Trò Du Kích Biển của Trung Cộng ở quần đảo Solomon
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chuyện Hoàng Sa năm 1974: Nhớ lại ngày 19/01/1974, khi cuộc chiến Việt Nam đang cao điểm, Cộng sản Hà nội chuyển quân ồ ạt chuẩn bị tổng tấn công, Hoa Kỳ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam và Quân đội Việt Nam Cộng Hoà đang bận rộn chống Cộng quân xâm lược trên khắp mặt trận… Thì Trung Cộng lợi dụng tình hình rối ren đưa quân chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam!
Chuyện Trường Sa năm 2020: Vào tháng 4 năm 2020, trong lúc đại dịch virus Vũ Hán đang bao trùm sự lo âu của thế giới, hầu hết các quốc gia từ đông sang tây, từ bắc chí nam trên địa cầu bận rộn đi tìm mua khẩu trang, máy trợ thở… để chống dịch virus Vũ Hán thì Trung Cộng lại lợi dụng tình hình rối ren đó, đệ trình một công hàm lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc “official” cho rằng bản đồ có “Hình Lưỡi Bò Chín Đoạn” chiếm 90% diện tích Biển Đông thuộc về chủ quyền Bắc Kinh. Trung Cộng dựa vào yếu tố lịch sử nào đó (?) từ thời Hán Cao Tổ Lưu Bang (?). Lúc đó Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Mike Pompeo và một số nước lên tiếng phản đối, nhưng ít ai có tâm trí mà chú tâm vì đại dịch đang lan tràn, lo chết vì dịch choáng ngợp trí óc mọi người! Như vậy là Trung Cộng dùng “giấy trắng mực đen đệ trình lên LHQ” hợp thức hoá việc cướp biển đảo của Việt Nam để làm đầu cầu chiến lược “Vành đai, Con Đường”!
Chuyện quần đảo Solomon năm 2022: Vào tháng 3 năm 2022, trong lúc thế giới đang chú tâm đến cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine thì Trung Cộng ký với Quốc Đảo Solomon một hiệp ước hợp tác an ninh. Solomon là một quốc đảo, nằm ở cực Nam Thái Bình Dương. Theo Hiệp Ước giữa Bắc Kinh và Solomon sẽ cho phép tàu hải quân Trung Cộng neo đậu tại khu vực, đồng thời Trung Cộng có thể điều động quân đội tới Quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Rồi đây, đội tàu đánh cá đông nghẹt dàn hàng ngang tiến vào đánh cá chung quanh quốc đảo này – đó là một đội quân “Du Kích Biển” như nó xuất hiện tại Biển Đông. Trung Cộng đang âm mưu chiếm phía Nam có địa chính trị ở vị thế uy hiếp Úc và New Zealand.
Ngày nay, trước thế kỷ thứ 21 chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” của Mỹ chủ trương để chống Trung Cộng thì phải lấy ba bài học đó làm gương là Trung Cộng luôn luôn lợi dụng sự rối ren của quốc tế để giở trò cướp cạn, đặt quốc tế trước sự việc đã rồi!
Vì sao mà Trung Cộng làm vậy? Vì bây giờ chúng tự biết sức mình còn yếu và làm chuyện phi pháp đối với quốc tế nên có những hành động “lén lút” chẳng khác gì kẻ trộm lợi dụng bóng đêm đột nhập vào nhà đánh cắp để ít ai để ý.
Đó là chuyện Trung Cộng năm 2022. Khi tự biết sức mình nên thường ném đá dấu tay. Vài chục năm nữa, khi nanh dài, vuốt nhọn đúng tầm vóc, lúc đó Trung Cộng hành động như một loài quỷ dữ hùng hổ, rầm rộ như Nga điều động 200,000 quân xâm lăng Ukraine vừa rồi.
Thịt đã vào miệng để tuột đi
Ngày 19/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, Uông Văn Bân đã chính thức tuyên bố “Trung Cộng ký thỏa thuận với Quần đảo Solomon một hiệp ước An ninh. (“Solomon: Chuỗi đảo an ninh đầu tiên của Ấn Độ-Thái Bình Dương bị Trung Cộng đột kích”)
Như vậy việc Trung Cộng-Solomon ký hiệp ước an ninh không phải tin đồn cách đây vài tuần mà đó là sự thật. Sự thật này được phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói với giọng đạo đức giả: Uông Văn Bân nói về việc ký kết hiệp ước An Ninh này là “để thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở Quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương” (sic). (như vậy hiệp ước này Tàu Cộng chẳng có lợi gì cả, nói vậy mà cũng có người tin sao?)
Solomon, một quốc đảo xa xôi vùng cực Nam Thái Bình Dương, gần Úc và New Zealand trên đường biển. Các chiến lược gia thế giới thời Đệ Nhị Thế Chiến của Nhật và phe Đồng Minh đã nhận ra tầm quan trọng địa chiến lược của vùng quốc đảo Solomon này cho nên đã có những trận thư hùng đẫm máu giữa quân đội Mỹ-Nhật trong Đệ II Thế Chiến từ 1942-1945.
Cần điểm qua vài nét để thấy miếng thịt Solomon đã vào miệng nước Úc nay Solomon lại tách ra đi đêm với Trung Cộng. Vào giữa thế kỷ 19 dân Solomon bị cưỡng bức “buôn bán nô lệ da đen”. Nô lệ Solomon phần đông được bán qua Úc trồng mía. Đến năm 1893 nước Anh tuyên bố bảo trợ phần nam Quần Đảo Solomon. Sau Thế chiến II, Chính phủ Anh giải thể chế độ thực dân (giải thực), vào năm 1974 quần đảo Solomon được đổi thành Quốc đảo Solomon thuộc Anh. Bốn năm sau, tháng 07/1978 thì Quần đảo Solomon hoàn toàn được độc lập.
Quốc đảo Solomon có 5 đảo lớn và gần 900 đảo nhỏ, có nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau, dù được độc lập nhưng các sắc tộc trên đảo Solomon đánh nhau để tranh dành ảnh hưởng thành “chiến tranh sắc tộc” hỗn loạn đến mức độ không thể kiểm soát được.
Tình trạng vô chính phủ, cướp bóc, đốt phá, sự hỗn loạn ở thủ đô, trước sự bất lực của cảnh sát, khiến Chính phủ Solomon được Nghị viện thông qua đã ra một thông báo tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để lập lại an ninh trật tự.
Tháng 6 năm 2003, dưới danh nghĩa Phái Bộ Hỗ Trợ Vùng Cho Quần Đảo Solomon RAMSI (Regional Assistance Mission to Solomon Islands) do Úc lãnh đạo, chừng 2200 cảnh sát và quân đội của nước Úc và các Đảo Thái Bình Dương đến Solomon đã dẹp yên bạo loạn. Chấn chỉnh tình hình xã hội chính trị, bầu lên một chính phủ mới và ông Snyder Rini được bầu làm thủ tướng.
Ba năm sau, vào tháng 4/2006, Snyder Rini bị tố cáo nhận hối lộ thương gia người Tàu để mua phiếu các Nghị Viên (?) mà được bầu Thủ Tướng. Tình trạng hỗn loạn lại xảy ra, cướp bóc, đốt nhà… Một lần nữa cảnh sát và quân đội đội Úc và New Zealand được điều động đến để ổn định bạo loạn. Ông Snyder Rini phải xin từ chức và Nghị Viên Solomon đã bầu Manasseh Sogavare làm Thủ Tướng Solomon năm 2006.
Qua đoạn lịch sử Solomon ngắn ngủi trên, cho thấy Quần đảo Solomon nằm trọn trong sự bảo vệ an ninh của Úc và New Zealand dưới danh nghĩa RAMSI có quyền điều cảnh sát và quân đội để dẹp loạn và củng cố xã hội khi cần.
Một quốc đảo chừng 652.857 người dân, được Úc bảo vệ, không những về an ninh mà còn về kinh tế, luôn luôn có sự hiện diện chừng 50 cảnh sát Úc để huấn luyện và cố vấn cho 800 cảnh sát Solomon – Nhưng bỗng nhiên Thủ Tướng Solomon ký với Trung Cộng một hiệp ước an ninh mà Úc không hề hay biết gì cả. Như vậy là thủ tướng Manasseh Sogavare đâm sau lưng nước Úc… Đây là trường hợp miếng thịt Solomon đã vào miệng nước Úc mà bị tuột ra!
Đảng Lao Động ở Úc coi đây là “sai lầm chính sách đối ngoại tồi tệ nhất của Úc ở Thái Bình Dương” kể từ năm 1945!
Mỹ lo ngại Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Cộng
Ngày 22/04/2022 một phái đoàn Hoa Kỳ gồm ông Kurt Campbell và Daniel Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã đến thăm Solomon và hội kiến với Thủ Tướng Manasseh Sogavare trong 90 phút, đồng thời cảnh báo: “Washington sẽ đáp trả trước mọi hình thức hiện diện quân sự của Trung Cộng ở Solomon”.
Trong lúc đó một thông cáo của Toà bạch Ốc Hoa Kỳ nhấn mạnh: nếu Trung Cộng có khuynh hướng “hiện diện quân sự một cách thường trực” tại quần đảo Solomon thì phía Hoa Kỳ sẽ “đáp trả” sự hiện diện quân sự đó có thể là dưới hình thức một “cơ sở quân sự”.
Trong cuộc gặp gỡ ông Kurt Campbell và Daniel Kritenbrink, Thủ tướng Manasseh Sogavare đã tìm cách trấn an phía Hoa Kỳ và xác nhận không dự trù một dự án nào theo chiều hướng đó. Tuy nhiên nội dung thỏa thuận an ninh giữa quần đảo này với Trung Cộng rất mông lung. Do cuối năm 2021, một cuộc nổi dậy đẫm máu đã diễn ra và nhiều cửa hàng do người Tàu đã bị cướp phá. Bắc Kinh tìm cách tăng cường các hệ thống an ninh tại chỗ.
Mỹ đang lo ngại về sự thiếu minh bạch trong hiệp ước an ninh được báo cáo của Trung Cộng với Quần đảo Solomon, Toà Bạch Ốc cho biết hôm thứ Ba, gọi đây là một phần của mô hình Bắc Kinh thường đưa ra các thỏa thuận “bóng tối” cho các nước .
Bộ trưởng Ngoại Giao Úc bà Marise Payne cho biết Úc “vô cùng thất vọng và tiếp tục tìm chi tiết về các điều khoản của thỏa thuận”.
Hiện nay cả Mỹ và Úc không biết chính thức nội dung của hiệp ước an ninh Trung Cộng-Solomon như thế nào? Đó là điều làm cho Mỹ, Úc lo ngại.
“Vì vậy, phái đoàn Hoa Kỳ, cũng như phái đoàn Úc đến thăm gần đây, đang cố gắng thuyết phục chính phủ của Solomon đảo ngược hướng đi thoả hiệp an ninh với Trung Cộng, hoặc ít nhất là làm rõ các chi tiết và kế hoạch thực hiện”.
Trung Cộng đi vào Solomon hôm nay, rồi đây đội quân Du Kích Biển sẽ đến Solomon, vùng nước biển trong xanh với nguồn tài nguyên biển phong phú, với địa chiến lược quan trọng. Thấy rõ nền an ninh của Úc và New Zealand bị đe dọa, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Mỹ sẽ gặp khó khăn. Đừng tin những gì Thủ Tướng Solomon Manasseh Sogavare nói, ông này đã bị Trung Cộng cấy “sinh tử phù” từ lâu rồi, từ thời Sogavare trục xuất phái đoàn ngoại giao Đài Loan năm 2019 để rước Bắc Kinh vào. Phải nhìn những gì Trung Cộng đã thực hiện ở Biển Đông theo cách tằm ăn dâu thì họ sẽ thực hiện ở Solomon từ đây cho đến khi chiếm trọn quốc đảo này.
Hoa Kỳ ngày 23 tháng 4 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)