Tiếng Tàu thành ngoại ngữ thứ nhất và sự lựa chọn của chúng ta?

Trước thông tin Bộ GD-ĐT đang lên kế hoạch xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Trung 10 năm từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh đã gây ra nhiều phản ánh trái chiều. Lựa chọn và quyết định cho con em mình theo ngoại ngữ nào – đây là lúc chúng ta phải chọn.
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất.

Về kế hoạch thực hiện chương trình tiếng Nga, tiếng Trung hệ 10 năm, Bộ GD -ĐT giải thích việc này nằm trong nhiệm vụ nêu tại quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ. (1)
Một trong những lý do các chuyên gia đưa ra để thuyết phục cho việc đưa tiếng Trung thành ngôn ngữ thứ nhất trong năm học 2017 tới đây là: “bởi vì nếu tính đơn giản, trên thế giới này người biết tiếng Trung Quốc nhiều nhất, phổ biến không kém gì tiếng Anh, phải đến 2 tỷ người biết tiếng Trung.” (2) 
Tôi sẽ không trích dẫn bất kỳ ý kiến nào của các chuyên gia trong bài viết này bởi đó là quan điểm. 
Với vai trò là một phụ huynh, tôi sẽ chọn và đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai con cái mình thay vì chấp nhận để con trở thành chuột bạch thí nghiệm của Bộ Giáo dục.
Các bậc làm cha mẹ khác cũng vậy, hãy can đảm đưa ra quyết định đúng cho tương lai của con em mình, và kiên trì đấu tranh vì nó thay vì cam chịu như bao năm qua.
Trước hết, chia sẻ một chút kinh nghiệm về việc đã từng là học sinh dưới mái trường XHCN ở những năm phân loại dạy tiếng Anh và tiếng Nga.
Hàng loạt bạn bè tôi, những bạn đã mất 4 năm học tiếng Nga từ cấp 2 phải đầu tư lại từ đầu khi Bộ Giáo dục chính thức bỏ tiếng Nga ngay năm chúng tôi vào lớp 10. 
Đầu cấp 2 chúng tôi được học tiếng Anh theo hệ thống 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12). Đến cấp 3 thì việc học tiếng Anh lại chuyển theo chương trình học 3 năm từ lớp 10 đến 12). Bạn nào còn giữ sách lớp 9 hệ 7 năm sẽ thấy nó khó hơn sách lớp 12 hệ 3 năm rất nhiều.
Chỉ tính riêng việc dạy tiếng Việt và tiếng Anh hiện tại, Bộ Giáo dục đã tạo ra gánh nặng cho các phụ huynh bởi không đầu tư chất lượng cho đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa và chương trình học không được nghiên cứu bài bản. Những ai là phụ huynh phải chạy theo giáo trình từ Streamline, Headway tới Lifeline sẽ hiểu nỗi thống khổ này. Không hề có một chương trình đồng bộ, hệ thống từ thấp đến cao. 
Thật ra khi tôi trở thành một phụ huynh, tôi chỉ mong Bộ Giáo dục đừng phát kiến thêm việc dạy ngoại ngữ nữa. Hãy đầu tư dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho thật tốt. Đừng vá víu tạm bợ cho việc dạy học tiếng Anh từ phổ thông đến đại học nữa. Làm tốt được một việc này chúng ta sẽ có nhiều thế hệ học sinh xịn mà không phải lo so sánh về số người nói tiếng Anh hay tiếng Trung trên toàn thế giới nữa.
Chọn tiếng Trung thành ngoại ngữ thứ nhất có nghĩa là phải đối diện với bài toán đầu tư cho đội ngũ giáo viên, học về văn hoá Trung Quốc, giảng viên bản xứ tiếng Trung…. Trong khi hàng chục năm qua chưa sửa sai được việc giảng dạy tiếng Anh. Tiếng Nga thì vứt xó. 
Đã đến lúc, sự lựa chọn học ngoại ngữ cho con em chúng ta không do Bộ Giáo dục quyết định nữa các bố các mẹ ạ.
Đừng đem tương lai của con em mình ra thí nghiệm, như chúng ta đã từng.
29.9.2016
___________________________________
Chú thích:

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt