Trung Cộng Tiến Quân Vào Vùng Nhiệt Đới

Từ thuở hồng hoang, con người thể hiện cuộc sống bằng những bước đi: đi kiếm thức ăn, đi tìm nơi cư trú, đi tìm kiếm những giá trị tinh thần. Qua thời gian, những yếu tố tương đồng (ngôn ngữ, huyết thống, nhu cầu…) làm họ gần gủi nhau hơn, tạo nên một quần thể có đủ sức mạnh để đối phó hữu hiệu với nghịch cảnh, bảo toàn và phát triển sự sống. Từ đó, những bộ lạc, dân tộc, quốc gia được hình thành và cũng chuyển động để tìm thế sinh tồn. 

Mỗi ngày qua, mỗi người chúng ta đều nhận được vô số tin tức liên hệ đến Việt Nam với lo âu, suy nghĩ. Những sự kiện đã và đang diễn tiến được nhiều người xem như một chuyện dĩ nhiên phải đến, tiên liệu từ lâu :

Trong tác phẩm “Trung Quốc Tiến Quân Vào Vùng Nhiệt Đới” (China’s March Toward the Tropics ) xuất bản năm 1954, giáo sư Herold J. Wiens (1912 – 1971) cuả Đại Học Yale mở đầu Chương I như sau :

Phần lớn chính thể Trung Hoa hiện nay chia theo thủy lưu cuả ba hệ thống sông ngòi chủ yếu, đó là: Hoàng Hà phiá bắc, Dương Tử Giang phần giữa và Tây Giang phương nam. Người Hoa Hán phát triển văn hoá trong khu vực Hoàng Hà, mở rộng vào vùng Dương Tử và rồi đến Tây Giang. Họ chinh phục và xua đuổi, hoặc tiêu diệt, hoặc đồng hoá những bộ lạc đang cư ngụ trên những bình nguyên cuả Dương Tử và Tây Giang. (Nguyên văn: Most of present-day China Proper divides up into the drainages of three major systems, the Huang Ho or Yellow River in the north, the Yang-tzu Chiang in the central portion, and the Hsi Chiang or West River in the south. The Han-Chinese, developing their culture in the Huang Ho region, expanded first into the Yang-Tzu and then into the Hsi Chiang region, conquering, and driving out, or exterminating, or absorbing the tribes peoples occupying the Yang-tzu and Hsi River valleys.).

Phần trích dẫn trên gợi thêm một minh chứng trong cuộc tranh đấu liên tục giữa Hoa Hán và Việt tộc trải qua nhiều ngàn năm trước Công Nguyên từ khi loài người quần tụ sinh sống trên bình nguyên Hoàng Hà – Dương Tử tiếp đến thời Hoàng Đế, Xuân Thu, Chiến Quốc… Lịch sử cũng ghi chép Tần Thủy Hoàng đưa quân tràn ngập lãnh thổ Bách Việt (214 BC) gồm các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và một phần Bắc Việt ngày nay. Để sống còn, các bộ tộc Bách Việt lần lượt di chuyển theo dòng nước của các sông lớn Hồng Hà, Cửu Long, Salween, Irrawaldy và vươn ra các hải đảo Thái Bình Dương, lập nên những quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Những thành phần bám  trên mảnh đất tổ tiên, trở thành các sắc dân thiểu số sinh sống trong những khu hẻo lánh, cằn cỗi, từ các tỉnh nội điạ Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây đến các tỉnh ven biển Phúc Kiến, Quảng Đông, kể cả các đảo Hải Nam, Đài Loan.

Bộ tộc Lạc Việt và một số Việt tộc khác, trên đường lui về phương nam, thành lập nước Việt Nam, một thời mang quốc hiệu Đại Việt, trên châu thổ Hồng Hà / Cửu Long với Trường Sơn / Đông Hải. Việt Nam tại điạ bàn hoa gấm này là một cứ điểm trọng yếu, ngăn chận tham vọng cố hữu mở rộng đế quốc cuả Hán Tộc.  

I- Thanh Toán Việt Nam.

Trải qua những giai đoạn lịch sử, Hoa Hán đã đánh Đại Việt những đòn chí tử :

1/ Dưới thời Đông Hán (năm 41), Mã Viện xâm chiếm Giao Chỉ, phá nát văn hoá Hoà Bình, Đông Sơn, tịch thu Trống Đồng, binh khí và dụng cụ đồng thau, nấu chảy thành những khối kim loại mang về phương Bắc. Chúng cũng tạo một huyền thoại “trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt”, cảnh báo giống nòi Giao Chỉ sẽ bị tận diệt !

Tiếp theo, dưới thời nhà Đường năm 841, tiết độ sứ Giao Châu Cao Biền gieo rắc mê tín dị đoan, bùa chú và phong thủy vào xã hội Việt Nam nhằm mục đích hủy hoại tâm thức quật khởi cuả toàn khối dân tộc. Với chiêu bài trấn yểm long mạch, Cao Biền đào bới các kho tàng, tìm kiếm vàng bạc, châu báu, phá hủy các quang cảnh cuả văn minh Việt tộc. Phản kháng chính sách ma quỷ này, cư dân châu thổ sông Hồng đặt ra một thành ngữ “quân Cao Biền dậy non” để diễu cợt tà thuật bệnh hoạn cuả phù thủy Cao Biền!

Kế hoạch khốc liệt nhất nhằm xoá sổ dân tộc Đại Việt lại một lần nữa xảy ra trong thời kỳ nước ta bị nhà Minh cai trị (1414). Theo Việt Nam Sử Lược cuả Trần Trọng Kim: “Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hoá với người Tàu. Lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc đến sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích cuả nước mình như là sách vở, thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch.”

Sử gia Trần Trọng Kim cũng liệt kê trên trăm quyển sách quý, cốt lõi cuả văn minh dân tộc, bị lấy sạch đem về Tàu, đáng kể nhất: Hình Thư cuả vua Thái Tông nhà Lý, Quốc Triều Thông Lễ cuả vua Thái Tông nhà Trần, Hình Luật cuả vua Thái Tông nhà Trần, Trần Triều Đại Điển cuả Trần Dụ Tông, Binh Gia Yếu Lược cuả Trần Hưng Đạo, Vạn Kiếp Bí Truyền cuả Trần Hưng Đạo, Việt Nam Thế Chí, Việt Sử Cương Mục, Đại Việt Sử Ký cuả Lê Văn Hưu, Việt Điện U Linh Tập cuả Lý Tế Xuyên …

Cận đại, Tôn Dật Tiên, một nhân vật lớn cuả Trung Hoa, sinh trưởng tại Quảng Đông, được hai phe không đội trời chung Tưởng và Mao đồng tôn kính làm quốc phụ, cũng có dịp bày tỏ giấc mơ truyền kiếp cuả đế quốc Hoa Hán. Trong lần nói chuyện với Thủ Tướng Nhật Bàn Khuyễn Dưỡng Nghị, Tôn tỏ ý khinh bỉ người Việt Nam có căn tính nô lệ và hắn ta sẽ dành lại quyền đô hộ Việt Nam, thay thế vai trò người Pháp.

2/ Chủ Nghiã cộng sản do K. Marx và F. Engel xây dựng phần lý thuyết, rao giảng về một xã hội “không tưởng” giữa con nguời khắp nơi thế giới.

Cộng Sản Quốc Tế với hai đầu lĩnh giảo hoạt Stalin và Mao Trạch Đông chiếm đoạt tư tưởng này làm mặt nạ cho chủ nghĩa dân tộc Đại Nga và Đại Hán. Từ vùng khí hậu ôn đới lạnh lẽo, cả hai Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đều nhắm vào khu vực nắng ấm, đầy dẫy tài nguyên thiên nhiên từ nông phẩm, hầm mỏ, núi rừng, biển cả… trong vùng Đông Nam Á đang bị thực dân da trắng khai thác. Những đảng viên cộng sản Việt Nam đầu tiên được khai sinh tại Liên Sô tuy nhiên Trung Cộng mới là người chăm sóc, bảo dưỡng. Vì thế, tầng lớp đảng viên cộng sản do Hồ Chí Minh kết nạp và huấn luyện trở thành đám “khuyển mã” với đầy đủ quán tính trung thành và thần phục ông chủ Trung Cộng.

Cả cuộc đời cuả Mao Trạch Đông và đảng cộng sản Trung Hoa tiếp tục thực hiện giấc mơ của Tần Thuỷ Hoàng như một tín ngưỡng: thống nhất Trung Hoa trong một thể chế chuyên chính, phát triển Hán tộc, mở mang bờ cõi về phương Nam. Tạo dựng nhân vật Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam là một kế hoạch thâm độc kiểu Lã Bất Vi.

Trong tác phẩm “Những Lời Trăn Trối”, triết gia Trần Đức Thảo kể lại rằng Hồ Chí Minh biết mình bị Đệ Tam Quốc Tế tức Liên Sô loại trừ, đuổi khéo về Viễn Đông và Hồ biết Mao là thủ lãnh các phong trào cộng sản châu Á, bèn xin vào làm việc cho Bát Lộ Quân cùng lúc tuyên thệ gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mao quan tâm gây dựng Hồ dùng làm con bài “phé” mai phục trường kỳ trong canh bạc vét sạch túi Việt Nam làm căn cứ tranh đoạt vùng Đông Nam Á.

Nhờ vậy, Hồ Chí Minh từng bước loại bỏ các đối thủ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… để ngoi lên làm Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch Nước năm 1945. Do mưu kế thâm độc “tá đao sát thủ” cuả Mao/Hồ, mọi việc đều tiến hành êm xuôi, mở lối cho những “đồng chí” kia sớm đi vào địa ngục.

Trần Đức Thảo xác nhận thủ đoạn cuả Mao bằng những mệnh đề ngắn gọn : “Phải nói thẳng ra là Mao đã trực tiếp bẻ lái ông Cụ”; hoặc “Trung Quốc muốn nhuộm đỏ Việt Nam theo đúng màu đỏ đậm cuả Trung Quốc”.

Già Hồ, một con giống do Trung cộng cải tạo gene, khai sinh những thế hệ đệ tử cực kỳ xuẩn động, gian ác, phản quốc, từ Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Tố Hữu… đến thế hệ kế tiếp như : Lê Duẫn, Nguyễn Chí Thanh, Lê đức Thọ, Mai Chí Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh, … và hiện tại là đám ô hợp : Mạnh, Trọng, Sang, Hùng, Dũng, Rứa, Thanh, Quang, Nghị, Vịnh …

Chúng có chung đặc tính : bảo vệ lý tưởng cộng sản làm nền tảng biện minh cho sự nép mình vào Trung Cộng, cấu kết với nhau vơ vét tài nguyên quốc gia; dân tộc chỉ là giai đoạn, phương tiện, là con tin mặc cả với Mỹ, Nhật… để kiếm tiền !

Theo Ban văn hoá trung ương Việt cộng thì lý tưởng cuả một đảng viên cộng sản là xây dựng “một xã hội mà con người sống không còn phân biệt ranh giới quốc gia, là một thế giới đại đồng không còn người bóc lột người, không còn phân chia giai cấp, không còn nhà nước vì nhà nước đã bị tiêu vong”. Một số ít người trong hàng ngủ vô lại Việt cộng có thể cảm nhận đây là điều vô luân và phi nghĩa, nhưng muốn sống, muốn kiếm ăn, muốn làm giàu, đều phải tâm niệm và xử dụng điểm tựa hư ảo này để đạt ưu thế trong việc giành giật, đấu đá, thanh toán lẫn nhau. Chúng nó dấu kín thực trạng này, tuy nhiên nhân dân cả nước đều biết rõ tim óc cuả chúng từ những sinh hoạt riêng tư kiếm tiền hàng triệu đô la cho gia đình, họp bàn trong các cấp bộ đảng, trong chính quyền từ địa phương đến trung ương, phát hành các văn kiện hành chánh, đề ra luật pháp kể cả hiến pháp. Hội nghị Thành Đô, cột mốc bán nước cho Trung Cộng, phát sinh từ lời nói quyết định cuả tổng bí thư Nguyễn Văn Linh : “Dù Trung Quốc bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là nước xã hội chủ nghĩa” !

II- Mở Đường Tiến Quân vào Đông Nam Á.

Sau khi đánh bại Tưởng Giới Thạch chiếm lỉnh toàn bộ nước Tàu, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, gọi tắt là Trung Quốc. Là một Tần Thủy Hoàng thời đại, Mao củng cố Trung Quốc bằng những thủ đoạn vô nhân, sắt máu. Tiếp theo, Trung cộng thi hành sách lược phát triển toàn diện bằng huấn dụ “mèo trắng, mèo đen”, “thao quang, dưỡng hối” cuả Đặng Tiểu Bình.

Từ những thập niên qua, Trung cộng liên tiếp đạt những thành quả lớn trong lĩnh vực kinh tế và quân sự. Theo số liệu năm 2013, tổng sản lượng nội địa (GDP) cuả Trung cộng đạt mức 7 nghìn tỉ USD, xếp hàng thứ hai, dưới Mỹ (15 nghìn tỉ USD) và trên Nhật Bản (5.8 nghìn tỉ USD). Về sức mạnh quân sự, cơ quan nghiên cứu quốc tế Global Fire Power xếp hạng Trung cộng đứng vào hàng thứ ba sau Hoa Kỳ và Nga.

Theo Richard Bitzinger, tác giả của nhiều bài viết về quốc phòng, chiến thuật, chiến lược, nhận định rằng “Trung cộng tin rằng họ có quyền trở nên một siêu cường.” Giấc mơ nghìn đời bá chủ thiên hạ cuả Đại Hán không cần che dấu nữa, đang bùng dậy với những bước đi đầy mưu trí.

Đảng cộng sản Trung quốc xác định : ” Để mở rộng không gian sinh tồn, việc tiến ra biển khơi khai thác tài nguyên biển liên quan đến khả năng tiếp tục phát triển và sự tồn vong cuả dân tộc Trung Hoa.”. Vị trí đặc biệt “núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển” cuả Việt Nam, kể cả bán đảo Đông Dương là hành lang chiến lược bậc nhất mà Trung cộng quyết tâm chiếm đoạt làm cứ điểm, khống chế toàn bộ Đông Nam Á trong các lĩnh vực năng lượng, lương thực, vận chuyển hàng hoá, lưu thông hàng hải trên hai biển lớn Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Chúng bắt đầu từng bước xoay chuyển thế giới một cách mạnh mẽ và cứng rắn hơn bằng hai thế lực: Cường Lực (hard power) cụ thể là quân sự, và Nhu Lực (soft power) thường được các báo và đài gọi là quyền lực mềm, gồm những biện pháp kinh tế, tài chánh, văn hoá…

Trung cộng tràn xuống Nam Á bằng chiến pháp hai mũi tiến công: trên biển và trong đất liền, cương và nhu, diện và điểm, cây gậy và củ cà rốt.

1/ Hải quân Trung cộng hiện nay, ngoài hàng không mẫu hạm duy nhất Liêu Ninh thuộc loại phế thải tân trang mang tính trình diễn, những loại tàu chiến khác như tiềm thủy đỉnh, tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu đổ bộ… với vũ khí trang bị, do tài năng ăn cắp đồ án cuả Mỹ, Tây âu và Nga, được đánh giá đạt mức tiêu chuẩn. Tương lai sắp đến, trên Thái Bình Dương hải quân Trung cộng sẽ tiến ra biển xanh, ngang chuỗi đảo thứ hai, khoản kinh tuyến 150o Đông.

Eo biển Sundra giữa biển Java (Nam Dương) và Ấn Độ Dương

Đầu tháng 2 năm 2014, một lực lượng đặc nhiệm hải quân Trung cộng gồm hai tuần dương hạm và một tàu thủy bộ 20.000 tấn với hàng trăm thủy quân lục chiến đi vào Ấn Độ Dương, không bằng thủy lộ Malacca mà xuyên qua eo biển Sunda (Indonesia), thao dợt nhiều ngày trong khu vực giữa Indonesia và đảo Chrismas. Sau đó, chúng tuần du về phía Nam đảo Java, chuyển lên hướng bắc vượt qua các eo biển Lombok và Makassar trở lại Thái Bình Dương. Màn trình diễn làm sửng sốt các quốc gia trong khu vực: Úc, Mỹ, Ấn Độ, Nam Dương. Một số tờ báo nhận định rằng Trung cộng đưa ra một thông điệp về sự trưởng thành cuả hải quân, hàm ý có đủ khả năng đi bất cứ nơi nào khi nào chúng muốn mà không cần quan tâm đến chính quyền khu vực.

Trọng vụ tìm kiếm máy bay MH 370 mất tích, hải quân Trung cộng cũng có dịp lùng sục trong Ấn Độ Dương. Ngoài ra Trung cộng cũng đang điều hành ba trạm nghiên cứu tại Nam cực với một số tàu tiếp tế và tàu phá băng.

Cuối tháng 6 vừa qua, do lời mời cuả Mỹ, Trung cộng gởi 2 chiến hạm trang bị hoả tiễn, một tàu tiếp liệu, một tàu bệnh viện tối tân và 1.100 thủy thủ tham gia tập trận Vành Đai Thái Bình Dương với hải quân Mỹ và 22 quốc gia khác, trong khu vực quần đảo Hạ Uy Di. Cùng thời gian, Trung cộng cũng đưa một tàu do thám theo dõi cuộc diễn tập, quanh quẩn trong vùng đặc quyền kinh tế cuả Mỹ, làm dấy lên những phản kháng cuả Mỹ và các quốc gia tham dự.

Đặc biệt trên tuyến đường hải hành từ Đông Phi về đến Hồng Kông, Trung cộng đã chi tiêu hàng chục tỉ đô la thành lập 15 căn cứ mệnh danh Chuổi Hạt Trai Chiến Lược . Mỗi viên ngọc trai được đặt tại một vị trí ven biển có giá trị về mặt kinh tế và quân sự, tiện nghi bến cảng và phi trường, gồm các địa danh : Puerto Sudan (Sudan), Lamu (Kenya), Al-Ahdab (Iraq), Gwadar Y Pasni (Pakistan), Marao (Maldives), Hambantote (Sri Lanka), Chittagong (Bangaladesh), Kyaoukpyu Y Sithwe (Miến Điện), Đảo Coco (Miến Điện), Kra (Thái Lan), Konpong Som (Cam bốt), đảo Gạc Ma (Trường Sa), đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), Sanya (Hải Nam), Hồng Kông. Riêng hai đảo Gạc Ma và Phú Lâm, mới vừa cướp của Việt Nam, chúng đang xây cất một số công trình trong đó có sân bay. Trung cộng giải thích mục đích cuả chuỗi hạt trai nhằm bảo vệ an toàn sự chuyển vận hàng hoá qua lại từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ gồm dầu thô, nguyên vật liệu, hàng hoá tiêu dùng…tuy nhiên hầu hết những quan sát viên thời cuộc đều đồng ý về một chiến lược chuẩn bị tràn ngập Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cũng là cách bao vây chặt chẽ đối thủ Ấn Độ, giữ vững ảnh hưởng Bắc Kinh trong Vùng Nam Á.

2/ Giàn khoan HD 981 hiện nay đã rút ra khỏi vùng tranh chấp, tình trạng căng thẳng quân sự trên Biển Đông với Việt Nam tạm lắng dịu, là thời cơ để con vượn Bắc Kinh thọc sâu cánh tay ma quái vào nội địa, nội tình Việt Nam vuốt ve, sờ nắn, bấm huyệt. Nếu mũi tiến quân trên biển Đông được dàn trận bằng chiến hạm, đại bác, hoả tiễn, lôi cuốn sự quan tâm và lên tiếng khắp nơi trên thế giới thì mặt trận toả rộng dọc theo dãy Trường Sơn tiếp tục chuyển động, chuyển động êm thấm bằng ngoại giao, tiền bạc, ngoại tệ, tư lợi cá nhân qua các cuộc tiếp cận “huynh đệ xã hội chủ nghĩa”.

Trước đây Hồ chí Minh được Mao mớm lời đưa ra khẩu hiệu “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, nay đế quốc Trung cộng thu hồi đưa trở lại xuất ý nguyên thủy “xẻ toạc Đông Dương đi cướp nước” qua sách lược “củ cà rốt” đang xuất hiện tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

a) Ngày 21 tháng 6 năm 2013 tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang đưa ra một bản Tuyên Bố Chung mà nội dung khác hẳn với chuẩn mực ngoại giao giữa hai quốc gia độc lập, bình đẳng; Việt cộng hiện nguyên hình một con chốt lay quay dưới tay Trung Cộng.

Trước hết, chúng đặt trên bàn thờ 16 chữ vàng và 4 tốt làm kim chỉ nam! Tiếp theo, Sang thề nguyện với Bình: “nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền cuả hai Đảng vận hành thuận lợi, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước” . Từ cơ sở này, Sang cam kết “tăng cường điều phối chiến lược” tất cả những hoạt động huyết mạch cuả một quốc gia, như: phát triển kinh tế, khai thác nông nghiệp, ngư nghiệp, khoáng sản, giao thông, vận tải, năng lượng…Chúng cũng nhắc đến những hợp tác đang bị nhân dân Việt Nam chỉ trích, lên án, mở đường cho sự tiến quân cuả bộ binh Trung cộng, gồm có: Hai Hành Lang Một Vành Đai, tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội. Sang cũng nhắm mắt bằng lòng những phát súng ân huệ vào đầu não cuả dân tộc : “thực hiện hiệp định văn hoá Việt Trung giai đoạn 2013-2015, tổ chức liên hoan thanh niên Việt-Trung, Diễn Đàn Nhân Dân Việt-Trung, tăng cường tuyên truyền về tình hữu nghị Việt-Trung”; kế hoạch đặc biệt nguy hiểm : “Hợp tác hơn nữa giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước, nhất là giữa bảy tỉnh cuả Việt Nam gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh với bốn tỉnh của Trung Quốc gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam”.

Cuối cùng, mục tiêu được xác định bằng nhiệt tâm và số liệu: “quyết liệt thúc đẩy cân bằng thương mại song phương đến năm 2015 kim ngạch hai chiều đạt 60 tỉ USD”.

Những người quan tâm đến tình hình đất nước thường theo dõi 10 dự án lớn cuả nhà thầu Trung Cộng tại Việt Nam, gồm có : Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, 552 triệu USD ; Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, 25.000 tỉ đồng ; Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, 20.000 tỉ đồng ; Bô xít Tây Nguyên, 16.800 tỉ đồng ; Nhà máy gang thép Lào Cai, 340 triệu USD ; Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, 1,6 tỉ USD ; Nhà máy nhiệt điện Mông Dương II, 1,95 tỉ USD ; Nhà máy thủy điện Sông Bung, 5.000 tỉ đồng; Khu căn hộ cao cấp Golden Westlake, 50 triệu USD ; Nhà máy dệt may khu công nghiệp Lai Vũ, 425 triệu USD.

Đây là những miếng mồi tuyệt hão để ngư ông Trung cộng móc lưỡi câu vào bụng những con cá đầu đàn Việt cộng, tha hồ dẫn dắt, làm xiếc, làm bẩy đưa cả đàn cá Việt Nam vào chảo dầu.

b) Trên bàn cờ Đông Dương, sự giao lưu kinh tế với Campuchia được Trung Cộng chiếu cố tích cực. Theo bản tin cuả Hoàn Cầu Thời Báo ngày 18/1/2014, tổng số đầu tư tích lũy cuả Trung Cộng vào Campuchia từ 1994 đến 2013 đạt mức 9.6 tỉ USD, nhằm vào các lĩnh vực may mặc, kỹ nghệ chế biến, ngân hàng và tài chánh, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, hầm mõ, điạ ốc, giao thông và viễn thông. Kim Savuth, Chủ tịch Liên hiệp Xuất khẩu gạo cuả Campuchia, nhận định rằng sự ràng buộc mật thiết giữa hai quốc gia làm gia tăng số vốn đầu tư và giải thích thêm “theo ý kiến cuả tôi, sự đầu tư cuả Trung Quốc hiện nay tại Campuchia sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai vì người Hoa thích khai thác thương mại tại đây, một xứ sở có nhiều người nói tiếng Hoa và có cội nguồn từ Trung Quốc”.

Đầu tháng 1 năm 2013, truyền thông quốc tế đưa tin hai công ty Trung cộng đã dành được hợp đồng có giá trị 11,2 tỉ USD cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở ở Campuchia, đây là mức đầu tư lớn chưa từng có. Tổng Gíam đốc Tập đoàn Sắt,Thép và Hầm mỏ Campuchia cho biết các hợp đồng liên quang đến việc xây dựng một nhà máy luyện thép ở miền bắc Campuchia, một cảng lớn tại khu vực đảo Koh Kong miền Nam và một tuyến đường sắt dài 400 km nối liền hai khu vực nói trên. Tuyến đường sắt tốn 9,6 tỉ USD và nhà máy sản xuất thép trị giá 1,6 tỉ USD.

Công tác xây dựng đường sắt giao cho tập đoàn China Railway Group. Cuối tháng 12 năm 2012, Trung cộng thông báo sẽ xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 2,3 tỉ USD. Từ những năm trước, Trung cộng cũng đã đầu tư xây dựng 9 nhà máy thủy điện và 9 nhà máy nhiệt điện và sẽ hoàn tất năm 2020. Với những tiện nghi này, chính quyền Campuchia lạc quan cho biết ngoài mục tiêu bảo đảm nhu cầu năng lượng nội địa còn tiến đến xuất khẩu điện.

Với một số trưng dẫn sơ yếu, chúng ta có thể đồng ý với những nhận định sau đây cuả Phou Sambath, một thanh niên trí thức người Campuchia : “Campuchia có vai trò lớn trong chiến lược trỗi dậy cuả Trung quốc. Trung quốc không ngừng hỗ trợ Campuchia vì muốn tận dụng vai trò nước này trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ASEAN. Ngoài ra vị trí điạ lý cuả Campuchia hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc khi các cảng biển ở tỉnh Sihanoukville có thể dùng kiểm soát vịnh Thái Lan và eo biển Malacca. Xa hơn, các cảng trên còn có thể đóng vai trò bàn đạp tiến ra cả Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương. Thêm vào đó, các căn cứ không quân cuả Campuchia có thể trở thành điểm tiếp liệu cho máy bay Trung quốc hoạt động tại các vùng biển.”

c) Lào hay là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là một trong năm quốc gia cộng sản còn sót lại hiện nay. Lào không có biển, diện tích 236.800 km2, dân số 6.800.000 người, mật độ 26,7/km2. Lào có biên giới tiếp giáp với năm quốc gia, gồm có: Việt Nam với 2.069 km, Thái Lan về hướng tây với 1.385km, Campuchia về hướng nam 535 km, Trung cộng về hướng băc với chiều dài 505 km, Miến điện với 236 km hướng tây bắc.

Trung cộng bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 1999 với 112 dự án khai thác khoáng sản, 82 dự án công nghiệp và thủ công nghiệp, 64 dự án nông lâm nghiệp, 4 dự án năng lượng điện và một số dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn. Tỉnh Vân Nam phụ trách “Kế hoạch miền bắc Lào”, phát triển các ngành công nghiệp trụ cột như điện lực, nông lâm nghiệp, du lịch, hầm mỏ, thành lập ồ ạt các đồn điền cao su qui mô lớn.

Năm 2010, với khoản đầu tư trị giá 2,9 tỉ USD, Trung cộng trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, nắm trong tay khoản 10.000 km2 đất đai, tương đương với 4% diện tích cả nước Lào. Người Hoa kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào từ khai thác mỏ, cao su, ngay cả ngành bán lẽ và dịch vụ khách sạn. Đầu tư vảo thủy điện được Trung cộng xem như trọng tâm chiến lược. Kinh tế Lào liên tiếp tăng trường hàng năm 8%.

Những năm gần đây, Trung cộng đẩy mạnh đầu tư bất động sản tại thủ đô Vientiane gồm chung cư, khu thương mại và du lịch rộng 365 hecta với số vốn 1,6 tỉ USD. Đặc biệt Trung công huy động 7 tỉ USD xây đường sắt dài 418 km từ Vientiane đến biên giới Trung cộng nhằm vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu khoảng 5 triệu tấn/năm.

Việc phát triển giao thông tại Lào có dụng ý lớn, một cán bộ quân sự Việt cộng nhận định : “Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tận Tây nguyên, mà ở đoạn cuối Tây nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất 55 năm. Đứng về mặt quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ hành lang quan trọng cuả bán đảo Đông Dương.”

III- Bán Đảo Đông Dương và dự án kênh đào Kra

Kinh Đào Kra

Dưới thời toàn thịnh cuả các đời chúa Nguyễn, Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với lân quốc Chân Lạp và ngày càng mở rộng. Khi vua Gia Long thống nhất đất nước, việc bang giao với Campuchia và Lào tiến triển đầy đủ và rõ ràng hơn.

Vào cuối thế kỷ 19, nhu cầu xử dụng thủy lộ Cửu Long và Hồng Hà giao thương với khu vực Hoa Nam là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người Pháp đánh chiếm Nam Kỳ rồi đến Bắc Kỳ. Thời Pháp thuộc, một số thanh niên nam nữ con nhà giàu và thế lực từ Bắc, Trung, Nam, Campuchia , Lào gặp nhau tại Đại học Hà nội và các trường trung học nổi tiếng tại Hà nội, Huế, Sàigòn. Từ đó, một số đông người Việt đổ xô làm công chức, hành nghề tiểu thương, thủ công, tại thủ đô và các đô thị lớn cuả hai vương quốc cùng chung số phận dưới sự bảo hộ của người Pháp.

Đặc biệt, cuộc chiến Việt Nam từ 1946 – 1975, cả ba quốc gia Đông Dương đều có sự liên hệ chặt chẽ với nhau trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, cuả hai bên lâm chiến : Việt cộng và đồng minh, quốc gia chống cộng và đồng minh.

Từ những sự kiện lịch sử, địa lý, những tham vọng đế quốc thời đại đều nghĩ rằng chỉ cần nắm ưu thế kinh tế và chính trị ban đầu tại một khu vực cũng có đủ khả năng khống chế bán đảo.

Bằng cách “tầm thực”, chúng sẽ lảm ruỗng nát xã hội đối phương và với một cái vẩy tay đúng lúc sẽ làm chủ toàn khu vực. Trung cộng đang dồn nổ lực khai thác chiến pháp này.

Hiện nay, người ta đang nhắc đến dự án kênh đào Kra xuyên qua lãnh thổ Thái Lan nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tại khu vực Biển Đông Việt Nam. Kế họach này khai sinh từ năm 1677, đang được nhiều thế lực thảo luận, dằng co, đặc biệt Trung Cộng tỏ vẽ hăm hở, xông xáo mong tạo thế “tung hoành” trong thời đại toàn cầu hóa. Theo những thông tin chính thức, kênh đào sẽ được thi công tại eo đất hẹp nhất cuả bán đảo, chiều dài khoảng 44 km, dự tính chi phí 20 tỉ USD với 30.000 công nhân và kỹ sư làm việc trong 10 năm. Thủy lộ này được đánh giá có nhiều ưu thế hơn so với eo biển Malacca và những eo biển khác trong quần đảo Nam Dương, vì tuyến đường giao thông được rút ngăn hơn 1.000 km, tránh nạn cướp biển.

Vị trí Kra, nằm phiá trên vĩ tuyến 10o Bắc một chút, nếu kéo thẳng về hướng Đông sẽ lướt ngang qua trước mặt các bến cảng cuả Campuchia trong Vịnh Thái Lan -nơi có phần đầu tư thích đáng cuả Trung Cộng- chạm vào đảo Phú Quốc và tỉnh lỵ Rạch Giá. Đông Dương vốn dĩ là con mồi ngơ ngác cuả chó sói Trung Cộng, nay lại càng bội phần hấp dẫn !

oOo

Sự cạnh tranh sinh tồn trên toàn thế giới trong tương lai sẽ phức tạp và chịu nhiều áp lực khác thường trước sự trổi dậy cuả Trung cộng. Những quốc gia Á châu gần gũi với Trung Cộng như Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Brunei, Singapore, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện đều có đủ ý chí, trí khôn và phương tiện chống đỡ hữu hiệu những mưu toan mở rộng không gian sinh tồn cuả Trung Cộng, trong khi Việt Nam, Campuchia và Lào đang bị Trung Cộng khống chế bằng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và thủ đoạn mua đứt tập đoàn lãnh đạo.

Riêng tại Việt Nam, một số đông dân chúng trong nước cộng thêm một số ít đảng viên cộng sản “tỉnh ngộ” được đồng bào hải ngoại và một số chính khách Âu Mỹ yểm trợ, đã phát khởi những phản đối chính sách nô lệ Trung cộng, nhưng đảng cộng sản và chính quyền Việt cộng vẫn giữ cốt cách “mặt người óc thú”, không từ bỏ con đường đưa dân tộc đến hố diệt vong.

Rồi ra lịch sử thế giới sẽ có đoạn viết, đại ý : Cuối thế kỷ 20 những dân tộc trong khu vực Đông Âu trước đây bị sát nhập vào Liên Bang Sô Viết đã hồi sinh, trở về với cội nguồn và danh dự, trong khi đó vào những năm cuối thế kỷ 21, bán đảo Đông Dương được sáp nhập vào Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa và bờ biển cuả siêu cường này trải dài từ bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Thái Lan trong biển Nam Trung Quốc.

Căm hờn và tủi nhục khôn nguôi cho đến ngày tận thế !

Thế Việt (8/14)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt