Trên truyền hình Nga, Thế Chiến III đã nổ ra…

Hình minh họa (Internet)

Hình minh họa (Internet)

Thế Chiến III chưa nổ ra, nhưng bất cứ người dân Nga nào, khi bật các đài truyền hình của Nga lên xem, đều thấy thế giới đã bước vào cuộc đại chiến mới (Đại Chiến thứ III)
Hãng tin AFP cho biết, trên đài truyền hình nhà nước Nga tên Rossia 1, xướng ngôn viên tối Chủ Nhật vừa rồi 09/10 thông báo Pháo binh phòng không của nước này ở Syria sẽ “tiêu diệt” các máy bay Mỹ.
Chuyển sang tin tức đài Rossia 24, khán giả truyền hình lại được xem một phóng sự về việc chuẩn bị chỗ ẩn náu, đề phòng các vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Matxcơva.

Ở Saint-Pétersbourg, tin tức đài Fontaka đưa tin rằng Thống Đốc muốn áp dụng chế độ phân phối bánh mỳ theo hạn định để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trong tương lai, mặc dù nhà chức trách giải thích là chỉ muốn ổn định giá lúa mì.

Trên đài phát thanh, thính giả được nghe các cuộc tranh luận về cuộc diễn tập “bảo vệ dân thường” mà theo Bộ Tình Trạng Khẩn Cấp thì phải huy động tới 40 triệu người trong vòng 1 tuần. Chương trình diễn tập bao gồm các hoạt động giải cứu người dân đang mắc kẹt trong các tòa nhà và dập tắt các đám cháy.

Đối với những người tắt tivi để đi dạo ở Matxcơva, rất có thể đập vào mắt họ trên các con phố là những bức tranh graffiti khổng lồ thể hiện lòng “yêu nước” do các nghệ sĩ ủng hộ Vladimir Putin của tổ chức “Set” thực hiện, chẳng hạn bức tranh trên tường với hình ảnh các chú gấu, biểu tượng cho nước Nga, đang phân phát áo chống đạn cho các chú chim bồ câu, biểu tượng cho hòa bình.

Lý do của “cơn sốt truyền thông” về việc “Thế Chiến III sắp xảy ra”

Đó là do ngày 03/10/2016, Washington và Matxcơva đã chấm dứt đối thoại về chiến tranh Syria, sau khi lệnh hưu chiến mà hai nước đã thương thuyết ở Genève hồi tháng Chín đổ vỡ. Sau đó, các vụ oanh kích của Nga và Syria đã biến Aleppo thành “địa ngục trần gian”, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Việc này đã tạo ra làn sóng phê phán của phương Tây.

Tại Syria, quân đội Nga tiếp tục hành động riêng rẽ, điều động đến căn cứ hải quân ở thành phố Tartous hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 có khả năng tiêu diệt các chiến đấu cơ, gửi đến các tàu hộ tống có trang bị hỏa tiễn có khả năng đánh chìm các tàu chiến. Nói cách khác, đây là sự phô trương lực lượng, không phải nhắm vào Hồi Giáo cực đoan hay lực lượng nổi dậy ở Syria mà nhắm vào hải quân và không quân Hoa Kỳ.

Đối đầu

Ở Matxcơva, các phóng viên Nga và Tây Phương liên tục nhận được các thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga cho biết các vụ đối đầu liên tục xảy ra, còn truyền thông Nga thì lại khuếch đại lớn chuyện, thổi phồng các thông tin này. Phát ngôn viên của quân đội Nga, tướng Igor Konachenkov đã đưa ra các lời cảnh báo không chỉ cho Tòa Bạch Ốc mà cả Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao Mỹ. Ngày 06/10, tướng Igor Konachenkov đã đe dọa Mỹ: “Tôi xin nhắc lại với các thống tướng Mỹ là các hỏa tiễn phòng không S-300 và S-400 có phạm vi hoạt động bao phủ các căn cứ của Nga ở Hmeimim và Tartous có thể “gây bất ngờ” cho bất cứ thiết bị bay nào không được nhận diện.”

Trên đài truyền hình Nhà nước Rossia 1, người dẫn chương trình Dmitri Kissilev, đồng thời là ông chủ của hãng tin Ria Novosti, đã tóm tắt lại suy nghĩ của tướng Igor Konachenkov cho những người mà ông gọi là “những người dân thường như các bạn và tôi” như sau : “Chúng ta “bắn hạ” máy bay Mỹ”. Sau đó, ông tiết lộ “kế hoạch B” của Mỹ ở Syria : “Kế hoạch B, nói một cách khái quát là Mỹ sẽ trực tiếp dùng sức mạnh để chống lại sức mạnh của chế độ Bachar al-Assad và không lực Nga”.

“Chúng ta có phải sợ các hành vi khiêu khích không ? Chính Mỹ đã dùng cách này để kích động chiến tranh ở Việt Nam”. Dmitri Kissilev đã kết luận như vậy trước khi cảnh báo phương Tây là các tên lửa mà Nga điều động ở Kalinigrad, gần Ba Lan có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Trên trang tin tức trên mạng Gazeta.ru, nhà phân tích chính trị Gueorgui Bovt đã tóm tắt như sau: “Giờ đây, Nga đã sẵn sàng, đặc biệt là về tâm lý, trước vòng xoáy các cuộc đối đầu với phương Tây”.

Nhà chính trị này đã dự báo hai trường hợp và lưu ý đến những khó khăn kinh tế của Nga. Trường hợp thứ nhất, khá lạc quan, cho thấy “hai cường quốc sẽ thống nhất về những điều kiện mới để cùng tồn tại, điều này có nghĩa là sẽ có trật tự thế giới mới theo mô hình hiệp định Yalta – tạm gọi Yalta 2”. Ông muốn liên hệ tới sự chia sẻ khu vực ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô cũ sau đệ nhị thế chiến. Trường hợp thứ hai, thảm họa sẽ xảy ra : Nga sẽ phản ứng theo kiểu “nếu chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, thì hãy chủ động tấn công trước”.

Trả lời hãng tin Ria Novosti, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô cũ là Mikhail Gorbachev, người đã cùng cựu tổng thống Mỹ Ronald Regan chấm dứt chiến tranh lạnh cách đây 30 năm, mới đây đã cảnh báo: thế giới đang tiến sát đến “vùng báo động đỏ” một cách đầy nguy hiểm.

Ngày 12/10/2016, sau nhiều ngày khẩu chiến dữ dội, lần đầu tiên căng thẳng đã có dấu hiệu dịu bớt đi. Nga thông báo tổ chức một cuộc họp quốc tế về vấn đề Syria vào ngày thứ Bảy 15/10 ở Lausane, Thụy Sỹ. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng cho ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov để giải quyết khủng hoảng ở Syria.

Tin AFP và RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt