Tokyo cực lực tố cáo hành vi cưỡng chế của Bắc Kinh tại Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh ngày 04/06/2015.

Trong báo cáo quốc phòng hàng năm công bố ngày 21/07/2015,  với lời lẽ cứng rắn khác thường, Nhật Bản cực lực tố cáo các hoạt động cải tạo đảo đá của Trung Quốc tại Biển Đông. Tokyo xem đấy là những hành vi “cưỡng chế” nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp. Nhật yêu cầu Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng cơ sở thăm dò dầu khí gần vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước ở Biển Hoa Đông.

Bản báo cáo dày 500 trang mang tựa đề “Quốc phòng Nhật Bản 2015” không ngần ngại lên án các hành động “đơn phương và không khoan nhượng” của Trung Quốc, đã làm dấy lên những mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, bản báo cáo năm nay đã có những lời lẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc khi nêu bật các hành vị quyết đoán trên biển của nước này : “Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề hàng hải, tiếp tục hành động một cách quyết đoán, trong đó có việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng, để thỏa mãn yêu sách đơn phương của mình một cách không thỏa hiệp”.

Bản báo cáo của Nhật Bản lần đầu tiên có kèm theo hình ảnh vệ tinh về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Biển Đông, và đặc biệt nói rõ : “Trung Quốc đã rốt ráo tiến hành việc cải tạo bảy rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, và trên một số đảo, đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm phi đạo và bến cảng”. Theo Tokyo, điều này đã trở thành một mối quan ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế, và trước tiên hết là đối với Mỹ.

Theo hãng tin Anh Reuters, Nhật Bản không có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông, nhưng sợ rằng các căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trong một vùng có khoảng 5.000 tỷ đô la hàng hóa qua lại mỗi năm, mà đa số có Nhật Bản là nơi đến và đi.

Trung Quốc hiện đang đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, tranh chấp với các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Bắc Kinh cũng có tranh chấp với Tokyo về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Trong bản báo cáo công bố hôm nay, Nhật Bản đã phản đối việc Trung Quốc cho xây dựng các cơ sở thăm dò dầu khí ở trên Biển Hoa Đông, gần một khu vực đang tranh chấp giữa hai nước vì là nơi vùng đặc quyền kinh tế của Nhật và Trung Quốc chồng lấn lên nhau.

Tokyo lo ngại là các hoạt động khoan dò ở bên phía Trung Quốc có thể hút cạn các mỏ nằm dưới lòng biển bên phía Nhật Bản do việc các mỏ khí này thông với nhau.

Báo cáo xác nhận rằng Nhật Bản đã nhiều lần chính thức phản đối chống các hành động đơn phương của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ công việc xây dựng đó. Giữa hai bên đã từng có thỏa thuận đồng khai thác khu vực.

Trọng Nghĩa (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt