Thương mại: Việt Nam cố giải tỏa áp lực của Mỹ
Lời người post: Việt Nam muốn vươn lên thì đừng học sách làm ăn gian dối của Trung Cộng. Hiện nay Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) của Việt Nam là 300 USD tỉ / năm nhưng phụ thuộc vào giao thương với Mỹ gần 50 tỉ. Vậy thì 1/6 Tổng Sản Lượng Quốc Gia Việt nam phụ thuộc vào thương trường của Mỹ…Do đó sự gian trá thương mại với Mỹ sẽ đem lại những hậu quả khôn lường cho đời sống của người dân Việt Nam.
Vốn được xem là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam đang nỗ lực duy trì lợi thế đó, tránh bị Hoa Kỳ trả đũa, bằng cách ngăn chặn hàng Trung Cộng trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam để né thuế của Mỹ. Trang mạng Asia Times ngày 10/12/2019 đã có một bài viết về đề tài này.
Với việc Hoa Kỳ tăng thuế 25% lên một số mặt hàng của Trung Cộng và dự tính sẽ áp các mức thuế khác kể từ ngày 15/12/2019, nhiều nhà sản xuất hàng hóa của Trung Cộng đang tìm cách chuyển hàng qua ngõ Việt Nam, vốn không bị tăng thuế quan lên phần lớn các mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Mỹ.
Mối quan ngại bị Hoa Kỳ trả đũa do hàng Trung Cộng mạo danh “Made In Vietnam” càng lớn hơn sau khi vào tháng 7 vừa qua, Washington đánh thuế 400% lên thép nhập từ Việt Nam.
Theo Asia Times, trước đó, các nhà điều tra Mỹ và Việt Nam đã phát hiện là một số mặt hàng sản xuất ở Hàn Quốc và Đài Loan đã được chở đến Việt Nam để “chế biến” thêm chút ít, trước khi được đóng gói trở lại và xuất sang Mỹ như là hàng “Made in Vietnam”.
Hà Nội rõ ràng là không muốn làm phật lòng chính quyền Donald Trump, vốn đã đặt Việt Nam trong tầm ngắm do thặng dư mậu dịch của Việt Nam vẫn ngày càng tăng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thặng dư mậu dịch của Việt Nam đã lên tới 41 tỷ đôla, tăng đến 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Asia Times nhắc lại là do mức thặng dư cao như thế, vào tháng 5 vừa qua, bộ Tài Chính Mỹ đã thêm Việt Nam vào danh sách các quốc gia có thể đang thao túng tiền tệ. Tháng sau đó, trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, tổng thống Trump đã gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.
Mặc dù Hà Nội có vẻ nỗ lực giảm thặng dư mậu dịch với Mỹ, mức thặng dư vẫn tiếp tục tăng, và có khả năng mức tăng đó là do các mặt hàng Trung Cộng trá hình “Made in Vietnam”. Theo Asia Times, các giới chức Việt Nam đã gia tăng nỗ lực ngăn chận các mặt hàng đó sau chuyến viếng thăm của bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross vào đầu tháng 11/2019 (trước chuyến đi của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper).
Gần đây, Hà Nội đã lập ra một danh sách gồm 25 hàng có nguy cơ là hàng Trung Cộng “cải trang” Made in Vietnam. Bên cạnh đó, bộ Công Thương đã thông báo là kể từ cuối tháng 12 sẽ ngưng xuất khẩu các sản phẩm gỗ dán sang Hoa Kỳ. Biện pháp này được đưa ra sau khi các số liệu cho thấy là hàng gỗ nhập từ Trung Cộng vào Việt Nam đã tăng 37% trong quý đầu của năm nay, trong khi xuất khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng đến 95% so với cùng kỳ năm 2018.
Hoa Kỳ đã tăng thuế 25% lên hàng gỗ sản xuất ở Trung Cộng. Nếu Wahington tăng thuế tương tự đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam, đây sẽ là một thảm họa đối với một ngành mà kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lên tới 190 triệu đôla trong năm 2018.
Vấn đề là các quan chức thật sự nỗ lực chống hàng Trung Cộng mạo danh Việt Nam lại đang gặp một số vấn đề : Vào tháng trước, hãng tin Channel News Asia loan tin các viên chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể kiểm tra 5% tổng số bản khai xuất nhập khẩu, điều này có nghĩa là có rất nhiều hàng của Trung Cộng dễ dàng được dán nhãn “Made in Vietnam” để né thuế của Mỹ.
Theo Asia Times, rất có thể là các quan chức Mỹ hiểu các vấn đề mà Hà Nội đang gặp phải, nhưng họ vẫn thúc ép Việt Nam thay đổi, vì họ có thể dùng áp lực này để buộc Việt Nam giảm mức thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ.
Vào đầu tháng 12, bộ Tài Chính Việt Nam thông báo đang xem xét khả năng cắt giảm thuế quan đối với nông phẩm nhập từ Mỹ, một vấn đề trọng yếu đối với chính quyền Trump, đặc biệt trong tình hình tái tranh cử tổng thống năm 2020, ông rất cần lá phiếu của các tiểu bang có đông cử tri làm nghề nông.
Nhưng đồng thời tại Washington, cũng có người lo ngại là thúc ép Việt Nam quá mạnh về thương mại có thể gây tổn hại cho việc xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa hai nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã dần dần trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, vì hai bên đều có lợi ích trong việc ngăn chặn đà bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông.
Asia Times nhắc lại là vào giữa tháng 11 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper đã mở chuyến viếng thăm đầu tiên của ông ở Việt Nam, để tái khẳng định mối quan hệ an ninh giữa Washington với Hà Nội. Nhân dịp này, ông Esper đã thông báo vào năm tới sẽ chuyển giao cho hải quân Việt Nam một tàu tuần duyên thứ hai, chiếc High Endurance Cutter lớp Hamilton, để tăng cường khả năng tuần tra của Việt Nam trên vùng Biển Đông.
Theo Asia Times & RFI