TPP: Tổng thống Barack Obama bị Thượng viện cản đường

Một cuộc biểu tình tại Mỹ chống đối hiệp ước TPP

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, đứng đầu là nhóm nghị sĩ chủ trương bảo hộ mậu dịch, đã giáng một vố đau vào tổng thống Barack Obama với việc bác bỏ một đạo luật cho phép tổng thống đàm phán nhanh chóng hơn các hiệp định tự do mậu dịch, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, bao gồm cả Việt Nam. Với 52 phiếu thuận và 45 phiếu chống, các Thượng nghị sĩ Mỹ Hoa Kỳ hôm 12/05/2015, đã bác bỏ đề nghị mở các cuộc tranh luận về dự luật TPA  (Trade Promotion Authority ). Các cuộc tranh luận về dự luật này chỉ có thể được mở ra khi có được 60 phiếu thuận trên tổng số 100 thượng nghị sĩ tại ThượngViện Hoa Kỳ.

TPA là dự luật cho phép tổng thống nhiều quyền hành rộng rãi để đàm phán nhanh chóng các hiệp định tự do mậu dịch quốc tế, và sau đó Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận hoặc chống, chứ không được sửa đổi nội dung các hiệp định này. Dự luật TPA, nếu được thông qua, trước mắt sẽ được áp dụng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-Châu Âu.

Điều đáng nói là trong số các thượng nghị Dân chủ, chỉ có một người duy nhất bỏ phiếu thuận cho việc mở tranh luận về dự luật TPA. Phe Dân chủ đã bỏ phiếu chống sau khi lãnh đạo khối đa số Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell từ chối gắn dự luật nói trên với ba dự luật thương mại khác, trong đó có luật nhằm chống việc thao túng tiền tệ, mà nhiều người xem là yếu tố chủ chốt của quan hệ mậu dịch công bằng.

Trong khi phe Cộng hòa ở Thượng viện kịch liệt chỉ trích hành động của phe Dân chủ, thì giới công đoàn ở Mỹ vỗ tay hoan nghênh. Vào tháng trước, chủ tịch của AFL-CIO, công đoàn lớn nhất ở Mỹ, đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không trao quyền mở rộng cho tổng thống Barack Obama để thương lượng các hiệp định tự do mậu dịch, đặc biệt là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Các công đoàn sợ rằng việc mở rộng cửa hơn nữa các thị trường của Mỹ sẽ làm suy yếu nhiều lĩnh vực công nghiệp tại Mỹ, như công nghiệp xe hơi.

Những Thượng nghị sĩ Dân chủ chỉ trích TPP cũng cho rằng hiệp định này sẽ có lợi cho các tập đoàn hơn là có lợi cho công nhân Hoa Kỳ. Họ lập luận rằng tập hợp 12 quốc gia vào một vùng tự do mậu dịch sẽ kéo mức lương xuống thấp, công nhân Mỹ không thể nào cạnh tranh được với với nhân công rẻ mạt từ những nước thành viên như Chilê, Peru hay Việt Nam.

Thật ra thì cuộc biểu quyết hôm qua ở Thượng viện chỉ làm chậm trễ, chứ không chôn vùi hẳn dự luật TPA. Lãnh đạo khối thượng nghị sĩ Cộng hòa McConnell hôm qua cho biết ông sẽ đưa dự luật này ra biểu quyết trở lại, có thể là vào tháng 6, sau khi các nghị sĩ đạt thỏa thuận về thủ tục biểu quyết bốn dự luật thương mại.

Thế nhưng, trong các cuộc mặc cả sắp tới giữa hành pháp với lập pháp, rất có thể là tổng thống Obama sẽ phải chấp nhận những điều khoản bổ sung mà sẽ khiến các đối tác TPP khó mà ký vào hiệp định này. Đặc biệt, phe Cộng hòa cảnh báo rằng điều khoản về tiền tệ sẽ phá hỏng hiệp định TPP, mà Nhà Trắng đang rất muốn nhanh chóng hoàn tất đàm phán trong năm nay.

Tóm lại, trong những tháng tới, tổng thống Obama sẽ còn nhức đầu về chuyện đàm phán tự do mậu dịch và đau nhất đối với ông đó là bị chính phe trong đảng Dân Chủ của ông cản đường.

Thanh Phương

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt