Trung Quốc?

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Bản đồ nước Tàu

Trong vài năm lại đây thế giới trầm trồ về một Trung Quốc, một quốc gia theo chủ nghĩa độc tài toàn trị, vùng vẫy trong cái đuôi Cộng Sản nối dài, cố thoát chủ nghĩa đại bại CS nhưng còn ngượng ngùng chưa dám thẳng thừng tuyên bố. Trung Quốc tìm đường hội nhập vào kinh tế tự bản nhưng không để mất độc quyền cai trị. Đặc biệt, quốc gia Cộng Sản còn sót lại này bằng một phép thuật nào đó đưa kinh tế đi lên với tổng sản lượng quốc gia tức GDP (Gros Domestic Product) tăng đều ước tính 9% mỗi năm. Tháng 11/2005, The World Factbook đưa ra con số thống kê GDP của Trung Quốc năm 2004 là 7,262 tỷ (1) đứng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ là 11,750 tỷ. Các kinh tế gia thế giới cho rằng với đà gia tăng này, vào năm 2015 GDP của Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ! Một nước độc tài, đất rộng, dân đông, bây giờ lại nhiều tiền sẵn sàng chi phí hiện đại hóa quốc phòng làm cho thế giới lo lắng. Chúng ta thử nhìn một Trung Quốc chuyển biến như thế nào?


Thập niên 1950-1970 một Trung Quốc máu chảy thời bình:

Sau khi Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch năm 1949, tham vọng bành trướng của Đại Hán lộ nguyên hình bản chất xâm lược, đem hàng vạn quân binh định nuốt chửng Đại Hàn, nhưng bị Liên Hiệp Quốc đem quân chận lại đành chia đôi Hàn Quốc làm hai ngang vĩ tuyến 38th. Còn Việt Nam, Mao viện trợ sức người, sức của giúp đảng CSVN nhanh chân thanh toán Điện Biên Phủ để Cộng Sản Việt Nam tiếm công đánh Pháp dành độc lập của toàn dân, thật chất chỉ lợi dụng tranh tối tranh sáng bành trướng thế lực Đại Hán dưới danh nghĩa Cộng Sản giải phóng những dân tộc bị trị!

Từ thập niên 1950, bị Mỹ và đồng minh ngăn chận ở vĩ tuyến 38th và vĩ tuyến 17th với hàng rào quân sự chiến lược “Domino” của Hoa Kỳ, đẩy lùi và cô lập Trung Cộng vào trong lục địa. Họ Mao ỷ vào đất rộng, dân đông tưởng rằng “đôi tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm” (câu CSVN thường rêu rao), Mao đưa ra những “Bước Đại Nhảy Vọt” thật khôi hài như muốn công nghiệp hóa Mao ra lệnh 800 triệu dân Trung Quốc tập trung nồi, niêu, song, chảo, cuốc, xẻn…cho vào các lò nấu bằng đất để luyện thép. Nông thôn mất mùa thì Mao ra lệnh dân đem phènh la, trống, chuông, mõ ra đồng để đuổi châu chấu, cào cào đi để cứu mùa màn v.v…Dân chúng người nào không theo lệnh thì kết tội “phản động” tập trung vào trại lao động khổ sai vô thời hạn, không cần xét xử. Mao càng “Bước Đại Nhảy Vọt” bao nhiêu thì dân tình càng đói rách lầm than bấy nhiêu, những người từng theo Mao trong cuộc “Vạn Lý Trường Chinh” đã tỏ ra bất mãn cho kế hoạch quốc kế dân sinh quái gở của Mao….Nội bộ bất mãn, dân tình thiếu ăn ta thán, Mao thấy nguy phải làm một cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” để giết sạch, xóa sạch thành phần chống đối, cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” ra đời năm 1966 đến năm 1976 đã giết chết bao nhiêu triệu người, chính Đặng Tiểu Bình cũng là nạn nhân của cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” ấy.

Mao Trạch Đông (1893-1976)

Trong khi nhân dân Trung Quốc đang sống trong cảnh nghèo đói, lầm than áp bức thì Mao mang mộng một cường quốc nguyên tử, nhất định muốn “đồng chí” Stalin của Liên Sô giúp để chế nguyên tử hầu được tiếng là cường quốc nguyên tử hù dọa thế giới tư bản. Nga Sô biết được ý đồ của Đại Hán, tuy rằng đồng đảng nhưng “đồng sàng dị mộng”, nên Stalin từ chối cung cấp phương tiện cho Mao chế bom nguyên tử, đó là nguyên nhân sâu xa có sự chia rẽ trong khối cộng sản Nga-Hoa.

Khi Khrushchev hạ bệ Stalin, hô hào “chủ nghĩa xét lại” chung sống hòa bình với phe tư bản, trong khi Mao thì chủ trương dùng võ lực chiến tranh chống đế quốc Mỹ và quyết liệt chống chủ nghĩa xét lại Sô Viết. Cuộc xung đột bắt đầu bằng báo, đài, bằng học tập trong đảng viên và toàn nhân dân Trung Quốc. Đến tháng 3/1969 thì cuộc chiến biên giới Trung-Sô bùng nổ kéo dài 5 tháng, Trung Quốc tổn thất nhiều sư đoàn, thế giới đang nín thở sợ chiến tranh nguyên tử Trung-Sô xẩy ra. Trong thời gian Liên Sô theo chủ nghĩa xét lại, chiến lược giữa hai nước CS đàn anh này hoàn toàn khác nhau, Trung Quốc thì dùng chiến lược lấy “nông thôn của thế giới bao vây thành thị của thế giới”, nông thôn thế giới là Trung Quốc và các quốc gia đồng minh của Trung Quốc thời ấy, thành thị thế giới ngụ ý cả Liên Sô lẫn Hoa Kỳ đang chung sống hòa bình trong chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Trong khi đó chính sách của Sô Viết là chính sách “Ba Dòng Thác Cách Mạng” mà chúng ta thường nghe thời Lê Duẩn làm Tổng Bí Thư đảng CSVN tâng bốc “Ba Dòng Thác Cách Mạng” trong cuối thập niên 1970. Mao chết năm 1976, kéo theo cái chết của cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” để lại một Trung Quốc với nền kinh tế tụt hậu, một dân tộc Đại Hán nghèo đói xơ xác, thiếu ăn. Về đối ngoại bị thế giới cô lập. Cuộc xung đột biên giới với Ân Độ và Liên Sô vẫn còn xung khắc. Và mấy chục triệu người dân Trung Quốc chết oan trong cuộc “Cách Mạng Văn Hoá” của Mao.

Đầu thập niên 1980 Trung Quốc tiến lên võ đài:

Sau khi Mao chết, Trung Quốc đi vào một bước ngoặt lịch sử quan trọng, sau một thời gian xáo trộn chính trường bởi Tứ Nhân Bang (Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Uông Đông Hưng và Trương Xuân Kiều), tháng 7/1977, bằng một cuộc đảo chánh ngoạn mục, không tốn một viên đạn, không mất một quân binh, Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền. Mục tiêu của Đặng không khác với họ Mao, nghĩa là vẫn nuôi mộng đưa Đại Hán trở thành một đại cường trên thế giới, nhưng phương pháp thực hiện hoàn toàn khác, Đặng chủ trương “Bốn Hiện Đại Hóa: về nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật, và quân đội.  Đặng Tiểu Bình không tự nhốt mình trong cung điện Đỏ Thiên An Môn mà ông thân chinh viếng thăm các nước tây phương, Đặng không đóng vai thế thủ mà mở ra tiếp thu mọi văn minh khoa học kỹ thuật, học cách thức quản trị của thế giới tư bản, mời gọi đầu tư nước ngoài v.v.. bất kể màu gì (mèo trắng, mèo đen hễ mèo nào bắt được chuột đều tốt cả) miễn làm sao đưa Trung Quốc trở thành hùng mạnh về kinh tế, hiện đại hóa quân sự. Trước Đặng, họ Mao phản bác tất cả mọi quy luật quốc tế, chống đối và tiêu diệt một mất một còn với “đế quốc tư bản”. Chính sách ngoại giao của Mao đầy dẫy những danh từ đao to búa lớn, hận thù chủ nghĩa đế quốc (Mỹ) và chủ nghĩa siêu cường xét lại (Nga), cô lập các tổ chức quốc tế và theo đuổi chính sách kinh tế tự cường. Còn Đặng, về chính trị giữ nguyên mô hình cai trị theo cách Cộng Sản độc tài toàn trị, nhưng về kinh tế và ngoại giao hoàn toàn đưa Trung Quốc đi hướng ngược lại với Mao. Đặng phát động và cổ vũ tham gia vào cộng đồng quốc tế để hiện đại hoá kinh tế, tham gia các tổ chức liên minh phi chính phủ để đánh bóng hình ảnh khá rỉ rét của Trung Quốc, từng bước đã đưa Trung Quốc thoát khỏi thời đại cô lập. Đặng từ bỏ đấu tranh giai cấp trong quan hệ quốc tế, không coi Mỹ là kẻ thù mà tìm mọi cách thân thiện, Đặng chính thức qua thăm Tổng Thống Jimmy Carter, Hoa Kỳ đầu năm 1979. Phương châm họ Đặng là “Âm thầm nghiên cứu; thủ thế vững vàng; bình tỉnh đối đầu ngoại giao; che dấu sức mạnh đợi thời cơ; Thái độ nhún nhường; không bao giờ tỏ ra mình lãnh đạo” (2)

Đặng Tiểu Bình (T) – Tổng Thống Jimmy Carter (P) (hình trong chuyền Đặng thăm Mỹ tháng 1/1979)

Với tính cách thực dụng, Đặng “Xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa với đặc tính của Trung Quốc (Build Socialism with Chinese Characteristic) (3), Đặng đã biến đổi mô hình Mac-Lê theo sáng kiến của mình, chối bỏ những lý thuyết vô tưởng về kinh tế tập trung của Mac-Le, sáng chế nhưng cách thức riêng làm ăn cho phù hợp. Để thuận tiện trong đường lối mới, họ Đặng âm thầm thành lập mô hình “Ba Thế Giới”, trong đó Trung Quốc tự nhận lãnh sứ mệnh lãnh đạo khối thứ ba tức là các quốc gia đang phát triển; liên kết thân thiết và trao đổi mậu dịch với khối thứ hai tức là các nước đang có kỷ nghệ phát triển như các nước Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Úc Đại Lợi và một số quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ; hòa hoãn, nhún nhường với siêu cường (Mỹ). Mục tiêu “nín thở qua sông” nhằm phát triển sức mạnh kinh tế và hiện đại hóa quân sự cho đến khi nào đủ sức lật ngược “siêu cường”, như Bắc Kinh tuyên bố khi viếng thăm ngoại giao Liên Sô năm 1998 là “mối quan hệ đối tác chiến lược mới này đã thực sự nâng cao an ninh chung của hai nước (Trung-Sô) cũng như của khu vực, và tạo cho hai nước một mục đích chung nhằm chống lại chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền” (4) những từ ngữ mà Bắc Kinh dùng ám chỉ Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh.

“Bốn Hiện Đại Hóa” này Trung Quốc áp dụng nhuần nhuyễn song hành với “Năm Chính Sách Chung Sống hòa Bình” là Hỗ tương và hoàn toàn tôn trọng nhau; Không xâm phạm quyền lợi của nhau; Không can thiệp nội bộ của nhau; Hợp tác công bằng và hai bên đều có lợi; và Chung sống hòa bình. Phải chăng đây là những mánh lới tinh xảo của những nhà lãnh đạo CSTQ để phù hợp với tư tưởng của Đặng Tiểu Bình. Gần đây Giang Trạch Dân và hiện nay cả Hồ Cẩm Đào đều dương cao thuyết Ba Đại Biểu cho phép kết nạp doanh thương (thành phần tư bản) vào đảng CSTQ, và đề cao “Ở Trung Quốc hiện nay, phát triển văn hoá tiên tiến là phát triển văn hóa XHCN mang màu sắc Trung Quốc (chứ không phải màu sắc Mac-Le) (5).
Tương lai Trung Quốc như thế nào? Dự đoán thường là một điều khó khăn, đặc biệt là dự đoán về tương lai một quốc gia luôn luôn đặt kế sách trong vòng bí ẩn và hành động với nhiều toan tính như Trung Cộng.

Một Trung Quốc hiện nay:

Đánh giá một Trung Quốc hiện nay có rất nhiều tranh cãi, ngay trong chính quyền Hoa Kỳ, cả hành pháp và lập pháp, cũng có hai khuynh hướng khác nhau, một là đối đầu và phía kia là đối tác. Bao nhiêu sách vở, giấy mực bàn đến Trung Quốc nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng, đặc biệt trong sáu tháng lại đây Quốc Hội Hoa Kỳ phải họp hai lần để đánh giá báo cáo về tình hình kinh tế, quân sự của Trung Quốc, lần đầu vào tháng 8/2005 và lần thứ hai tháng 11/2005 vừa qua. Dù có bàn cãi như thế nào đi nữa, ngày nay, hầu hết các lý thuyết gia, bình luận gia thế giới đều đi đến một nhận định rằng: “chính trị của Trung Quốc vẫn gắn liền với truyền thống (tư tưởng Đại Hán), chủ nghĩa quốc gia (nationalist), khuynh hướng thực dụng tiến gần với dòng lưu của thế giới” (6). Về đối nội, đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lãnh đạo Hoa Lục dưới hình thức độc tài toàn trị, nhưng cách thức điều hướng xã hội và kinh tế đi ngược lại với Chủ Nghĩa Cộng Sản.

