Thương chiến Mỹ – Trung: Việt Nam trong thế trên đe dưới búa
Theo báo cáo của bộ Thương Mại Mỹ công bố ngày 03/07/2019, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng 36% so với cùng thời kỳ năm 2018, cao hơn cả khối lượng hàng hóa của Ấn Độ bán sang Hoa Kỳ. Nếu chỉ nhìn vào số liệu trên, Việt Nam thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Vậy Việt Nam giờ đây có nguy cơ rơi vào tầm ngắm của chính quyền Trump hay không? Đây là câu hỏi được Nhật báo Tài chánh Nhật Bản Nikkei nêu lên đúng vào lúc Mỹ đánh thuế hơn 400% vào mặt hàng thép Việt Nam bán sang thị trường Hoa Kỳ nhưng có xuất xứ Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuần trước, trên đường đến Osaka dự thượng đỉnh nhóm G20 mà Việt Nam là một trong những khách mời của nước chủ nhà Nhật Bản, tổng thống Donald Trump đã đe dọa: Việt Nam nhỏ hơn Trung Cộng nhưng “còn tệ hơn” cả Trung Cộng khi lợi dụng Hoa Kỳ.
Theo số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2017, trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Việt Nam đã lên tới 58.2 tỷ đô la, nhưng cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam nhiều hơn. Trong năm 2018, mức xuất siêu của Việt Nam đối với Mỹ lên tới gần 35 tỷ đô la.
Chính Donald Trump trong tháng 2 vừa qua khi đến Hà Nội dự thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên lần thứ hai đã cảm ơn nước chủ nhà nỗ lực thu hẹp thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ. Thế nhưng điều đó không ngăn cản Washington tháng 5 vừa qua đưa Việt Nam vào danh sách các nước bị nghi ngờ thao túng tiền tệ để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tại sao Mỹ bỗng dưng chuyển hướng tấn công về phía Việt Nam? Có nhiều yếu tố để trả lời câu hỏi này. Thứ nhất tổng thống Trump vừa chính thức bước vào cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, đàm phán về thương mại với Trung Cộng đã bị bế tắc trong hai tháng 5 và 6/2019.
Washington và Bắc Kinh mới chỉ đồng ý nối lại đối thoại sau G20 ở Nhật Bản, nhưng không chắc Tòa Bạch Ốc nhanh chóng ghi được những bàn thắng quan trọng với chính quyền của Tập Cận Bình. Do vậy, theo một số chuyên gia, Mỹ nhắm tới các đối tượng dễ khống chế hơn, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai là bản thân ông Trump luôn bị ám ảnh về mức thâm hụt của Hoa Kỳ với các đối tượng thương mại trên thế giới, bất luận đấy là những mối quan hệ đồng minh chiến lược như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc hay những nước láng giềng sát cạnh như là Canada và Mexico Trong tình hình như thế, không có lý do gì để Tòa Bạch Ốc “tha” cho Việt Nam.
Thứ ba là nhìn vào các con số thống kê, từ khi hai ông khổng lồ kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Cộng đương đầu với nhau trên mặt trận thương mại, các công ty ngoại quốc chuyển cơ sở sang Việt Nam, một số khác chuyển hàng sang Việt Nam, đóng nhãn hiệu của “Made in Việtnam” để từ đó bán sang Hoa Kỳ.
Chính quyền Hà Nội đã phải lên tiếng cam kết không để Việt Nam biến thành cửa ngõ cho phép bất kỳ một quốc gia nào lách thuế nhập khẩu của Mỹ. Nhưng có lẽ Washington chưa hài lòng với thiện chí đó của Việt Nam. Do vậy, đối với Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung kéo dài không hẳn là một điềm lành.
Đành rằng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển khi đầu tư nước ngoài tăng mạnh, chuyển hướng sang Việt Nam. Nhưng nếu chỉ đóng vai trò trung gian, hay tệ hơn nữa, chỉ là cánh cửa giúp hàng Trung Cộng, thép Đài Loan và Hàn Quốc thoát áp thuế nhập khẩu của Mỹ, thì sản xuất và xuất khẩu của chính Việt Nam sẽ không hưởng lợi được là bao.
Nghiên cứu gần đây của ngân hàng Mỹ – Bank of America –Merrill Lynch được công bố cách nay hai ngày cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng “đột ngột”, làm tăng mức nhập siêu của Mỹ. Thế nhưng, sự năng động trong hoạt động mậu dịch đó không hẳn là có lợi cho Việt Nam bởi vì từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, cán cân thương mại của Việt Nam đã “xấu đi thêm”: Việt Nam xuất siêu với Mỹ, nhưng thâm hụt mậu dịch với Trung Cộng lại tăng lên nhanh.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, một chuyên gia làm việc tại thành phố Sài Gòn cho rằng: 30 % nhập khẩu của Việt Nam là hàng của Trung Quốc để rồi từ Việt Nam xuất khẩu trở lại sang một thị trường thứ ba. Điều này lại càng củng cố thêm lập luận cho rằng, Việt Nam bị biến thành một trạm trung chuyển để Trung Cộng hay những quốc gia bị chính quyền Trump áp thuế vẫn bán được hàng sang Hoa Kỳ.
Bộ Thương Mại Mỹ áp thuế 456 % thép Việt Nam nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan bán sang Mỹ sau khi nhận thấy rằng, khối lượng thép Việt Nam bán sang Mỹ đã tăng lên gấp 9 lần kể từ khi Washington đánh thuế thép của Hàn Quốc và Đài Loan.
Ngoài công cụ áp thuế nhập khẩu mà Donald Trump thường sử dụng nhất để gây áp lực với các bạn hàng, Tòa Bạch Ốc đang hướng tới một công cụ khác, đó là viện cớ “thao túng tỷ giá hối đoái” để phạt các đối thủ của Hoa Kỳ. Chính quyền Washington đã thu hẹp các tiêu chuẩn quy định thế nào là “thao túng ngoại hối” và mở rộng danh sách các đối tác cần được theo dõi đang từ 12 lên thành 20 quốc gia.
Có thể nói xung đột mậu dịch Mỹ -Trung bắt đầu tác động đến Việt Nam và đối với nước này, “chơi” với Mỹ thật không đơn giản chút nào.
Thanh Hà (RFI)