con mèo chết yểu… Tin tức từ báo chí của Trung Cộng đã không tiếc lời chỉ trích ông Trump nào là “xem Trung Cộng như miếng thịt muốn cắt thế nào cũng được” hay là “xem Trung Cộng như một quốc gia dễ bị khuynh đảo, bảo sao nghe vậy” …..Sau khi chửi rủa đã đời, sáng nay (8/12) tờ “Hoàn Cầu Thời Báo” cơ quan ngôn luận của Đảng CS Trung Hoa hù doạ “chế tạo thêm các vũ khí hạt nhân chiến lược và đẩy nhanh việc triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 để bảo vệ lợi ích của mình”… xem thêm tin tức dưới đây cho biết sự tình Mỹ-Trung
Kẻ cắp gặp bà già, Bắc Kinh phát hiện trễ là Hoa Kỳ đã đổi chính sách trong quan hệ với Trung Cộng và Đài Loan. Theo Agence French Press (AFP), thoạt đầu Bắc Kinh cho rằng nhà tỷ phú địa ốc Mỹ thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao nên có lời lẽ bốc đồng bất chấp nguyên tắc đối ngoại: lên án đích danh Trung Cộng cạnh tranh bất chính với các công ty Mỹ, tăng cường quân sự tại Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Cộng càng chịu đòn thì ông Donald Trump lại tung thêm những cú tấn công mới toàn đánh vào tử huyệt.
Ngày 02/12/2016, sau khi điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà tỷ phú nổi tiếng với hành động khó lường một lần nữa nhấn vào hai vấn đề sinh tử của Trung Cộng: dumping xuất khẩu và lấn chiếm Biển Đông.
Thái độ bất lực của Trung Cộng được thể hiện trong ngày 06/12/2016. Báo chí Nhà nước đổi giọng vừa kêu gọi cảnh giác vừa ngầm đe dọa. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của phe diều hâu cảnh cáo: “Những lời nhắn Twitter của Donald Trump che giấu ý đồ của ông ta là xem Trung Cộng như một miếng thịt cừu… và ông ta muốn cướp tài nguyên của nước khác để làm giàu cho nước Mỹ”.
Cũng trong chiều hướng này, Nhân Dân Nhật Báo có một bài xã luận khuyến cáo đừng nghĩ là tổng thống tân cử Mỹ “thiếu kinh nghiệm” trong lãnh vực ngoại giao và quân sự. Cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Cộng cho rằng ông Trump “có lập trường riêng”, chỉ có điều lập trường đó “không thích hợp với nền tảng quan hệ Mỹ -Trung”.
Vì sao Bắc Kinh nghi ngờ chủ nhân sắp tới tại Nhà Trắng đặt quan hệ với đảo Đài Loan ngang hàng với Hoa Lục ? Sau khi được Bắc Kinh chúc mừng thắng cử thì ông Donald Trump nhận lời điện đàm chia vui của Đài Bắc. Một chi tiết nữa là, theo Washington Post, các cố vấn của tổng thống tân cử xác nhận là vụ điện đàm Donald Trump -Thái Anh Văn không phải do bất ngờ mà là có tính toán trước, kể cả quyết định công bố nội dung buổi điện đàm.
Cú điện thoại của tổng thống Đài Loan là “kết quả của nhiều tháng chuẩn bị và thảo luận trong nội bộ ban cố vấn của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ”.
Chuyên gia Stephen Yates, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ (2001-2005), khẳng định là tên bà Thái Anh Văn được đưa “rất sớm” vào danh sách các nguyên thủ quốc tế mà chính quyền mới tại Mỹ “tiếp xúc”. Donald Trump tiên liệu trước là Bắc Kinh sẽ nổi giận nhưng ông cương quyết đối đầu.
Chung quanh ông Donald Trump còn có nhiều nhân vật thân với Đài Loan và muốn tăng cường hợp tác với Đài Bắc, trong đó có ông Reince Preibus, chánh văn phòng tương lai của phủ tổng thống Mỹ đã nhiều lần gặp tổng thống Đài Loan, cho nên hai bên “biết rõ” họ phải làm gì, theo phân tích của chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ Stephen Yates.
Hoàn Cầu Thời Báo, trong bản tiếng Hoa, lên án ông Trump là một “nhà lãnh đạo không biết giữ mồm giữ miệng” và đe dọa “Trung Cộng sẽ trả đũa” nếu quyền lợi bị đụng chạm.
Cũng với luận điểm đe dọa, Nhân Dân Nhật Báo cho rằng Trung Cộng “phản ứng một cách ôn hoà” trước những “đòn thăm dò” của tổng thống Mỹ mới đắc cử, nhưng sẽ cứng rắn hơn sau khi ông Donald Trump nhậm chức. Theo phân tích của AFP, Bắc Kinh phát giác một cách muộn màng và đành phải chấp nhận sự thay đổi chiến lược đột ngột của Mỹ như chuyện đã rồi.
Trung Cộng vẫn tự hào có binh thư Tôn Tử. Ông Trump “biết” Trung Cộng, nhưng chính quyền Trung Cộng “biết” ông Trump quá trễ.
Đài Loan: Lá bài địa chính trị của Trump đối với Trung Cộng ?
Người ta lầm rằng ông Trump hay “hớ hênh” khi điện đàm với tổng thống Đài Loan. Nhưng không, Ông đang tìm cách làm thay đổi các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, theo cách của ông, vừa khiêu khích, vừa mập mờ không rõ ràng. Ông có tài làm cho người đối thoại lúng túng, không biết chắc là nên đáp lại như thế nào cho thích hợp. Trên đây là nhận định của báo Le Figaro ngày 06/12/2016 trong bài viết đề tựa “Đối mặt với Trung Cộng, Trump cố tình chơi lá bài Đài Loan”.
Đối với ông Trump, cuộc điện đàm giữa ông với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hôm thứ Sáu (02/12) vừa qua, chỉ là một “cuộc gọi xã giao” của tổng thống Đài Loan chúc mừng ông thắng cử. Nhưng Le Figaro cho rằng cử chỉ này đã xóa bỏ một điều cấm kỵ kể từ năm 1979 và kể từ khi tổng thống Mỹ Richard Nixon công nhận nước Trung Hoa cộng sản.
Do không có quan hệ chính thức với giới lãnh đạo Đài Loan, chính quyền Washington đã duy trì một tổ chức mang tên Viện Hoa Kỳ, có thẩm quyền lãnh sự và phục vụ cho việc bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan. Chính điều này làm cho ông Trump khó chịu về việc Trung Cộng có phản ứng ầm ĩ về cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan.
Nhóm cố vấn thân cận của ông Trump thì trấn an rằng không nên coi cuộc điện đàm như một chỉ dấu báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Washington trong quan hệ vơí Bắc Kinh. Cho đến lúc này, ông Trump thấy không cần thiết phải tham khảo ý kiến các chuyên gia bộ Ngoại Giao Mỹ trước khi điện đàm, tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài.
Tính khí bất thường: Vũ khí lợi hại của Trump ?
Tuy nhiên, theo Le Figaro, khó có thể coi đây là một hành động hớ hênh của Donald Trump. Ông Richard Grenell, nguyên là nhân viên ngoại giao, trong nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực ở Washington, cho rằng “tất cả các cuộc nói chuyện (ở cấp nguyên thủ) đều đã được lên kế hoạch từ trước. Cuộc điện đàm (giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn) là hoàn toàn chủ ý”.
Lời khẳng định trên cũng đã được phát ngôn viên của tổng thống Đài Loan xác nhận. Hôm thứ Bẩy (03/12), Trung Cộng chính thức phản đối Hoa Kỳ thông qua con đường ngoại giao và đến Chủ Nhật, báo chí chính thức Trung Cộng thay đổi giọng điệu, nói đến nguy cơ chiến tranh nếu hồ sơ Đài Loan không được xử lý tốt.
Theo như thói quen, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Trump lên tiếng đáp lại Bắc Kinh: Phải chăng Trung Cộng đã hỏi ý kiến Hoa Kỳ khi phá giá tiền tệ, khi đánh thuế nặng nề vào các sản phẩm của Mỹ hoặc khi xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông ?
Đối với Le Figaro, vụ điện đàm với tổng thống Đài Loan không chỉ dồn lãnh đạo Trung Cộng vào thế phòng thủ, một nhận định cũng được tờ Les Echos đồng chia sẻ, mà còn làm cho thế giới thấy rõ tính khí khó lường cũng như bản tính thích mọi người phải tuân thủ của ông Trump. Một cố vấn thân cận của Donald Trump khẳng định: tổng thống đắc cử biết rõ việc ông đang làm.
Ông Jon Huntsman, nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Cộng, giải thích: “Đài Loan đang trở thành một yếu tố rõ nét trong quan hệ Mỹ-Trung. Donald Trump là một doanh nhân có thói quen tìm kiếm điểm tựa để thúc đẩy công việc và Đài Loan có thể sẽ đóng vai trò này trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng”.
Le Figaro cho rằng việc ông Trump nói chuyện điện thoại với lãnh đạo Đài Loan cũng là để làm hài lòng cánh hữu tại Mỹ. Mặc dù chỉ coi Đài Loan là một lá bài trong đàm phán với Trung Cộng, các thành phần bảo thủ Mỹ đánh giá cao vai trò của một ốc đảo dân chủ đối mặt với Hoa lục.
Cuối cùng, theo Le Figaro, có thể cú điện đàm cho thấy mối quan tâm cá nhân. Ông Reince Priebus, người sẽ đứng đầu văn phòng tổng thống, đã hai lần sang Đài Loan, trong các năm 2011 và 2015. Hai nhân vật khác nằm trong đế chế kinh doanh của Trump đã tới thăm Đài Loan trong những tháng vừa qua, và họ quan tâm đến một dự án phát triển địa ốc do Nhà nước Đài Loan kiểm soát.
Trích điểm báo RFI và nguồn AFP, Reuters