Trung Quốc bị tố cáo là đã phủ nhận Công ước về Luật Biển

Trọng Nghĩa

“Nói một đằng, làm một nẻo”, ngạn ngữ này hoàn toàn có thể được áp dụng cho Bắc Kinh trên vấn đề tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc đã ký kết. Theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh thường viện dẫn Công ước này, thế nhưng trong hành động thực tế, họ đã có nhiều động thái bị đánh giá là không đếm xỉa gì đến văn kiện mà chính họ đã phê chuẩn.

Trong một bài viết vừa được mạng YaleGlobal thuộc trường đại học Yale nổi tiếng của Mỹ công bố hôm 07/07/2011, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông của Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã không ngần ngại tố cáo rằng “Trung Quốc đã bác bỏ hiệp định của Liên Hiệp Quốc khi áp đặt chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa” (Biển Đông).

Theo giáo sư Thayer, công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có hiệu lực vào năm 1996, là một cơ chế pháp lý toàn cầu, được hình thành trên cơ sở một sự thỏa hiệp tinh tế giữa các nước ven biển và các quốc gia sử dụng biển khơi, sao cho quyền lợi mỗi bên đều được bảo đảm.

Công ước này đã quy định quyền hạn của các nước ven biển, được phép thiết lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ bờ biển của họ, được trao chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên bên trong khu vực này bao gồm cả biển và đáy biển. Đổi lại, họ không được quyền đóng cửa vùng này đối với các nước sử dụng biển, vốn được trao quyền quá cảnh qua vùng đặc quyền kinh tế bằng đường biển và bằng đường hàng không. Công ước UNCLOS buộc cả các nước ven biển lẫn các nước sử dụng biển là phải tôn trọng quyền hạn của nhau.

Ngoài ra, UNCLOS cũng phân biệt giữa hải đảo và các loại địa hình khác trên biển. Đảo được định nghĩa là diện tích đất, có nước bao quanh, có khả năng bảo đảm chỗ cư trú và sinh kế cho người sinh sống bên. Đảo được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trong lúc các loại địa hình khác trên biển – bao gồm cả đá, rạn san hô, đảo nhỏ, bãi cát – không được hưởng quyền này.

Theo giáo sư Thayer, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” trên Biển Đông, bất chấp đòi hỏi của các nước ven biển khác, và khi đệ trình chính thức tấm bản đồ chín đường gián đoạn hình chữ U, và cố tình giữ mập mờ về các tọa độ địa lí chính xác của các đường này hoặc việc các đường này nối với nhau thế nào, Làm như vậy, Trung Quốc đã lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế đo các nước ven biển trong khu vực thiết lập.

Quan trọng hơn, Trung Quốc xem thường UNCLOS khi không nói rõ là họ có đòi chủ quyền đối với tất cả đảo và các địa hình bên trong đường chữ U họ vẽ ra hay không, cũng không làm rõ xem toàn bộ vùng biển đó có phải là lãnh hải của Trung Quốc hay không, và cũng mập mờ trên quy chế các mỏm đá họ nắm giữ, xem các địa hình đó thực thụ là đảo và có được vùng đặc quyền kinh tế hay không.

Đối với giáo sư Thayer, ngoài bản thân tấm bản đồ hình chữ U đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc trên nhiều góc độ, Trung Quốc còn có một loạt hành động đơn phương khác cũng vi phạm công ước này : việc Trung Quốc gây sức ép trên các tập đoàn Mỹ, buộc họ không được làm ăn với các nước khác trong thăm dò dầu khí; áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đơn phương đối với ngư dân Việt Nam ; và mới đây là một loạt hành vi hung hăng khác thường khi cản trở các hoạt động thương mại của các tàu thăm dò dầu khí trong các vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền.

Theo ông Thayer, vấn đề Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở của UNCLOS, bằng không thì khu vực lại lâm vào tình trạng “kẻ mạnh sẽ làm những gì họ có thể làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải chịu”, và việc Trung Quốc biến Biển Đông thành « ao nhà » sẽ làm suy yếu một chế độ pháp lý quốc tế đang đóng góp cho trật tự toàn cầu.

Quan điểm của giáo sư Thayer cũng được ông Mark Valencia, một chuyên gia phân tích chính sách hàng hải và là cựu chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii nêu bật trên tờ Japan Times số ra ngày 29/06/2011.

Theo chuyên gia này, các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ không chỉ « vi phạm rõ ràng bản Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đã được nhất trí một cách chính thức », mà có thể còn phản ánh một thực tế khác : « Trung Quốc đã quyết định rằng họ không nhất trí với nhiều nội dung trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính họ đã phê chuẩn… »

Đối với ông Valencia, nếu Trung Quốc thực thụ đi theo chiều hướng hiện tại, nghĩa là kiên quyết bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền nêu lên trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn của họ (bao gồm tất cả vùng biển và tài nguyên của Biển Đông), đồng thời quyết định cơ chế quản lý việc đi lại sẽ được áp đặt tại đó, thì « đấy là một quan điểm cực đoan và có thể dẫn tới chiến tranh ».

Cuối tháng sáu vừa qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng hàm ý phê phán Trung Quốc xem nhẹ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 khi cho rằng Trung Quốc cần phải tuân thủ Công ước về Luật Biển vốn cung cấp cho Manila chủ quyền tại vùng Reed Bank (Bãi cỏ rong) nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Việc Trung Quốc vào hôm nay bác bỏ đề nghị của Philippines là cùng nhau ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển được thiết lập trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc UNCLOS để nhờ phân xử, có thể được xem là một dẫn chứng mới về việc Bắc Kinh sẵn sàng phủ nhận giá trị của văn kiện này, vì quyền lợi của riêng mình.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt