Trung Cộng dùng viện trợ quân sự để gia tăng ảnh hưởng lên Cam Bốt
Nhằm mục đích bao vây Việt Nam khi hữu sự, Trung Cộng đang ra sức dùng quyền lực mềm để mua chuộc xứ chùa Tháp và Lào, dưới đây là bản tin chúng ta cần chú ý để nhìn thấy chiến lược bao vây nuốt trọn của Trung Cộng đối với Việt Nam. Hiện tình trạng Việt Nam đang trong những nguy cơ sinh tử: Nội thù bọn CSVN bán nước cầu vinh, xây cất các hòn đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự ở Trường Sa, bao vây miền Nam nước Việt bằng cách mua đứt Cambodia, và khống chế dãy trường sơn qua Lào và những cứ điểm Beauxit Tây nguyên…
Cùng với các hợp đồng bán vũ khí và hàng tỷ đôla đầu tư, viện trợ quân sự đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa Trung Quốc với Cam Bốt và qua đó mở rộng ảnh hưởng ra khu vực, kể cả ở vùng Biển Đông. Đó là nhận định của các nhà phân tích được hãng tin Reuters trích dẫn trong một bài nhận định đề ngày 02/04/2015.
Thể hiện rõ nhất của viện trợ quân sự Trung Quốc cho Cam Bốt đó là Học viện Quân sự, được thành lập vào năm 1999 tại tỉnh Kampong Speu, cách Phnom Penh khoảng 80 km.
Kể từ năm 2009, mỗi năm khoảng 200 học viên được tuyển sinh vào học viện này cho các khóa học kéo dài 4 năm, theo chương trình học do Bộ quốc phòng Trung Quốc và các cố vấn Trung Quốc đề ra. Các cố vấn Trung Quốc này cũng giám sát một đội ngũ giáo viên Cam Bốt. Chương trình còn bao gồm 6 tháng huấn luyện bắt buộc tại các học viện quân sự ở Trung Quốc. Con số 190 học viên tốt nghiệp hồi tháng 3 vừa qua là đợt thứ ba được huấn luyện từ trường này.
Theo lời một quan chức cao cấp của chính phủ, xin được miễn nêu tên do đây là vấn đề nhạy cảm, các học viên tốt nghiệp từ Học viện Quân sự được giao nắm giữ những vị trí quan trọng, trong đó có chỉ huy các lữ đoàn. Theo quan chức này, Trung Quốc chi trả phần lớn chi phí xây học viện và chi phí hoạt động.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, học viện quân sự ở Cam Bốt dường như là nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh nhằm xây dựng một cơ sở quy mô lớn kiểu này ở Đông Nam Á.
Ông Thayer nói: “ Đối với Trung Quốc, đó là bước đầu của một chiến lược dài hạn nhằm giành ảnh hưởng trong quân đội Cam Bốt bằng cách đào tạo quân nhân cho nước này. Và Trung Quốc lưu giữ rất kỹ các dữ liệu tình báo về tất cả học viên. Không ở nơi đâu tại Đông Nam Á mà ảnh hưởng của Trung Quốc lại lớn như thế”.
Học viện Quân sự ở Kampong Speu được phát triển mạnh giữa lúc các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Cam Bốt gia tăng đáng kể. Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ đôla vào nền kinh tế nước này. Vào năm 2013, Cam Bốt đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu đôla của Trung Quốc. Vào năm tới, quân đội Cam Bốt cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định là sự trợ giúp quân sự cho Cam Bốt không kèm theo các điều kiện chính trị và không làm tổn hại tới lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào. Nhưng ông Lao Mong Hay, một nhà phân tích và cố vấn cho phe đối lập Cam Bốt, cho rằng viện trợ quân sự hào phóng của Trung Quốc đã thúc đẩy Phnom Penh, với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2012, phá hỏng nỗ lực của khối này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc. Ông Lao Mong Hay nói: “ Lợi ích chiến lược của Trung Quốc cũng là nhằm gây chia rẽ ASEAN và Cam Bốt được sử dụng cho mục đích này”.
Viện trợ của Trung Quốc nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Vào năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Cam Bốt sau khi chính quyền Phnom Penh trục xuất một nhóm người xin tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009. Hai ngày sau vụ trục xuất đó, Trung Quốc và Cam Bốt đã đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu đôla. Tiếp đến, vào năm 2013, Phnom Penh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Hoa Kỳ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Cam Bốt.