Trung Cộng nhìn nhận chiến tranh thương mại như thế nào?

Tập – Trump (P)

Khi Tập Cận Bình và Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka vào cuối tuần này để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại, Tập có thể sẽ làm mềm hình thức thông thường của ngoại giao Trung Cộng bằng cách gọi tổng thống Mỹ là “bạn của tôi”. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt thân mật, Tập sẽ chẳng nhường nhịn gì ráo. Trump sau đó phải quyết định chấp nhận lời đề nghị của Trung Cộng đã có trên bàn đàm phán kể từ đầu năm 2017 và chấm dứt chiến tranh thương mại, hay cứ để cho các nền kinh tế Mỹ và Trung Cộng trôi xa ra hơn về phía tách rời nhau.

“Chúng tôi sẽ giành chiến thắng bằng mọi cách”, Trump thích nói thế. Tuy nhiên  theo hai đồng nghiệp Trung Cộng đã đóng góp cho bài viết này nhưng không thể đính kèm tên của họ, các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh tin rằng ông ta đang hiểu sai hoặc đang bịp bợm mà thôi.

Điểm cốt yếu của Trung Cộng

Quan điểm cơ bản của Trung Cộng về cuộc chiến thương mại đã không thay đổi kể từ năm 2017. Theo đề xuất của mình, Trung Cộng sẽ mua thêm các sản phẩm của Mỹ nhằm cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại, và sẽ tái khẳng định cam kết lâu dài của mình đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng nếu các công ty nước ngoài tự nguyện quyết định chia sẻ bí mật thương mại với các công ty Trung Cộng để có thể tiếp cận thị trường Trung Cộng – một thực tế mà Mỹ mô tả là “chuyển giao cưỡng bức” – thì Trung Cộng chẳng việc gì mà phải can thiệp vào. Trung Cộng sẽ tiếp tục quỹ đạo đã thiết lập của mình là mở cửa thị trường cho các ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài, song sẽ không đẩy nhanh tốc độ mở cửa. Đồng tiền của họ sẽ vẫn cứ được chốt vào một rổ ngoại tệ và Bắc Kinh sẽ không hạ giá nó một cách giả tạo, vì Trung Cộng thấy không có lợi gì đối với một cuộc chiến tiền tệ. Chính phủ Trung Cộng đã vặn nhỏ loa tuyên truyền về chương trình Made in China 2025, cái thúc đẩy sự thống trị của Trung Cộng đối với các công nghệ hiện đại như robot và trí tuệ nhân tạo. Nhưng họ không sẵn sàng giảm bớt các dự án nghiên cứu và phát triển vốn hình thành nên bản chất của chương trình đó. Nói tóm lại, Trung Cộng đã đề nghị không thay đổi cấu trúc trong mô hình phát triển của mình, nhưng họ sẵn sàng trao cho Trump một chiến thắng danh nghĩa mà ông có thể sử dụng trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Khi bắt đầu các cuộc đàm phán, phía Trung Cộng đã tin rằng Trump có khả năng chấp nhận lời đề nghị của họ, theo lời khuyên của các nhân vật trong chính quyền như bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và những người vẫn thì thào với Trump như ông trùm casino Steve Wynn chẳng hạn. Nhưng sau đó, Trung Cộng đã thấp thỏm khi những người cứng rắn như cố vấn thương mại Peter Navarro và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer lại được tổng thống nghe theo. Hai người này đã thuyết phục Trump rằng chỉ những thay đổi cơ bản đối với mô hình kinh tế Trung Cộng mới cho phép Mỹ duy trì vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nền kinh tế và thị trường chứng khoán mạnh mẽ của Mỹ cũng khuyến khích Trump có một lập trường cứng rắn hơn. Do đó  tháng Tư, các nhà đàm phán Mỹ đã đệ ra một dự thảo thỏa thuận, yêu cầu Trung Cộng ngừng hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhà nước [Công Ty Quốc Doanh], cho phép các công ty Mỹ phục vụ thị trường Trung Cộng mà không phải chia sẻ công nghệ công nghiệp với các đối tác Trung Cộng, sửa đổi các luật Trung Cộng không phù hợp với các đòi hỏi của Mỹ, và cho phép Washington thành lập văn phòng tại Bắc Kinh để giám sát việc tuân thủ của Trung Cộng. Đội ấy của Trump đề nghị dỡ bỏ thuế quan của Mỹ từng bước dựa trên bằng chứng rằng Trung Cộng đã đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận. Phía Trung Cộng đã không chịu và gạt đi nhiều yêu cầu của Mỹ từ dự thảo hiệp định. Người Mỹ cáo buộc họ thất hứa về thỏa thuận.

Trong một cuộc phỏng vấn ít được để ý với truyền thông Trung Cộng vào ngày 10 tháng Năm, ngày mà các cuộc đàm phán thương mại đã đột ngột dừng lại, nhà đàm phán Trung Cộng, phó thủ tướng Lưu Hạc [刘鹤, Liú Hè], thừa nhận rằng phía Trung Cộng đã gạch bỏ đi nhiều điều khoản mà người Mỹ đã thêm vào. Làm như thế là hữu lý, ông nói. “Không có gì là cuối cùng cả trước khi một thỏa thuận được ký kết. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý với chuyện Mỹ nói rằng chúng tôi đã thất hứa”.

Lưu Hạc cũng nói rõ ba vấn đề, theo quan điểm của Trung Cộng, đã cản trở các cuộc đàm phán. Đầu tiên, Trung Cộng muốn tất cả các mức thuế trừng phạt được dỡ bỏ trước khi thỏa thuận được hoàn tất, không phải qua các giai đoạn trong quá trình thực hiện. Trung Cộng sẽ không thỏa hiệp với một cây gậy đe dọa trên đầu. Thứ hai, người Mỹ đã cố gắng diễn giải lại – và làm lớn thêm – về đề nghị tăng lượng nhập khẩu mà Tập đã đưa ra vào năm 2018. Nhưng lời đề nghị đó, Lưu nói, “không thể thay đổi một cách khinh suất được”. Cuối cùng, Trung Cộng muốn văn bản của thỏa thuận cần “cân bằng”, vì “tất cả các quốc gia đều có lòng tự trọng của mình”.

Trung Cộng sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế của mình. Các nhà lãnh đạo Trung Cộng đều đàm phán với bài học về các hiệp ước “bất bình đẳng”, không công bằng mà Trung Cộng đã bị ép buộc phải ký kết với các cường quốc phương Tây trong thế kỷ 19. Nhiều thập kỷ phát triển kinh tế nhanh chóng đã không chữa lành vết thương của những gì được biết đến ở Trung Cộng như “một thế kỷ tủi nhục”.[1] Tập sẽ chỉ ký một thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và có đi có lại. Trong một sách trắng sau đó và diều hâu hơn được xuất bản vào đầu tháng Sáu, Bắc Kinh đã nhắc lại rằng Trung Cộng sẽ không thỏa hiệp về vấn đề các nguyên tắc chính yếu” và đổ lỗi cho Mỹ về sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán, cáo buộc Mỹ đã thay đổi lập trường của mình ba lần kể từ đầu năm 2018.

Sự tự tin của Tập

Mặc dù các giới chức Mỹ tuyên bố rằng Trung Cộng cần một thỏa thuận hơn là Mỹ, nhưng ông Tập lại tin rằng Trung Cộng có vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn. Thuế quan của Mỹ đã làm tổn thương nền kinh tế Trung Cộng ít hơn nhiều so với mức mà chính quyền Trump dường như tin tưởng. Ngay cho là các mức thuế [đã bị đánh cao lên] có đang buộc các nhà bán lẻ tính vào người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn đối với các hàng hóa Trung Cộng, thì các nhà nhập khẩu cũng không thể tìm thấy các nguồn khác thay thế cho nhiều sản phẩm mà người Mỹ muốn mua. Xuất khẩu của Trung Cộng sang Mỹ chỉ giảm 4,8% trong 5 tháng đầu năm 2019. So với cùng kỳ, xuất khẩu của Trung Cộng sang EU đã tăng 14,2% và nhập khẩu từ EU tăng 8,3%, trong khi ASEAN đã thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Cộng. Hiệp định đầu tư song phương EU-Trung Cộng, có hiệu lực vào năm 2020, sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại giữa Trung Cộng với châu Âu. Tại châu Á, Trung Cộng và 15 quốc gia Thái Bình Dương khác sẽ ký một thỏa thuận thương mại mới, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP: Regional Comprehensive Economic Partnership), vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI: Belt and Road Initiative) trị giá hàng nghìn tỷ của Trung Cộng đang mở ra thị trường cho hàng xuất khẩu của Trung Cộng trên khắp châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Đồng thời, cuộc chiến thương mại đang gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ, hơn mức chính quyền Trump dường như nhận ra. Trong khi tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ, Trung Cộng đã giảm các thuế đó đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại khác. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Cộng đã giảm hơn 26% trong 5 tháng đầu năm 2019. Trong nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, thiệt hại có thể là vĩnh viễn, vì Trung Cộng đã nhanh chóng tìm thấy các nhà cung cấp mới, như Argentina và Brazil. Thị trường Trung Cộng đã trở nên quan trọng đối với nhiều công ty lớn của Mỹ. thí dụ như General Motors, hiện bán nhiều xe hơi ở Trung Cộng hơn ở Mỹ. Bởi vì một số trong những chiếc xe này được sản xuất tại Trung Cộng, việc bán chúng không bị xem như hàng xuất khẩu của Mỹ, song lợi nhuận lại quay trở lại thành phố Detroit [Thủ phủ xe hơi General Motor]. Năm 2017, theo thống kê của Trung Cộng, các công ty Mỹ đã tạo ra doanh thu 700 tỷ USD tại Trung Cộng, với lợi nhuận ròng hơn 50 tỷ USD. Nhiều công ty Mỹ nay đã báo cáo hoặc dự kiến ​​thu nhập thấp hơn do chiến tranh thương mại.

Trung Cộng có nhiều cách bên cạnh thuế quan để gây tổn thương cho nền kinh tế Mỹ. Chúng bao gồm thắt chặt các yêu cầu kiểm toán đối với các công ty Mỹ ở Trung Cộng, tăng cường kiểm tra kiểm dịch và an toàn đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, và tăng các quy định về các tổ chức tài chính Mỹ hoạt động tại Trung Cộng. Trung Cộng đã hạn chế xuất khẩu sang Mỹ khoáng sản đất hiếm, thiết yếu trong sản xuất điện tử công nghệ cao. Và nó đã lập ra một danh sách sơ bộ các công ty lớn của Mỹ được coi là không đáng tin cậy, mặc dù những hình phạt mà các công ty trong danh sách sẽ phải đối mặt hiện vẫn chưa rõ ràng. Đồng thời, Trung Cộng đã đối xử dễ dàng hơn đối với các công ty Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản. Ngân hàng Nhân dân Trung Cộng đã liên tục giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, do đó dần dần hạn chế khả năng Washington tài trợ thâm hụt với lãi suất thấp. Ngay cả Triều Tiên cũng đi vào khung cảnh: Chuyến thăm của Tập tới Bình Nhưỡng vào tuần trước đã được lên lịch để nhắc nhở phía Mỹ rằng Trung Cộng có thể giúp đỡ hoặc làm tổn thương Mỹ không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt chiến lược.

Bắc Kinh tin rằng nền dân chủ làm cho Mỹ dễ bị tổn thương hơn nhiều bởi các tác động chính trị của cuộc chiến thương mại so với Trung Cộng độc tài. Người lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan nặng nề hơn ở Mỹ, nơi mạng lưới an sinh xã hội sẽ làm rất ít để giảm bớt sức mạnh của cú đánh, so với ở Trung Cộng, nơi nền kinh tế do nhà nước thống trị có thể tạo ra việc làm mới cho những người lao động bị sa thải. Các bang chế tạo công nghiệp và sản xuất nông nghiệp thì rất quan trọng đối với cơ hội giành chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ hai vào năm tới, trong khi Tập không lo lắng như vậy. Như Trung Cộng chỉ ra, hai năm áp lực của Mỹ và 11 vòng đàm phán đã không thể thay đổi điểm cốt yếu đó của Trung Cộng. Tập có thể sẽ đưa ra lời đề nghị cho Trump ở Osaka mà thực sự ít rộng rãi hơn lời đề nghị của ông ta hai năm trước.

Sự tách rời bắt đầu

Bất luận đánh giá của họ về điểm yếu của Mỹ, người Trung Cộng không nhất thiết mong đợi Trump chấp nhận đề nghị của họ. Ông ta chắc chắn có thể làm như vậy và tuyên bố chiến thắng. Nhưng ông ta có thể cảm thấy bị dồn vào một góc bởi chính lập trường đàm phán cứng rắn mà ông ta đã cam kết. Bắc Kinh cũng biết rằng Trump phải đối mặt với các áp lực mâu thuẫn nhau từ các cố vấn của mình, và người mà ông ta có thể lắng nghe vào bất cứ thời điểm cụ thể nào là khó mà dự đoán được. Người Trung Cộng tin rằng Navarro và có lẽ cả Lighthizer coi việc tách rời kinh tế [giữa 2 nước] không phải là rủi ro của cuộc chiến thương mại, mà là mục tiêu của nó.

Về phần mình, người Trung Cộng không thấy lợi ích gì – và còn có mặt tiêu cực – trong việc tách rời nhau. Huawei và những gã khổng lồ công nghệ Trung Cộng khác phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ cho các chip cao cấp và các linh kiện khác giúp tăng năng lực thiết bị mạng 5G của họ; Mỹ đang đề xuất cắt quyền truy nhập vào đó của Trung Cộng. Đáp lại, Tập đã ra lệnh cho Huawei và các hãng khác tăng tốc nghiên cứu và phát triển các công nghệ quan trọng như chip lõi, hệ điều hành, siêu máy tính, thiết bị liên lạc di động, thiết bị truyền tin lượng tử và các cảm biến AI.

Giống như những người cứng rắn trong thương mại trong chính quyền Trump, Tập có một cái nhìn xa về cuộc chiến thương mại. Các nguồn ở Trung Cộng dẫn lời ông ta đã nói rằng khi Trung Cộng trỗi dậy, họ sẽ phải dự kiến đến 30 năm “ngăn chặn và khiêu khích” từ Mỹ kéo dài đến năm 2049 – kỷ niệm một trăm năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – năm mà ông ta dự tính [Trung Cộng] sẽ vượt Mỹ cả về sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. Để phục vụ mục tiêu đó, Trung Cộng từ lâu đã cố gắng đa dạng hóa thị trường, các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô, và các mục tiêu đầu tư, do nó hoạt động theo hướng tự cung cấp trong công nghệ và sản xuất tiên tiến. Chiến tranh thương mại hoặc không có chiến tranh thương mại, tách rời hoặc không tách rời, Trung Cộng đang trên con đường đi tới sự độc lập kinh tế với Mỹ.

Nguồn: Andrew J. Nathan “How China Really Sees The Trade War”, Foreign Affairs, 27/06/2019

Andrew J. Nathan: GS giảng dạy khoa học chính trị tại ĐH Columbia, Mỹ. Chuyên nghiên cứu và viết về chính trị và chính sách đối ngoại của Trung Cộng. Từng là trưởng Bộ môn khoa học chính trị tại ĐH Columbia (2003-2006), đã có hàng chục đầu sách cũng như rất nhiều bài báo trên rất nhiều báo/tạp chí uy tín, viết về Trung Cộng. Sinh năm 1943, tốt nghiệp loại xuất sắc nhất (Summa Cum Laude) ĐH Harvard năm 1963 (khi mới 20 tuổi!!!), lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu khu vực Đông Á (1965) và bằng PhD về khoa học chính trị (1971), đều tại ĐH Harvard. Là GS cho ĐH Columbia từ 1971. Tên (bí danh) Trung Cộng là 黎安友 (Lê An Hữu, với chữ Hữu này có nghĩa là bạn/thân thiện).

————–

[1] Thế kỷ tủi nhục (屈辱的世纪 – khuất nhục đích thế kỷ, tiếng Anh: “the century of humiliation”), thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở Trung Cộng, diễn tả tình cảnh và tâm trạng về vai trò trung tâm trong đời sống quốc tế của Trung Cộng bị các nước tư bản phương Tây chèn ép và làm suy yếu, kể từ các cuộc Chiến tranh nha phiến trong những năm 1840.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt