Trung Cộng cảnh báo Mỹ: “Đừng lập NATO ở Ấn Độ-Thái Bình Dương”
The Newsweek: Theo Newsweek Bắc Kinh cho rằng việc Mỹ xây dựng các liên minh có thể tiếp tục dẫn tới các cuộc đụng độ giữa các nước lớn trong tương lai.
Bắc Kinh rất có lợi khi không có sự hiện diện lâu dài của những tổ chức dưới hình thức như khối NATO trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và Trung Cộng rất muốn giữ nguyên tình hình như hiện tại. Trong cuộc gặp với Tổng Thư Ký Liên Minh NATO, Jens Stoltenberg, vào tháng 9/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị cho biết đất nước của ông “chưa, và sẽ không bao giờ là đối thủ của NATO”.
Vương Nghị nói, khối quân sự “nên tuân thủ vị trí địa lý của mình ban đầu” – một cách nói ngầm ẩn rằng NATO nên tránh xa châu Á.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) gọi cuộc chiến ở Ukraine là dấu hiệu của “tâm lí Chiến Tranh Lạnh”.
Đối với Bắc Kinh, cuộc bao vây của Nga nhằm vào Kyiv đã trở thành một ví dụ để cho Washington thấy rằng việc gây căng thẳng địa chính trị có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh nóng”.
Tại một diễn đàn do Đại Học Thanh Hoa ở Bắc Kinh tổ chức hôm 19/3/2022, Lạc Ngọc Thành nói rằng rất “đau buồn” khi “ngọn lửa chiến tranh” đã bùng phát trên lục địa châu Âu. Ông nói: “Quan trọng hơn, nó nhắc nhở chúng ta về nguyên nhân sâu xa nằm ở tâm lý Chiến Tranh Lạnh và chính trị quyền lực”.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine là ví dụ tiêu biểu để chúng ta quan sát tình hình ở Châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi, làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như thế này xảy ra ở Châu Á – Thái Bình Dương?” – Lạc Ngọc Thành cho biết. “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một lời cảnh báo nghiêm khắc.”
Lạc Ngọc Thành cũng cảnh báo chống lại các “liên minh nhỏ” như Bộ tứ Kim cương của Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản; và hiệp ước AUKUS giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Úc.
Lạc Ngọc Thành tiếp tục “Đi ngược lại xu hướng theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kích động vấn đề, tập hợp các nhóm khép kín và độc quyền, khiến khu vực đi chệch hướng, phân mảnh và chia rẽ cũng nguy hiểm như chiến lược mở rộng về phía đông của NATO ở châu Âu”.
“Nếu tiếp tục không bị kiểm soát, nó sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng được và cuối cùng đẩy châu Á-Thái Bình Dương xuống bờ vực thẳm”.
Một ngày sau tuyên bố của Lạc Ngọc Thành, tờ PLA Daily của quân đội Trung Cộng cũng đăng tải bài viết liên quan đến vấn đề này. Đại ý, tờ báo nói cuộc chiến ở Ukraine là do sự mở rộng của NATO về “cửa ngõ của Nga”.
Ngoài ra, PLA Daily cho rằng Mỹ đang thực hiện chiến thuật “5, 4, 3, 2” để tăng cường ảnh hưởng lên các khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó gồm: Liên Minh Tình Báo Ngũ Nhãn (5 nước: Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand), Bộ Tứ Kim Cương (4 nước: Mỹ, Nhật, Úc, Ấn), Liên minh AUKUS (3 nước: Mỹ, Anh, Úc) và các hiệp ước phòng thủ song phương (2 nước: Mỹ-Nhật, Mỹ-Nam Hàn, Mỹ-Úc).
Cuối cùng tờ PLA Daily kết luận “Mục đích thực sự của ‘Chiến Lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ là tạo ra một Liên Minh như NATO ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để duy trì hệ thống do Mỹ dẫn đầu”.