Giáo Sư David Shambaugh, Giám đốc Chương Trình Chính sách của Trung Quốc tại Đại Học George Washington, trong lời mở đầu của tiểu luận “Tương Lai Quan Hệ Đối Ngoại và Tình Hình của Trung Quốc năm 2000-2005” có đoạn mở đầu “Có thể chúng ta chứng kiến Trung Quốc càng ngày cảm thấy bấp bênh và lo lắng về môi trường an ninh của mình (Hoa Kỳ), với những mối quan hệ càng ngày càng căng thẳng với các cường quốc lớn trong khu vực, chịu tác động càng ngày càng nhiều của chủ nghĩa dân tộc, và thiếu kiên nhẫn trong vần đề Đài Loan” và Alexander Brenner một bình luận gia từng du học ở Trung Quốc cũng lên tiếng trong bài Sino-US Relation and Regional Security rằng “Trong lúc người Mỹ phải bỏ thì giờ tìm mọi cách ngăn chận al-Qaeda xử dụng nguyên tử cũng như phải đối đấu với khủng bố Hồi Giáo, chúng ta cũng cần lưu ý và thật cẩn thận trong việc mặc cả với Trung Quốc (đã có vũ khí nguyên tử) và Tổng sản Lượng Quốc Gia đang trên đà đuổi kịp chúng ta”.

Những lời cảnh báo trên của các học giả, bình luận gia Hoa Kỳ, không phải là lời bàn vô trách nhiệm, với tổng sản lượng năm 2004 đứng sau nước Mỹ là chuyện có thật, có từ căn bản. Sau khi thất bại những “Bước Đại Nhảy Vọt” của Mao, vì chỉ dùng chính sách “hồng hơn chuyên”, nhân dân Trung Quốc, đảng viên CSTQ và cả thế giới đều lên án rằng đó là kế sách “đại thảm bại” của Mao. Đặng Tiểu Bình thay thế “chuyên hơn hồng” nhằm có đủ khả năng điều hành bộ máy kinh tế đang hội nhập vào kinh tế thị trường. Thế là, chỉ sau hai thế hệ lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, nhân sự Bộ Chính Trị: năm 1998 có 92% tốt nghiệp đại học so với 23% năm 1978. Trong Ủy Viên Trung Ương: năm 1998 có 92% tốt nghiệp đại học so với 26% năm 1978. Các tỉnh, địa phương năm 1998 có 95% tốt nghiệp đại học so với 20% năm 1982. Trong đó có rất nhiều chuyên viên người Hoa tốt nghiệp bằng cấp ở các nước tư bản Tây Phương và Hoa Kỳ (7).

Nâng cao trình độ quản lý khoa học thực dụng về cả hai mặt kinh tế và quân sự là tạo nên những nền tản vững vàng, xây dựng một căn bản lâu dài cho sự phát triển bền vững, từ một nước Cộng Sản với thành phần lãnh đạo được thăng chức tiến quan trong cảnh “sắt máu” nay chuyển hướng lãnh đạo đất nước bằng quản trị khoa học (technocracy) trong vòng 20 năm thì đây là một bất ngờ!

Trung Quốc đang đứng ở đâu?

Về đối nội:

Mặc dù kinh tế ước lượng 7262 tỷ, đứng thứ hai trên thế giới vào năm 2004, nhưng với dân số 1,3 tỷ người như vậy bình quân lợi tức đầu người vẫn còn thấp, người dân vẫn còn nghèo. Những chia rẽ trong giới lãnh đạo, sự chênh lệch đời sống quá xa giữa giai cấp thống trị và người dân là đầu mối của những biến động chính trị. Khi kinh tế vương lên, đời sống người dân tạm ổn định nhận thức chính trị của con người thay đổi liệu rằng với một chế độ độc tài toàn trị như đảng CSTQ hiện nay có tránh khỏi những biến động bất ngờ hay không? Tây Tạng dưới sự lãnh đạo của đức Đạt Lai Lạt Ma đòi tự trị được thế giới ủng hộ là một mầm mống của những chuyển biến chính trị bất ngờ. Pháp Luân Công đi sâu vào quần chúng, chui ngay vào giới lãnh đạo (vợ con các cấp bộ chính trị cũng tập Pháp Luân Công). Trong một quốc gia độc tài toàn trị những biến động chính trị xẩy ra đôi khi không lường trước được. Nếu chúng ta quả quyết rằng Trung Quốc có sự ổn định chính trị cơ bản và không bao giờ xẩy ra những biến động bất ngời thì đó là một sự đánh giá thiếu nghiêm chỉnh nếu không muốn nói là sai lầm.

Về kinh tế:

Một Trung Quốc có Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) đứng nhì thế giới, Trung Quốc đặt kinh tế lên hàng đầu và biết tự chế, nhún nhường với siêu cường (Mỹ) khi quyền lợi bị va chạm. Giờ đây trong giới lãnh đạo Trung Quốc dù có còn những thành phần cực đoan, bảo thủ Cộng Sản hoặc thành phần cải tiến đều ý thức cao độ rằng con đường tư bản hoá để đưa Trung Quốc đi lên như một nguyên tắc tất yếu không thể cản lại được.Với sự hội nhập kinh tế càng ngày càng mạnh bắt buộc những va chạm làm ăn, quyền lợi, xuất nhập cảng, luật đầu tư, tiền luân lưu đều phải rõ ràng minh bạch, không kiểu úp mở để tuyên truyền như thời kỳ còn dưới chế độ Cộng Sản trước đây. Ngày nay một Trung Quốc không còn e dè tránh né mà lăn xả vào những hội nghị kinh tế quốc tế quan trọng và đưa ra nhiều ý kiến đầu tư hấp dẫn.

Bắt đầu từ thập niên năm 1990, Trung Quốc bắt đầu đối thoại với Tổ chức các nước Đông Nam Á, gọi tắt là khối ASEAN (The Association South East Asian), Năm 1997 tích cực hỗ trợ thành lập ASEAN+3 (gồm thành viên 10 nước trong khối ASEAN cộng thêm ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn). Lúc này Á Châu đang lâm vào cơn sốt tiền tệ và khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc là nước ít bị ảnh hưởng trong cơn lốc tiền tệ này, tỏ thái độ thân thiện và muốn giúp đở, Trung Quốc đã giúp kinh tế của khối ASEAN vực dậy được. Cuộc họp (không chính thức) lần thứ hai của ASEAN+3 được tổ chức vào tháng 12 năm 1997 tại Singapore đã đem đến cho Trung Quốc một thành công lớn, 10 nước trong khối ASEAN tỏ ra thân thiện với Trung Quốc, nâng cao mức độ giao thương và hợp tác, thẳng thắng trong vấn đề đối thoại. Và tất cả các lãnh đạo của các nuớc ASEAN ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO. Tháng 10 năm 2003, tại thành phố Bali, Indonesia, ASEAN+3 họp thượng đỉnh, Trung Quốc là thành viên năng nổ và ưu tú nhất đã sẵn sàng ký giao kèo với các nước ASEAN là giao thương giữa Trung Quốc-ASEAN sẽ vượt $100 tỷ US năm 2005 (8).

Kế đó là Trung Quốc thành lập ASEAN+1, gồn 10 nước ASEAN cộng với Trung Quốc, các cuộc họp hàng năm giữa các nước ASEAN và Trung Quốc mà dẫn đầu là vị Thủ Tướng Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc cũng tham gia sâu hơn vào các diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC (Asian Pacific Economic Cooporation) và ARF (Asian Regional Forum).

Không những đối với những nước châu Á, Trung Quốc còn mở rộng bang giao với các nước Châu Âu, và đặc biệt Hoa Kỳ, Trung Quốc xuất cảng qua Hoa Kỳ năm 2004 gần 197 tỷ USD và nhập cảng từ Hoa Kỳ gần 35 tỷ USD (http://www.census.gov/foreign-trade/balance)

Lục điạ Châu Phi nay là bạn hàng lớn của Trung Quốc hàng năm Trung Quốc xuất cảng qua Châu Phi khoảng 14 tỷ USD (cao nhất thế giới) và Trung Quốc mua dầu hỏa của Angola, Niegia, Sudan và Congo, và bỏ cả hàng tỷ USD để khai thác tài nguyên hầm mỏ của các nước Bắc Phi. Trên toàn vùng Châu Phi sự có mặt của Trung Quốc bao trùm, Trung Quốc đang chinh phục Châu Phi qua đường lối kinh tế.

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11/2001, luật lệ đầu tư rõ ràng, minh bạch các công ty lớn nhỏ nhảy vào bỏ vốn đầu tư tại Trung Quốc một nơi có nền tiêu thụ gần 1,3 người và nhân công thì rẻ mạt làm cho nền kinh tế Trung Quốc tăng nhanh. Ngành kỹ thuật cao (hightech) cũng phát triển rất mạnh mẽ. Bản tin của tờ Enterprise (http://www.internetnews.com/ent-news/article.php/3570226) ngày 12/12/2005 đăng tin rằng hàng hoá điện tử về lãnh vực truyền thông, Trung Quốc đã xuất cảng trong năm 2005 là $180 tỷ US vượt qua Mỹ chỉ xuất cảng $137 tỷ US.

Năm 2003, Trung Quốc là nước thứ ba nhập cảng dầu hỏa, đi đâu Trung Quốc cũng hỏi mua dầu hỏa để cung ứng cho nhu cầu kinh tế đang lên. Và Hồ Cẩm Đào là lãnh tụ Trung Quốc đầu tiên tham dự cuộc họp thượng đỉnh của các cường quốc kinh tế (G8) và tháng 6 năm 2005.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc bỏ tiền mua nhiều hãng xưởng ngoại quốc. Ngoài những hảng nhỏ, Trung Quốc còn mua phần làm điện toán cá nhân (Personal Computer) của IBM, và khảo giá mua hảng dầu Conoco của Hoa Kỳ nhưng không thành vì lý do chính trị.

Về ngoại giao

Trung Quốc không còn theo chủ nghĩa ngoại giao kiểu Mao, từ khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, Trung Quốc đã theo đường lối ngoại giao mềm dẻo:

Đối với Nga Sô, sau chiến tranh lạnh, khi Gorbachev đề ra chính sách “tái cấu trúc và đổi mới” thì mối quan hệ Trung-Sô chuyển từ bờ vực của chiến tranh hạt nhân sang quan hệ đối tác chiến lược (9). Đặc biệt từ năm 1996 trở đi khi Yeltsin lên làm tổng thống Nga Sô, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước càng ngày càng thắt chặt. Phần lớn sự giao thương giữa hai quốc gia trên lãnh vực hiện đại hóa quân đội, có thể nói rằng Trung Quốc là bạn hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga Sô hiện nay. Năm 1998, trong một sự ngạc nhiên của thế giới, Bắc Kinh đề nghị cho Liên Sô vay 5 tỷ USD nhằm giúp giảm bớt khó khăn về kinh tế (10). Liên tiếp trong những năm 1991 đến nay, Trung-Sô đã ký những hiệp ước để xây dựng lòng tin trong lãnh vực quân sự dọc theo biên giới, giảm bớt lực lượng quân sự và dời xa khỏi biên giới 100 cây số. Đặc biệt, hoàn thành ký hiệp ước phân định đường biên giới Nga-Trung dài 4340 cây số và phi quân sự hoá vùng biên giới này. Trung Quốc là quốc gia đề nghị thành lập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải SCO (Shangai Cooperation Organization) gồm Trung Quốc, Liên Sô, Kazakhtan, Kyrgistan, Tajikistan và Uzbekistan (các nước vùng Trung Á vừa độc lập từ Sô Viết năm 1989), mà đỉnh cao của sự liên hợp này là cuộc tập trận chung từ ngày 18-25/8/2005 phối hợp hải, lục và không quân hiện đại nhất của của Trung-Sô nói là để bảo vệ hòa bình và chống khủng bố nhưng thâm tâm để dằn mặt các siêu cường với ý đồ xâm lược bằng quân sự.

Đối với các nước Đông Nam Châu Á, chính sách ngoại giao của Trung Quốc có vẻ khôn ngoan, nhưng chưa chắc vì lòng hảo tâm, luôn luôn đề nghị giao thương, hợp tác lưỡng lợi, chịu lỗ về phần mình một ít để mua chuộc, chính sách ngoại giao viện trợ đã từng bước hướng các nước ASEAN nghiêng về Trung Quốc. Đặc biệt trong cơn khủng hoảng tài chánh 1997 của các nước ASEAN, Trung Quốc đóng vai trò giúp đỡ, thân thiện làm cho các quốc gia này giảm bớt thái độ nghị kỵ về một Trung Quốc bá quyền, xâm lược. Mặc dù tranh chấp vùng biển Nam Trung Quốc (hoàng Sa và Trường Sa) vẫn tồn tại, nhưng Trung Quốc cố làm hòa dịu để đặt chân vào vùng ASEAN mà cựu thủ tướng Lý Bằng gọi là “vùng đất vàng”. Thái Lan là quốc gia đồng minh sát cánh với Hoa Kỳ trong bao nhiêu năm thời chiến tranh lạnh, nhưng kể từ năm 1975, khi Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam, Trung Quốc-Thái Lan đã không ngừng liên tục tăng cường giao thương và hợp tác an ninh, tờ Chinanews số ra ngày 14/12/2005 loan tin “Chiến hạm Trung Quốc và Hải Quân Thái Lan thành công tập trận trên vùng biển Thái” và đề cao tình hữu nghị Trung-Thái. Cũng như Phillipine, một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, sau khi bà Tổng Thống Arroyo ra lệnh rút quân đội khỏi Iraq để đổi lấy con tin người Phi, Trung Quốc cho rằng đây là cơ hội tốt mời bà Arroyo sang thăm Trung Quốc và ra lệnh Bộ Trưởng Quốc Phòng ký một mật ước với Trung Quốc để khai thác tài nguyên ở vùng biển đang xung đột Nam Trung Quốc (11). Trung Quốc còn viện trợ 3 triệu USD về quân sự và huấn luyện tiếng Tàu, viện trợ khí cụ quân đội và mời 5 sĩ quan Phi du học tại Trung Quốc.

ASEAN là vùng đất mà Trung Quốc dùng ngoại giao và kinh tế để các quốc gia này càng lún sâu vào ảnh hưởng của mình, với mục đích đường dài loại dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á Thái Bình Dương.

Đối với các nước Trung Á, sau khi Liên Bang Sô Viết tan rã họ được trả lại độc lập, Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào vùng đất giàu tài nguyên dầu hỏa và khí đốt này. Không tệ như đối xử với Việt Nam (chiến đất lấn biển), với dự trữ dầu mỏ ở Trung Á ước lượng 200 tỷ thùng, điều này có tầm chiến lược về mặt năng lượng đối với Trung Quốc. Năm 1996, 53% tổng số nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Trung Á. Kazakhstan là nước hợp tác với Trung Quốc đã xây một đường ống dẫn dầu giữa hai nước đã đưa dầu thô vào Trung Quốc 1997 (12). Trong những tranh cấp biên giới với các quốc gia vùng Trung Á này, Trung Quốc chịu phần lỗ về mình để làm vừa lòng các nước trong khối Cộng Đồng các Quốc Gia Độc Lập CIS (Commonthwealth of Independent State).

Đối với Nhật mặc dù giao thương kinh tế đạt mức độ rất cao giữa Trung-Nhật, nhưng vấn đề ngoại giao vẫn còn nghị kỵ lẫn nhau, vì nhiều yếu tố lịch sử và vì Nhật là đồng minh thiết cố của Hoa Kỳ.

Đối với Hoa Kỳ giao thương hàng đầu của Trung Quốc hiện nay, một đối tác quan trọng trên thương trường, nhưng trên chính trường quá nhiều mâu thuẫn nội tại…. có thể nói nhìn vào chiến lược và đối sách của hai quốc gia này đối với vùng Châu Á Thái Bình Dương là công việc quá cần thiết để tìm một giải pháp chính trị thuận lợi cho Việt Nam trên con đường đấu tranh tự do dân chủ. Sự bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khá phức tạp, chúng ta hãy dành một đề tài đặc biệt cho vấn đề này.

Về Quân Sự:

Sở trường của Trung Quốc là đất rộng dân đông, thành thật mà nói rằng trong thời đại hiện nay không một quốc gia nào có khả năng đem bộ quân xâm lăng Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không đủ khả năng lấn ra Thái Bình Dương để đương đầu với các hạm đội tối tân của Hoa Kỳ. Trung Quốc hùng cứ trên lục địa còn Mỹ vẫn kiểm soát đại dương. Hầu hết các nhà phân tích quân sự phương tây đều xếp năng lực thông thường của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc (QĐNDTQ) ở mức lạc hậu 20 hoặc 30 năm so với năng lực hiện đại của siêu cường, và khoảng cách lạc hậu đó càng ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, so với các nước láng diềng đặc biệt Đài Loan thì khoảng cách càng ngày càng thu hẹp lại. Năng lực quân sự toàn diện ngày nay tương đương với trang thiết bị của Châu Âu thời kỳ cuối thập niên 1980 (12)

Mặc dù năng lực của QĐNDTQ bị hạn chế so với siêu cường quân sự như Hoa Kỳ, nhưng đối với các lân bang như Việt Nam, Lào, Capuchia, Miến Điện thì Trung Quốc tiến xa so một trời một vực.

Sau hai cuộc chiến ở Kosovo va cuôc chiến vùng Vịnh, những vũ khí quá tối tân của khối NATO và Hoa Kỳ có khả năng bắn chính xác từ xa ngàn dặm, và những quả bom thông minh điều khiển bằng tia laze thả chính xác mục tiêu từng 100m từ những phi cơ khổng lồ bay cao tận mây xanh. Cuộc chiến Afganishtan máy bay chiến lược B52 của Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường quân sự tiểu bang New Mexcico để thả bom rồi bay về với những trạm tiếp liệu nhiên liệu trên không đã làm cho những người hoạch định chiến lược của QĐNDTQ thật bối rối, vì rằng những nhà chiến lược quân sự của Trung Quốc từ trước có sở trường dùng bộ binh thí quân và đánh cận chiến trên những chiến trường với mục tiêu thấy bằng mắt. Giờ đây họ thấy tận mắt chứng kiến một cuộc chiến mới dùng kỹ thuật tiên tiến có thể tiêu diệt cả sư đoàn quân bằng những loại vũ khí điều khiển từ một nơi rất xa, xa hơn cả đường chân trời, không cần thấy bóng dáng kẻ thù.

Từ đó những kỹ thuật để hiện đại hoá tên lửa tầm xa mang tính chính xác được đặt mua tại Nga Sô và Do Thái. Còn Châu Âu thì cấm bán vũ khí cho Trung Quốc vì bị cấm vận qua vụ tàn sát sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Sau nhiều năm cố gắng hiện đại hoá quân sự, đặc biệt hỏa tiễn liên lục địa, không quân và hải quân. Tháng 8 năm 2005, Báo cáo cuả Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ trước Quốc Hội cho biết khả năng hoả tiển mang đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc gồm có:

Hỏa tiễn DF-31 của Trung Cộng

Hỏa tiễn Phóng Tầm Ngắn (SRBM): Theo cơ quan Tình Báo Quốc Phòng Hoa Kỳ, thì hiện nay Trung Quốc có vào khoảng 650-730 chiếc và mức độ tăng vào khoảng 75-120 mỗi năm. hỏa tiễn phóng tầm ngắn gắn trên xe lưu động có thể bắn mục tiêu từ 300-800 cây số.

Hiện nay, Trung Quốc đang thiết kế và biến cải hỏa tiễn chiến lược Tầm Trung và Liên Lục Địa (ICBM) đặt ở trên xe, mang đầu đạn nguyên tử gọi là DongFeng31 (DF-31) với tầm xa 8000 km có thể xử dụng trong năm 2005-2006, và hỏa tiễn DF-31A bắn xa 10,000 km, có thể đưa vào xử dụng trong 2008-2010. Cả hai loại hoả tiển liên lục địa DF-31 và DF-31A có khả năng bắn đến các nước Ấn Độ, Nga Sô, Châu Âu, Tận Nam Á đến Úc Châu và lục địa Hoa Kỳ (13).

Các lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố rằng đây là những vũ khí tự vệ không bao giờ tấn công trước (no first use).

Về không quân và hải quân, Trung Quốc có những phi cơ chiến đấu tối tân và những tàu chiến, tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử, mua của Nga Sô hoặc tự biến chế, hoặc mua về và biến cải thêm.

Một Trung Quốc đang đi lên về kinh tế và quân sự. Càng ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình để trở thành một cường quốc trên thế giới. Liệu rằng Trung Quốc có gia nhập sống chung hòa bình với cộng đồng nhân loại hoặc sẽ là đối lực nguy cơ cho loài người trong một đại thế chiến thứ ba?

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


(1) The World Factbook tháng 11/2005:

http://www.cia.gov/cia/publications/factbook/covers/cover2004front.html

(2) Anual Report To Congress August, 2005 of Secretary of Defense (pg 7)

(3) Nhân Dân Nhật Báo (English) 6/30/1984:

http://english.peopledaily.com.cn/dengxp/vol3/text/c1220.html

(4) “China Russsia ralations at the Turn of the Century” Joint Statement of Prsident Giang Trach Dan and Boris Yeltsin Nov 23. 1998

(5) Diễn Văn cuả Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, tại Kỷ Niệm 80 năm ngày thành lập Đảng CSTQ, ngày 1/07/2001

(6) The United State, China and Southeast Asian Security–A Changing of the Guard, Wayne Bert, Pg.78

(7) The United State, China and Southeast Asian Security-A Changing of the Guard Wayne Bert, Pg. 66

(8) US-ASEAN Bussiness Councel

http://www.us-asean.org/ASEANOverview/asean+3.asp

(9) Đọc Jenifer Anderson, The Limit of Sino-Russian Strategic Partnership (London: IISS Adelphi Paper No. 315, 1997) và Sherman W. Garnett, Russia-China Relation Changing Asia.

(10) Dr. David Shambaugh, Tương Lai Quan Hệ Đối Ngoại và Tình Hình An Ninh của Trung Quốc, 2000-2005

(11) The Herritage Foundation, Policy Research and Annalysis, China and ASEAN: Endangered American Primacy in Southeast Asia by Dana R. Dillon and John J. Tkacik, Jr., Oct 19, 2005.

(12) Dr. David Shambaugh, Tương Lai Quan Hệ Đối Ngoại và Tình Hình An Ninh của Trung Quốc, 2000-2005, Việc hiện đại hoá và cải cách quân đội Trung Quốc

(13) Annual Report To Congress, The Millitary Power Of People’s Republic of China 2005, pg. 28

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt