Trung Cộng dùng trường học để gây ảnh hưởng lên Bắc Việt ra sao?
Vào tháng 12 năm 1966, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hay Bắc Việt Nam, đã ký một thỏa thuận với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc thành lập các trường học dành cho trẻ em Bắc Việt Nam tại Tàu Cộng. Theo đó Tàu Cộng sẽ cung cấp địa điểm, tài chính và trang thiết bị. Vào thời điểm đó, chiến dịch đánh bom miền Bắc của Mỹ đang ở cao trào và Hà Nội muốn chuyển học sinh của mình tới một nơi an toàn !?!
Khía cạnh thực sự đặc biệt của hoạt động hợp tác giáo dục xuyên biên giới này là việc xảy ra giữa thời kỳ Cách mạng Văn hoá ở Tàu Cộng. Cách mạng Văn hoá bắt đầu vào tháng 5 năm 1966 và đã hủy hoại hệ thống giáo dục của Tàu Cộng (và khiến kinh tế Tàu Cộng kiệt quệ). Nhưng người Tàu Cộng đã sẵn sàng dành chỗ cho học sinh Bắc Việt vì điều này phù hợp với một mục tiêu địa chính trị cao hơn: cạnh tranh với Liên Xô để lãnh đạo phong trào cộng sản toàn cầu.
Ở Tàu Cộng, kế hoạch được gọi là Dự án 92, bao gồm xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị giảng dạy, cũng như chi trả các chi phí hàng ngày (92 là để chỉ ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngày Việt Nam tuyên bố độc lập khỏi Pháp). Một trong số các trường học, Trường 2/9, được dành riêng cho trẻ em miền Nam chuyển ra Bắc. Một trường khác cho thiếu sinh quân được được đặt tên là Nguyễn Văn Trỗi, một thanh niên ở Sài Gòn mà vào tháng 5 năm 1963 đã tìm cách ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara trong chuyến thăm của ông này tới Nam Việt Nam và đã bị tử hình. Vì Cách mạng Văn hoá ít tác động tới quân đội Tàu Cộng hơn so với hệ thống giáo dục dân sự nên quân đội Tàu Cộng đã phụ trách việc xây dựng trường học.
Các trường học này không chỉ nhằm cung cấp các cơ sở giáo dục cơ bản. Mục tiêu của chúng là tạo ra một “trường học xã hội chủ nghĩa tiên tiến” ở một nơi an toàn để nuôi dưỡng thế hệ người Việt Nam tiếp theo. Chúng sẽ giúp vun đắp đạo đức cách mạng và tinh thần xã hội chủ nghĩa. Và các học sinh sẽ trở thành các chiến sĩ có quyết tâm cao và đầy nhiệt huyết khi tham gia quân ngũ. Giáo viên phải dạy Năm điều Bác Hồ dạy, và họ phải làm cho học sinh thấm nhuần tư tưởng chính trị của Bắc Việt Nam, đảm bảo rằng những đứa trẻ hiểu được đất nước của mình bị chia cắt, gia đình ly tán, quê hương bị tàn phá là vì kẻ thù Mỹ. Nói tóm lại, mục tiêu là khiến cho các em sẵn sàng nhập ngũ lên đường kháng chiến chống Mỹ khi được chính phủ kêu gọi.
Vào tháng 12 năm 1967, ba trường đã được sáp nhập lại thành Trường Học sinh miền Nam và một hệ thống mới đã được đưa vào hoạt động. Tới tháng 8 năm 1968, hầu hết các công trình đã hoàn thành, hai bên gặp nhau để thảo luận việc hợp tác trong tương lai, đặc biệt là nhu cầu tăng cường giáo dục chính trị cho học sinh, kết hợp lý thuyết với thực hành, và trao đổi kinh nghiệm thu được trong Cách mạng Văn hóa ở Tàu Cộng và cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Hai bên cũng quyết định rằng khi học sinh Việt Nam về nước, họ có thể mang theo các trang thiết bị giảng dạy cũng như vũ khí (thoả thuận trước đây không đề cập đến vấn đề vũ khí).
Hệ thống bao gồm bảy trường học, hơn 2.000 học sinh, cán bộ và giáo viên. Nhiều học sinh là con em của các cán bộ và đảng viên đã hi sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Học sinh đến từ các vùng khác nhau của Việt Nam, từ miền Nam lẫn miền Bắc. Theo báo cáo, các học sinh xuất thân từ khoảng 30 dân tộc khác nhau, dù không chỉ rõ đó là những dân tộc nào. Các học sinh nhập học theo các thời điểm khác nhau, trình độ học vấn và tuổi tác cũng khác nhau.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng có những hạn chế. Các trường học tập trung trong một diện tích hạn chế (chưa tới một cây số vuông) và thiếu không gian học đường cũng như diện tích cho ký túc xá, hoạt động ngoài trời, sản xuất hoặc các hoạt động xã hội. Ngoài ra, mặc dù được giáo dục chính trị, các học sinh lại mang theo những niềm tin chính trị khác nhau. Một nhóm đi theo quan điểm của Hà Nội. Họ được “chăm sóc bởi Đảng và Bác Hồ, và vì vậy căm ghét Mỹ – ngụy ” – hay nói cách khác là những người chống Cộng ở miền Nam, “những kẻ bán nước”. Học sinh trong nhóm này “có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn tin tưởng Bác Hồ và Đảng Lao động Việt Nam.” Trái ngược với nhóm này, theo một báo cáo, có những học sinh chịu ảnh hưởng “suy đồi của Mỹ”, thiếu kỷ luật, bản sắc dân tộc và tình yêu đất nước.
Đánh giá của Bộ Giáo dục Bắc Việt cho thấy ngoài những khó khăn đó còn có tình trạng thiếu giáo viên, và những giáo viên có mặt lại có trình độ sư phạm rất thấp. Nhiều giáo viên muốn quay về nhà. Nhiều người trong số họ không có tinh thần cách mạng và do đó phạm phải một số lỗi nghiêm trọng, chẳng hạn như có quan hệ nam nữ bất chính và vi phạm nguyên tắc giáo dục xã hội chủ nghĩa, như đánh đập hay kỷ luật nặng tay các học sinh.
Các cán bộ quản lý cũng là một vấn đề. Theo một phân tích, nhiều người trong số họ vẫn “bị ảnh hưởng bởi các quan niệm cũ và lạc hậu”, đè nặng lên các quan niệm cách mạng về tình bạn, tình yêu và tinh thần phục vụ. Theo Bộ Giáo dục Bắc Việt, thái độ xấu của họ đã lấn át cam kết của họ đối với đảng và các tổ chức đoàn thanh niên. Các vấn đề vật chất càng làm trầm trọng thêm những khó khăn ý thức hệ. Khu vực ký túc xá quá đông đúc chật chội và không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh. Các trang thiết bị trong lớp học không đầy đủ. Đôi khi trẻ em ở các độ tuổi khác nhau phải học chung với nhau. Các tài liệu giảng dạy được cung cấp trễ.
Là chủ nhà của dự án mở rộng hệ thống giáo dục này của Việt Nam, Tàu Cộng chủ yếu xem xét ba khía cạnh. Thứ nhất là tinh thần đoàn kết với Bắc Việt. Tình cảm đó xuất phát từ mối quan hệ liên minh gần gũi giữa những người cộng sản Tàu Cộng và Việt Nam hình thành trong Chiến tranh chống Pháp. Vào thời kỳ đó, Tàu Cộng cung cấp viện trợ cho việc duy trì kháng chiến, và người Việt Nam đã đáp lại với với lòng biết ơn và tinh thần học hỏi từ Tàu Cộng. Các nhà Cộng sản Tàu Cộng coi chiến thắng của những người Cộng sản Việt Nam như là một sự mở rộng các mục tiêu cách mạng của họ.
Yếu tố thứ hai là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô trong việc lãnh đạo phong trào Cộng sản toàn cầu và nhất là ảnh hưởng tại các nước “Thế giới Thứ ba” bao gồm Việt Nam. Cuộc đua tranh Xô-Trung bắt đầu vào cuối những năm 1950 và tiếp tục vào những năm 1960. Cung cấp cho các đồng minh Việt Nam một nơi an toàn bên kia biên giới để thiết lập các trường học là điều mà Liên Xô không thể làm được, và điều này giúp tạo điều kiện cho sự hỗ trợ thiết thực lẫn nuôi dưỡi tinh thần trợ giúp nhân ái.
Cuối cùng, kế hoạch này mang lại cho Tàu Cộng một cơ hội để ủng hộ một cuộc chiến tranh mà có thể ngăn cản sự xâm lược của Hoa Kỳ nằm cách xa biên giới Tàu Cộng – khiến mối đe dọa từ Hoa Kỳ suy giảm đối với Tàu Cộng.
Mặc dù gặp khó khăn, hệ thống vẫn được duy trì cho đến giữa năm 1975 khi nó được chấm dứt và tất cả học sinh, giáo viên và các nhà quản lý đều trở về Việt Nam. Tới thời điểm đó, Bắc Việt Nam sắp sửa đánh bại Nam Việt Nam, và nhu cầu về một cơ sở giáo dục ở các khu vực an toàn không còn quá lớn. Tuy nhiên, quan hệ Trung-Việt cũng xấu đi. Cuộc tấn công cuối cùng của Hà Nội vào Sài Gòn đã được thực hiện với sự giúp đỡ từ Liên Xô, và sự củng cố chế độ Cộng sản tại một Việt Nam thống nhất đã biến một đồng minh trở thành một mối đe dọa đối với Tàu Cộng. Dù khi chiến tranh nổ ra giữa Tàu Cộng và Việt Nam vào năm 1978, có thể có một số những người lính Việt Nam đã từng theo học trên đất Tàu Cộng, nhưng vẫn còn nhiều người tiếp tục nâng niu những kỷ niệm về khoảng thời gian học tập tại Tàu Cộng.
Olga Dror là Phó Giáo sư sử học tại đại học Texas A&M và tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Making Two Vietnam: War and Youth Identity, 1965-75.” Bài viết này dựa trên các tài liệu sẽ công bố trong một vài viết trong Tạp chí Journal of Cold War Studies, số Mùa xuân 2018.
Nguồn: Olga Dror, “How China used schools to win over Hanoi“, The New York Times, 26/01/2018
Phan Nguyên dịch