Thượng đỉnh Sunnylands không có gì đột xuất

Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại Sunnylands ở Rancho Mirage, California, ngày 16/2/2016.

Sau gần hai nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra rất yếu về đối ngoại, từ Ukraine, đến Syria, Iran, vì thế Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 15 và 16/2 vừa qua ở Sunnylands, nam California cũng không có đột xuất trong cách giải quyết những hành động lấn chiếm quyền kiểm soát Biển Đông của Trung Cộng, vì ông Obama còn chưa đến một năm nữa sẽ giã từ Bạch Ốc và cũng vì quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng, với 1.3 tỉ người, thì quan trọng hơn so với giữa Mỹ và khối ASEAN với 600 triệu dân.

Trước những căng thẳng trên Biển Đông, Hoa Kỳ đã cho tàu chiến vào gần, cho máy bay quân sự bay ngang những khu vực gần các đảo do Trung Cộng kiểm soát ở Trường Sa, và Hoàng Sa mới đây, nhưng mục đích chỉ là đưa tín hiệu bảo vệ tự do lưu thông trên biển và trên không. Bắc Kinh vẫn tiếp tục cho xây dựng sân bay và hạ tầng cơ sở trên các đảo nhân tạo và gần đây nhất đã đặt tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa là vùng quần đảo đang có tranh chấp giữa Trung Cộng, Việt Nam và Đài Loan.

Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu các nước có liên quan giữ nguyên trạng và không quân sự hóa các quần đảo đó, nhưng phản ứng của Hoa Kỳ chỉ dè dặt, không thực sự thách thức Trung Cộng vì lo ngại làm sụp đổ quan hệ thương mại giữa hai nước.

Thời Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã đối đầu với Liên Xô ở Đông Âu và với Trung Cộng ở Đông Á. Ngày nay thế giới không còn cộng sản ở châu Âu, nhưng còn ở Đông Á và Hoa Kỳ vẫn đang phải đối đầu cũng với hai kẻ thù cũ, dù Liên bang Xô viết không còn, chỉ còn lại Nga và Trung Cộng cộng sản đã hùng mạnh hơn, là nước có nền kinh tế lớn thứ nhì sau Mỹ.

Mấy năm trước Tổng thống Obama đề ra chính sách tái quân bình và xoay trục về Đông Á. Nhưng năm 2013, vì khủng hoảng ngân sách với Quốc hội Mỹ mà ông Obama đã hủy chuyến đi họp APEC ở Indonesia và ASEAN ở Brunei làm lãnh đạo các quốc gia này thất vọng và mất niềm tin vào Hoa Kỳ. Nay ông Obama tỏ ra quan tâm hơn và đã mời lãnh đạo 10 nước ASEAN sang Mỹ dự hội nghị để thảo luận về những vấn đề liên quan, trong đó phát triển kinh tế bền vững là chủ yếu và dùng đó để bao vây Trung Cộng, thay vì dùng quân sự vì Washington dường như đã không thể ngăn cản được sự bành trướng trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Hiệp định thương mại TPP với 12 nước do Mỹ đứng đầu, trong đó có bốn quốc gia thuộc khối ASEAN, chưa biết sẽ có được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hay không vì có những dân cử thuộc cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ không tán đồng, trong khi nghiệp đoàn lao động Mỹ cực lực phản đối.

Các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa như Donald Trump, Marco Rubio cũng không ủng hộ TPP.

Riêng về phía lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thúc đẩy Việt Nam tham gia và ký kết TPP và được cho là người ít bảo thủ hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Dũng lúc đầu dự định không đi dự hội nghị, rồi lại quyết định đi nên có dư luận cho rằng ông vẫn có thể làm thay đổi tình hình chính trị Việt Nam, dù ông đã bị loại khỏi Bộ Chính trị sau Đại hội Đảng XII vào tháng trước.

Cũng như Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở vào những tháng ngày cuối của nhiệm kỳ nên sẽ không có thay đổi chính sách, đặc biệt là trong đối ngoại. Riêng với ông Dũng, tuy quyết định đi dự hội nghị vào giờ chót thì cũng không thể làm được điều gì mang tính đột phá, vì chủ trương của đảng Cộng sản là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đảng đã quyết định tại Đại hội XII là chọn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại để kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh và chọn con đường “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”, với chính sách đối ngoại vẫn thân Bắc Kinh hay có thể nói là đang bị kìm hãm, mà theo cách nói của người Hà Nội là “sợ bị Trung Cộng vả cho” nếu cũng xoay trục.

Tham dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN có nhiều lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Tổng thống Barack Obama còn chưa đến một năm. Tổng thống Benigno Aquino III của Philippines sẽ rời chức vụ trong vài tháng tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thế. Tổng thống Thein Sein của Myanmar sắp bàn giao quyền hành cho đảng đối lập nên không dự mà cử phó tổng thống đi hội nghị.

Trước khi hội nghị diễn ra, nhật báo Los Angles Times hôm 12/2 đã đưa tin với một tựa bài hết sức bất lợi cho nhiều lãnh đạo ASEAN là “A crowd of dictators is coming to Southern California” (Một đám nhà độc tài đang đến Nam California). Trong 10 quốc gia ASEAN có đến 7 được cho là có lãnh đạo độc tài là Hun Sen của Campuchia, Prayuth Chan-ocha của Thái Lan, Najib Razak của Malaysia, Hassanal Bolkiah của Brunei, Thein Sein của Myanmar, Choummaly Sayasone của Lào và Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam.

Vì thế trong ngày khai mạc hội nghị đã có hơn hai nghìn người, trong đó có người Mỹ gốc Việt, kéo về Sunnylands biểu tình phản đối, kêu gọi tự do dân chủ nhân quyền cho các dân tộc còn bị độc tài cai trị như ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Cũng như ba năm trước đây, khi Tổng thống Barack Obama tiếp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại nơi này ở miền nam California cũng đã có hàng nghìn người kéo đến biểu tình.

Chiều ngày 16/2, trong buổi họp báo kết thúc hội nghị Tổng thống Obama cũng chỉ lập lại quan điểm của Hoa Kỳ đã có từ trước là sẽ cho tàu chiến đi vào vùng biển và máy bay quân sự bay ngang không phận ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép và Hoa Kỳ hỗ trợ những quốc gia khác để đảm bảo tự do lưu hành trên biển cũng như trên không.

Sau khi ông Obama phát biểu, các phóng viên không ai đặt câu hỏi liên quan đến kết quả của hội nghị Mỹ-ASEAN vừa diễn ra mà chỉ hỏi về việc đề cử thẩm phán tối cao sắp tới, chính sách chống ISIS, vấn đề Nga Sô can thiệp vào Syria và cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra.

Kết quả của hội nghị là một Bản Tuyên bố chung 17 điểm nói nhiều về tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau theo luật quốc tế và theo các công ước Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia cam kết sẽ hợp tác với nhau trong tiến trình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, duy trì trật tự và ổn định trong vùng, cùng hợp tác chống lại các hoạt động khủng bố.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là căng thẳng trên biển thì bản tuyên bố không nhắc đến biển Nam Trung Hoa (người Việt gọi là Biển Đông) và cũng không nêu đích danh Trung Cộng mà chỉ đưa ra lời kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết những xung đột trong tinh thần hòa bình, theo đường lối ngoại giao, dựa trên căn bản luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.

Như thế dù hội nghị Mỹ-ASEAN năm nay được đặc biệt tổ chức lần đầu tiên tại Hoa Kỳ thì kết quả cũng không có gì khả quan hơn như những hội nghị trước đây ở Đông Nam Á trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, vì các nước ASEAN không có sự đồng thuận trong các phản ứng đối với Trung Cộng, còn Hoa Kỳ vẫn e dè, không muốn làm găng với Bắc Kinh vì quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước đã quá phụ thuộc vào nhau.

Có lẽ phải chờ đến năm tới, khi Hoa Kỳ và một số quốc gia trong ASEAN có những lãnh đạo mới và sau khi Toà án Trọng tài Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ở The Hague, Hà Lan công bố kết quả vụ kiện của Philippines liên quan đến chủ quyền Biển Đông, hy vọng khi đó sẽ có giải pháp rõ ràng hơn cho những xung đột trong khu vực.

Vấn đề mà người Việt, cũng như kiều dân từ những nước như Campuchia và Lào, quan tâm là nhân quyền và tự do dân chủ, bản tuyên bố chung cũng nhắc đến việc phát triển quyền con người qua việc cổ suý và bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do căn bản của người dân các nước thuộc khối ASEAN.

Trong cuộc họp báo, Tổng thống Barack Obama cũng đã nói rằng quyền tự do phát biểu, hoạt động xã hội dân sự phải được tôn trọng, nhà nước không thể giam tù những người bất đồng chính kiến và cần thiết lập hay phát triển cơ chế pháp trị (rule of law) tại các quốc gia thành viên.

Bùi Văn Phú

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt