TRUNG QUỐC THUA PHILIPPINES KEO ĐẦU TIÊN TRONG ĐẤU TRANH PHÁP LÝ TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
Ngày 19/02/2013, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh đã gặp Đại diện Bộ Ngoại giao Philippines trao công hàm phản đối việc Philippines khởi kiện và trả lại toàn bộ các văn kiện mà Bộ Ngoại giao Philippines đã trao cho Trung Quốc ngày 22/01/2012.
Sự việc diễn ra 2 ngày trước khi đến thời hạn Trung Quốc phải cử Trọng tài viên của mình để thành lập Toà Trọng tài theo đơn khởi kiện của Philippines.
Việc làm này của Trung Quốc vừa cho thấy sự yếu kém về mặt pháp lý của Trung Quốc trên các vấn đề ở Biển Đông, vừa thể hiện Trung Quốc là một nước rất vô trách nhiệm đối với việc thực thi luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Sau gần 1 tháng trời nghiên cứu các nội dung nêu trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines, Trung Quốc thấy rằng không thể đưa ra các lý lẽ để bác bỏ thẩm quyền xem xét vụ kiện của Toà nên Trung Quốc đã quyết định cự tuyệt với việc làm đầy tính nhân văn của Philippines là thông qua Toà Trọng tài để phân xử đúng sai theo luật pháp quốc tế. Điều này còn cho thấy sự kém cỏi trong cách hành xử ngoại giao của Trung Quốc.
Mặc dù rất ít nước lên tiếng công khai ủng hộ Philippines, nhưng nhìn chung hầu hết các nước đều đồng tình với việc làm của Philippines vì việc làm của Philippines hoàn toàn chính đáng và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Điều 33 chương VI của Hiến chương Liên hợp quốc quy định rất rõ ràng nghĩa vụ của các quốc gia tìm kiếm giải pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, trung gian hoà giải, trọng tài và các thủ tục pháp lý. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng quy định quyền của một quốc gia thành viên được đưa tranh chấp ra Toà án hoặc Toà Trọng tài để phân xử. Trung Quốc là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển1982, nhưng lại cự tuyệt thực hiện những nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật Biển 1982. Hành động này của Trung Quốc sẽ càng làm cho quốc tế thấy rõ bản chất hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc trả lại công hàm và Tuyên bố khởi kiện cho Philippines không chỉ là hành động đơn thuần chống lại thiện chí của Philippines mà còn là sự thách thức luật pháp quốc tế. Điều này như một vết nhơ càng làm xấu thêm hình ảnh của một nước lớn Trung Quốc trên trường quốc tế.
Việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp là xu thế hiện nay vì nó vừa tạo ra một giải pháp công bằng nhất dựa trên luật pháp quốc tế vừa giúp tránh được những xung đột, đồng thời giúp cho mỗi bên tranh chấp có thể giải thích với nội bộ của mình. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp hết sức văn minh và phù hợp với tình hình cụ thể ở Biển Đông.
Hành động cự tuyệt với Tuyên bố khởi kiện của Trung Quốc càng cho thấy sự thông minh trong những nội dung được đưa ra trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines tránh được những điều mà Trung Quốc đã loại trừ theo điều 298 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trong Tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc. 13 nội dung trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines đã tập trung vào việc giải thích, áp dụng những quy định của Công ước, hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chủ quyền các đảo đá ở Biển Đông thuộc về ai hoặc vấn đề phân định biển.
Trong Công hàm phản đối Philippines ngày 19/02/2013, Trung Quốc cũng không viện dẫn được bất cứ điều khoản nào trong luật pháp quốc tế để bác lại những nội dung trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines, mà chỉ nhắc lại những nguyên tắc lâu nay trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông với những lời lẽ mang tính chính trị, hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp lý như kêu gọi “đàm phán song phương” hay cho rằng đã “cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, hay vu cáo Philippines “vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc”. Trung Quốc phê phán Philippines “chưa sử dụng hết biện pháp ngoại giao”. Tuy nhiên, trên thực tế Philippines đã nỗ lực rất nhiều năm nay để mong tìm được giải pháp với Trung Quốc thông qua đàm phán nhưng đã không thành công. Ngay trong vụ tranh chấp về bãi cạn Scarborough, Philippines đã hết sức kiềm chế rút toàn bộ tàu ra khỏi khu vực Scarborough với hy vọng có được giải pháp Trung Quốc cùng rút tàu ra khỏi khu vực này. Song đã không có kết quả, tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì liên tục ở khu vực Scarborough, khống chế toàn bộ khu vực này và thậm chí tiến hành xua đuổi tàu cá của Philippines. Còn trong cơ chế ASEAN, Philippines đã nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tranh thủ ASEAN tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì hoà bình ổn định ở khu vực (sáng kiến thiết lập khu vực hoà bình, hữu nghị, tự do và hợp tác ở Biển Đông ZoPFF/C; sáng kiến tiến hành trao đổi giữa 4 bên tranh chấp ở Biển Đông…) nhưng đều thất bại. Việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc cũng chỉ là bước đường cùng, khi không còn tìm thấy lối thoát nào để có được giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đã cạn kiệt các khả năng chính trị, ngoại giao để giải quyết tranh chấp.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/2/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng nói rằng công hàm và thông báo của Philippine là “sai lầm nghiêm trọng về sự thực và pháp lý”. Nếu vậy thì Trung Quốc hãy dũng cảm hợp tác với Philippines để ra Toà phán xét. Phản ứng trên đây của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên, vì Trung Quốc luôn đòi phải thảo luận song phương nhằm dùng sức mạnh áp đảo các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.
Ngay sau khi Trung Quốc cự tuyệt với lời Tuyên bố khởi kiện của Philippines, Philippines đã ra Tuyên bố khẳng định mạnh mẽ rằng việc Trung Quốc tham gia hay không tham gia sẽ không ảnh hưởng đến việc hình thành Toà Trọng tài và Philippines tiếp tục theo đuổi vụ kiện vì đây là phương thức tìm ra giải pháp công bằng nhất cho các tranh chấp ở Biển Đông, góp phần duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông. Nếu so sánh các hành xử của Trung Quốc và Philippines cũng như những nội dung nêu trong công hàm của hai bên, một người bình thường cũng dễ ràng nhận thấy lẽ phải và chân lý đang thuộc về Philippines. Mặc dù là nước nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc (cả về diện tích, dân số lẫn tiềm lực kinh tế v.v…) nhưng Philippines đang ngồi ở chiếu trên để phán xử một nước lớn Trung Quốc. Đây có thể coi là thất bại đầu tiên của Trung Quốc trước Philippines trong cuộc đấu tranh pháp lý.
Cố vấn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Rene Almendras, cho hay chính phủ nước này đã đoán trước được rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ kế hoạch đưa vấn đề ra Liên hợp quốc. Phát biểu trước báo giới, Ông Almendras nhấn mạnh “Chúng tôi sẽ theo đuổi vụ kiện dù họ có đồng ý hay không”. Ông Almendras nói nói một cách rất tin tưởng rằng: “Tất nhiên chúng tôi cho rằng mình đang đi đúng hướng. Chúng tôi không thể bắt đầu vụ kiện nếu không có đủ cơ sở để phát đơn kiện”.
Với quyết tâm của Philippines như nêu trong Tuyên bố ngày 19/02/2013, Toà Trọng tài nhất định sẽ được thành lập trong thời gian tới. Philippines sẽ một mình một ngựa và lại càng lợi thế trong cuộc đấu tranh pháp lý này. Trung Quốc có thể sẽ đứng bên ngoài Toà Trọng tài để đưa ra những tuyên bố nêu rõ quan điểm của họ, nhưng điều đó chắc chắn sẽ không thể bác bỏ được thẩm quyền của Toà thụ lý vụ kiện. Khi đó sẽ lại là một chiến thắng mới của “chú lùn” Philippines trước “người khổng lồ” Trung Quốc. Một khi Toà Trọng tài đã thụ lý vụ kiện thì sẽ dẫn đến một kết cục là Toà ra phán quyết khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là bất hợp pháp, hoàn toàn vi phạm những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Có được phán quyết khẳng định tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông không chỉ là mong muốn của các nước liên quan trực tiếp ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia mà còn là sự mong đợi của các nước ngoài khu vực như Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, các nước EU… là các nước có lợi ích lớn trong tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị đe doạ bởi yêu sách “đường lưỡi bò”. Hơn thế nữa, phán quyết về tính bất hợp pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” còn là mong muốn của giới luật sư, các nhà nghiên cứu quốc tế, những người luôn bảo vệ chính nghĩa,bảo vệ luật pháp quốc tế. Tiến trình vụ kiện còn dài, có thể kéo dài đến 3 – 4 năm, nhưng kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ có được một phán quyết bác bỏ yêu sách phi lý “đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Đến khi đó thì có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã thua toàn diện Philippines trong cuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông.
Tóm lại, vụ kiện của Philippines đang mở ra một cục diện mới cho cuộc đấu tranh pháp lý trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Lần đầu tiên những yêu sách vô lý của Trung Quốc sẽ bị phanh phui trên trường quốc tế và Trung Quốc sẽ trở nên bẽ mặt với toàn thế giới. Trung Quốc đang rất cay cú với Philippines, nhưng họ cũng không thể làm gì được vì Philippines đang hành động theo luật pháp quốc tế. Chính nghĩa và công lý đang đứng về phía Philippines. Với việc trả lại công hàm và toàn bộ các văn kiện liên quan đến vụ kiện, Trung Quốc đang hành xử như một kẻ “vô văn hoá” trong lĩnh vực ngoại giao và pháp lý.
Biendong.net