Trung Quốc Tiến Công Trên Biển Đông

Trung Quốc Tiến Công Trên Biển Nam Trung Hoa Chiến Lược và Mục Tiêu của Giáo Sư Shigeo Hiramatsu theo dõi và nghiên cứu những hành động Trung Quốc trong nhiều thập niên qua. Ông đánh giá trước các khả năng Hải Quân của Trung Quốc và cần thiết cho sự tăng cường hợp tác Mỹ-Nhật. Bài đăng trong tạp chí Asia-Pacific Review, Bộ 8. Người dịch Vũ Quang Việt.

Trung Quốc tiến công trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông):

Chiến lược và mục tiêu

Shigeo Hiramatsu


Đường giao thông trên Biển Nam Trung Hoa (người Việt gọi là Biển Đông) có vai trò sinh tử không những đối với hải trình thương mại mà còn đối với an ninh chiến lược. Điều này quá rõ ràng đối với các nước trong khu vực Đông Á có ý muốn xác lập chủ quyền trong vùng, nhưng cũng đúng cả với những nước ở xa hơn mà hoạt động trong vùng sẽ ảnh hưởng tới như Nhật Bản, Nam Triều Tiên, và Mỹ. Qua việc theo dõi các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa trong mười năm qua, Shigeo Hiramatsu, Giáo sư môn Khoa học Xã hội tại Đại học Kyorin, xem xét trong bài này lịch sử hải quân Trung Quốc trong khuôn khổ an ninh vùng Đông Á. Ông ta đánh giá là trước các kế hoạch tăng cường khả năng hải quân của Trung Quốc, rất cần thiết có một quan hệ liên kết chặt chẽ Mỹ-Nhật và vai trò tích cực hơn của Nhật trong vùng nhằm ngăn ngừa việc các cuộc đụng độ nhỏ biến thành lớn trong khu vực Biển Nam Trung Hoa.

Biển Nam Trung Hoa (người Việt gọi là Biển Đông) là một vùng biển rộng lớn có tầm quan trọng thiết thân đối với Nhật, đặc biệt đối với an ninh trong việc chuyển năng lượng. Một khối lượng hàng hoá khổng lồ, kể cả dầu lửa từ vùng Cận Đông, đi qua các đường biển trên Biển Nam Trung Hoa. Khoảng 1.1 tỷ tấn hàng hoá đi lại hàng năm tới Nhật qua eo biển Malacca, Biển Nam Trung Hoa và eo Bashi. 900 triệu tấn nhập vào Nhật và khoảng 200 triệu tấn xuất từ Nhật. Tức là vào khoảng 3 triệu tấn hàng và 15 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn hàng ngày đi qua khu biển này. Chỉ nói tới dầu thô không thôi, Nhật sử dụng 238,37 triệu tấn hàng năm, tương đương với 650 ngàn tấn hàng ngày, tức là 3,3 con tầu trọng tải 200 ngàn tấn. 90% dầu lửa chuyển qua eo Malacca, Biển Nam Trung Hoa và eo Bashi.

Lực lượng Tự vệ Biển Nhật (gọi tắt là LLTVBN) được trang bị 100 chiếc máy bay tuần tiễu chống tầu ngầm P3C, cho phép Nhật trở thành một nước hàng đầu thế giới về khả năng chống tầu ngầm. Khả năng của LLTVBN cũng hơn hẳn lực lượng hải quân Trung Quốc (gọi tắt là HQTQ). Mặc dù một trong những nhiệm vụ của LLTVBN là bảo vệ đường giao thông trên biển, nó bị hạn chế vào việc bảo vệ khu vực 1000 hải lý từ đất liền của Nhật. Theo hướng tây nam, nó không đi quá Đài Loan. LLTVBN không có nhiệm vụ bảo vệ đường biển vượt khỏi Đài Loan và phải dựa vào hải quân Mỹ. Tuy nhiên, việc tiến công của HQTQ vào vùng Biển Nam Trung Hoa trong thập kỷ qua đã tới mức mà Nhật không thể tiếp tục làm ngơ, lấy lý do là nó không có khả năng can thiệp trực tiếp vào an ninh khu vực Biển Nam Trung Hoa.

Trước tiên khu biển thuộc Việt Nam, rồi thì Phi-líp-pin:

Vào tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đụng độ nhau trên một nhóm đá ngầm nhỏ tý (nhóm Chigua) thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và khu biển chung quanh. Đụng độ quân sự có nguyên nhân từ việc Trung Quốc cho dựng dấu ghi trên 6 nhóm đá ngầm ở trong vùng nhằm xác định chủ quyền, mặc dù Việt Nam cũng đã tuyên bố xác định chủ quyền ở đó. Hơn nữa, Trung Quốc cho xây cái mà họ gọi là “đài quan sát biển” (marine observatory) trên một trong những nhóm đá có tranh chấp về chủ quyền. Cái lều cao này thật ra là làm bằng ống sắt và những tấm bạt mà chúng sẽ biến đi khi thủy triều lên, được coi là tiền đồn an ninh biển. Sau đó, họ xây một toà nhà tám góc đúc sẵn, được chống đỡ bằng cột. Rồi 2, 3 năm sau họ cho xây lên một công sự quân sự giống như một tầu chiến.

Đến thập kỷ 90, Trung Quốc cho làm một cuộc điều tra biển ở phía Tây đảo Palawan mà Phi-líp-pin cho là thuộc chủ quyển của họ. Vào tháng 2 năm 1995, Trung Quốc cho xây một toà nhà đúc sẵn trên nhóm đá Mischief, cùng một loại đã được xây ở nhóm đá ngầm ngoài khơi phía nam Việt Nam năm 1988. Khi bị chính phủ Phi-líp-pin phản đối, kết án là toà nhà này là căn cứ quân sự, Trung Quốc trả lời là nó chỉ là “nơi trú ẩn cho người đánh cá”. Lúc đó đã có thể tiên đoán là Trung Quốc sẽ cho xây một căn cứ lâu dài. Thật thế, khoảng cuối năm 1998 và đầu năm 1999, Trung Quốc đã cho xây nhiều toà nhà có tính lâu dài.

Mặc dù vùng đảo Trường Sa gồm hơn 80 hòn đảo, là những vùng đá ngầm và cát, chỉ có 7 trong số này là có diện tích lớn hơn 100 mét vuông. Những hòn đảo tý hon có thể ở được này đã do nhiều nước như Đài Loan, Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a chiếm đóng, mặc dù Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Trường Sa sau ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) và họ cũng chưa từng chiếm đóng hay trực tiếp kiểm soát một hòn đá nào ở khu vực này cho đến mới đây. Trên thực tế, lực lượng hải quân Trung Quốc cho đến gần đây không có khả năng chiếm đóng và dù chiếm đóng cũng không có khả năng bảo vệ.

Với tình hình như trên, việc cho dựng dấu ghi nhằm xác định chủ quyền và việc xây dựng cơ sở quân sự ở Trường Sa là những hành động quan trọng đáng kể của Trung Quốc nhằm thực hiện chủ quyền ở vùng này. Vào tháng 2 năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải Trung Quốc (Chinese Territorial Waters Law) qui định rõ là Đài Loan, quần đảo Senkaku, Pescadores (Pendu Dao), Pratas (Dongsha), Macclesfield Bank (Zhongsha Qundao), Paracel (Hoàng Sa, Xisha) và Trường Sa (Spratley) là thuộc Trung Quốc. Hình như là chính quyền Trung Quốc đang cố gắng dùng luật lệ nội địa để tăng sức mạnh cho Hải quân Trung Quốc (HQTQ). Hành động của HQTQ là hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Có người nhận định là cuộc tiến công của HQTQ được đốt ngòi bởi việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô và việc triệt thoái quân sự khỏi khu vực Á châu của cả Mỹ và Nga. Thật ra không phải thế, những hành động tiến công này đã bắt đầu từ đầu thập kỷ 70, tăng tốc vào thập kỷ 80 khi khả năng xây dựng tầu chiến được tăng cường cùng với khả năng hậu cần quân sự và thông tin.

Khả năng tác chiến độc lập của lực lượng hải quân Trung Quốc

Từ ngày thành lập CHNDTQ vào năm 1949, HQTU có 5 sư đoàn: lực lượng trên bộ, lực lượng tầu ngầm, lực lượng không quân hải quân, lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng pháo binh hải biên. Chúng tăng trưởng chậm nhưng đều đặn và mục tiêu đặc biệt của chúng là phát triển lực lượng hải quân có khả năng thực hiện các cuộc điều động chiến lược độc lập với các sư đoàn khác trong quân đội Trung Quốc. Tác giả không ở vị trí cho phép đánh giá khả năng của HQTQ đạt được cho đến hôm nay. Tuy nhiên vào tháng 5 năm 1980, Trung Quốc có hạm đội 18 chiếc: 2 chiếc thuộc loại quan sát khoa học nhóm Yuanwang, 2 chiếc làm hậu cần chung, 2 chiếc đi biển nhằm kéo thuyền hỏng, 2 chiếc điều tra đại dương, 4 chiếc tầu cào, và 4 chiếc loại Luda có trang bị hoả tiễn. Chúng đã thành công vượt đại dương trên biển Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương và trở về trong chuyến đi 40 ngày không nghỉ trong một cuộc hành trình hỗ trợ các cuộc thí nghiệm phóng hoả tiễn liên lục địa của Trung Quốc. Điều này dường như chứng tỏ rằng, dù là 20 năm trước đây, HQTQ đã đạt được một mức độ nhất định về khả năng hải quân trên biển khơi. Từ đó, có thể quan sát thấy không những các đơn vị trên mặt biển mà cả các lực lượng hải quân khác như tầu ngầm và phi cơ (máy bay ném bom tầm vừa và trực thăng đậu trên tầu) hoạt động cũng như tập trận trên biển khơi Thái Bình Dương và Biển Nam Trung Hoa.

Người ta coi việc HQTQ thua xa hải quân Mỹ là điều đương nhiên, nhưng nó cũng thua kém cả khả năng của Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật (LLTVBN). Hơn thế, trong một số phạm vi nhất định như tự vệ trên không và khả năng chiến tranh tự động, nó đi rất sau các lực lượng hải quân khác. Một đằng HQTQ đã đặt máy bay trực thăng và hệ thống viễn thông kỹ thuật cao trên tầu, hay ít nhất là các mô hình được nâng cấp của hệ thống cũ, họ cũng đang xây dựng các loại khu trục hạm, và tầu hộ tống đóng kín, không cửa sổ nhằm đối phó với chiến tranh nguyên tử. HQTQ cũng đang đóng các khu trục hạm 6000 tấn loại Luhai có hoả tiễn phóng với điều khiển tự động, một thứ khu trục hạm loại Luda được nâng cấp. HQTQ được xem là đang chế tạo các loại hoả tiễn liên lục địa phóng từ tầu ngầm tên là Julang 2, có 3 bậc và tầm phóng xa hơn 8000 cây số, và cũng đang đóng tầu ngầm nguyên tử loại mới có khả năng mang các loại hoả tiễn trên. HQTQ cũng đã mua của Nga tầu ngầm ít gây tiếng động loại 3000 tấn và hai khu trục hạm loại Sovremenny (7500 tấn) mang hoả tiễn loại Sunburn tự điều khiển tới mục tiêu (cruise missile) có tầm xa 150 cây số, đây là loại hoả tiễn mà hàng không mẫu hạm của Mỹ lo ngại. Hơn thế, HQTQ cũng được trang bị với các chiến đấu cơ ném bom Feibao.

Sự tăng trưởng từ một lực lượng hải quân gần như không đáng kể thành một lực lượng như trên trong một thời gian ngắn từ khi CHNDTQ ra đời là kết quả của một thể chế chính trị độc đáo Trung Quốc, đặc biệt là việc chi ngân sách giới hạn một cách chọn lựa và mạnh bạo nhằm vào việc đạt được mục tiêu. Tính trên đầu người, thu nhập quốc dân của Trung Quốc, mức độ tài chính quốc gia và các sản lượng chính về công nghiệp và khai khoáng được xếp vào loại nước đang phát triển thấp. Nhưng tính trên tổng số tuyệt đối, Trung Quốc là một 5 hay 10 cường quốc kinh tế của thế giới. Đối với một nước như Trung Quốc, dưới sự kiểm soát chính trị độc tài, việc bàn đến sức mạnh quốc gia qua các chỉ số trên đầu người chẳng có nghĩa lý gì. Khi bàn đến các kế hoạch phát triển dài hạn của HQTQ, ở phần sắp nói tới ở dưới đây, chúng ta không thể chỉ nói tới chúng như là bản thảo.

Tổng kết từ các tuyên bố và các bài báo của nhiều giới chức hải quân có thẩm quyền của Trung Quốc, chúng ta có thể tóm lược các mục tiêu của HQTQ như sau:
· Một bán kính rộng lớn đáng kể cho hoạt động hải quân và khả năng thực hiện các cuộc hành quân ở vùng biển kế cận.
· Các khả năng độc lập kiểm soát trên biển và kiểm soát bầu trời.
· Các khả năng đối phó kịp thời mạnh mẽ.
· Các khả năng đổ quân bằng đường thủy mạnh mẽ.
· Khả năng nhất định về báo hiệu tấn công bằng võ khí nguyên tử.

Dựa theo sức mạnh kinh tế và tiến bộ kỹ thuật, các mục tiêu khác của HQTQ được đề ra như sau:

Vào năm 2000, lực lượng tấn công chính là các máy bay tầm trung từ lục địa và các tầu ngầm trang bị nhằm tấn công, sẽ dùng các tầu chiến cỡ vừa có mang theo máy bay trực thăng nhằm mục tiêu chỉ huy và hỗ trợ trong lúc đang xây dựng dựa vào các cơ sở của toàn hệ thống hải quân kể cả các đơn vị giáo dục và nghiên cứu.

Khi Trung Quốc tiến bộ thêm về sức mạnh kinh tế và kỹ thuật, sẽ xây dựng nhiều hàng không mẫu hạm mang máy bay trực thăng vào khoảng giữa năm 2000 và 2020. Cũng hoạch định tăng số quân tới mức tương đương với các cường quốc hải quân khác và nâng khả năng hành quân tới mức cho phép thực hiện các hành động quân sự và chiến lược trong vùng biển dưới sự kiểm soát của HQTQ.

Khoảng giữa năm 2020 và 2040, lực lượng quân đội sẽ tương đương với bất cứ cường quốc hải quân nào và các trang bị kỹ thuật cũng sẽ ở mức hiện đại. HQTQ đang thực hiện kế hoạch thiết lập một lực lượng di động chung quanh một hàng không mẫu hạm với các tầu chiến trên biển và các tầu ngầm có khả năng hạ máy bay, hạ tầu chiến, và tầu ngầm.

Thế thì Trung Quốc đang xây dựng đội hải quân ghê gớm như thế với mục đích gì? Trung Quốc đã có truyền thống coi tất cả các biển chung quanh đất liền Trung Quốc là “biển của nước Trung Quốc”. Liu Huaqing, được Đặng Tiểu Bình thăng cấp chỉ huy trưởng HQ năm 1982 mà sau này trở nên thành viên Thường trực Bộ Chính Trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người giữ vị trí nòng cốt về quân sự cho Giang Trạch Dân, đã tuyên bố rằng nhiệm vụ của HQTQ là bảo vệ 3 triệu cây số vuông biển khơi của Trung Quốc, tức là tương đương với 1/3 diện tích đất liền của Trung Quốc. Cụ thể, khu vực biển này gồm hải phận ngoài đất liền Trung Quốc ở Biển Vàng (Yellow Sea), Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa. Nó cũng bao gồm khu vực 200 hải lý tính từ Đài Loan mà Trung Quốc coi là thuộc họ. Mục tiêu kiểm soát khu vực biển này là nhằm phát triển và khai thác các nguồn tài nguyên sinh học và phi sinh học có thể tìm kiếm được ở đó và nhất là trữ lượng dầu dưới đáy biển.

Cải cách kinh tế và chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã cho phép Trung Quốc đạt được thành quả đáng kể về phát triển kinh tế, nhưng mặt khác sự phát triển này cũng tạo nên nhu cầu năng lượng ghê gớm. Một kết quả cụ thể khi sản xuất không đủ tiêu dùng là Trung Quốc đã biến từ một nước xuất khẩu sang một nước nhập khẩu dầu. Điều này khiến việc phát triển các khu khai thác dầu lửa dưới đáy biển gần quanh lục địa trở nên thiết thân. Trung Quốc cũng tỏ ra rất quan tâm tới dầu lửa miền Cận Đông.

Vùng biển sát Trung Quốc đặc biệt là Biển Nam Trung Hoa có tầm quan trọng thiết thân với cả mục tiêu giao thông và chiến lược quân sự. Vì thế, chỉ cần đe doạ các đường giao thông biển là Trung Quốc đã giáng một đòn chí tử đối với Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên mà không cần có một hành động quân sự trực tiếp nào. Trên Biển Đông Trung Hoa, dọc theo quần đảo Senkaku, thuộc chủ quyền Nhật nhưng Trung Quốc cũng tranh chủ quyền là một thềm lục địa có trữ lượng dầu lớn. Nếu Trung Quốc chiếm đóng vùng này, họ có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với các nước chung quanh, và có thể tiến công xa hơn vào các biển thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tương lai.

Một bài viết khá hữu ích nói về nhiệm vụ của HQTQ đã nhắc đến tiềm năng bộc phát các xung đột quân sự có tính địa phương trong khu vực trước hoặc sau thế kỷ này. Bài này không nói rõ về hình thức có thể có của cuộc chiến tranh, nhưng dự báo khả thi nhất là nó sẽ bắt nguồn từ tranh chấp về biên giới hải phận trong khu vực chung quanh Trung Quốc, về sở hữu chủ các hòn đảo trong khu vực, về việc thiết lập khu hải phận kinh tế và về việc phát triển và khai thác nguồn liệu ở vùng này.

Sự có mặt của quân đội Mỹ có bảo đảm an ninh không?

Tiến công của HQTQ vào Biển Nam Trung Hoa bắt đầu từ những năm 70 và tiếp tục từ đó, mức độ tùy thuộc vào việc xem xét chặt chẽ mối quan hệ lên xuống bấp bênh giữa Mỹ và Liên Xô và khả năng điều động rất khéo léo chung quanh quan hệ này. Trong khi đó cả Mỹ và Liên Xô đều tỏ thái độ không can thiệp vào các hành động lấn tới của HQTQ, đặc biệt là Mỹ lại có thái độ đồng ý ngầm.

Tháng giêng năm 1974, Trung Quốc cử lực lượng hải quân và không quân tới quần đảo Hoàng Sa (ParacelIslands) lúc đó thuộc Việt Nam CộngHòa (Nam Việt Nam). Họ tấn công quân sự và chiếm trọn quần đảo này. Mỹ làm ngơ. Việc ký kết hiệp định Paris năm 1973, một năm trước đó, chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cho phép Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam. Trung Quốc đã chủ động đợi đến lúc đó, và chỉ đưa hải quân và không quân tới khi nó đánh giá rằng Mỹ sẽ không phản ứng. Lúc đó, Bắc Việt Nam, sau này chiếm Nam Việt Nam, (lúc cơm không lành canh không ngọt) đã kết án Mỹ và Trung Quốc cùng mưu mô bán quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam cho Trung Quốc.

Vào tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cử hải đội lớn tới quần đảo Trường Sa, chiếm 6 nhóm đá ngầm, dựng dấu xác định chủ quyền của Trung Quốc, đóng quân tại đó mà không gặp bất cứ một phản ứng nào của Mỹ và Liên Xô. Lúc đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chặt chẽ tới mức Mỹ đã cung ứng cho Trung Quốc võ khí được coi là để tự vệ. Cùng lúc, quan hệ Trung Quốc – Liên Xô cũng tốt đẹp lên, bằng chứng là lãnh dạo Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev tới thăm Trung Quốc vào tháng 5 năm 1989. Cả Mỹ và Liên Xô không muốn việc chiếm đóng vài nhóm đá ngầm trên Biển Nam Trung Hoa làm ảnh hưởng đến quan hệ của họ với Trung Quốc.

Ngay cả khi Trung Quốc xây “nơi trú ẩn cho người đánh cá” ở nhóm đá Mischief vào đầu năm 1995, Mỹ vẫn có thái độ dửng dưng. Hải quân Mỹ đã đóng cửa Căn cứ Subic ở Phi-líp-pin vào năm 1993 và việc không can thiệp này là cơ hội cho Trung Quốc. Mặc dù Mỹ có hiệp ước đồng minh quân sự với Phi-líp-pin, Mỹ cho rằng hiệp ước này không áp dụng đối với quần đảo Trường Sa. Quan điểm của Mỹ là ngoài việc tự do giao thông trên biển, Mỹ không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa.

HQTQ đã có hai hành động ở khu biển chung quanh Trường Sa vào năm 1988 và 1995 có tầm ảnh hưởng cực kỳ quan trọng với Trung Quốc. Với hai hành động này, Trung Quốc đã đặt được sự kiểm soát trên khu vực Trường Sa mà trước đó Trung Quốc chưa từng làm được. Thiếu sức mạnh hải quân đã không cho phép Trung Quốc làm được chuyện này trước đó và cũng không cho phép Trung Quốc giữ được dù chiếm được. Hơn thế, Trung Quốc đã gửi quân tới chiếm đóng nhóm đá ngầm mà chúng chỉ hiện ra khi thủy triều xuống thấp, và chỉ trong vài năm sau, Trung Quốc đã xây dựng được căn cứ quân sự trên nhóm đá ngầm này.

Cũng từ đó, Trung Quốc đã dùng căn cứ trên làm địa bàn tăng cường việc kiểm soát khu quần đảo Trường Sa, quyết tâm cai trị khu biển mà Trung Quốc gọi là Biển Trung Quốc (China’s sea). Trong khi Trung Quốc tuyên bố là muốn có các “giải pháp hoà bình” đối với tranh chấp, họ lại từ chối tìm giải pháp qua các thương thảo đa quốc gia trong các cuộc gặp gỡ đa quốc gia và chỉ chấp nhận thương thảo song phương. Trung Quốc tuyên bố là hãy bỏ qua tranh chấp chủ quyền mà nên hợp tác phát triển nguồn liệu biển, trong khi đó sẵn sàng khoa trương sức mạnh hải quân và nhiều lần đã dùng tới chúng. Bất cứ một “phát triển chung” nào do Trung Quốc khởi xướng đều dựa vào quan điểm là toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác là thuộc chủ quyền Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa là “lãnh địa lịch sử” của Trung Quốc và tất cả các nước chung quanh khu biển đó không có quyền gì đối với nó. Trung Quốc có thể nói tới “hợp tác phát triển”, “giải pháp hoà bình”, dẹp bỏ tranh chấp biên giới chính bởi vì nó đã thật sự kiểm soát được các hòn đảo.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Sankei Shimbun, sau các cuộc thương thảo giữa Việt Nam và Trung Quốc về biên giới vào tháng 8 năm 1994, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói; “Ý đồ của Trung Quốc là phát triển ở lãnh hải Việt Nam với danh nghĩa cùng phát triển các đảo ở Trường Sa. Nếu người vừa móc túi bạn 100 đô lại hỏi bạn “đi ăn tối chung với nhau nhé” thì bạn só đồng ý với đề nghị này không?” [Ghi chú của người dịch: thái độ này đã thay đổi khi Việt Nam, Phi-líp-pin đồng ý cùng với Trung Quốc thăm dò vùng biển Trường Sa đầu năm 2005. Một hành động tự bắn vào chân mình. Thật lạ là Trung Quốc không có lý gì mà xác nhận chủ quyền mà hai nước trên lại chịu hợp tác.] Chẳng có gì là phi lý nếu như các nước láng giềng cảm thấy bị Trung Quốc đe doạ và do đó khiến họ phải tăng cường sức mạnh quân sự, đổi mới võ khí và mua võ khí từ nước ngoài.

Hải quân Trung Quốc mối đe doạ: Liệu Trung Quốc có dùng đến võ lực?

Vào tháng 10 năm 1987, vài tháng trước cuộc đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, HQTQ đã tập trận ở vùng biển rộng lớn giữa Tây Thái Bình Dương và quần đảo Trường Sa. Theo một sĩ quan lãnh đạo hạm đội trong cuộc tập trận: “Bởi vì các cuộc hải chiến trong tương lai sẽ xảy ra trên thềm lục địa và trong khu vực chủ quyền kinh tế rất xa lục địa, các cuộc tập trận là nhằm làm cho các hạm đội ý thức được việc hợp tác hành động trong tầm trung và tầm xa… Các cuộc tập trận này chứng tỏ rằng hải quân ta có khả năng thực hiện các cuộc hành quân hỗn hợp ở cả vùng biển gần lục địa và biển khơi.” Vào tháng 5 năm 1988, sau cuộc đụng độ với Việt Nam, tờ Nhật báo Quân đội Nhân Dân, tiếng nói chính thức của HQTQ, cho rằng “từ những năm 80, HQTQ đã có khả năng hành quân hỗn hợp trên biển khơi và hiện nay có thể bảo vệ lãnh hải gần bờ Trung Quốc và cả chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và biển khơi, xa lục địa hàng trăm hải lý.” Trung Quốc đã tỏ ra cho các nước láng giềng chung quanh Biển Nam Trung Hoa biết quyết tâm cao của họ là họ có khả năng chiếm đóng các đảo trong quần đảo Trường Sa mà các nước này đang tranh chấp chủ quyền.

Mặc dù sức mạnh quân sự Trung Quốc thua xa Mỹ và Nga, so với các nước cạnh biển gần Trung Quốc, họ lại là nước mạnh nhất về quân sự, đặc biệt là hải quân. Họ không sợ gì mà không tạo ra các cuộc chiến cỡ nhỏ trong vùng để đạt mục tiêu. Tuy nhiên nhằm kiểm soát vùng biển này họ sẽ không đi quá đà để làm bùng lên cuộc chiến tranh cỡ lớn .

Lãnh đạo hải quân Trung Quốc xác định rằng “giải pháp cho các vấn đề là qua phương tiện chính trị và ngoại giao”, và “đạt được sự đầu hàng của kẻ thù mà không cần chiến đấu” đòi hỏi việc phải có được một lực lượng hải quân hùng hậu. Họ cho rằng “nếu chúng ta có một lực lượng như thế, thì nếu mà de doạ không thôi chưa đủ, chúng ta có thể tấn công thật hiệu quả.” Như thế, Trung Quốc nhằm vào việc dùng lực lượng hải quân như phương tiện răn đe chính trị.

Vào tháng 2 năm 1992, sau khi đã củng cố việc kiểm soát biển chung quanh Trường Sa, ngoài khơi bờ biển Nam Việt Nam, Trung Quốc xây khu giếng dầu ở Wanan Reef, mà Việt Nam cũng cho là thuộc vùng chủ quyền thềm lục địa và khu chủ quyền khai thác kinh tế của họ, và ký giấy phép cho các công ty Mỹ khai thác. Khu giếng dầu nằm ở phía cực tây nhóm đảo Trường Sa và phía đông các giếng dầu Việt Nam đã xây dựng. Các giếng dầu Trung Quốc này nằm ngay trên đường giao thông biển trên Biển Nam Trung Hoa. Tin tức cho thấy là khi Trung Quốc ký giấy cho phép khai thác, họ cũng trấn an các công ty Mỹ là hải quân Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh để không ai dám động đến hoạt động của các công ty này. Có thể tin được thông tin này qua chứng cớ là Zhang Liangzhong, chỉ huy trưởng HQTQ, tuyên bố vào ngày 21 tháng 4, ngay sau sự kiện trên, là HQTQ sẽ bảo vệ vùng biển Trung Quốc và các nguồn liệu biển. Điều này cũng được kiểm chứng trong báo cáo xuất bản với hình ảnh trên trang nhất tờ Nhật báo Quân đội Nhân Dân Giải phóng ngày 1 tháng 5 năm 1992 là các thuyền tốc độ cao của hải quân đang tập trận nhằm bảo vệ việc phát triển dầu lửa ở Biển Nam Trung Hoa. Có thể tin là kế hoạch của Trung Quốc là nhằm phát triển nguồn liệu dầu trên Wanan Reef thuộc hải phận Việt Nam và Reed Bank thuộc hải phận Phi-líp-pin và phát triển nguồn khí tự nhiên ở James Shoal (vùng đá ngầm) thuộc Ma-lai-xi-a. Mục tiêu của Trung Quốc là đe doạ các quốc gia liên quan rằng thông minh ra thì rút rui thay vì đụng độ, và như thế Trung Quốc không phải gây chiến. Tuy nhiên, khi các quốc gia này đang trên đà phát triển kinh tế, họ cũng muốn nguồn liệu kể cả dầu, do đó tiềm năng chiến tranh trở nên thường trực trong vùng.

Với tình thế trên, cần theo dõi sát việc Trung Quốc xây dựng sân bay trang bị đầy đủ ở đảo Yongxing, một đảo chính trong quần đảo Hoàng Sa và một căn cứ hải quân lớn và phức tạp ở Mischief Reef trong quần đảo Trường Sa. Một nhà báo bạn tôi và tôi đã tìm ra các hình chụp từ vệ tinh, khoảng một năm trước các sự kiện xảy ra năm 1988, là Trung Quốc xây đường bay dài 2600 mét ở đảo Yongxing. Chứng cớ chúng tôi đã cho đăng báo của bạn tôi với hình mầu vào tháng 8 năm 1993. Sau đó, chúng tôi nhận được thông tin là có 10 máy bay chiến đấu F7 được đặt vào vị trí hoạt động thường xuyên ở đó. Vừa mới đây, tôi có dịp coi không ảnh sân bay này chụp từ máy bay trên cao. Sân bay có 4 nhà để máy bay với sức chứa cho hẳn một đội bay với ít nhất 20 máy bay. Nhiều loại máy bay có thể cất cánh từ sân bay này kể cả máy bay chiến đấu SU27 mà Trung Quốc mua của Nga rồi sau đó được phép tự chế tạo. Nhiều cơ sở khác nhau được xây cất trên đảo trong vài năm qua, kể cả các toà nhà mới giống như trại lính, hệ thống chuyển nước biển thành nước ngọt, vườn cây, trại nuôi heo gà. Năm 1999, thông tin cho biết rằng họ cũng xây dựng thiết bị thu nước thoát từ bão dọc hai bên đường bay và rồi đem làm sạch và chứa trong các thùng nằm dưới đất. Không dễ gì mà cung ứng cho một hòn đảo nhỏ cách đảo Hải Nam 300 cây số và xa gấp đôi tính từ lục địa như thế. Điều kiện như vậy không cho phép xây dựng một căn cứ có thể hỗ trợ các cuộc hành quân lớn, nhưng nó rất có giá trị đối với các xung đột nhỏ, tuần tiễu, tập trận và các hành động dân sự như đánh cá. Cũng không nên quên ý đồ tạo ảnh hưởng trên khu vực đảo Trường Sa, rất xa lục địa. Trong khi khả năng giao thông hàng hải và cơ khí ứng dụng của Trung Quốc có thể thấp kém hơn Nhật, họ đã đạt được mức cao đáng kể, cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên 6 đảo ngầm ở Trường Sa trong cùng thời gian họ xây đường bay ở đảo Yongxing.

Trong lúc đó, thông tin cho thấy Trung Quốc đã củng cố các toà nhà kiên cố ở vùng đá ngầm Mischief Reef thuộc Phi-líp-pin vào cuối năm 1998 và đầu năm 1999. Ba bức ảnh do Bộ Quốc phòng Phi-líp-pin đưa ra cho thấy 3 toà nhà khác nhau, ở ba nơi khác nhau. Cũng có tin cho là toà nhà thứ 4 đã được xây dựng ở địa điểm khác. Có thể tiên đoán là Trung Quốc sẽ cho xây dựng căn cứ vĩnh viễn ở Mischief Reef sau hàng loạt các cuộc tiến công tiếp nối trận chiến với Việt Nam năm 1988. Nhóm đá ngầm này khá lớn là gần như vòng tròn, có chiều dài 8 cây số từ tây sang đông và chiều dài 6,5 cây số từ bắc xuống nam và các toà nhà được xây vĩnh viễn ở 4 địa điểm ở trung tâm. Với một hàng không mẫu hạm mang phi cơ chiến đấu, HQTQ chắc chắn có thể đồn trú được dễ dàng trong khu Mischief Reef.

Mặc dù Trung Quốc không có kế hoạch xây dựng ngay hàng không mẫu hạm mang phi cơ chiến đấu, trong một tương lai không xa họ sẽ hoàn thành một căn cứ không quân lớn ở đảo Yongxingi thuộc Hoàng Sa, phía bắc đường giao thông biển, và một căn cứ hải quân đáng kể ở Mischief Reef. Giờ đây sau khi hoàn tất việc lấy lại Hồng Kông và Ma Cao, cũng như giải quyết vấn đề biên giới với Nga, quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là thống nhất với Đài Loan và xác định biên giới biển và chủ quyền trên các đảo thuộc Biển Nam Trung Hoa. Quan hệ tốt đẹp hơn với Nga đã giúp Trung Quốc tiến công về phía biển mà không lo ngại “de đoạ từ phía bắc.”

Kết luận

Việc tiến công của HQTQ vào Biển Nam Trung Hoa cuối cùng đã làm Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ. Ngoại trưởng Madeleine Albright, sau khi tham dự hàng loạt các cuộc họp của ASEAN ở Singapore vào tháng 7 năm 2000, đã bày tỏ sự chú ý của chính phủ Mỹ vào khu vực và tuyên bố rằng Mỹ không thể ngồi yên và bỏ qua các cuộc xung đột liên tục ở Biển Nam Trung Hoa mà bà ta cho rằng có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Trước khi các trao đổi với ASEAN, Mỹ và Phi-líp-pin ký kết “Hiệp ước Tư cách” (Status Agreement) qua đó xác định tư cách có tính pháp luật của việc đưa quân Mỹ đến Phi-líp-pin. Phi-líp-pin là nước độc nhất tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa mà đã có thoả ước hợp tác quân sự với Mỹ. Tuy nhiên thoả ước này đã bị hủy và vô hiệu khi Phi-líp-pin từ chối gia hạn thoả ước về căn cứ quân sự với Mỹ vào năm 1991. Không có thoả ước này, quan hệ song phương về quân sự coi như không có. Hiệp ước Tư cách được ký kết năm 1999 cho phép các cuộc hợp tác tập trận, bị ngừng vào năm 1995 nhưng khởi đầu lại vào năm 2000. Vào tháng 5, Singapore cũng tham gia đồng tập trận do Mỹ và Thái Lan tổ chức. Tuy vậy, vẫn chưa thấy sự thay đổi về quan điểm của Mỹ đối với các tranh chấp chủ quyền trong khu vực Biển Nam Trung Hoa. Mục tiêu của Mỹ là nâng cao chuẩn mực quân đội của các nước ở Đông Nam Á. Nếu quyền tự do đi lại ở Biển Nam Trung Hoa không bị ngăn chặn, Mỹ không muốn có vai trò trực tiếp trong các tranh chấp này.

Mặc dù sẽ có nhiều phức tạp trên đường đi, Trung Quốc cuối cùng sẽ phát triển để trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự trong vùng. HQTQ hiện đã có sẵn sức mạnh quân sự đủ để đe doạ đường giao thông trên biển khơi Nam Trung Hoa, nếu như Mỹ không có thái độ can thiệp. HQTQ có một lực lượng tầu ngầm thông thường lớn và nhiều tầu ngầm nguyên tử, mặc dù các tầu này cũ và không có hiệu quả cao, Trung Quốc cũng đã đang đóng các tầu ngầm mới. Trung Quốc đã mua và đã bắt đầu đưa vào sử dụng các tầu ngầm có hiệu qủa cao mua từ Nga. Nếu HQTQ sử dụng tất cả các tầu ngầm sẵn có, nó sẽ trở nên mối đe doạ lớn đối với đường giao thông trên Biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc cũng là một cường quốc nguyên tử và có thể sử dụng chúng để đe doạ nếu cần. Ngược lại, không có nước nào trong vùng có phương tiện chống lại sức mạnh của Trung Quốc.

Trung Quốc có tới 68% đất và 65% dân của khu vực Đông Á. Chỉ thống kê này thôi cũng cho thấy là không có một nào trong khu vực có thể cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Lịch sử đã cho thấy rằng các cân bằng sức mạnh trong vùng luôn luôn bị sức mạnh Trung Quốc ảnh hưởng. Khi Trung Quốc thống nhất, nó áp đặt ảnh hưởng mạnh đối với các nước trong vùng và các nhóm dân tộc. Nhưng khi Trung Quốc chia rẽ và yếu, các nước láng giềng mới có khả năng thoát khỏi ảnh hưởng này. Việc Trung Quốc đang lên có ảnh hưởng trên các nước Đông Á đến mức độ nào còn tùy thuộc vào việc Trung Quốc có chiếm lại được đất đai đã mất không, có đủ sức mạnh và tính thuyết phục về các tuyên bố xác định chủ quyền không, và vào việc các nước Đông Á có khả năng ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ngay từ giai đoạn đầu không.

Các quốc gia ở Đông Á cần củng cố thành nhóm đồng minh thân thiết, và dù muốn hay không, cần sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trong vùng. Cần có sự hợp tác quân sự và chính trị chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật, Nam Triều Tiên, Đài Loan và các nước Đông Nam Á. Có những ý kiến dị biệt giữa các nước liên quan đến chủ quyền ở quần đảo Trường Sa mà có thể dẫn tới xung đột. Việt Nam và Phi-líp-pin, cả hai nước đều có các nhóm đá ngầm bị Trung Quốc chiếm mất đã nêu nguy cơ đe doạ của Trung Quốc, còn như Ma-lai-xi-a đang lo sợ bị Trung Quốc coi là mục tiêu sắp tới thì lại gân cổ cho rằng Trung Quốc không phải là mối đe doạ. Phi-líp-pin muốn Mỹ tích cực bảo vệ an ninh của Biển Nam Trung Hoa, trong khi Ma-lai-xi-a không chấp nhận sự can thiệp của Mỹ, cho rằng các nước liên quan phải tự giải quyết lấy. Trong khi đó thì Nhật và Nam Triều Tiên được hưởng lợi rất nhiều trong việc đi lại trên đường biển khơi lại có những tranh chấp với nhau và đã không thể cùng hợp tác để tìm kiếm giải pháp cho Biển Nam Trung Hoa.

Không thể bảo vệ trật tự ở Đông Á trong tương lai nếu không dựa vào các hiệp ước song phương với Mỹ. Hiệp ước An ninh Mỹ Nhật có vai trò chủ chốt trong tình huống này. Khi an ninh của Á châu lênh bênh sau chiến tranh lạnh, rất quan trọng là Nhật phải đóng vai trò tích cực và độc lập để giữ gìn trật tự. Nhật phải đi đầu và chứng tỏ có trách nhiệm lớn hơn để bảo vệ an ninh khu vực, có như thế Nhật mới có thể chứng tỏ là một nước có hy vọng trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.

Người dịch: Vũ Quang Việt

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt