Thủ tướng Nhật bênh vực việc nới lỏng hạn chế về “quyền tự vệ tập thể”

Chính phủ bảo thủ ở Nhật Bản đang thực hiện một sự thay đổi quan trọng nhất trong việc diễn giải bản hiến pháp chủ hòa của nước họ kể từ khi văn kiện do Hoa Kỳ soạn thảo này được bắt đầu áp dụng cách nay 67 năm. Diễn tiến này đang tạo ra một phản ứng lẫn lộn ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở những nước từng chịu đau khổ vì sự xâm lăng tàn bạo của Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20.

Theo những luật lệ mới mà nội các Nhật chấp thuận ngày hôm nay, lực lượng tự vệ của nước này sẽ được phép hành sử “quyền tự vệ tập thể.”

Nhà lãnh đạo Nhật nói sự giải thích lại hiến pháp năm 1947 hoàn toàn không thay đổi các qui phạm của hiến pháp mà chỉ nói tới những biện pháp cần thiết tối thiểu để tự bảo vệ đất nước.

Phát biểu với báo chí ở Tokyo hôm nay, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói rằng có một sự ngộ nhận là những thay đổi đó có thể làm cho Nhật Bản phải tham chiến để giúp các nước khác. 

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng sự giải thích lại hiến pháp năm 1947 hoàn toàn không thay đổi các qui phạm của hiến pháp mà chỉ nói tới những biện pháp cần thiết tối thiểu để tự bảo vệ đất nước.

Trung Quốc đã lập tức bày tỏ sự chống đối 

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh phản đối việc Tokyo “cố tình ngụy tạo Trung Quốc như một mối đe dọa để phục vụ các mục đích chính trị quốc nội.”

Ông Hồng Lỗi nói rằng Nhật Bản phải tôn trọng các mối quan tâm về an ninh của những nước láng giềng, không xâm phạm chủ quyền quốc gia và an ninh của Trung Quốc, và không phương hại tới hòa bình và ổn định khu vực.

Các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở thủ đô Tokyo của Nhật và Seoul của Nam Hàn hồi đầu tuần này để phản đối việc nới lỏng những sự hạn chế đối với Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.

Cuộc biểu tình qui tụ từ 10,000 đến 40,000 người đã diễn ra trước văn phòng Thủ tướng ở Tokyo hồi tối thứ Hai 30/06. Một số người so sánh ông Abe với lãnh tụ Đức quốc xã Adolf Hitler. Những người khác đòi nhà lãnh đạo Nhật không được “hủy hoại” hiến pháp.

Một sinh viên Nhật biểu tình, anh Jinishiro Motoyama, cho rằng quyết định của ông Abe có thể là bước đầu để quay lại với chủ nghĩa quân phiệt.

“Đây là một sự thay đổi quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Đây không phải là một đường lối tốt đẹp hay khôn ngoan. Nếu ông Abe thay đổi Điều 9 hiến pháp, chúng tôi không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra với nội các sắp tới hoặc trong tương lai.”

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày sau khi một người đàn ông trung niên tự thiêu bên ngoài một trạm xe lửa ở thủ đô Tokyo sau khi hô to những khẩu hiệu phản đối việc sửa đổi hiến pháp.

Hôm nay, mấy mươi người Nam Triều Tiên cũng tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Seoul.

Những người này đòi Thủ tướng Abe hủy bỏ việc thu hồi lệnh cấm về quyền tự vệ tập thể.  

Một số người Nam Triều Tiên khác cho rằng nên có một phản ứng thận trọng hơn, trong đó có ông Park Hwee Rhak, giáo sư chính trị học của Đại học Kookmin ở Seoul. Ông nói rằng Nam Triều Tiên và Nhật Bản có “mối quan hệ đồng minh gián tiếp” vì hai nước đều có căn cứ của Mỹ để hỗ trợ cho công cuộc phòng thủ. Ông nói rằng điều này có nghĩa là Seoul sẽ phải hợp tác với Tokyo trong trường hợp Nam Triều Tiên bị Bắc Triều Tiên tấn công.

Ông Park nói rằng Nam Triều Tiên không nên có cái nhìn mà ông gọi là “cảm tính” đối với quyết định của Nhật. Ông cho rằng Nam Triều Tiên nên yêu cầu Nhật Bản cam kết không theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt hoặc bành trướng lãnh thổ trong tương lai để đổi lấy sự chấp nhận của Seoul về quyền tự vệ tập thể.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, Noh Kwang Il, cho báo chí biết rằng việc hành sử quyền tự vệ tập thể của Nhật, ảnh hưởng tới an ninh và lợi ích quốc gia trên bán đảo Triều Tiên, “không thể được chấp nhận nếu không có sự yêu cầu hay đồng ý của Nam Triều Tiên.”

Ông Jefferey Hornung, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nói rằng sự giải thích mới của chính phủ Nhật Bản sẽ được Ngũ giác đài đặc biệt hoan nghênh.

“Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh việc này – chắc chắn là như vậy, vì lâu nay nước Mỹ vẫn muốn đồng minh Nhật Bản đóng góp nhiều hơn.”

Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF) trong cuộc tập trận ngoài khơi đảo Amami Oshima.

Nếu có sự tán thành của các nhà lập pháp Nhật, quyết định của nội các sẽ cho phép lực lượng vũ trang Nhật giải cứu binh sĩ nước ngoài hoặc nhân viên Liên hiệp quốc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong trường hợp những người đó bị tấn công. Và các lực lượng của Nhật cũng sẽ được phép sử dụng thêm nhiều loại vũ khí. Tuy nhiên, chính phủ nói rằng sự sửa đổi này vẫn không cho phép phái binh sĩ Nhật đến chiến trường.

Những sự thay đổi này cần có sự chấp thuận với đa số quá bán của cả hai viện quốc hội. Đảng Tự Do Dân chủ của Thủ tướng Abe đang chiếm thế đa số ở Hạ viện và nắm quyền kiểm soát Thượng viện nhờ có sự hỗ trợ của một đối tác liên minh.

Những cuộc thăm dò do các cơ quan truyền thông Nhật ủy thác thực hiện trong tuần qua cho thấy ít nhất phân nửa dân chúng trong nước không muốn Nhật Bản theo đuổi một đường lối có tính chất chủ động hơn trong lãnh vực quân sự.

Nhật báo Asahi Shimbun có lập trường trung tả cho rằng một sự thay đổi quan trọng như vậy phải được thực hiện thông qua thủ tục tu chính hiến pháp, chứ không thể dựa trên cách giải thích mới của chính phủ. Báo này nói rằng cách tiếp cận của ông Abe là “một tấn tuồng kỳ quặc.”

Tờ Trung Quốc Nhật báo, trong một bài bình luận hồi tháng 6, nói rằng “các nước trong khu vực cần phải cảnh giác trước những hành động của ông Abe vì Nhật Bản là nước duy nhất đã gây ra những sự tổn hại cực kỳ to lớn cho các nước láng giềng qua hành vi xâm lăng quân sự trước và trong Thế chiến thứ Hai.

Hôm nay là kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, là lực lượng thay cho Quân đội Thiên hoàng đã bị phe Đồng minh giải thể.

Tin VOA

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt