Trung Cộng tập trận ở Hoàng Sa, thách thức Mỹ
Hôm 29/6 Trung Cộng tuyên bố tiến tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa (Trung Cộng gọi là Tây Sa) từ ngày 1 đến ngày 5/7. Thông tin từ trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Công dẫn thông báo từ Cơ quan An toàn Hàng hải và Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết.
Thông báo tập trận đưa ra sau khi Hạm Đội 7 Hải quân Hoa Kỳ thông hai hàng không mẫu hạm dẫn đầu các nhóm tàu tác chiến đặc nhiệm cũng sẽ tập trận trên biển Philippines từ hôm 28/6 để huấn luyện khả năng sẵn sàng tác chiến khi có lệnh, bao gồm cả việc yểm trợ cho các đồng minh đang có những tranh chấp với Trung Cộng.
Thông báo cũng đưa ra ngay sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 kết thúc. Trong hội nghị Thủ tướng [CSVN] Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam “không muốn phải chọn bên nào” giữa Mỹ và Trung Cộng. Về vấn đề Biển Đông, Phúc khẳng định “Việt Nam cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển” và “tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn”.
Trong thông báo tập trận, Trung Cộng nêu rõ địa điểm chi tiết sẽ tiến hành tập trận và nói cảnh báo: “trong thời gian này, không có tàu nào được phép di chuyển trong các tuyến trên và tất cả các tàu phải tuân theo hướng dẫn của tàu chỉ huy tại chỗ”.
Gần như mỗi năm Trung Cộng đều tập trận quân sự ở Hoàng Sa để tăng cường khẳng định chủ quyền trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình.
Cũng tại quần đảo Hoàng Sa, hồi đầu tháng 4, Trung Cộng đã cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá và bắt các ngư dân Việt Nam. Sự việc đã khiến Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ra tuyên bố lên án hành vi gây “mất ổn định khu vực”.
Ngay sau đó, cũng trong tháng 4, Trung Cộng tiếp tục tuyên bố thành lập các khu vực hành chính mới là “quận Tây Sa” để quản lý khu vực Hoàng Sa và “quận Nam Sa” để quản lý khu vực Trường Sa. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Cộng tôn trọng chủ quyền quốc gia của mình.
Ngoài ra Trung Cộng cũng liên tiếp gây hấn với Malaysia và Philippines về chủ quyền biển đảo, một điều khiến Mỹ chỉ trích là lợi dụng các nước khác bị xao nhãng vì đại dịch Virus Vũ Hán để bành trướng tham vọng phi pháp ở biển Đông.
Gần đây nhất, hôm 26/6, BenarNews dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Cộng lại tiếp tục nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm với mục tiêu được cho là để mở rộng đảo nhân tạo mà Trung Cộng đã dựng sân bay đồn trú tại đó.
Tại hội nghị ASEAN, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc những căng thẳng giữa hai cường quốc, Thủ tướng CSVN Việt Nam thừa nhận xung đột giữa Mỹ và Trung Cộng đang ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có ASEAN, và “Việt Nam rất mong muốn Trung Cộng và Mỹ cùng phát huy điểm tương đồng, vượt qua khác biệt để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của thế giới và khu vực”.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam khẳng định rằng cả hai cường quốc đều là “đối tác quan trọng hàng đầu” mà “chúng tôi rất quan tâm”.
VOV dẫn lời Phúc nói: “Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Cộng là rất lớn và với Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng bổ sung cho nhau”.
Trong khi đó Hàng Không Mẫu Hạm USS Ronald Reagan và USS Nimitz bắt đầu phối hợp huấn luyện từ hôm Chủ Nhật 28/6 nhằm “chứng tỏ sự cam kết đối với các đồng minh khu vực,… cũng như sự sẵn sàng đối diện với những kẻ thách đố thông lệ quốc tế.” Đề Đốc George Wikoff, tư lệnh Nhóm Tác Chiến Số 5, được dẫn lời phát biểu với báo chí.
Theo VOA “kẻ thách đố thông lệ quốc tế” mà ông Wikoff nhắc đến chính là ám chỉ Trung Cộng.
Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh tuyên bố mạnh mẽ của ASEAN về tình hình tranh chấp Biển Đông và cảnh cáo Bắc Kinh là “Biển Đông không phải là biển của đế quốc Trung Hoa.”
Trên trang mạng của Hạm Đội 7, ông Wikoff được dẫn lời tuyên bố: “Hải Quân Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động hậu thuẫn cho một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như cổ vũ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nhờ vậy, mỗi quốc gia có thể đạt được tiềm năng mà không phải hy sinh chủ quyền quốc gia.”
Theo Đức Trí