Thời sự quốc tế và Việt Nam tuần qua
I) Tin Việt Nam:
1) Nhân công bị mất việc làm đến hơn nửa triệu người
Thành Phố Sài Gòn (HCM): Công ty đóng giày PouYuen của Đài Loan thông báo sẽ cắt giảm khoảng 3,000 công nhân ở thành phố Sài Gòn kể từ ngày 25/2/2023 tới đây.
Lý do cắt giảm nhân công vì không có đơn đặt hàng hàng. Theo thống kê của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam trong quý IV năm 2022, đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ giảm từ 30-40% và từ Âu Châu giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội Việt Nam, trong năm 2022 có hơn 630,000 nhân công trong nước bị mất việc làm hay bị giảm giờ làm và năm 2023 còn tệ hơn nữa.
Tình trạng này xảy ra liên tục là do sự bất ổn chính trị tại Việt Nam, trong những ngày tới Nguyễn Phú Trọng củng cố “chuyên chính” Xã Hội Chủ Nghĩa thì đầu tư nước ngoài sẽ quay đi. Một giai đoạn “chuyên chính” khác sẽ đến, mấy chục năm này người dân thôn quê từ bỏ ruộng đồng đến thành phố để làm công nhân trong các công xưởng, nay vì Nguyễn Phú Trọng muốn “chuyên chính Xã Hội Chủ Nghĩa” nên người từ thành phố không có việc làm phải trở về với đời sống nông thôn.
2) Thế giới hôm nay nhìn Việt Nam ra sao?
Giờ đây thì thế giới nhìn Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không còn chút gì thiện cảm náo, khi thấy Nga khen Việt Nam rối rít như là: “sáng suốt, công bằng, khách quan!” (sic!) Vì Việt nam chọn đứng hẳn về phía Nga, trong cuộc xâm lược Ukraine!
– Một nhà lãnh đạo của Thượng Viện Nga trong chuyến thăm Việt Nam mới đây nói rằng, ông đánh giá cao lập trường “sáng suốt, cân bằng, khách quan!” của Việt Nam về điều mà phía Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Điện Kremlin Nga dùng thuật ngữ này để mô tả cuộc xâm lược mà Putin phát động vào ngày 24/02/2022, viện dẫn lý do “giải trừ phát xít” nước láng giềng. Cuộc chiến kéo dài gần 1 năm đã giết chết hàng chục ngàn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Cả thế giới lên án tẩy chay Nga.
Andrey Yatskin, Phó Chủ Tịch Thứ Nhất Hội Đồng Liên Bang Nga, hôm 17 tháng 2 gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Hà Nội, trong một chuyến thăm gồm các chặng dừng chân ở Thành Phố Sài Gòn (HCM) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Andrey Yatskin nói: “Việt Nam từ chối tham gia vào các quốc gia, các biện pháp trừng phạt Nga bất hợp pháp một lần nữa, khẳng định tính chất hữu nghị và tin cậy truyền thống của quan hệ hai nước chúng ta luôn không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của tình hình” – “Chúng tôi đánh giá đặc biệt cao việc Việt Nam đồng bảo trợ và tiếp tục ủng hộ Nghị quyết hàng năm do Nga đề xuất “Chống lại sự tôn vinh chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa tân quốc xã và các hành vi khác, đang làm gia tăng các hình thức phân biệt chủng tộc hiện đại, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan”.
Yatskin còn tham dự cuộc họp hợp tác giữa Hội Đồng Liên Bang Nga với Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam. Hai bên được nói là trao đổi kỹ lưỡng quan điểm về “một loạt các vấn đề thời sự cấp thiết” – quả là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Ông Yatskin nhấn mạnh trong điều kiện bất ổn địa chính trị đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ, các Nghị sĩ Nga quyết tâm tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trong nhiều vấn đề và định hướng, bao gồm thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, khoa học và kỹ thuật, giáo dục và văn hóa – thực sự đây là một hành động lùn trí, bé não! nước Nga sau còn “cùi bắp” gì nữa mà hợp tác.
Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin Vương Đình Huệ khẳng định Nga là một trong những đối tác ưu tiên, đồng minh quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. “Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Nga trên các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình ổn, định, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Vương Đình Huệ – Chủ Tịch Quốc Hội đảng CSVN cảm ơn sự giúp đỡ mà nhà nước và nhân dân Nga, đã dành cho Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính nhiều lần nói, Việt Nam không chọn bên trong cuộc chiến ở Ukraine mà chọn công lý, lẽ phải! Tuy nhiên trên thực thế, Việt Nam đã cố gắng hết sức để tránh làm phật lòng Nga, nước mà Hà Nội quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tại các cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong năm qua và mới ngày hôm nay (24/02) bằng nhiều lần bỏ phiếu trắng, hoặc phiếu chống đối với các Nghị quyết chỉ trích Nga.
II) Tin nước Nga
1) Nga lại hù doạ xử dụng vũ khí nguyên tử:
Cách đây vài hôm, ngày 22/02, Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Liên Bang Nga tuyên bố “Nếu dừng chiến dịch quân sự đặc biệt mà không giành chiến thắng, Nga sẽ biến mất, sẽ tan thành từng mảnh” – chiến dịch quân sự đặc biệt là cụm từ mà giới chức Nga ngụy trang trong cuộc xâm lăng Ukraine. Ông này cũng già mồm xoay qua đổ tội cho Mỹ nói rằng “Nếu Mỹ ngưng cấp vũ khí cho chính quyền Kiev, cuộc chiến sẽ kết thúc”.
Dmitry Medvedev chơi chữ đối lời trong bài diễn văn của TT Biden đọc ở thủ đô Ba Lan có đoạn: “Nếu Nga dừng xâm lăng Ukraine, chiến tranh sẽ không còn. Nếu Ukraine ngưng tự vệ trước Nga, Ukraine sẽ không còn.”
Dmitry Medvedev còn lên tiếng hù doạ thế giới bằng cách nhắc đến vũ khí nguyên tử mà trong bài diễn văn toàn quốc Vladimir Putin tuyên bố Nga tạm thời ngưng hiệp ước New START (là hiệp ước cắt giảm vũ khí nguyên tử giữa Mỹ và Nga mục đích cắt giảm tối đa kho vũ khí nguyên tử lớn còn lại giữa hai nước). Hiệp ước này đã có từ năm 2010 dưới thời TT Barack Obama.
Suy nghĩ như vậy, thì chiến tranh Nga – Ukraine khó chấm dứt. Với giọng điệu của Medvedev chấm dứt chiến tranh là Nga phải thắng, Ukraine và NATO phải chấp nhận sự vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga để những vùng “trưng cầu dân ý” giả hiệu cho Nga tự biên tự diễn để hợp thức hoá sự xâm lăng. Còn không được như vậy thì Nga cho rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” không thành công. Tức Nga thua trận rút quân về thì nước Nga nát ra từng mảnh. Từ suy nghĩ bệnh hoạn của giới lãnh đạo Kremlin như vậy cho nên Nga sẽ dùng bửu bối nguyên tử để sống còn. Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Nói cho cùng, ai biết suy nghĩ đều nhìn thấy rõ rằng Mỹ muốn Nga bại trận, chúng ta đi tới bờ vực xung đột thế giới,” – “Nếu Mỹ muốn đánh bại Nga, chúng tôi có quyền tự vệ bằng bất kỳ vũ khí nào, kể cả nguyên tử”.
2) Lính Nga chết quá nhiều ở Ukraine:
Hơn một trăm quan tài với thi thể của binh lính Nga, bao gồm cả binh sĩ đánh thuê “Wagner”, được cho là đã được chuyển đến phi trường ở Novosibirsk nước Nga.
Các nhân chứng đã công bố một đoạn video được cho là quay tại một trong những cơ sở của phi trường quốc tế Tolmachovo ở Novosibirsk. Đoạn phim cho thấy hơn một trăm hộp gỗ, hầu hết đều có giấy chứng tử kèm theo. Có một tờ giấy được quay rõ ràng trong đoạn video ghi: “giấy chứng tử của Serhii Yumashov, một người gốc Khakassia”.
Các nhà báo đã có thể xác nhận danh tính của người lính. Yumashov qua đời vào ngày 27/01/2023 tại quận Bakhmut của vùng Donetsk. Anh ấy đã được tuyển dụng bởi công ty lính đánh thuê “Wagner”. Những người quen với anh cho rằng thi thể sẽ được chuyển đến làng Arshanov, quận Altai của Khakassia, nơi anh sinh ra.
Một chiếc quan tài khác được ký tên “Herbold…., đến từ Buryatia”. Những người thân của Gennady Herbold, 39 tuổi đến từ Buryatia đã xác nhận với đài truyền hình Sibir rằng họ đã được thông báo về cái chết của người đàn ông này hai tuần trước và một ngày trước khi anh ta được đưa đến Novosibirsk.
Em gái của Herbold nói rằng anh ta đã biến mất vào tháng 11/2022. Cô ấy chỉ biết vào tháng 12 rằng anh trai cô ấy đã được tuyển quân và đang ở Ukraine. Theo cô, họ đã nói chuyện vào ngày 27/11/2022 và anh trai của cô bảo đảm rằng anh sẽ không đến Ukraine. Vào ngày 28/11, Herbold biến mất không có thông tin gì.
Còn bao nhiêu cái chết do sự cuồng vọng của Putin!
3) Putin yêu cầu bãi thử nghiệm nguyên tử Novaya Zemlya của Nga trong tư thế sẵn sàng sử dụng:
Liên quan đến vấn đề đình chỉ hiệp ước nguyên tử New START, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu bãi thử nghiệm nguyên tử ở Nga phải trong tư thế sẵn sàng. Nếu Mỹ thử nghiệm nguyên tử trước, Nga sẽ có hành động tương tự.
Theo Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết: Vladimir Putin trước cột mốc tròn một năm Nga xâm lược Ukraine tuyên bố rằng Bộ Quốc Phòng Nga và công ty năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom nên “sẵn sàng thực hiện các cuộc thử nghiệm nguyên tử nếu cần thiết”.
Một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng yêu cầu trên sẽ được đáp ứng. Theo đó khu vực bãi thử nguyên tử Novaya Zemlya đang trong điều kiện có thể hoạt động.
Theo nhà bình luận Mark Trevelyan của Reuters thì hiệp ước New START giữa Mỹ-Nga bị đình chỉ, hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn nguyên tử nhất thế giới, sẽ không còn bất cứ ràng buộc pháp lý nào có thể kiểm soát năng lực nguyên tử của nhau. Điều đó có nguy cơ khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới, song song với chiến sự Ukraine hiện nay. Hiện Nga và Mỹ đang thủ đắc 90% số đầu đạn nguyên tử trên toàn thế giới. Nga có 5,977 đầu năm 2022, trong đó hơn 1,600 sẵn sàng được sử dụng. Còn Mỹ có 5,428 đầu đạn nguyên tử với 1,750 sẵn sàng chiến đấu.
Theo các nhà tình báo và nhà khoa học nhận định: “Cả Nga và Mỹ đều có khả năng tăng số đầu đạn nguyên tử sẵn sàng sử dụng lên 4,000 chỉ trong một đêm”.
IV) Tin Trung Cộng:
1) Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST) có thể lợi dụng ChatGPT để đạt được các mục tiêu chính trị
Trong tháng vừa qua, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã nhận được sự quan tâm lớn trên thế giới bởi ChatGPT có tính tương tác với người với độ linh hoạt như người thật.
Tuy nhiên, theo đài VOA nói tiếng Hoa, các chuyên gia an ninh thông tin cảnh giác rằng công nghệ này giúp nhà cầm quyền chế độ độc tài tại Trung Cộng dễ dàng giảm chi phí tuyên truyền chính trị và thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Ông Josh Goldstein, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Trung Tâm An Ninh và Kỹ thuật Công nghệ CSET, nói với VOA rằng các mô hình như ChatGPT có thể giảm chi phí sản xuất các văn bản phải soạn thảo trên quy mô lớn. Trong tương lai, nó có thể dùng để tuyên truyền chính trị.
Công ty nghiên cứu NewsGuard đã cho biết rằng các nhà nghiên cứu đã sử dụng 100 mẫu tường thuật sai sự thật liên quan đến đại dịch virus Vũ Hán, cuộc chiến Ukraine và các vụ xả súng trường học ở Mỹ, v.v… để điều tra ChatGPT.
Kết quả là trong 80% các cuộc thử nghiệm, ChatGPT đều lặp lại nội dung sai sự thật. Để khám phá khả năng tạo thông tin sai lệch của ChatGPT, VOA cũng đã tiến hành một loạt thử nghiệm.
Dưới sự hướng dẫn của các phóng viên VOA, ChatGPT đã viết thành công những đoạn văn phù hợp với tuyên truyền chính trị của nhà cầm quyền Trung Cộng, trái với sự thật.
Ví dụ, ChatGPT có thể đưa ra các lập luận để bảo vệ cuộc đàn áp của ĐCST đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc tuyên truyền nói xấu nước Mỹ.
Trong một báo cáo rủi ro năm 2023 do công ty Tư Vấn Rủi Ro Chính Trị Eurasia Group đã cảnh cáo rằng Trung Cộng sẽ lợi dụng các kỹ thuật công nghệ như ChatGPT để đạt được các mục tiêu chính trị của họ như thắt chặt giám sát và kiểm soát xã hội, thúc đẩy tuyên truyền chính trị và đe dọa các cộng đồng nói tiếng Hoa ở nước ngoài.
2) Hạn chế chip bán dẫn của Hoa Kỳ sẽ là đòn hạ gục Trung Cộng khỏi high tech
Theo nhà sản xuất linh kiện điện tử Nhật Bản Kyocera, các quy định về chip của Washington đang khiến Trung Cộng mất đi vẻ hào nhoáng cái gọi là “công xưởng thế giới”.
Ông Hideo Tanimoto, chủ tịch của công ty Kyocera, nói với tờ Financial Times của nước Anh rằng việc xuất khẩu hàng của Trung Cộng ra nước ngoài không còn “khả thi” nữa, mà chỉ có giá trị sản xuất các mặt hàng để bán cho người tiêu dùng nội địa.
Ông Tanimoto giải thích: “Tại Trung Cộng, không những tiền lương nhân công tăng lên, mà rõ ràng, với tất cả những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Cộng, việc xuất khẩu từ Trung Cộng đang ở trong tình trạng thụt lui và gặp khó khăn”.
Công ty Kyocera đang đầu tư gần 464 triệu USD để xây dựng nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản sau gần 20 năm, đây là một phần trong kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Cộng. Công ty chịu trách nhiệm cho 70% thị trường toàn cầu về các linh kiện gốm sứ được sử dụng trong máy móc sản xuất chip.
Các biện pháp từ Mỹ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển giao sản xuất của công ty. Năm 2019, công ty chuyển từ Trung Cộng sang Việt Nam để sản xuất máy photocopy cho thị trường Hoa Kỳ. Máy ảnh trong xe hơi của Kyocera dành cho Hoa Kỳ cũng đã được sản xuất tại Thái Lan thay vì Trung Cộng.
Chủ tịch của công ty cho biết các hạn chế khiến Trung Cộng không thể chế tạo hardware mà không có quyền truy cập vào một số kỹ thuật công nghệ bán dẫn nhất định. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng Trung Cộng vẫn có thể tiến bộ về lĩnh vực software và trí tuệ nhân tạo.
Huan Li, người tạo ra chatbot nổi tiếng WeChaty của Trung Cộng, nói với tờ Financial Times: “Mọi người đều muốn tạo ChatGPT ngay bây giờ, nhưng điều đó rất khó, đặc biệt là đối với các công ty Trung Cộng không có chip Nvidia mới nhất, chưa kể bộ dữ liệu hạn chế trong việc đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo”.
Anh Li nói thêm rằng việc đào tạo một mô hình AI đòi hỏi sự đầu tư lớn và mọi thứ, và nó sẽ dễ dàng thất bại nếu một bộ phận không cung cấp đầy đủ. Tờ Financial Times ước tính rằng việc vận hành ChatGPT sẽ tiêu 1 triệu đô-la mỗi ngày, giả sử nó có 10 triệu người dùng hàng tháng. Các nhà phân tích của công ty Bernstein cho biết giới hạn chip bán dẫn của Washington đưa ra sẽ khiến các công ty AI của Trung Cộng lùi lại phía sau khi kỹ thuật phát triển hardware. Nhà phân tích Boris Van cho biết: “Các công ty Trung Cộng sẽ khó có thể cạnh tranh toàn cầu. Rất nhiều công ty hiện đang đưa ra thông báo về các đối thủ của ChatGPT, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có sản phẩm chip để tiến hành”.
3) Trung Cộng công bố tài liệu về chiến lược chống Mỹ
Bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Tần Cương đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ.
Theo tờ Le Monde của Pháp, tài liệu đầu tiên có tựa đề “Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Mỹ từ ngày độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết: “Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraine, Iraq, Afghanistan, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian”. Theo nhận định của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine chính là hậu quả từ những thủ đoạn của Tây Phương nhất là Mỹ.
Trong tài liệu nói trên, Trung Cộng lên án Hoa Kỳ đặt “800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến hơn 3,900 lệnh trừng phạt kinh tế đối với Trung Cộng. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và châu Âu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.
Trong tài liệu thứ hai, bộ Ngoại Giao Trung Cộng trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất chi tiết và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó.
Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (sic). Về điểm này, tài liệu cho rằng “tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những danh từ quen thuộc mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ bấy lâu nay.
Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Cộng đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới của Trung Cộng chủ đạo và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, nhằm cạnh tranh thế siêu cường với Hoa kỳ thông qua các dự án “Vành đai, Con dường” (One Belt, One Road)
5) NATO lo ngại Trung Cộng hỗ trợ quân sự Nga
Tổng thư ký Liên Minh NATO, Jens Stoltenberg, tỏ ra “ngày càng lo lắng” về khả năng Trung Cộng hỗ trợ quân sự cho Nga.
Theo AFP, phát biểu trong cuộc họp báo ở Bruxelles, ông Jens Stoltenberg lo lắng rằng “Trung Cộng có thể tính đến việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến Ukraine”. Tuy nhiên, lãnh đạo Liên Minh NATO đã mạnh mẽ bác bỏ những lời tố cáo mà Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu toàn quốc cho rằng cho rằng mối đe dọa của phương Tây để giải thích chạy tội cho cuộc xâm lược Ukraine.
Tổng Thư Ký NATO quả quyết “không ai tấn công Nga. Chính nước Nga là kẻ gây ra và Ukraine là nạn nhân (…) Chính tổng thống Putin là người đã bắt đầu cuộc chiến đế quốc chinh phục. Chính Putin đã tiếp tục leo thang chiến tranh”, đồng thời ông chỉ trích tổng thống Nga không đưa ra một dấu hiệu nào để chuẩn bị cho nền hòa bình.
Theo hãng tin Pháp AFP hôm qua, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, trên đài truyền hình France 5, cũng tỏ thái độ lo lắng việc Trung Cộng và Nga ngày càng xích lại gần nhau hơn. Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp cho biết Paris sẽ giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Trung Cộng cho thấy có nhiều khả năng hỗ trợ cho Nga.
Ngoại trưởng Pháp cho rằng lập trường của Trung Cộng sẽ được thể hiện rõ tại New York nhân kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 24/02/2023 –
Pháp, NATO và phương Tây nói chung đã có thái độ lo lắng sau khi ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho kênh truyền hình Mỹ CBS News, khẳng định rằng nhiều doanh nghiệp Trung Cộng đã cung cấp “vũ khí sát thương” cho Nga.
6) Vương Nghị: Quan hệ Nga-Trung “vững như bê tông”
Trong chuyến viếng thăm tại Moscow, lãnh đạo ngành ngoại giao của Trung Cộng, Vương Nghị đã tuyên bố với một trong những cố vấn của tổng thống Nga Putin rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow “vững chắc như bê tông”, có thể cưỡng lại mọi thách thức “trong một quốc tế đầy biến động”.
Theo hãng tin Reuters, ông Vương Nghị đã nói với thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, Nikolai Patrouchev là Trung Cộng và Nga nên đề ra những biện pháp chung để bảo đảm an ninh của hai nước. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng không nêu chi tiết về các biện pháp này. Vương Nghị đã đưa ra những tuyên bố nói trên vào lúc Hoa Kỳ và NATO lo ngại về khả năng Trung Cộng viện trợ vũ khí cho Nga để tiếp tục tấn công Ukraine.
Về phần Patrouchev, một nhân vật thân cận với tổng thống Vladimir Putin, ông khẳng định là Nga hoàn toàn ủng hộ Trung Cộng trong cuộc đối đầu với khối Tây Phương, đồng thời tuyên bố là Moscow có chung lập trường với Bắc Kinh về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương, tức là những nơi đang gây căng thẳng giữa Trung Cộng với Hoa Kỳ.
Theo tin của nhật báo Mỹ The Wall Street Journal cho biết, chuyến đi Moscow của lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng diễn ra vài tháng trước khi chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến thăm Nga để họp thượng đỉnh với Vladimir Putin.
Từ đầu cuộc chiến tranh Ukraine cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không lên án nước Nga xâm lược. Ngược lại, Trung Cộng cảnh cáo một số quốc gia, chủ yếu ám chỉ Mỹ, đừng nên đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vài ngày trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, tổng thống Putin đã ký với chủ tịch Tập Cận Bình một hiệp định thiết lập một đối tác “không giới hạn” giữa Nga và Trung Cộng.
Tiếp Vương Nghị đến thăm, tổng thống Putin đã cho rằng quan hệ Nga-Trung “đang giúp làm ổn định tình hình quốc tế”. Hiếm khi nào tổng thống Nga tiếp một lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia. Cuộc gặp này cho thấy quan hệ đặc biệt giữa Bắc Kinh và Moscow rất khắn khít hiện nay.
V) Tin Hoa Kỳ và NATO
1) Công du của Tổng Thống Biden đến châu Âu:
TT Mỹ đến thăm Ukraine thình lình là đúng, nếu không lợi dụng yếu tố bất ngờ thì khi viếng thăm Ukraine thì bị Nga phóng hoả tiễn tầm xa thì cụ Biden làm sao chạy trốn kịp vì ông đã già đi đứng bất tiện. Không biết hư thật ra sao mà Nga “nổ” la TT Biden đến thăm Ukraine là nhờ an ninh của Moscow?!
– Sau khi tạo sự ngạc nhiên thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã từ thủ đô Ukraine Kyiv, đến thủ đô Warsaw của Ba Lan vào lúc gần giáp năm Nga xâm lược Ukraine.
Theo lịch trình, nguyên thủ Mỹ gặp đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda sau đó với nhóm “Bucharest 9 nước” bao gồm toàn bộ các nước Đông Âu và các nước vùng Baltic, thành viên trong Khối NATO.
Theo thông tấn xã AFP, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Hoa Kỳ và Ba Lan “đang trong quá trình thảo luận về việc tăng quân số và sự hiện diện của lính Mỹ lâu dài hơn”.
Hiện tại, khoảng 11,000 lính Mỹ đồn trú tại Ba Lan. Tổng thống Mỹ Biden từng loan báo hồi tháng 6/2022, rằng Hoa Kỳ sẽ thành lập một trụ sở quân đội thường trực mới ở Ba Lan để đối phó với các mối đe dọa của Nga. Thomas Harms, phóng viên RFI nhận định:
Trước hết, Tổng thống Mỹ sẽ có lời cảm ơn chính phủ Ba Lan vì đã cam kết hỗ trợ tài chánh và quân sự cho Ukraine, nước láng giềng. Ông cũng phải cảm ơn cả nhân dân Ba Lan đã chấp nhận đón hơn một triệu người tị nạn trên lãnh thổ. Joe Biden có lẽ sẽ phải nhấn mạnh đến việc là Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh với Kyiv cho đến khi nào còn cần thiết đến khi chiến tranh kết thúc.
Hơn nữa, theo nhiều viên chức, Tòa Bạch Ốc đã hối thúc chính phủ Ukraine khẩn cấp củng cố những vùng lãnh thổ giành lại được – và thậm chí có thể mở cuộc tấn công. Nói một cách khác, cần phải hành động chừng nào hậu thuẫn của quốc tế vẫn còn đó, và đội quân Nga đông đảo vẫn chưa chiếm được nhiều vùng đất khác.
Điều này cũng quan trọng đối với TT Biden khi sự ủng hộ của người dân Mỹ, cũng như của cả hai đảng đang dần sụt giảm. Một thăm dò gần đây cho thấy 48% số người Mỹ được hỏi ủng hộ gởi vũ khí cho Ukraine, một mức giảm đáng kể so với tỷ lệ 60% hồi tháng 5/2022.
2) Ngoại Trưởng Mỹ Blinken thăm Thổ Nhĩ Kỳ Để Giải Quyết Bất Đồng Trong NATO
– Thông tấn xã AFP đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Erdogan sau khi đến thăm những nơi bị động đất và thông báo viện trợ thêm 100 triệu USD.
Đây là chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của Ngoại trưởng Blinken kể từ khi ông nhậm chức cách đây 2 năm. Trong tình hình căng thẳng gia tăng do chiến tranh Ukraine, Hoa Kỳ nhìn nhận vai trò mang tính xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ: Từ đầu cuộc chiến Ukraine đến nay, Ankara, vốn vẫn giữ quan hệ tốt với cả Mạc Tư Khoa lẫn Kyiv, đã đề nghị đứng ra làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột.
Tuy vậy, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trong Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đôi khi khá căng thẳng. Trong chuyến đi lần này của Ngoại trưởng Mỹ, hai bên sẽ bàn về những bất đồng. Hồ sơ ưu tiên chính là việc Ankara vẫn ngăn cản NATO thu nhận hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan.
Bên cạnh đó còn có việc bán chiến đấu cơ F-16 mà Tổng thống Biden đã hứa với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Mỹ đã chặn lại vụ mua bán này do những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và về mối đe dọa của nước này đối với Hy Lạp.
Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong tình hình Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kết thúc hầu hết các cuộc tìm kiếm người sống sót sau trận động đất 7,5 độ Richter ngày 6/2, khiến hơn 44000 người chết. Sau khoản viện trợ đầu tiên 85 triệu Mỹ kim của Hoa Kỳ, hôm 19/2, ông Blinken thông báo một khoản viện trợ bổ sung 100 triệu Mỹ kim. Ngoại trưởng Mỹ đã cùng với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đi trực thăng, bay bên trên các vùng bị động đất, đồng thời ông đã đến gặp các nhân viên cấp cứu người Syria đang hoạt động tại các vùng do phiến quân kiểm soát.
3) Mỹ-Philippines Thảo Luận Tuần Tra Chung Trên Biển Đông
– Một viên chức Manila cho biết Phi Luật Tân và Mỹ đang thảo luận về khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung của lực lượng tuần dương hai nước, bao gồm cả ở Biển Đông.
Với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng hàng hải chiến lược, Phi Luật Tân đã gia tăng giọng điệu trước điều mà họ cho là ‘các hoạt động gây hấn’ của Trung Cộng ở Biển Đông, vốn cũng trở thành điểm nóng trong căng thẳng giữa Trung Cộng và Mỹ về hoạt động hải quân.
Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) về các vấn đề Biển Đông, nói với đài truyền hình CNN Phi Luật Tân rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã đi xa hơn giai đoạn ban đầu và khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung là rất cao.
Ông Tarriela không nói rõ chi tiết về quy mô hoặc thời gian của các cuộc tuần tra được đề xuất, vốn xảy ra sau khi Ngũ Giác Đài trong tháng này nói Mỹ và Phi Luật Tân đã ‘đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông’.
“Đã có lộ trình khả thi rõ ràng vì Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã hỗ trợ tuần tra chung với hải quân Phi Luật Tân và hải quân Mỹ, do đó chắc chắn các cuộc tuần tra chung sẽ diễn ra giữa lực lượng tuần duyên của cả hai nước”, ông Tarriela nói.
“Cũng có khả năng cuộc tuần tra chung này sẽ được tiến hành ở Biển Đông để ủng hộ quyền tự do hàng hải của chính phủ Mỹ”.
Ông Rommel Jude Ong, cựu phó tư lệnh Hải quân Phi Luật Tân, nói với Reuters rằng ý tưởng khai triển lực lượng tuần duyên ở Biển Đông thay vì hải quân sẽ ‘giảm thiểu những tính toán sai và ngăn Trung Cộng tìm cớ leo thang căng thẳng’ ở vùng biển này.
VI) Tin Liên Hiệp Quốc
Hôm nay 24/02 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) một lần nữa lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine, kêu gọi Moscow rút quân ngay lập tức và chấm dứt giao tranh. Dưới đây là danh sách cách nước đồng thuận Nga phải rút quân khỏi Ukraine, các nước x là bỏ phiếu trắng đánh dấu x, và 7 nước bỏ bỏ phiếu chống trong đó có Nga.
https://vietquoc.org tổng hợp