THÔNG ĐIỆP CỦA KEN BURNS VÀ LYNN NOVICK QUA 10 ĐOẠN PHIM VỀ “CHIẾN TRANH VIỆT NAM”

Bài viết này có mục đích tìm hiểu thông điệp của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick qua 10 đoạn phim về Chiến Tranh Việt Nam được trình chiếu trên đài PBS trong hai tuần vừa qua, nhưng không đi vào chi tiết của những đoạn phim mà chỉ đưa ra một cái nhìn tổng thể để phân tách cấu trúc chiều sâu của bộ phim. Sau phần tìm hiểu thông điệp là phản biện lập luận của hai nhà đạo diễn này.

Cuốn phim 10 đoạn này bao gồm một số lượng rất lớn tài liệu về chiến tranh Việt Nam được đúc kết và dàn dựng theo một cấu trúc nhằm đánh nổi hai tiền đề: sự phi lý và tính vô luân của cuộc chiến. Hai tiền đề này là nền tảng luận lý cho những những mục đích sau đây:

– Công nhận và thông cảm sự tủi nhục và niềm đau của những cựu chiến binh Hoa Kỳ và gia đình của họ;

– Đưa ra quan điểm là người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc;

– Kết án chính quyền Mỹ đã thực hiện một chính sách hoàn toàn sai lầm về cuộc chiến Việt Nam đưa đến những hệ quả đau thương cho nhân dân của cả hai nước, Mỹ và Việt Nam;

– Sau cùng là biện luận cho một chính sách hoà hợp hoà giải vì sau những đau thương đó, người từ hai chiến tuyến đã nhận chân ra được là ai cũng đầy ắp tình người.

Hai tiền đề và bốn mục đích nêu trên chính yếu chỉ được gửi đến cho khán thính giả người Mỹ.

Tiếp theo sau đây, tác giả bài viết khai triển những tiền đề và mục đích nêu lên để làm sáng tỏ thông điệp của hai nhà đạo diễn.

Về khán thính giả

Khoảng 90% những cảnh dàn dựng trong 10 đoạn phim đều nói về người Mỹ. Đất nước Việt Nam, chính quyền miền Nam, cũng như quân đội miền Nam chỉ được dùng như một hậu cảnh. Hầu như tất cả những luận điểm trình bày đều nhắm đến người Mỹ.

Về hai tiền đề, phi lý và vô luân, của cuộc chiến tranh

Cuộc chiến tranh việt Nam được minh chứng như là một hiện tượng phi lý vì:

Đất nước Việt Nam cách xa nước Mỹ cả 10,000 dặm. Người dân Việt Nam chỉ muốn sống yên ổn, không động chạm đến quyền lợi của nước Mỹ. Vậy thì hà cớ gì nước Mỹ lại đưa quân vào xâm chiếm Việt Nam và giết hại người Việt Nam; người lính Mỹ không biết tại sao họ đánh giặc và đánh giặc với mục đích gì trong lúc họ đổ máu cho miền Nam Việt Nam thì chính quyền miền Nam thối nát, tham nhũng; quân lính miền Nam thì hèn nhát, bất lực, không có khả năng đánh giặc;

Trong lúc người lính Mỹ chết cho miền Nam Việt Nam thì người Mỹ  phục vụ tại miền Nam Việt Nam đều cảm nhận là tất cả mọi người Việt Nam, Bắc cũng như Nam Việt Nam, đều ghét bỏ người Mỹ;

Trong khi không ai cắt nghĩa được lý do người Mỹ phải chiến đấu ở việt Nam, thì điều phi lý là cuộc chiến đã giết đi hơn 58,000 người Mỹ và khoảng 3,000,000 người Việt, chưa kể không biết bao nhiêu người tàn phế, thương tật cả thể xác lẫn tâm thần cùng ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với các gia đình của họ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam vô luân vì

Chính quyền Mỹ đã lừa dối nhân dân Mỹ về sự thật của cuộc chiến. Một vài ví dụ điển hình là tổng thống Johnson đưa quân vào Việt Nam mà không cho dân Mỹ biết; Nixon ra lệnh thả bom tại Cao Miên cũng không cho dân Mỹ biết; Nixon tuyên bố với nhân dân Mỹ trận Hạ Lào là một thành công của kế hoạch Việt Nam hoá chỉ với mục đích để thắng cử trong lúc thực sự trận chiến Hạ Lào là một thất bại nặng nề; Nixon hứa sẽ can thiệp nếu Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, v.v…

Cấp tướng, tá Mỹ đã nói láo và lừa dối chính quyền Mỹ. Ví dụ sĩ quan cao cấp nhìn thấy vụ Mỹ Lai nhưng tảng lờ không báo cáo; các tướng chỉ huy các trận chiến ở Việt Nam phúc trình sai lạc về kết quả của các trận đánh.

Quân lính Mỹ ăn cắp đồ tiếp viện cho quân đội Mỹ đem ra bán tràn ngập thị trường miền Nam tạo nên một sự phồn thịnh giả tạo tại các thành thị thúc đẩy gái quê về thành phố làm gái giang hồ.

Cuộc chiến tranh, ngoài việc giết đi – không có lý do chính đáng — trên 58,000 quân nhân Hoa Kỳ và khoảng 3,000,000 lính Việt Nam, kể cả Nam và Bắc, và không biết bao nhiêu là thường dân vô tội bao gồm cả đàn bà lẫn con nít, nhất là ở những vùng gọi là “vùng hoả lực tự do” (free fire zones), để tính vào con số thống kê như là những thành công về quân sự. Những hình ảnh quân nhân Hoa kỳ chết được bỏ vào bao (body bags) la liệt; những cảnh banh thây, cụt tay, mất chân của quân nhân Mỹ đầy dẫy. Xác lính cộng sản miền Bắc lẫn lộn với xác dân phơi tràn đầy chiến trường, chất thành đống như súc vật. Nhất là cảnh thảm sát ở Mỹ Lai được trình chiếu nhiều lần. Ngoài những người đã chết, còn hằng hà sa số những thương binh tàn phế, thương tật còn chịu ảnh hưởng tác hại về tâm thần cũng như tác hại tiêu cực đối với gia đình họ. Cái vô luân là ở chỗ tất cả những tang thương đó đều không có cơ sở để biện minh.

Mục đích của việc nêu lên sự phi lý và vô luân của cuộc chiến là để:

Công nhận và thông cảm niềm đau của quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh một cách vô ích trong cuộc chiến. Đa số những thanh niên Mỹ nhập ngũ – theo sự trình bày của bộ phim – là người da đen hoặc những thành phần thuộc những gia đình nghèo. Họ không hiểu được lý do tại sao họ phải đánh giặc ở Việt Nam. Họ chỉ biết đau khổ và rơi nước mắt khi người bạn của họ đang ăn uống, nô đùa với họ hằng ngày bỗng nhiên phải chết đi một cách đột ngột.  Và câu chuyện này cứ liên tục xảy ra mỗi ngày, ngày này qua ngày khác suốt 13 tháng phục vụ của họ. Gia đình của họ theo dõi cuộc chiến từng ngày, nơm nớp lo sợ người đưa tin xấu. Những binh sĩ trở về có nhiều người mang thương tật thể xác cũng như tâm thần như là những hội chứng hậu chiến tranh mà phải âm thầm chịu đựng vì lúc đó nhân dân Hoa Kỳ, cũng không thấy lý do chính đáng cho cuộc chiến, đã chống chiến tranh và gọi họ là những tội phạm chiến tranh chuyên giết trẻ con (baby killers). Ngay những sĩ quan vừa tốt nghiệp, mặc dù hăng say xung phong tham chiến ở Việt Nam vì họ nghĩ là họ phục vụ quốc gia họ, nhưng họ cũng không hiểu rõ lý do tại sao họ phải tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người đã thất vọng và trở nên phản chiến vì cảnh chết chóc tàn bạo mà họ đã tận mắt chứng kiến. Những hình ảnh tang thương được trình bày trong bộ phim cũng như những phát biểu đầy xúc động của những người được phỏng vấn đã tạo được một sự thông cảm sâu xa đối với những quân nhân này. Mục đích của những đoạn phim là giải toả sự ấm ức của họ qua dòng nước mắt thông cảm tình tự.

Tiếp đến là để đưa vào tiềm thức khán thính giả việc bỏ rơi miền Nam là một việc làm đúng đắn, hợp lý, và có đạo đức, không có gì phải mang mặc cảm tội lỗi như một số người đã từng suy nghĩ. Biện luận cho quan điểm thầm kín này là nước Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc. Quan điểm này có nghĩa là lẽ ra nước Mỹ phải chọn miền Bắc làm đồng minh của mình và cũng hiểu ngầm là chính quyền và nhân dân miền Nam phải là kẻ thù của người Mỹ mới đúng. Những đoạn phim đều tản mạn ý tưởng miền Bắc thực sự đã đấu tranh cho một lý tưởng; lính miền Bắc kiên trì, can đảm, có kỷ luật. Còn lính miền Nam thì hèn nhát, bất lực, không có khả năng chiến đấu và chính quyền thì tham nhũng, thối nát.

Chứng minh là nhân dân Hoa Kỳ bao gồm cả khoảng 2 triệu quân nhân đã từng luân phiên tham chiến ở Việt Nam chỉ là những nạn nhân vô tội, là những con dê tế thần của chính sách vô nhân đạo của chính quyền Mỹ đã lừa dối, gạt gẫm người dân Hoa Kỳ để thoả mãn những quyền lợi kinh tế và chính trị của tập đoàn lãnh đạo. Giới tài phiệt làm giàu vì cung cấp quân nhu, quân dụng, võ khí, đạn dược, xe tăng, máy bay, dầu và những tiện nghi khác cho quân đội Hoa Kỳ. Hãy tưởng tượng chỉ những vật dụng đánh cắp từ các kho hàng quân đội cũng đủ tràn ngập thị trường miền Nam. Các chính trị gia thì đưa ra những chính sách chỉ nhằm mục đích đắc cử, một mục đích quan trọng hơn cả sinh mệnh của toàn dân miền Nam.

Chứng minh giá trị của tình người sau khi cuộc chiến tranh được gọi là phi lý và vô luân đã chấm dứt. Cảnh thanh bình ở Việt Nam được trình chiếu. Những cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam gặp những cựu chiến binh CSVN và cả hai bên đều ý hội được là cuộc chiến thật là phi lý; ý hội được là dù là người Mỹ hay người Việt Nam cộng sản đều cũng có dòng máu chảy trong người, đều có trái tim, đều biết khóc nức nở cho những người bạn đã nằm xuống. Họ đã ôm nhau trong một niềm thông cảm đầy ắp tình người mặc dù họ không hiểu tiếng của nhau và thực ra, họ không cần phải nói một lời nào cả. Đỉnh điểm của toàn bộ 10 đoạn phim là một lời kêu gọi, “Tha Thứ và Hoà Hợp Hoà Giải” [Forgiveness and Reconciliation].

PHẢN BIÊN NHỮNG ĐỀ CƯƠNG CỦA 10 ĐOẠN PHIM “CHIẾN TRANH VIỆT NAM” CỦA KEN BURNS VÀ LYNN NOVICK

Trước tiên, xin đề cập sơ qua đến việc hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick chỉ nhắm đến khán thính giả người Mỹ suốt toàn bộ phim 10 đoạn được trình chiếu trong 18 tiếng đồng hồ trên đài truyền hình PBS. Nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam chỉ được dùng như một hậu cảnh với một số thời giờ rất giới hạn. Và khi cuốn phim nói đến nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam, người ta chỉ nghe thấy phần lớn là những điều tiêu cực đáng ghét. Thái độ này không những vừa chối bỏ sự thật vừa nhục mạ nhân dân, quân đội, và chính quyền miền Nam đã cùng chung vai thích cánh chiến đấu bên cạnh những quân nhân Hoa Kỳ, vừa nhục mạ hơn 1 triệu rưỡi người miền Nam đã liều mạng sống vượt biên, vượt biển để tránh sự hà khắc, gian ác của chế độ độc tài cộng sản. Đa số những người này đã định cư tại Hoa Kỳ và đang đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực, khoa học, y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị, và quân sự. Đã có rất nhiều tướng, tá người Mỹ gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ. Nhiều khoa học gia đóng góp đáng kể trong lãnh vực quân sự như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, trong các chương trình không gian NASA như khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh và rất nhiều người khác nữa.

Sau đây là phần phản biện về hai tiền đề then chốt của bộ phim.

Lý Do Người Mỹ Tham Chiến ở Việt Nam

Có phải người Mỹ tham chiến ở việt Nam là phi lý vì không có lý do chính đáng cho cuộc chiến hay không?

Thưa không phải. Trên mặt chính thức, chính quyền Mỹ sau Đại Chiến II sợ rằng Cộng Sản quốc tế dưới sự lãnh đạo của Nga và Tàu một khi đã xâm chiếm được Việt Nam thì sẽ tiến dần xuống toàn cõi Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Lào, Kampuchia, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indosesia, v.v…và có thể lan tràn xuống cả Tân Tây Lan, Úc theo lý thuyết domino. Và như thế cộng sản quốc tế sẽ thắng phe tự do về ảnh hưởng địa chính cũng như quyền lợi kinh tế của Mỹ liên hệ đến giao thương ở Thái Bình Dương. Đó là chưa nói đến giả thuyết về sự cấu kết giữa quân sự và kỹ nghệ (Military-Industrial Complex) với mục đích làm giàu cho giới tài phiệt bằng cách cung cấp quân nhu, quân dụng, võ khí, đạn dược, dầu xăng, xe tăng, máy bay cũng như những tiện nghi khác phục vụ cho hơn 2 triệu quân nhân Mỹ luân phiên tham chiến ở việt Nam. Những lý do này có chính đáng hay không là vấn đề của người Mỹ. Trong thế giới tự do tư bản ngày nay, thực tế cho biết là nước Mỹ không tham chiến vì mục đích lý tưởng hay vì đồng minh mà chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ mà thôi. Nhưng quyền lợi của nước Mỹ là lý do người Mỹ chiến đấu ở Việt Nam. Do đó, với bất cứ giá nào, chính quyền Mỹ cũng phải quyết định tham chiến. Quân nhân và sĩ quan Mỹ không biết được lý do tham chiến là vì, hoặc huấn luyện quân sự của Mỹ không có phần huấn luyện chính trị hoặc chính quyền Mỹ không muốn cho họ biết lý do. Cũng có thể là người lính Hoa Kỳ biết rõ lý tưởng cao đẹp là họ bảo vệ tự do cho nhân dân miền Nam, nhưng kỹ thuật dàn dựng bộ phim đã biến họ thành những tác nhân vô ý thức. Không có gì chứng minh là quân nhân Hoa Kỳ không biết lý do cao đẹp bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Nếu họ không biết thì tại sao các cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay vẫn hãnh diện mang nhãn hiệu của lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Còn nhân dân miền Nam Việt Nam thì hiểu rất rõ tại sao họ phải chiến đấu; họ chiến đấu là vì họ hiểu được sự độc tài, gian ác của cộng sản và họ muốn bảo vệ tự do của họ. Họ không muốn người cộng sản áp đặt lên họ một chính sách tàn ác, vô nhân đạo. Hơn 1,000,000 người dân miền Bắc đã chạy trốn chế độ cộng sản khắc nghiệt và di cư vào miền Nam năm 1954 là một bằng chứng cụ thể chứng minh điều này. Và người dân miền Nam Việt Nam tin tưởng là nước Mỹ giúp miền Nam Việt Nam bảo vệ lý tưởng tự do cao đẹp đó. Nếu người Mỹ và cựu quân nhân Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm này và thành tâm bảo vệ quan điểm đó thì việc tham chiến của quân đội Hoa Kỳ thực sự đã có một lý do thật chính đáng, chứ không phải là phi lý.

Cuộc chiến Việt Nam có mang tính vô luân hay không?

Trên thực tế, không có cuộc chiến tranh nào là hợp đạo đức cả nếu chỉ nhìn bề mặt đau thương của sự giết chóc. Trong lịch sử của 11 cuộc Thánh chiến chính có mục đích là bảo vệ đất thánh, nhưng bảo vệ đất thánh chỉ là một chiêu bài. Thực tế cho biết những vị lãnh đạo những cuộc Thánh chiến đa phần là những hoàng tử không có quyền thừa kế nên đã tham gia cuộc chiến với mục đích cướp của để làm giàu và xâm phạm tiết hạnh phụ nữ. Hiện tại, jihadism cũng nhân danh Allah để tàn diệt kẻ tà đạo (infidel) mà theo tiêu chuẩn của họ là hợp đạo lý. Hãy thử thẩm định lại tính đạo đức của những cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq, Lybia, Syria: Bao nhiêu người bao gồm cả những người dân vô tội, đàn bà, con nít, đã chết đi mà không hề biết tại sao mình phải chết. Họ đã chết cũng vì các cường quốc tranh giành ảnh hưởng địa chính và quyền lợi chính trị và kinh tế của giai cấp thống trị.

Đồng ý là cuộc chiến Việt Nam đã gây thiệt hại nhiều nhân mạng của quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam, bao gồm cả những người lính miền Bắc cũng như trong Nam và vô số thường dân vô tội, cũng như bất cứ cuộc chiến tranh nào khác.

Tranh ảnh về chiến tranh thường gây xúc động mạnh. Trong  cuộc chiến Việt Nam, có lẽ bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp, do Eddie Adams chụp đã gây chấn động và bất mãn nhất trên thế giới. Ác nghiệt thay là một bức hình thường không nói hết câu chuyện. Thực ra, lý do làm tướng Loan bắn Bảy Lốp là vì ngay tối hôm trước y đã giết một sĩ quan cảnh sát cùng vợ và 3 đứa con nhỏ của ông ấy mà sáng hôm sau chính tướng Loan đã tận mắt chứng kiến cảnh chết chóc thảm thương này và Bảy Lốp còn tuyên bố là rất hãnh diện đã làm chuyện đó. Theo Điều 4 của Thoả Ước Genève 1949 thì hành động hành quyết của tướng Loan hợp pháp vì Bảy Lốp không mang quân phục, không mang một nhãn hiệu nào minh chứng mình là quân đội mà đã tàn sát sĩ quan VNCH và thường dân vô tội thì quân luật cho phép trừng trị, bao gồm cả hành quyết (summary execution) như tướng Loan đã làm. Chính Eddie Adams cũng đã xin lỗi tướng Loan tại Washington, D.C. và trở thành một người bạn thân của tướng Loan.

Nói về lý do của cuộc chiến tranh thì lý do chiến đấu của nhân dân miền Nam thật là chính đáng và bất khả cưỡng vì đó là một cuộc chiến tự vệ. Người miền Nam việt Nam tin tưởng là chính quyền Mỹ và nhân dân Mỹ cũng cùng có một lập trường như nhân dân miền Nam trong quan điểm lý tưởng cao đẹp là bảo vệ tự do. Nhân dân miền Nam chỉ chống lại sự xâm lăng của chính quyền cộng sản độc tài muốn áp đặt một thể chế kinh tế và chính trị võ đoán và ác độc. Họ không có ý đồ xâm lăng miền Bắc như chính quyền miền Bắc đã thực sự xâm lăng và cưỡng chiếm miền Nam. Họ chỉ muốn bảo vệ cuộc sống hài hoà và sự tự do của họ và họ tin tưởng là đồng minh Hoa Kỳ cũng giúp đỡ họ bảo vệ sự tự do này. Chiến đấu để bảo vệ tự do là chiến đấu để bảo vệ quyền sống, quyền con người. Không thể không chiến đấu trong trường hợp này được vì không chiến đấu là tự huỷ, và cuộc chiến đấu hoàn toàn thuận với đạo lý, không thể là vô luân được.

Bàn về mục đích do Ken Burns và Lynn Novick đề ra

Bẻ gãy hai tiền đề, sự phi lý và vô luân của cuộc chiến tranh, là đánh đổ nền tảng luận lý  của bốn mục đích mà Ken Burns và Lynn Novick đã đề ra vì những mục đích đề ra chỉ là những hệ luận của hai tiền đề phi lý và vô luân.

Tuy nhiên để làm sáng tỏ vấn đề, về mục đích thứ nhất thì thực ra không cần ai phải lặp lại sự tủi nhục của cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam cũng như không cần ai phải nêu lên sự thông cảm đối với họ. Bao nhiêu là sách vở và tài liệu của các học giả hiện nay cũng như của chính những cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam đã rửa sạch mối nhục đó, đã hàn gắn những vết thương tinh thần của họ, và đã biến họ từ mặc cảm của những tội phạm chiến tranh thành những anh hùng đầy kiêu hãnh.

Mục đích điều hướng tư duy của người Mỹ vào việc chấp nhận lập trường cho rằng người Mỹ đã chọn lầm phe để đánh giặc là một mục đích chứng tỏ sự thiếu sức mạnh trí tuệ của người đề ra trong tiến trình suy tư. Lý do nêu ra cho lập trường này là (1) người lính miền Bắc Việt Nam chiến đấu vì lý tưởng yêu nước, kiên trì, can đảm, và có kỷ luật còn người lính miền Nam thì hèn nhát, không có khả năng chiến đấu, (2) tại miền Bắc Hồ chí Minh là người tài giỏi có lý tưởng yêu nước trong lúc lãnh đạo miền Nam tham nhũng, thối nát, và (3) tất cả người Việt bao gồm cả người miền Nam đều ghét người Mỹ.  Do đó, quan điểm của phim Chiến Tranh Việt Nam là người Mỹ đã chọn lầm phe. Quan điểm này đưa đến loại suy tất yếu như sau: (1) CS miền Bắc lẽ ra phải là đồng Minh của Mỹ và (2) hệ luận tất nhiên là nhân dân cũng như chính quyền miền Nam phải là kẻ thù của người Mỹ.

Lập trường này chứng tỏ sự thiếu sức mạnh trí tuệ ở chỗ Ken Burns và Lynn Novick không hiểu được chính sách tuyên truyền với mục đích ngu dân (obscurantism) của chế độ miền Bắc. Người miền Bắc phát biểu đầy tính lý tưởng bởi vì họ được nhồi sọ như vậy. Họ được nhồi sọ một cách dối trá là Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam, người Mỹ là những quái vật ăn thịt người và hãm hiếp phụ nữ, người lính miền Nam Việt Nam chỉ là những người lính đánh thuê. Do đó họ được nhồi sọ là phải giải phóng người dân miền Nam. Thực tế cho thấy là khi chạm trán với lực lượng Mỹ và quân đội miền Nam, người lính cộng sản rất khiếp sợ, nhưng liều mạng xung phong là con đường sống duy nhất đối với họ. Ken Burns và Lynn Novick không biết là trong cuộc tổng tấn công Mậu thân Huế những thanh niên cộng sản đã xử bắn trên 2005 người dân vô tội tại một trường tiểu học ở Gia Hội rồi vùi dập họ trong những hố do chính những nạn nhân đào cho mình. Ngay sau đó, những thanh niên này tự nhiên, vui vẻ cùng nhau đá cầu như không có chuyện gì xảy ra. Trong cuộc chiến mùa hè đỏ lửa, CSVN đã tàn ác xích chân cứ  4, 5 đứa trẻ con từ 14 đến 16 tuổi vào một ổ súng máy để chúng không có cơ hội chạy thoát vì sợ, khi lâm chiến. Khi vào miền Nam người cộng sản đã thấy rõ là chính quyền cộng sản đã dối gạt họ: người miền Nam tự do và giàu có hơn người miền Bắc rất xa. Nhưng họ không đối kháng được, ngoại trừ những trường họp lẻ tẻ, vì họ đã bị điều kiện hoá để không thoát được cảnh áp bức thương đau (unavoidance conditioning) trong một thời gian rất lâu.

Về việc khả năng chiến đấu của người lính CH miền Nam cũng được đánh giá sai lạc. Toàn bộ cuốn phim chỉ mô tả cảnh người Mỹ đánh giặc và hiểu ngầm là lính miền Nam không đánh giặc vì hèn nhát và không có khả năng. Vậy tại sao bỗng nhiên lính Việt Nam  Cộng Hoà lại chống giữ được miền Nam từ 1969 đến 1975 sau khi Mỹ đã rút lui hơn  60% toàn bộ quân lính năm 1969. Tại sao họ có thể đẩy lui được địch quân trong cuộc tổng tấn công quy ước trên toàn lãnh thổ miền Nam năm 1972, mặc dù người Mỹ cho rằng nếu không có sự hỗ trợ không lực của Mỹ thì miền Nam sẽ thua? Vậy tại sao tại Ấp Bắc, Bình Giả, Ia Drang, Dak Tô, oanh tạc của Mỹ cũng dữ dội mà lính Mỹ vẫn thua trong lúc quân đội Việt Nam lại đẩy lui được cuộc tổng tấn công trên toàn cõi miền Nam và tái chiếm được tiền đồn Quảng Trị? Tại sao bỗng nhiên lại có vụ tử thủ của anh hùng Lê Văn Hưng tại An Lộc? Tại sao miền Nam vẫn trụ được mãi cho đến tháng 4-75 sau khi Mỹ đã rút toàn bộ quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973 và quân đội VNCH hoàn toàn thiếu đạn dược, xăng nhớt trong lúc miền Bắc được 350,000 quân Tàu chống lưng cùng với vô số vũ khí đạn dược tối tân được tiếp viện từ Trung cộng và Nga? Tại sao trong tình trạng đó lại vẫn có tướng anh hùng Lê Minh Đảo tử thủ Xuân Lộc trong những ngày cuối của tháng 4-75? Tại sao quân đội miền Nam Việt Nam hèn nhát, bất lực, không có khả năng chiến đấu mà tướng H. Norman Schwarzkopf, vị chỉ huy anh hùng trong chiến trận Iraq khi còn làm cố vấn quân sự cho Quân Đoàn I của VNCH, đã từng tuyên bố tướng Ngô Quang Trưởng là bực thầy của ông. Không có một lý do nào cắt nghĩa được một quân đội yếu, hèn nhát, bất lực, thiếu khả năng lại trở nên anh dũng trong một thời gian chớp nhoáng như thế.

Quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh trước tiên là một người quốc gia yêu nước; thứ đến mới là một người cộng sản. Thực tế là nhan nhãn tài liệu ngày nay đã chứng minh rõ ràng Hồ Chí Minh là một đệ tử trung thành của Đệ Tam Quốc Tế với một tư cách bỉ ổi đối với phụ nữ, và tàn ác đối với nhân dân, đặc biệt trong vụ cải cách ruộng đất, nhất là vụ đấu tố và xử tử bà Năm, người đã từng hỗ trợ, cúng vàng, nuôi cơm lãnh đạo Việt Minh gồm có cả Hồ Chí Minh. Thế mà khi xử bà Năm, Hồ Chí Minh, theo Trần Đĩnh, đã che râu đi xem đấu tố, rồi về viết bài “Địa chủ ác ghê!”.

Còn nếu đặt vấn đề chính phủ miền Nam Việt Nam thối nát, tham nhũng. Thử hỏi, có chính phủ nào trên thế giới không có tham nhũng, kể từ thời đế quốc La Mã cho đến ngày nay? Nhìn lại chính phủ Mỹ của ngày hôm nay, người ta cũng không thể không công nhận thực tế này. Điểm chính là vấn đề mức độ. Dù chính thể miền Nam Việt Nam có tham nhũng, nhưng cũng không có ai thấy hay biết được nhiều giới chức cao cấp có xe hơi sang trọng, nhà cao cửa rộng sơn son thếp vàng, trong tay có bạc triệu đô la như những hạng công chức cấp làng, cấp xã của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) ngày nay. Giới chức cao cấp Cộng sản thì có hằng tỉ đô bằng cách lấy cắp tiền viện trợ, hối lộ tiền thầu dịch vụ của nước ngoài, bán lậu dầu thô từ ngoài biển, trưng thu đất đai của nông dân bán lại cho các nhà đầu tư ngoại quốc, nhất là Tàu với giá cao; con cái sang Mỹ tậu nhà bạc triệu, đi xe sang trọng, chuẩn bị cho cha mẹ nối gót con qua Mỹ khi có biến. Ngoài ra ĐCSVN còn bắt bớ, tra tấn những người khác chính kiến, đàn áp tôn giáo. Thế mà bộ phim cho người phát biểu là người Mỹ đã chọn lầm phe để chiến đấu. Điều này có nghĩa là lẽ ra người Mỹ phải chọn ĐCSVN làm đồng minh mới đúng. Thật là nghịch lý.

Lý do người Mỹ nghĩ rằng người dân miền Nam cũng ghét người Mỹ, chẳng qua chỉ vì những phong trào chống Mỹ do CS thâm nhập và tổ chức, nhất là qua trung gian của hòa thượng Trí Quang, một cán bộ nhị trùng của CSVN và của chính Mỹ dàn dựng và thúc đẩy. Nhân dân miền Nam vẫn quý mến người lính Mỹ đến giúp họ trong cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ tự do.

Bộ phim còn có mục đích kết án chính quyền Mỹ đã thực hiện một chính sách sai lầm khi tham chiến ở Việt Nam và đã dối gạt nhân dân Mỹ để hơn 58 ngàn người lính Mỹ phải chết đi, trên hai triệu quân nhân Mỹ và gia đình của họ phải gánh chịu những thương đau do cuộc chiến tranh mà hai nhà đạo diễn cho là phi lý và vô luân, và những thương đau mà trên 3 triệu quân nhân hai miền Nam Bắc Việt Nam đã hy sinh cùng vô số thường dân vô tội và gia đình của họ phải gánh chịu. Kết án này cũng phát xuất từ hai tiền đề về sự phi lý và vô luân của cuộc chiến. Trách vụ trả lời cuộc chiến có lý do chính đáng hay không và có hợp với đạo đức hay không, trong trường hợp này, thuộc thẩm quyền của chính quyền Mỹ. Chính quyền Mỹ đưa quân đội Mỹ vào chiến đấu tại Việt Nam có phải là để ngăn chặn sự gian ác, độc tài của cộng sản quốc tế hay không; có phải là để hỗ trợ cuộc chiến đấu tự vệ, bảo vệ tự do cho nhân dân miền Nam hay không? Chỉ có chính quyền Mỹ mới trả lời được những câu hỏi này mà thôi. Nhưng người dân miền Nam thì hoàn toàn tin tưởng vào nhu cầu tất yếu và lý tưởng cao đẹp đó và hoàn toàn tin tưởng là nhân dân Mỹ, nếu thấy rõ vấn đề, cũng hỗ trợ và bênh vực lý tưởng này.

Mục đích thứ tư và cũng là mục đích cuối cùng của bộ phim là đề cao lập trường cho rằng đã đến lúc phải phát huy tình người bằng hành động tha thứ và hoà hợp hoà giải (forgiveness and reconciliation). Đây cũng lại là một lập trường hời hợt, thiếu suy nghĩ, không hiểu chính sách cộng sản. Cũng rất có thể riêng rẽ từng cá nhân thì một số cựu chiến binh cộng sản có khả năng biểu lộ tình người. Thực ra, ở mức độ nhân dân thì không có gì phải hoà hợp hoà giải. Toàn thể người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều quý mến nhau. Nhưng trong bối cảnh chung ở trong nước, mọi cá nhân, nhất là những cá nhân đã từng chịu sự nhồi sọ của ĐCSVN, chỉ là những con ốc của chính sách nhồi sọ độc đoán, tàn ác, vô nhân đạo của CSVN. Do đó, đừng nhầm lẫn giữa lập trường hoà hợp hoà giải giữa người Mỹ với nhân dân Việt Nam trong nước hay hòa giải giữa người Việt tại hải ngoại với người Việt trong nước vì vấn đề hòa hợp hòa giải, trong trường hợp này, đặt sai chỗ và không cần thiết, với hòa hợp hòa giải giữa người Việt hải ngoại hay người Mỹ với chính quyền hay ĐCSVN. Đây là một vấn đề không thể xảy ra và không nên xảy ra.

Như bộ phim đã có nói qua là quan hệ bình thường giữa Mỹ và Việt Nam là yêu cầu của chính quyền CSVN chứ không phải yêu cầu của nước Mỹ vì CSVN có nhu cầu tham gia vào sinh hoạt kinh tế thế giới để cứu vãn tình trạng suy sụp, bại lụn của chính sách kinh tế chỉ huy trong những năm 80. Tuy nhiên, dù muốn gia nhập cộng đoàn thế giới, bản chất chuyên chế, độc ác của họ không bao giờ thay đổi được. Họ vẫn thường xuyên bắt bớ, bỏ tù, và hành hạ, tra tấn những nhà tranh đấu cho tự do, có ý kiến ngược lại với họ. Họ vẫn thủ tiêu những người đối lập, khác chính kiến dù những người này cùng chung một ý thức hệ cộng sản, đừng nói chi là những người không cùng ý thức hệ.  Họ vẫn áp bức nông dân, trưng thu đất của nông dân với giá đền bù rẻ mạt để bán lại với giá cao hơn gấp ngàn lần, hay để cho Tàu đầu tư vào những ngành kỹ nghệ tác hại môi sinh. Sự thối nát và tham nhũng của họ gấp trăm ngàn lần những lạm dụng của thời Đệ I và Đệ II cộng hòa miền Nam. Rất hiếm khi người ta nghe những giới chức cao cấp miền Nam có bạc triệu. Hiện nay, người ta nghe những vị lãnh đạo có bạc tỉ đô la. Chính quyền chỉ thả một vài người đối lập mỗi khi có trao đổi với Mỹ và sau đó lại bắt lại. Ý thức hệ của người cộng sản là một ý thức hệ đóng, cố chấp, và không khoan nhượng, trong lúc ý thức hệ của những quốc gia tự do là một hệ thống tự do, cởi mở, có trao qua đổi lại hợp lý và hợp pháp. Do đó, vì tính không khoan nhượng của ý thức hệ cộng sản, hai lập trường không thể hòa hợp hòa giải với nhau được. Cho nên trao đổi giao thương kinh tế với nhân dân Việt Nam thực ra chỉ là giao thương kinh tế để làm giàu và củng cố cho đảng cộng sản độc tài mà thôi.

Điểm chót tác giả bài này muốn nêu lên là không phải người dân miền Nam muốn người Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trái lại sự hiện diện của người Mỹ trên đất nước Việt Nam là một áp đặt của người Mỹ. Từ 1954 đến 1960, Ông Diệm đã dẹp tất cả các lực lượng chống đối do Pháp khuyến khích hỗ trợ đằng sau như tướng Nguyễn văn Hinh, Bình Xuyên. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá tan gần hết hạ tầng cơ sở của CSVN để lại ở miền Nam. Ông Ngô đình Diệm chỉ yêu cầu chính quyền Mỹ hỗ trợ về kinh tế và quân nhu, quân dụng mà thôi. Ông đã khước từ yêu cầu của chính quyền Mỹ để cho lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam vì như vậy sẽ làm mất đi chính nghĩa và tạo cơ hội cho Nga Tàu tăng cường lực lượng miền Bắc. Vì không nghe theo đường lối của Mỹ, chính quyền Mỹ đã thổi bùng sự xung khắc và tranh chấp sẵn có giữa Phật giáo và Công giáo để tạo đảo chánh lật đổ ông Diệm với kết quả là hai anh em ông Diệm và ông Nhu đã bị sát hại một cách tàn nhẫn. Sau khi hai ông Diệm, Nhu bị giết thì chính quyền Mỹ đã tự động chuyển quân vào miền Nam năm 1965 mà không cần hỏi ý kiến của chính phủ Phan Huy Quát của miền Nam lúc bấy giờ. Đúng như sự tiên đoán của ông Diệm, Nga đã tiếp tế súng ống, đạn dược tối tân cho miền Bắc và Trung cộng đã đưa 350,000 quân vào miền Bắc để giữ hậu cần trong khi lực lượng chính quy Việt Nam tại miền Bắc tiến quân vào miền Nam. Sau 10 năm chiến tranh không thành công, Nixon lại tìm cách rút lui bằng chính sách Việt Nam hóa chiến tranh. Sau khi toàn bộ lính Mỹ đã rút lui mà quân đội miền Nam vẫn chống giữ rất anh dũng trong một thời gian từ 1969 đến 1975, thời gian mà quân đội miền Bắc đã được hỗ trợ mạnh mẽ bởi hai đàn anh Nga và Tàu. Nếu chính quyền Hoa Kỳ Việt Nam hóa ngay từ khi Ông Diệm yêu cầu, khi mà hạ tầng cơ sở của miền Bắc để lại trong Nam đã bị phá hủy gần hết, khi mà quân đội miền Bắc còn yếu kém thì hoàn cảnh đã khác hẳn. Không một người Mỹ nào phải bỏ thây trên chiến trường Việt Nam và người Việt cũng không phải chết nhiều như vậy.

Phản biện này có mục đích đánh đổ mọi đề cương do Ken Burns và Lynn Novick nêu lên. Lập luận của Ken Burns và Lynn Novick, dù cho phát biểu bởi ai vì những người phát biểu đã được chọn lọc sao cho hợp với lập trường của hai nhà đạo diễn, chỉ phản ánh giấc mơ của những người phản chiến, yêu hoà bình (peaceniks), nhưng hoàn toàn không thực tế, nếu không nói là sai lạc một cách thê thảm.

Để kết luận bài bình luận này, tác giả xin nhắc đến lời nhắn nhủ của M. Del Vecchio là tác hại khó lường được của bộ phim Chiến Tranh Việt Nam là hằng ngàn khu học chánh, đại học của Mỹ sẽ dùng bộ phim này để mài dũa những mái đầu xanh thiếu kinh nghiệm theo một chiều hướng hoàn toàn lệch lạc, xét theo quan điểm luận lý và luân lý, và phản lại sự trung thực của lịch sử. Cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại nên tìm kế sách để chống lại ảnh hưởng tai hại này, nhất là đối với học sinh, sinh viên Việt Nam.

Bài viết này là kết quả của sự thảo luận giữa Tiến Sĩ Nguyễn Văn Thái và thiếu tá Liên Thành

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt