Trung Cộng có thể làm trung gian hòa giải chiến tranh Ukraine được không?
Bấy lâu nay Tập Cận Bình và Putin tay nắm tay, mặt hớn hở, bốn mắt nhìn nhau tuyên bố: Nga-Trung “hợp tác không giới hạn”! Nay thì Trung Cộng còn giữ lập trường đó không? Khi họ tự nguyện đứng ra làm trung gian đàm phán hòa bình cho cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu Trung Cộng không đứng trung lập thì lấy tư cách gì mà đóng vai trung gian! Nếu có, thì họ còn giữ lập trường “hợp tác không giới hạn” với Nga nữa không!
Vào thứ Tư (24/07) vừa rồi, ngoại trưởng Ukraine, lần đầu tiên đến thăm Bắc Kinh từ khi có cuộc chiến Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Trên các báo quốc tế chạy hàng tít lớn ở trang đầu với đại ý: Chiến tranh ở Ukraine, liệu Trung Cộng có thể xử dụng ảnh hưởng của mình để đóng vai trò là người gìn giữ hòa bình không?
Mặc dù Trung Cộng từng hỗ trợ kinh tế, ngoại giao và kín đáo cung cấp các linh kiện điện tử cho Nga có đủ khả năng chế tạo vũ khí tối tân tiếp tục tấn công vào Ukraine. Biết vậy, Ukraine vẫn nhìn ra tầm quan trọng trong việc mời Bắc Kinh làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Nga – Ukraine thì có kết quả hơn. Khá khen! Ukraine phải có những chuyến đi đêm tuyệt vời! Ngoại trưởng Ukraine Kuleba không thần thánh gì mà chỉ một chuyến đi đến Bắc Kinh có thể thay đổi được cục diện chính trị.
Tập Cận Bình nói chuyện thân thiện với Zelensky qua điện thoại:
Trong khi ngoại trưởng Kuleba Dmytro đang ở Bắc Kinh, thì đường dây nóng điện thoại giữa Tổng Thống Zelensky và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình hoạt động, đó là sự trùng hợp có sắp xếp.
Sau một giờ đồng hồ nói chuyện, Zelensky tuyên bố rằng: “một cuộc điện đàm dài và có ý nghĩa” – TT Zelensky cho biết: “Chúng tôi [Tập & Zelensky] đã thảo luận đầy đủ các vấn đề thời sự về quan hệ song phương. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến cách thức hợp tác có thể để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.
Những điều Zelensky tuyên bố là để thông báo cho thế giới biết sự tình. Đằng sau sự việc này phải nhìn đến chuyến đi Zelensky dự hội nghị NATO ở Washington vào ngày 10/07 vừa rồi đã nhận được tín hiệu quan trọng gì từ Mỹ và các cường quốc NATO ở châu Âu?
Tại Bắc Kinh, các cấp ngoại trưởng cũng phát biểu thuận chiều. Ông Kuleba nói: “Tôi tin rằng một nền hòa bình công bằng ở Ukraine nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Cộng và vai trò của Trung Cộng như một lực lượng toàn cầu vì hòa bình là rất quan trọng”. Vương Nghị, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Cộng, đáp lại: Ukraine và Trung Cộng tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác bất chấp tình hình quốc tế và khu vực phức tạp và thay đổi như thế nào. Lập trường của Trung Cộng về cuộc chiến Ukraine thì Bắc Kinh “tuân thủ thúc đẩy đàm phán vì hòa bình”.
Tại sao Trung Cộng đảm nhận vai trò trung gian?
Bắc Kinh tự xác định vị trí trung lập làm trung gian để đánh bóng khuôn mặt bị tây phương cho là bệ phóng ngoại giao, giúp đỡ kinh tế cho Nga chống lại NATO và Mỹ trừng phạt kinh tế Nga vì xâm lược Ukraine. Trung Cộng luôn từ chối sự cáo buộc này, nhưng sự thật thì Trung Cộng không thể lấy bàn tay để che ánh nắng mặt trời!
Trung Cộng vẫn khẳng định rằng các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh nên tính đến lợi ích của Nga và Ukraine và việc hợp tác với Ukraine, lời khẳng định này có bảo đảm sự trung thực của nó không? Khi Trung Cộng công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga xâm lăng Ukraine và những hành động của họ cho thấy rõ ràng sự hỗ trợ gián tiếp Nga. Trung Cộng đang lừa bịp Ukraine và Tây Phương hay đã đến lúc Trung Cộng thức tỉnh nhìn ra thực tế:
Thực tế:
Trung Cộng đang cân nhắc lợi hại của đất nước trên 1 tỷ dân. Họ phải tìm cách mở rộng vị thế của mình để kiếm lợi như một tay lái buôn chuyên làm trung gian hưởng lợi.
Trung Cộng lợi dụng tình trạng chiến tranh để mở rộng ảnh hưởng của họ ở Đông Âu bằng cách nổi lên như gã khổng lồ yêu chuộng hòa bình nhằm che bộ mặt hiếu chiến đầy tham vọng ở Biển Đông đã bị các nước Đông Nam Á và thế giới lên án?
Đằng sau hành động động “trung gian hòa bình”, Trung Cộng kết hợp những âm mưu lợi ích chiến lược, củng cố vị thế ngoại giao toàn cầu, xây dựng uy tín với các nước trên con đường chiến lược “Một vành đai, một con đường” để dễ bề đặt căn cứ quân sự.
Trung Cộng củng cố uy tín với bộ mặt “yêu chuộng hòa bình” để dễ dàng giao thương với thế giới Tây Phương nhằm cứu vớt nền kinh tế đang đi xuống một cách đáng lo sợ.
Lập trường Nga-Ukraine còn nhiều góc cạnh chưa trơn tru:
Trong ngày 24/7, trong khi điện đàm với Tập Cận Bình, TT Zelensky có nói “Không thể có hòa bình bằng cách đánh đổi bằng các thỏa hiệp về lãnh thổ”.
Mới đây vào tháng 6/2024 có một hội nghị Hòa Bình Ukraine ở Thụy Sỹ không mời Nga. Trung Cộng không tham dự nhưng cùng Brazil (thành viên trong khối BRICS) đã công bố một kế hoạch hòa bình sáu điểm, trong đó có đề cập không bao gồm việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Cả hai nước đều kêu gọi một “hội nghị hòa bình quốc tế khác được tổ chức vào thời điểm thích hợp có cả Nga và Ukraine đểu tham dự và công nhận”. Lần này, ý là Trung Cộng muốn đứng ra tổ chức một “Hội Nghị Hòa Bình Ukraine khác” mà Trung Cộng làm trung gian, dự tính vào tháng 11 này.
Ngày 25/07 trên cơ quan truyền thông châu Âu có đưa tin Nga sẵn sàng ngồi vào đàm phán nhưng có thắc mắc với Ukraine rằng: “Ukraine sẵn sàng đám phán với điều kiện nào?” – câu hỏi tuy ngắn mà cách giải quyết thì dài và rất phức tạp.
Cách nhìn của Trung Cộng về hòa bình Ukraine:
– Họ chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine. Trái lại họ lợi dụng cuộc chiến này để liên kết với Nga nhằm thực hiện một thế giới “đa cực” chống lại sự lãnh đạo của Mỹ và châu Âu trong chiến lược Toàn Cầu Hóa.
– Trong một tài liệu năm 2023, Trung Cộng nêu rõ về “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, kêu gọi duy trì “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia dĩ nhiên trong đó có cả Ukraine”, đồng thời ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt thù địch chiến tranh.
– Tài liệu của Trung cộng cũng kêu gọi “từ bỏ ý tưởng Chiến Tranh Lạnh”, nhấn mạnh rằng “an ninh của khu vực không thể đạt được bằng cách củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự”.
Vấn đề:
Khoảng cách đàm phán giữa hai bên chưa khép lại cho hòa bình. Hơn thế nữa cả hai đều tuyên bố và dùng xác chết binh lính để chiến thắng trên chiến trường trong các cuộc chiến ở Ukraine hiện nay. Cả hai đều cố gắng mở mặt trận quân sự để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán chăng?
Chúng ta không nên mong đợi điều gì xảy ra nhanh chóng, Trung Cộng nói thì rõ ràng (qua điện thoại) mà hành động thì chưa chứng minh được (Đừng nghe những gì Cộng sản nói). Liệu Trung Cộng thực tâm điều chỉnh về tầm nhìn của mình đối với cuộc chiến Nga-Ukraine để đủ tư cách là một nước đứng ra làm trung gian hòa giải?
Texas, ngày 29 tháng 7 năm 2024
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)