Thông điệp Mỹ-Ấn gởi Trung Quốc: Đừng khuấy động Biển Đông
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của tân thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lần đầu tiên tỏ ra thân thiện và đứng chung một lập trường bảo vệ Biển Đông. Mặc dù không nêu rõ tên Trung Quốc trong bản Tuyên Cáo Chung, nhưng những ý tưởng của bản tuyên bố đều nhắm vào những hành động xâm lược và khiêu khích trên vùng Biển Đông của Trung Cộng đối với các nước Đông Nam Á…Dưới đây là những điểm chính và căn bản của bản Tuyên Cáo Chung Mỹ-Ấn ký kết hôm 30/09/2014.
Bắc Kinh từng hy vọng là do những bất đồng căn bản, Ấn Độ sẽ không liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lãnh vực an ninh chiến lược. Hy vọng này như đã tan biến sau chuyến công du nước Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc. Trong bản thông cáo chung Mỹ-Ấn, công bố hôm 30/09/2014 sau cuộc họp thượng đỉnh Obama-Modi, hai bên đã xác nhận rất nhiều điểm tương đồng chiến lược, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông, một lời nhắn nhủ rõ ràng đối với Trung Quốc.
Điểm thu hút sự chú ý đầu tiên khi xem xét bản thông cáo chung Mỹ-Ấn vốn rất dài, là mối quan tâm rất lớn của hai nhà lãnh đạo đến quan hệ hợp tác trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Yếu tố có thể nói là nổi bật là cả hai bên đã nêu đích danh Biển Đông là một khu vực đang gây quan tâm và lo ngại.
Trong phần nói về các vấn đề toàn cầu và khu vực đã được hai bên thảo luận, hai ông Barack Obama và Narendra Modi đã xác nhận là cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều cho rằng cần phải bảo vệ hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Cần bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không, “đặc biệt ở Biển Đông”
Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã : “Bày tỏ quan tâm và lo ngại về việc căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải đang gia tăng, và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông”.
Theo bản thông cáo chung, Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Mỹ đã “kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa dùng võ lực trong việc thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền…, kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.
Chuyên gia phân tích Ankit Panka, trên báo mạng The Diplomat số ra hôm nay, 02/10/2014, đã nhận xét một cách chính xác rằng với bản Thông cáo chung Mỹ-Ấn này, đây là lần đầu tiên cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ cùng nhau tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Ankit Panka, điều này cũng dễ hiểu vì từ khi Thủ tướng Modi lên cầm quyền ở New Delhi, Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Quyết tâm dấn thân vào Biển Đông cũng được New Delhi thường xuyên khẳng định, mà ví dụ gần đây nhất là bản Thông cáo chung ký kết giữa Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee với đối tác Việt Nam.
Theo chuyên gia Ankit Panka, dù không được nêu tên, nhưng đối tượng được kêu gọi chính là Trung Quốc. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, nước này thường xuyên bị tố cáo là đã có những hành động quyết đoán, thô bạo, bất chấp luật quốc tế, để ép buộc các nước tranh chấp khác tại Biển Đông là phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Mỹ-Ấn quyết định tăng cường hợp tác song phương và tay ba với Nhật
Không chỉ kêu gọi suông, hai lãnh đạo Mỹ-Ấn còn quyết định tăng cường hợp tác để bảo đảm tốt quyền tự do hàng hải. Bản Thông cáo chung đúc kết cuộc thảo luận Obama-Modi nêu rõ :
“Các lãnh đạo quyết tâm tăng cường hợp tác trong lãnh vực an ninh trên biển để đảm bảo quyền tự do hàng hải và quyền vận chuyển đường biển và giao thương hợp pháp mà không bị cản trở, theo các nguyên tắc được chấp nhận của luật pháp quốc tế”.
Một cách cụ thể hơn, để đạt được mục tiêu trên, Mỹ và Ấn Độ sẽ xem xét khả năng tăng cường năng lực của Hải quân Ấn Độ về mặt công nghệ, đồng thời tăng cường các cuộc tập trận song phương Malabar hiện hữu.
Trong một hành động dứt khoát sẽ làm cho Trung Quốc không vui, hai ông Obama và Modi đã quyết định là sẽ nâng cấp cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Ấn-Nhật. Cuộc đối thoại tay ba này sắp tới đây có thể được nâng lên hàng Ngoại trưởng.
Trọng Nghĩa (RFI)