Tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2013
Năm 2013, nhà cầm quyền Việt Nam ráo riết vận động để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, không vì thế mà tình trạng nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện mà trái lại, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng có hệ thống. Mời bạn đọc cùng Dân Làm Báo nhìn lại năm 2013 qua lăng kính nhân quyền.
2013 là năm chứng kiến các cuộc đàn áp diễn ra khốc liệt: Blogger liên tiếp bị bỏ tù; các phiên tòa trá hình vi phạm nghiêm trọng quyền được xét xử công bằng; công an gia tăng sử dụng bạo lực, bắt người tùy tiện. Nhiều trường hợp bị tra tấn và bị chết trong đồn công an.
Bỏ tù, kết án đối lập
Kết thúc năm 2012, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án tù nặng nề đối với các blogger Câu lạc bộ Nhà báo Tự do với những bản án lên đến 12 năm tù. Bên ngoài phiên xử, nhiều blogger đến tham dự phiên tòa bị bắt giam, đánh đập. Blogger Nguyễn Hoàng Vi bị công an đánh và xúc phạm thân thể một cách nghiêm trọng.
Khi dư luận chưa hết phẫn nộ với những diễn biến xung quanh phiên tòa các blogger Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, thì tại Nghệ An, mở màn cho cuộc đàn áp nhân quyền năm 2013, nhà cầm quyền Việt Nam mở phiên tòa kết tội 14 thanh niên yêu nước với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau 2 ngày xử án, tổng cộng 83 năm tù giam và 42 năm quản chế đã được tuyên án đối với 14 thanh niên gồm có: Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Đình Cương, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Nông Hùng Anh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc.
Tại Long An, trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 16/5, sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha bị kết án 8 năm tù gian, Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam. Những người đến tham dự phiên tòa đều bị công an Long An bắt giam phi pháp.
Ngày 23/5, 8 trong tổng số 14 thanh niên yêu nước bước ra phiên tòa phúc thẩm tại Vinh. Người bị coi là đứng đầu vụ án, anh Hồ Đức Hòa bị giữ nguyên y án sơ thẩm 13 năm tù giam, những người còn lại bị kết án từ 2 đến 4 năm tù. Hàng ngàn công an được huy động để trấn áp, đánh đập những người dân đến ủng hộ các thanh niên yêu nước. Chị Trần Thị Nga cùng con trai chưa đầy 1 tuổi bị công an đánh đập dã man. Bà Trần Thị Hóa bị một nhóm nữ công an bịt mặt tiêm thuốc độc vào bụng. Bà Hóa là mẹ anh Nguyễn Đình Cương, người bị kết án 4 năm tù.
Liên quan đến vụ việc, hai tháng sau đó, hai giáo dân xứ Mỹ Yên là ông Ngô Văn Khởi, Nguyễn Văn Hải bị bắt vì phản đối những hành vi lạm quyền của công an đối với các giáo dân đến tham dự phiên tòa.
Ngày 2/6, cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội bị công an đàn áp khốc liệt, hàng chục người bị bắt giam phi pháp. Tại Tây Nguyên, 8 người sắc tộc thiểu số theo đạo Hà Mòn bị kết án tổng cộng 63 năm tù giam.
Mở màn cho chiến dịch sử dụng Điều luật 258 để đàn áp blogger, ngày 26/5, blogger Trương Duy Nhất bị bắt khẩn cấp. Ngày 13/6, blogger Phạm Viết Đào bị khởi tố tạm giam. Tại Long An, ngày 15/6, blogger Đinh Nhật Uy (anh trai Đinh Nguyên Kha) tiếp tục bị bắt khẩn cấp với tội danh cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Ngày 16/8, phiên tòa phúc thẩm 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha diễn ra tại Long An. Đinh Nguyên Kha bị kết án 4 năm tù giam, Nguyễn Phương Uyên bị 3 năm tù treo. Bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên ngã quỵ ngay trước sân tòa khi chứng kiến hình ảnh hai người con trai lần lượt bị bắt vào tù.
Tại giáo phận Vinh, giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên bị công an đàn áp đổ máu khi khi bà con đến đòi trả tự do cho 2 người trong giáo xứ bị công an bắt giam trái phép.
Ngày 2/10, sau hơn một năm bị giam giữ và nhiều lần trì hoãn, phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội đã kết án luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam với tội danh cáo buộc mang tên “trốn thuế”.
Tại Long An, ngày 29/10, blogger Đinh Nhật Uy bị kết án 1 năm 3 tháng tù treo (15 tháng), và 1 năm thử thách. Bên ngoài phiên tòa, khoảng 30 người đến tham dự đã bị công an Long An bắt giam phi pháp, ông Lưu Trọng Kiệt bị đánh gây thương tích.
Tại vùng cao Tây Bắc, ít nhất 8 người H’Mông theo đạo Dương Văn Mình đã bị bắt giam vì đấu tranh đòi quyền tự do sinh hoạt tín ngưỡng. 8 người H’Mông bị bắt trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 gồm các ông: Lý Văn Dinh, Dương Văn Tu, Hoàng Văn Sang, Thào Quán Mua, Lý Văn Hầu, Hoàng Văn Páo, Dương Văn Mình, Vừ A Sự.
Tính riêng trong năm 2013, nhà cầm quyền đã bắt giam và kết án đối với ít nhất 68 người vì các hoạt động đấu tranh đòi thực thi những nhân quyền cơ bản.
Dùng thủ đoạn công an khoác áo côn đồ để bắt giam, đánh người tùy tiện
Để che giấu những hành vi tội ác, trong năm 2013, nhà cầm quyền liên tục sử dụng các lực lượng an ninh mặc thường phục để trấn áp thô bạo những người hoạt động nhân quyền. Cùng với sự bao che và tiếp tay cho tội ác của nhà cầm quyền, tội ác do những viên công an khoác áo côn đồ gây ra ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Ngày 5/2, hai blogger trẻ là Trịnh Anh Tuấn (tức Gió Lang Thang) và Đào Trang Loan (Hư Vô) bị hành hung, bắt bớ thô bạo khi tham gia phát quà tết cho những dân oan tại Hà Nội. Ngày 8/4, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở An Giang bị công an khủng bố phải nhập viện cấp cứu. Ngày 9/4, anh Nguyễn Chí Đức bị công an phục kích và đánh đập gây thương tích.
Tại Tây Nguyên, đêm 12/4, vợ mục sư Nguyễn Công Chính là bà Trần Thị Hồng cùng hai con nhỏ đã bị CA Gia Lai chặn đường bắt cóc và đánh đập hết sức dã man. Nghiêm trọng hơn, nhóm công an này còn tiếp tục có những hành vi xúc phạm nhân phẩm nặng nề đối với bà Hồng cùng con trai 13 tuổi bằng cách lột trần truồng cả hai mẹ con bà, rồi thay nhau khám xét.
Ngày 7/6, blogger Nguyễn Hoàng Vi cùng bạn cô, anh Phạm Lê Vương Các (blogger Cùi Các) đã bị 5 công an chặn đường hành hung tại khu vực đường Tô Ký, Quận 12.
Ngày 25/6/2013, kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo PGHH tại miền Tây Nam Bộ, khoảng 100 công an, mật vụ, dân phòng đã tấn công vào đoàn rước lễ, đánh đập tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm cùng khoảng 20 người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Nhiều tín đồ nữ Phật giáo Hòa Hảo bị ngất xỉu vì bị đánh đập dã man. Lực lượng công an còn lấy nước cống hôi thối xịt vào những người bị thương đang nằm la liệt trên đường đi. Riêng tu sỹ Võ Văn Thanh Liêm bị khoảng 20 công an thay phiên nhau đánh vào bụng, ngực và đầu làm tu sỹ phải gục xuống.
Nghiêm trọng hơn, ngày 4/7/2013, một dân oan tên Đỗ Thị Thiêm bị tạt axit vì chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 13/8, công an Hà Nội bất ngờ huy động lực lượng kéo đến bắt giam các bạn trẻ trong nhóm học tiếng Anh tại nhà. Ít nhất có 7 bạn trẻ độ tuổi từ 18 đến 29 đã bị khống chế và đưa về giam giữ tại trụ sở công an Phường Trương Định.
Sáng ngày 17/8, ngay sau ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm Uyên – Kha, một nhóm côn đồ “mật phục” trước Khách sạn Anh Bình số 175 /8 đường Phạm Ngũ Lão – Quận 1, Sài Gòn để tấn công chị Trần Thị Nga cùng con trai 1 tuổi. Cùng bị hành hung có chị Bùi Thị Minh Hằng, luật sư Nguyễn Bắc Truyển và nhà báo Trương Minh Đức.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 20/8, anh Lê Quốc Quyết bị cảnh sát giao thông chặn xe gây sự. Trong lúc đang tranh cãi, một số an ninh giả dạng côn đồ cầm đá lao đến hành hung anh Quyết.
Tại Hà Nội, ngày 23/8, Nguyễn Tiến Nam bị ném mắm tôm vào nhà, sau đó lại bị công an câu lưu 14 tiếng. Đến ngày 29/8, những tên côn đồ quay lại dùng mã tấu chém Nam gây thương tích.
Ngày 25/9, công an ập vào nhà riêng của blogger Nguyễn Tường Thụy để khủng bố, bắt và đánh đập nhiều người.
Ngày 7/10, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bị công an vây bắt tại Hải Phòng.
Chiều ngày 15/10, đồng bào sắc tộc H’Mông đã bị công an bắt lên xe buýt, nhiều người bị đánh dã man, trong đó ông Dương Văn Phùng và chị Hoàng Thị Vàng đã bị đánh gục tại chỗ.
Khuya 23, rạng sáng 24/10, công an dùng vũ lực bắt ép nhiều người H’Mông lên xe, đánh đập dã man và thu giữ đồ đạc. Ngày 25/10, anh Trương Văn Dũng và Lê Hồng Phong đến giúp đỡ bà con H’Mông, tuy nhiên, vừa đến nơi thì 2 anh bị côn an mặc thường phục lao vào đánh đập rất nặng nề. Cả 2 đã bị còng tay lẫn chân bằng xích sắt và bắt về đồn côn an Thụy Khuê. Hậu quả là anh Trương Văn Dũng bị công an đánh gãy xương sườn.
Ngày 23/11, lực lượng công an và cơ động vào buôn làng của bà con sắc tộc H’Mông tỉnh Cao Bằng đàn áp cưỡng chế ngôi nhà tang lễ của bà con ở đây. Sáng ngày 24/11, công an lại kéo đến đàn áp người H’Mông tại thôn Nà Héng, xã Nam Vang, Huyện Bảo Lâm, tỉnh cao Bằng, tổng cộng có 36 người bị thương, bị chảy máu đầu, 17 người bị còng tay bắt đi…
Tại Đồng Tháp, ngày 26/11, anh Nguyễn Thanh Hải đến xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) niệm Phật tại gia bị CA đạp xe ngã xuống sông, ngoài ra, chị Lưu Thị Lũy cũng bị ném đá khi đến niệm Phật.
Lúc 9 giờ sáng ngày 29/11, nhà báo Phạm Chí Dũng cùng anh Lê Quốc Quyết đã bị công an Hà Nội sách nhiễu khi đến nhà riêng tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang để thăm và trò chuyện. Cả hai sau đó bị câu lưu tại trụ sở công an phường Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để ‘làm việc’.
Tại Nghệ An, ngày 15/12/2013, công an và an ninh chìm nổi đã ngăn cản trận đấu bóng đá của các bạn trẻ. Nhiều người bị hành hung thô bạo và bị giam giữ.
Đàn áp các hoạt động cổ vũ nhân quyền
Bất chấp sự đàn áp thô bạo của lực lượng công an, năm 2013 chứng kiến sự xuất hiện của nhiều hoạt động công khai cổ vũ, thúc đẩy nhân quyền. Các hoạt động ngoài trời như trao đổi, phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền… đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đáp lại, nhà cầm quyền CSVN gia tăng đàn áp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Tại Sài Gòn, ngày 5/5, công an đàn áp thô bạo buổi Dã ngoại Nhân quyền và phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của các Công Dân Tự Do. Blogger Võ Quốc Anh, Vũ Sỹ Hoàng, Nguyễn Hoàng Vi bị bắt và bị đánh gây thương tích. Ngày hôm sau, 6/5, Blogger Châu Văn Thi, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thảo Chi, bà Nguyễn Thị Cúc (mẹ Hoàng Vi) tiếp tục bị an ninh thường phục đánh đập dã man.
Ngày 9/5/2013, nhằm tiếp tục trả thù những người tham gia buổi Dã ngoại Nhân quyền, công an tổ chức bắt giữ Châu Văn Thi khi đang trên đường đi khám bệnh.
Tại Nha Trang, ngày 21/5, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Tiến Nam, Phạm Văn Hải bị công an bắt giam trái phép, sau khi tham gia phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cùng những quả bóng bay mang nội dung “Quyền Con người của Chúng Ta phải được tôn trọng”.
Ngày 5/8, hai cô gái trẻ Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi đã bị an ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất sách nhiễu và câu lưu khi về đến Việt Nam. Đây là hai blogger trẻ đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền tại Bangkok để trao bản tuyên bố 258. Tiếp đến, ngày 8/8, mẹ nhà báo – blogger Đoan Trang cũng bị công an sách nhiễu, đe dọa.
Ngày 5/10/2013, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức bắt giữ anh Châu Văn Thi sau chuyến đi học về xã hội dân sự tại Philippines. Tiếp đến, hàng chục người khác cũng bị câu lưu khi về đến Việt Nam. Ngày 30/10, đến lượt blogger Nguyễn Lân Thắng bị câu lưu tại sân bay Nội Bài.
Ngày 8/12, công an đàn áp buổi sinh hoạt chào mừng ngày quốc tế nhân quyền do Mạng Lưới Blogger Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn. Những người tham dự bị lực lượng công an mặc thường phục đánh đập dã man, nhiều tài liệu nhân quyền và bóng bay bị cướp và phá.
Ngày 10/12, Mạng Lưới Blogger Việt Nam chính thức ra mắt với các hoạt động vinh danh ngày Quốc tế Nhân Quyền. Tại Sài Gòn, công an đã chốt chặn và đánh đập blogger Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Dũng và nhiều người khác gây thương tích.
Tra tấn, giết người trong trụ sở công an
Năm 2013, liên tục xảy ra nhiều trường hợp người dân bị đánh đập, thậm chí chết một cách bất thường trong trụ sở công an. Tình trạng bạo lực của công an Việt Nam đã trở thành nỗi lo sợ thường trực đối với người dân.
Đêm 2/1 ông Trần Văn Tân (SN 1960, trú tại thôn Dưỡng Thái Nam, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành) bị Công an xã Kim Xuyên tạm giữ. Rạng sáng 3/1, ông Tân được phát hiện đã chết trong trụ sở UBND xã Kim Xuyên. Nguyên nhân cái chết của ông Trần Văn Tân được công an giải thích là do “thắt cổ tự tử”.
Tối 16/1, nhiều công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã đánh đập khiến Nguyễn Văn Ái tử vong sau khi nhập viện.
Ngày 14/3 ông Hoàng Văn Ngài, sinh năm 1974, cư ngụ tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Dak Nong đã tử vong ngay tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa.
Đêm ngày 5/7, anh Cao Văn Tuyên đã tử vong sau khi bị bắt về trụ sở công an xã Khánh Trung. Người bị bắt chung với anh Tuyên là anh Cao Văn Lệ (27 tuổi) thì phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 7/10, chị Trần Thị Hải Yến (SN 1982, ngụ thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An) tử vong khi bị tạm giam tại Công an huyện Tuy An. Phía công an thông báo cho gia đình rằng chị Yến tử vong do treo cổ tự tử.
Gây áp lực và trả thù
Ngoài các biện pháp đàn áp bằng bạo lực, nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục những hành vi trả thù, gây áp lực trong cuộc sống, thậm chí khủng bố người thân đối với những blogger và những người hoạt động ôn hòa.
Nhiều trường hợp bị khủng bố bằng cách đe dọa gia đình, tấn công vào việc làm ăn. Điển hình là trường hợp quán cafe của gia đình Nguyễn Hoàng Vi liên tục bị công an sách nhiễu, gây khó khăn. Mẹ của nhà báo – blogger Đoan Trang nhiều lần bị công an đến nhà sách nhiễu…
Hàng loạt blogger bị cấm xuất cảnh, gồm có: Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Thảo Chi, Đào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vi và Châu Văn Thi.
Ngày 29/11, Trường Đại học Công Nghiệp Thực Phẩm TP.HCM ra quyết định buộc thôi học đối với sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên với lý do: Phương Uyên đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam.
Ngày 17/11, nhà cung cấp dịch vụ Internet VNPT (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) đã sử dụng nhiều biện pháp để can thiệp kỹ thuật, cố tình chuyển hướng các truy cập Dân Làm Báo dẫn sang một trang web khác.
Chế độ nhà tù khắc nghiệt, tù nhân phản kháng
Nhằm giữ quyền cai trị độc tôn, nhà cầm quyền CSVN đã sử dụng hệ thống nhà tù dày đặc như một công cụ để dập tắt những tiếng nói ôn hòa. Sự bao che, bưng bít thông tin đã biến nhà tù CS là nơi mà nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng nhất. Đặc biệt đối với những tù nhân chính trị, nhà cầm quyền CSVN sử dụng chế độ giam giữ vô cùng khắc nghiệt nhằm trả thù và khiến các tù nhân chính trị kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần.
Năm 2013 chứng kiến các cuộc nổi dậy, phản kháng của các tù nhân nhằm phản đối chế độ lao tù cộng sản. Mặc dù bị bưng bít trong bốn bức tường nhà tù, các cuộc phản kháng dưới nhiều hình thức được lan tỏa rộng khắp trên nhiều nhà tù từ Bắc đến Nam.
Các thông tin lọt được ra ngoài đầu năm 2013 cho biết: những nữ tù nhân như Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Thị Thúy, Mai Thị Dung, Dương Thị Tròn thường xuyên bị đối xử khắc nghiệt vì đã can đảm đấu tranh chống lại những bất công trong tù. Trong đó, cô gái trẻ Đỗ Thị Minh Hạnh nhiều lần bị cai ngục trả thù bằng cách ra lệnh cho những tù nhân khác đánh đập gây thương tích.
Các cuộc đấu tranh chống bất công liên tục diễn ra, nhà quyền CSVN đã dùng thủ đoạn áp giải những tù nhân này đến một trại giam xa nhà. Mục đích để cô lập tù nhân, gây khó khăn cho gia đình, bưng bít thông tin.
Đầu năm 2013, blogger Tạ Phong Tần bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc đến tại trại giam số 5, thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, cách xa gia đình hơn 2000 cây số. Sau đó, đến lượt blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng tiếp tục bị đưa ra trại giam số 6 (Nghệ An). Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì bị chuyển từ nhà tù số 6 ở Nghệ An tới một nhà tù ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, trong khi gia đình ông ở Hải Phòng.
Ngày 1/10, hai tù nhân là Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển đến trại giam Thanh Xuân, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Trong quá trình áp giải từ Nam ra Bắc, Đỗ Thị Minh Hạnh và Mai Thị Dung bị còng tay, xích chân, ngất xỉu trong xe tù thùng đặc chủng.
Ngày 26/4, sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị đánh trong trại giam công an tỉnh Long An. Trong khi đó, Đinh Nguyên Kha bị đưa về trại giam B14 để điều tra tội ‘khủng bố’.
Tháng 6/2013, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kỷ luật biệt giam 10 ngày tại trại giam Xuân Lộc. Tại trại giam Nam Hà (Hà Nam), blogger Lê Văn Sơn bị đánh gãy chân. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị trả thù vì báo tin blogger Điếu Cày tuyệt thực. Ông Nguyễn Kim Nhàn bị cấm thăm nuôi 3 tháng.
Tháng 8/2013, sau cuộc nổi dậy tại trại giam Xuân Lộc, nhiều tù nhân chính trị bị chuyển từ trại Xuân Lộc qua trại giam Xuyên Mộc. Các tù nhân Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Cường, Trần Huỳnh Duy Thức, Huỳnh Anh Trí bị kỷ luật, cùm chân 10 ngày.
Tháng 9/2013, sức khỏe thầy giáo Đinh Đăng Định vô cùng nguy kịch vì căn bệnh ung thư dạ dày. Khi đến bệnh viện chữa trị chưa được bao lâu thì ngày 8/11, thầy giáo Đinh Đăng Định bị đưa từ bệnh viện trở lại trại giam khi chưa lành bệnh. Gia đình ông liên tục kêu cứu về tình trạng sức khỏe bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối do không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời theo đúng chuyên khoa.
Cũng trong năm 2013, một tù nhân vừa mãn hạn tù là anh Lưu Quang Hiền gửi đơn tố cáo về sự tàn ác của cán bộ trại giam Xuân Lộc. Anh Lưu Quang Hiền cho biết, năm 2011, một tù nhân tên Quách Công Ninh đã bị CA trại giam Z30A Xuân Lộc hành hạ bằng cách cùm chân, rồi bỏ mặc cho nạn nhân phải chịu cảnh đói khát trong lúc bệnh tật. Hậu quả là sau 8 ngày đau đớn, nạn nhân Quách Công Ninh đã qua đời trong khi chân vẫn còn đang bị cùm.
Ngày 24/11, tù nhân Bùi Đăng Thủy, cựu sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Úy Không Quân đã qua đời sau 17 năm bị giam cầm tại tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Ông Bùi Đăng Thủy mang căn bệnh lao phổi suốt 17 năm qua nhưng không hề được chữa trị.
Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng của chế độ lao tù CS, nhiều tù nhân đã can đảm đấu tranh để phản kháng.
Ngày 27/5, tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực để phản đối cán bộ trại giam số 5 Yên Định cố ý giết người. Cuộc tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ kéo dài liên tục trong 25 ngày đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 21/6/2013, tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật tuyệt thực để phản đối việc các cán bộ trại giam Nghi Kim (Nghệ An) liên tục xúc phạm nhân phẩm và tính mạng đối với Minh Nhật. Người bạn của Nhật là Nguyễn Xuân Anh bị ốm nặng, khắp cả người bị lở loét bởi phòng giam quá chật chội và bẩn thỉu, nóng bức. Riêng trường hợp anh Nguyễn Đình Cương vì lên tiếng phản đối điều kiện giam giữ hà khắc của trại giam cũng như việc liên tục xúc phạm đến nhân phẩm đối với các tù nhân mà nay anh đã bị biệt giam.
Trong khi đó thì tại trại giam Thái Nguyên, các tù nhân Hồ Văn Oanh, Trần Hữu Đức và Chu Mạnh Sơn cũng đồng loạt tuyệt thực nhằm phản đối sự hà khắc của những cai tù được đào tạo dưới một chế độ độc tài, đảng trị.
Tại trại giam An Phước, tù nhân Dương Âu tuyệt thực để phản đối cán bộ trại giam tham nhũng, cướp đoạt khẩu phần ăn của tù nhân.
Tháng 10/2013, anh Đoàn Huy Chương và Sơn Nguyễn Thanh Điền đã tuyệt thực 3 ngày để phản đối chính sách giam giữ khắc nghiệt của trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai). Chị Mai Thị Dung tuyệt thực từ ngày 1/10 để phản kháng.
Tháng 11/2013, luật sư Lê Quốc Quân tố cáo các sai phạm từ trại giam.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 30/06/2013, các tù nhân tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đồng loạt nổi dậy để phản đối chế độ lao tù CS khắc nghiệt. Cuộc phản kháng bùng phát tại phân trại số 1 (K1) với sự tham gia của 1000 tù nhân. Sau khi làm chủ hoàn toàn phân trại, các tù nhân đã phá cửa và bắt giữ một viên thượng tá – giám thị làm “con tin”. 6 tháng sau, ngày 27/12/2013, 18 tù nhân ở nhà tù Xuân Lộc bị đưa ra tòa và bị kết tham án tù với cáo buộc “chống người thi hành công vụ”.
Đấu tranh cho nhân quyền: những thắng lợi bước đầu
2013 là một năm đầy sôi động với blogger và giới hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh đòi nhân quyền với vai trò tiên phong của các blogger đã gây được tiếng vang đối với dư luận Việt Nam và quốc tế.
Đầu năm 2013, giới hoạt động Việt Nam đón nhận tin vui khi blogger Huỳnh Ngọc Chênh được trao giải thưởng Công Dân Mạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao tặng. Tiếp đến, blogger Nguyễn Hoàng Vi cũng đã được tổ chức IFEX vinh danh là 1 trong 7 phụ nữ tiêu biểu vì những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền.
Trong năm 2013, blogger Điếu Cày liên tục được trao hai giải thưởng danh giá: giải thưởng “One Humanity” do tổ chức PEN Canada trao tặng và Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 do Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ trao tặng.
Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập (Indepenent Chinese Pen Center – ICPC) trao giải thưởng “Liu Xiaobo Courage to Write” năm 2013 cho nhà văn Việt Nam Nguyễn Xuân Nghĩa để vinh danh sự bền bỉ và can đảm viết của hai ông mặc dù phải đối diện với đe dọa của tù đày.
Ngày 11/10/2013 Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có trụ sở tại California đã vinh danh ba người sẽ được trao giải thưởng năm 2013, đó là Luật sư Lê Quốc Quân, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, và ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Ngày 8/12, Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2013 đã được long trọng tổ chức tại thành phố Paris do sự phối hợp giữa Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam với Hội Pháp Việt Tương Trợ và một số đoàn thể của người Việt tỵ nạn nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt Lễ Trao Giải năm nay có sự hỗ trợ của hai tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Paris là Phóng Viên Không Biên Giới và Luật Sư Không Biên Giới tại Pháp. LS Lê Quốc Quân, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là những tấm gương tiêu biểu.
Ngày 26/5/2013, tròn 2 năm Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình. Văn phòng Công Lý Hòa Bình trực thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam chính thức được thành lập, trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của người dân khắp nơi. Việc thành lập Hội Đồng Liên Tôn với sự tham gia của nhiều chức sắc các tôn giáo là một tín hiệu đáng mừng.
Đáng chú ý, buổi Dã ngoại Nhân Quyền diễn ra ngày 5/5/2013 đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân đã tạo nên tiếng vang lớn đối với dư luận Việt Nam và quốc tế.
Phong trào Tuyệt thực đồng hành cùng tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã gây ảnh hưởng, góp phần tạo thêm áp lực khiến nhà cầm quyền CS buộc phải giải quyết yêu của của TS Vũ.
Danlambao khởi động và cùng nhiều tổ chức đã ký tên chung vào bức thư ngỏ phản đối Đại học Thammasat trao bằng Tiến sĩ danh dự lãnh đạo đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Ngày 25/06/2013, sau 38 năm, lần đầu tiên PGHH Thuần túy đã tổ chức được đại lễ lần thứ 74 giữa hàng ngũ lãnh đạo cao cấp trước sự chứng kiến của 4 tôn giáo khác.
Tháng 7/2013, Mạng Lưới Blogger Việt Nam ra Tuyên bố 0258 phản đối điều luật 258. Với hơn 100 chữ ký ban đầu, các blogger đã lần lượt trao tuyên bố cho đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam như đại sứ quán Mỹ, Thụy Điển, Australia, Đức, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, gặp gỡ một số quan chức của các nước thuộc G4 – nhóm bốn quốc gia tài trợ nhiều cho Việt Nam, gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand.
Đầu tháng 8, 5 blogger từ Việt Nam đã lên sang Thái Lan để trao Tuyên bố 0258 cho đại diện Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc tại Bangkok. Cũng trong chuyến đi lần này, đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã thực hiện các buổi tiếp xúc và trao tuyên bố cho các tổ chức quốc tế như Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR), Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo (CPJ), tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)…
Ngày 22/8, Danlambao tròn 3 năm hoạt động, bất chấp sự tấn công, đe dọa và phá hoại của chính phủ Việt Nam. Một năm sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành công văn 7169 ra lệnh “xử lý”, Danlambao tiếp tục đững vững.
28/8, Mạng Lưới Blogger Việt Nam công khai tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận về quá trình trao Tuyên bố 0258.
12/10, một cuộc chạy bộ vì nhân quyền RunforRights diễn ra ở thành phố Arlington, bang Virginia, được dành tặng cho nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung.
Ngày 25/11, các nhà hoạt động nữ quyền tại Việt Nam thông báo thành lập Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam.
Ngày 5/12, đại diện Phong trào Con Đường Việt Nam, ông Trần Văn Huỳnh (thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức) lên đường sang Hoa Kỳ nhằm vận động trả tự do cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Cùng đi có bà Nguyễn Thị Kim Liên (thân mẫu tù nhân lương tâm Đinh Nhật Uy).
Ngày 7/12, các blogger Nha Trang phân phát Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền.
Ngày 8/12 Phụ Nữ Nhân Quyền họp mặt, các blogger tại Hà Nội và Sài Gòn công khai các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Nhân quyền.
Ngày 10/12, các blogger tiếp tục các hoạt động vinh danh ngày quốc tế nhân quyền và chính thức ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Điếu Cày – nguồn cảm hứng mãnh liệt
Nhà hoạt động được mạng xã hội, báo lề dân và truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2013 chính là blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải.
Bị bắt giam từ tháng 4/2007, tinh thần của blogger Điếu Cày vẫn luôn là nguồn cảm hứng mạnh liệt và biểu tưởng của lòng can đảm với các blogger Việt Nam.
Bị kết án 12 năm tù giam vào cuối 2012, Điếu Cày lần lượt trải qua các trại giam khét tiếng tàn độc tại Việt Nam như: Số 4 Phan Đăng Lưu, B14, Chí Hòa, Bố Lá, Xuyên Mộc, Xuân Lộc…
Lo ngại sự ảnh hưởng của Điếu Cày đối với các tù nhân, nhà cầm quyền CSVN đã đưa Điếu Cày ra tận trại giam số 6 Nghệ An để giam giữ. Đây là thủ đoạn của công an nhằm cô lập tinh thần, bưng bít thông tin và hủy hoại tinh thần đối với một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam.
Tháng 7/2013, Điếu Cày tuyệt thực tại trại gian số 6 Nghệ An để phản đối chế độ lao tù cộng sản. Thông tin trên đã nhanh chóng tạo nên làn sóng thu hút sự quan tâm, lên tiếng của dư luận.
Ngay lập tức, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) ra Thông cáo chung đặc biệt quan tâm đến tình trạng sức khỏe của Điếu Cày.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tố cáo Việt Nam leo thang việc chà đạp nhân quyền và coi thường các Công ước quốc tế về bảo vệ nhân quyền, biểu hiện cụ thể qua cuộc tuyệt thực của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Ngày 23/07/2013, Tổ chức Phóng viên Không biên giới – RSF, kêu gọi hành động khẩn cấp để cứu nguy tính mạng của blogger Nguyễn Văn Hải, biệt danh Điếu Cày. RSF đặc biệt kêu gọi các sứ quán tại Việt Nam có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với thân nhân ông Hải.
9h sáng Chủ Nhật, ngày 28/07/2013, blogger Hà Nội tổ chức cafe giao lưu cùng chị Dương Thị Tân (vợ anh Điếu Cày) cùng con trai Nguyễn Trí Dũng với chủ đề: Điếu Cày – Nhìn từ góc độ công lý, nhân quyền và nhân đạo.
Ngày 2/8, công an đã buộc phải để cho gia đình được gặp Điếu Cày. Tính từ ngày bắt đầu tuyệt thực vào hôm 22/6/2013 cho đến ngày kết thúc vào hôm 27/7/2013, Điếu Cày đã tuyệt thực tổng cộng được 35 ngày.
21/10/2013, Điếu Cày, sẽ nhận giải thưởng “One Humanity” do tổ chức PEN Canada trao tặng nhằm ghi nhận sự can đảm và nỗ lực cổ xúy liên tục cho nhân quyền, bất chấp bị nhà cầm quyền đàn áp thẳng tay.
Ủy ban Bảo vệ Các Nhà báo (CPJ) phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư quốc tế kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam phóng thích blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải).
Ngày 26/11/2013, tại New York, CPJ đã tổ chức buổi lễ trao tặng (vắng mặt) giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế lần thứ 23 cho Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Đây là một giải thưởng danh giá nhằm vinh danh những người đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ các quyền tự do ngôn luận trên thế giới.
Sức mạnh nhân dân
Người dân ngày càng mạnh mẽ đứng lên chống lại bất công, tham nhũng dưới chế độ cai trị độc tài cộng sản. Nhiều cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra khắp nơi phản đối cơ quan công quyền, kiến nghị, hiện tượng công khai thoái đảng.
Tháng 1/2013, người dân Dương Nội đã kiên cường đẩy lùi nhiều cuộc cướp đất do quan tham địa phương cấu kết với công an.
18/1/2013, người thân anh Nguyễn Văn Ái (SN 1971, trú Thị xã Thái Hòa, Nghệ An) đã kéo đến trụ sở công an Thị xã Thái Hòa yêu cầu làm rõ trách nhiệm những người liên quan và nguyên nhân tử vong của anh Ái.
Bất chấp sự ngăn cản của công an, ngày 17/2, người dân tại Sài Gòn, Hà Nội đồng loạt tham gia buổi tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung 1979.
Cuối tháng 2, nhóm Công Dân Tự Do ra tuyên bố ủng hộ Nguyễn Đắc Kiên.
Hội đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ngày 17/3, hàng ngàn người dân Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã mang quan tài kéo về trụ sở Ủy ban Nhân dân Tỉnh biểu tình đòi công lý sau cái chết của một người dân địa phương. Thủ phạm gây án nghi là người nhà của chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phùng Quang Hùng.
3 sinh viên Đại học Luật TP.HCM ra Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn.
Ngày 5/5/2013, hàng chục người dân tham dự buổi Dã ngoại Nhân quyền tại Hà Nội và Sài Gòn. Các cuộc dã ngoại tiếp diễn nhiều ngày sau đó.
Ngày 24/7/2013, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một pages với thông điệp: “Bộ trưởng Y tế hãy từ chức đi”. Thông điệp này liên quan tới việc: “4 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và Bình Thuận” bởi sự quản lý yếu kém của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Hàng trăm người dân kéo về Long An biểu tình đòi trả tự do cho Uyên – Kha.
Ngày 8/10, người dân thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình bắt trói năm cán bộ công an để phản đối hành vi bao che phá hoại môi trường.
Trong tháng 10 và 11, hàng trăm người sắc tộc H’Mông kéo về Hà Nội biểu tình đòi người và đấu tranh cho sự thật, họ đòi công bằng và quyền tự do tín ngưỡng.
Sáng 27/10/2013, 3.000 người dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã đến trước UBND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi để biểu tình phản đối việc chính quyền địa phương cho phép khai thác cát trái phép mà không xử lý. Người dân đã chặn tất cả xe tải lại, căng biểu ngữ thề giữ đất Nghĩa An đến cùng v.v…
Ngày 29/10, hàng trăm người dân kéo về Long An tham dự phiên tòa Đinh Nhật Uy.
Ngày 13/11, đông đảo bà con nhân dân thôn Mai Phúc đã kéo đến bao vây trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) để biểu tình phản đối CA, chính quyền địa phương cướp phá mồ mả, đánh đập người dân.
Ngày 14/11, hàng trăm người dân ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận đã bao vây, bắt giữ một trung úy cảnh sát giao thông tên Nguyễn Ngọc Tuấn, đốt cháy xe máy và giữ xe bán tải BKS 86B 0214 sau khi một nhóm CSGT đánh người gây thương tích.
Ngày 4/12, trong một diễn biến đáng chú ý, ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố bỏ đảng. Đến ngày 5/12, đến lượt nhà báo Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Đắc Diên cũng ra tuyên bố bỏ đảng.
Gương mặt Dân chủ qua đời
Trong năm 2013, phong trào dân chủ Việt Nam đón nhận sự ra đi của những người đã dành trọn cuộc đời để hy sinh, cống hiến cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. Bài tổng kết cuối năm xin được dành để tưởng nhớ những người đã ra đi khi chưa kịp nhìn thấy quê hương thay đổi:
– 28/1/2013: Nhà văn Hoàng Tiến qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.
– 4/11/2013: Cụ ông Tôn Thất Tần qua đời, hưởng thọ 96 tuổi. Cụ ông Tôn Thất Tần từng bị chế độ CS bỏ tù với thời gian kỷ lục lên đến 32 năm tù vì tội danh có tên ‘phản cách mạng’.
– 1/11/2013: Luật Sư Trần Danh Sanh qua đời tại tư gia ở Westminster, California, thọ 77 tuổi. Luật sư Trần Danh Sanh là người vào ngày 23 Tháng Tư, 1977, đứng trước thềm nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đọc bản “Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Những Người Việt Nam Khốn Cùng”
– 24/11/2013: Tù nhân Bùi Đăng Thủy, cựu sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Úy Không Quân đã qua đời sau 17 năm bị giam cầm tại tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Hưởng thọ 67 tuổi. Ông Bùi Đăng Thủy mang căn bệnh lao phổi suốt 17 năm qua nhưng không hề được chữa trị.
– 2/12/2013: Ông Nguyễn Kiến Giang qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 83 tuổi. Ông Nguyễn Kiến Giang là một nhà hoạt động chính trị từng bị chế độ cộng sản bỏ tù 6 năm trong vụ án ‘xét lại chống đảng’.
– 20/12/2013: Nhạc sỹ Việt Dzũng qua đời ở tuổi 55. Sự ra đi của anh đã mang lại niềm thương tiếc cho nhiều người. Danlambao xin mượn vài lời trong một ca khúc Một Chút Quà Cho Quê Hương do anh sáng tác để giã từ 2013 và bước sang 2014:
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy…
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng…
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình…