Thương chiến Mỹ-Trung: Thấm đòn, Bắc Kinh nhượng bộ

Thép ống xuất khẩu chồng chất tại Liên Vân Cảng (Lianyungang), tỉnh Giang Tô (Jiangsu) ngày 08/12/2018. Mặt hàng thép của Trung Quốc bị Mỹ và châu Âu tố cáo là bán phá giá vì sản xuất thừa. REUTERS/Stringer

Les Echos hôm nay 12/12/2018 trong bài viết mang tựa đề “Chiến tranh thương mại: Bắc Kinh sẵn sàng nhượng bộ”, cho rằng Tàu Cộng có thể giảm mức thuế đánh vào xe hơi Mỹ, và sửa đổi một ít trong kế hoạch “Made in China 2025”.

Tờ Wall Street Journal cho biết Bắc Kinh có thể giảm thuế cho xe hơi Mỹ nhập khẩu từ 40% còn 15%. Phó thủ tướng Tàu Cộng Lưu Hạc (Liu He) dường như đã thông báo điều này cho Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin tối thứ Hai. Trong vòng thương lượng mới, Tàu Cộng có thể đề nghị nhập thêm sản phẩm Hoa Kỳ  nhất là nông sản, và có những thay đổi trong chính sách kinh tế.

Bắc Kinh sẵn sàng sửa đổi kế hoạch “Made in China 2025” – tập trung vào các lãnh vực như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo – vốn là một trong những điểm chính gây căng thẳng giữa hai nước. Hoa Kỳ thường xuyên tố cáo Tàu Cộng cạnh tranh bất chính và đánh cắp sở hữu trí tuệ, và Washington có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện những thay đổi này càng sớm càng tốt.

Tuy vậy phía Tàu Cộng vẫn chưa xác nhận những thông tin trên, bộ trưởng Thương Mại nước này chỉ nói chung chung là cuộc đàm phán nhằm “tiến nhanh sang giai đoạn mới, đưa ra một lộ trình”.  Hãng tin Bloomberg hôm qua nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa quyết định dứt khoát. Lưu Hạc sẽ sang Mỹ sau Tết dương lịch.

Các nhà quan sát tỏ ra thận trọng, vì đã nhiều lần, mỗi khi đôi bên tiến gần được một thỏa thuận, Bắc Kinh nói rằng sẽ nhượng bộ, nhưng trên thực tế chẳng có hành động gì cụ thể. Tổng Thống Donald Trump khi trở về từ hội nghị G20 ở Buenos Aires cũng đã loan báo về việc Tàu Cộng giảm thuế cho xe hơi Mỹ, nhưng trong ván bài xì phé này, cũng không loại trừ một sự quay ngoắt lại.

Chiến tranh thương mại: Bắc Kinh thấm đòn

Trong bài “Tăng trưởng: Chờ đợi xung quanh các biện pháp của Tàu Cộng”, tờ Les Echos nhận định để bù đắp những thiệt hại trong chiến tranh thương mại, Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục tái thúc đẩy nền kinh tế, và như vậy sẽ tạo tác động tích cực lên tăng trưởng của thế giới.

Lần đầu tiên, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vào tháng 10 không dự báo tăng trưởng, mà là…sụt giảm 3,7% cho năm nay và năm tới. Những bất định địa chính trị, thương chiến Mỹ-Trung, những xáo trộn tại một số nước đang phát triển đã khiến ngoại thương, sản xuất và đầu tư sụt giảm trên thế giới.

Hiện nay, trong chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Tàu Cộng thiệt hại nhiều hơn. Theo các nhà kinh tế của Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn ba (tăng 25% thuế lên 267 tỉ đô la hàng Tàu Cộng), Bắc Kinh có thể mất đến 1.2% GDP trong năm 2019, còn Mỹ cao lắm chỉ thiệt 0.2 đến 0.3% GDP.

Do vậy ông Donald Trump ít có lý do để nhẹ tay. Đó cũng là nguyên nhân khiến Tàu Cộng vội vã thỏa thuận hưu chiến với Hoa Kỳ tại G20, quay lại bàn đàm phán, cho dù đã lãnh một cái tát là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.

Cầm đầu nhóm kinh tế của Candriam, ông Anton Brender nhận định: “Bắc Kinh đã bị tấn công vào thời điểm tệ hại nhất, lúc họ vừa mới ngăn chận được đà tăng nợ công và bắt đầu kiểm soát tín dụng đen. Tàu Cộng không còn cách nào khác hơn là đành để cho nợ công lại tăng cao”.

Linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, giảm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân…những biện pháp này, theo Mathilde Lemoine, trưởng kinh tế gia của Edmond de Rothschild, không chỉ quan trọng đối với Tàu Cộng mà cả cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến giá nguyên vật liệu và sản xuất công nghiệp thế giới.

Một cuộc chiến kỳ lạ

Ở một góc nhìn khác, tác giả Philippe Escande trên Le Monde nhận định “Thương chiến Mỹ-Trung, một cuộc chiến kỳ lạ”.

Trong lúc Bắc Kinh kịch liệt phản đối vụ bắt giữ lãnh đạo Hoa Vi, thì tòa án Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến lại đứng ra xử vụ kiện giữa nhà sản xuất chip điện tử Qualcomm và tập đoàn Apple, cả hai tập đoàn công nghệ vi tính đầu của Mỹ đều có trụ sở ở California. Tòa đã cấm Apple bán hầu hết các loại iPhone tại Tàu Cộng. Thật là kỳ dị khi kẻ thù được mời đứng ra phân xử vụ tranh chấp giữa hai vị tướng !

Có thể phê phán hai Công Ty  Mỹ chẳng có mấy tinh thần ái quốc. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Cả Qualcomm và Apple đều sản xuất chủ yếu tại Hoa Lục, và số phận của họ cũng gắn với số phận của Tàu Cộng.

Điểm báo Tây Phương (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt