Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ ký thỏa thuận ngưng chiến để quân Kurds rút lui
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org):
Khi Tổng Thống Trump ra lệnh rút 1000 quân khỏi Syria, trên thực tế là rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi khu vực ủng hộ cho dân quân Kurds ở phía Bắc Syria, lực lượng Kurds này đã từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống quân khủng bố ISIS trong nhiều năm qua.
Lập tức Tổng Thống Trump bị chỉ trích rất nặng nề từ những Thượng Nghị Sĩ trong đảng Cộng Hòa của ông ta, còn với đảng đối lập Dân Chỉ thì là cơ hội tốt để họ kết tội ông Trump là phản bội đồng minh. Các nước tây phương không tiếc lời lên án cho rằng Tổng Thống Trump đã bậc đèn xanh để cho quân của Thổ Nhĩ Kỳ (Thổ) tràn qua biên giới phía Bắc Syria tấn công tiêu diệt dân quân Kurds.
Nhiều người cho rằng cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Trump vào ngày 6/10 là tín hiệu bậc đèn xanh. Vì ngay sau cuộc điện đàm, thì Mỹ rút quân ra khỏi khu vực Bắc Syria, lập tức quân đội Thổ ồ ạt tràn qua biên giới tấn công dân quân Kurds. Những sự việc xẩy ra có vẻ ăn khớp và hợp lý trên bàn cờ chính trị của nó.
Nhưng trên thực tế có những điều khó hiểu, nếu như đã có sự đồng thuận ngầm giữa Mỹ và Thổ, thì tại sao sao khi quân Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tấn công các dân quân Kurds thì Tổng Thống Trump đã có hàng loạt tweet với những lời đe dọa chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chánh và cấm vận kinh tế?
Sợ cuộc chiến leo thang tàn khốc và lan rộng, sợ lòng nhân đạo trắc ẩn khi các phóng viên chiến trường và Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết hơn 300,000 dân thường đã chạy giặc kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của quân đội Thổ vào ngày 09/10. Cho rằng đây là một trong những biến động lớn nhất kể từ khi cuộc chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011.
Rồi thì, Tổng Thống Trump viết cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan một bức thư, tuy nội dung chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn chứa đựng những lời lẽ nặng nề mà Tổng Thống Erdogan than phiền với phóng viên báo chí tại Istanbul ngày 18/10 rằng: “Bức thư của Tổng thống Trump, vốn không phù hợp với các quy chuẩn chính trị và ngoại giao, đã xuất hiện trên truyền thông. Tất nhiên chúng tôi sẽ không quên nó, thật không đúng đắn khi bỏ qua điều đó”… Và ở một giới hạn nào đó, bức thư Tổng Thống Trump đã bị lộ ra một đoạn như sau: “Lịch sử thế giới sẽ nhìn ông [Tổng Thống Erdogan] tích cực nếu ông làm việc này đúng đắn và nhân đạo. Nhưng nó sẽ coi ông mãi mãi là ác quỷ nếu những điều tốt đẹp không diễn ra. Đừng là một người cứng đầu. Cũng đừng là một kẻ ngốc”
Sợ cuộc chiến lan rộng ngoài tầm kiểm soát buộc Mỹ phải đưa quân trở lại, làm trái với lời hứa hẹn tranh cử là Tổng Thống Trump sẽ rút quân từ Trung Đông và Afghanistan về nước khi thắng cử. Nên Tổng Thống Trump phải làm gì tốt nhất cho việc ứng cử của ông năm 2020.
Ông phải giải quyết vấn đề Trung Đông tạm ổn có lợi nhất cho việc tái ứng cử Tổng Thống trong nhiệm ký tới. Cấp tốc, ngày 15/10, trả lời phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump cho biết đã cử Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại Trưởng Mike Pompeo đến thủ đô Ankara để yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng tấn công người Kurds. Ông nói rằng: “Ngày mai họ sẽ lên đường. Chúng tôi sẽ yêu cầu ngừng bắn, đồng thời áp đặt những biện pháp trừng phạt [kinh tế] mạnh nhất mà bạn không thể tưởng tượng”.
Ngày 17/10, Phó Tổng Thống Mike Pence đã đến Thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc đàm phán thành công. Ông Pence tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ngưng tấn công Syria trong năm ngày (120 giờ) và sẽ chấm dứt cuộc tấn công nếu lực lượng do lãnh đạo người Kurds rút khỏi khu vực an toàn dọc biên giới”.
Về phía người Kurds, lãnh đạo Lực Lượng Dân Chủ Syria (Syrian Democratic Forces – SDF), ông Mazlum Abdi tuyên bố “sẵn sàng thi hành lệnh ngưng bắn” trong khu vực từ Ras al-Ain đến Tal Abyad.
Đây là khu vực an toàn dọc biên giới, trên căn bản của cuộc đình chiến là các lực lượng dân quân người Kurds sẽ phải rút khỏi một khu vực sâu vào đất Syria 32 km, dự kiến nơi này sẽ trở thành một khu vực trái độn an toàn, mà Thổ đã đòi hỏi trong nhiều tháng qua. Đó là thỏa thuận giữa Mỹ-Thổ.
Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên bố: “cuộc rút quân đã bắt đầu”, Hoa Kỳ cam kết với Thổ là chúng tôi sẽ làm việc với các thành viên YPG và SDF (các lực lượng người Kurds) để họ rút lui có trật tự trong 120 giờ tới. Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là người Kurds Syria, chiếm phần lớn trong Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) là lực lượng ngoại vi hoạt động ngoài vòng pháp luật của Đảng Công Nhân Người Kurds (PKK) – nhóm này đã nổi dậy gây chiến tranh đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt trong 35 năm qua. Do đó, bắt đầu từ ngày 9/10, Thổ mở cuộc tấn công chống lại các chiến binh người Kurds Syria họ xem là quân khủng bố. Cuộc tấn công của Thổ đã bị nhiều quốc gia châu Âu lên án một cách mạnh mẽ, mạnh nhất là nước Đức.
Theo một giới chức Hoa Kỳ thì cuộc họp giữ Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Mike Pence kéo dài hơn thời lượng dự kiến. Và sau đó họ đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo và các giới chức khác gặp gỡ bàn thảo chi tiết thêm. Khi nghe kết quả đàm phán, Tổng Thống Trump tuyên bố trong lúc đang tranh cử ở thành phố Fort Worth, tiểu bang Texas rằng: “Thỏa thuận này đánh dấu một ngày tuyệt vời cho nền văn minh”. Ông nói “Tôi muốn cảm ơn người Kurds, vì họ vô cùng hạnh phúc với giải pháp này”, “Đây là một giải pháp thực sự – thật ra nó đã cứu mạng sống của họ.”
Tổng Thống Trump cũng ca ngợi Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là “một người bạn của ông”, và là “Tổng Thống Erdogan là một nhà lãnh đạo tuyệt vời”
Sự thật ló dạng…
Mỹ rút quân, xem như tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurds điều này không sai. Nhưng chỉ tấn công có giới hạn vào sâu 32 km dùng làm vùng đất trái độn an toàn ở biên giới, mà Thổ sợ dân quân Kurds dùng làm chiến khu để tấn công Thổ về lâu về dài sau này. Vùng đất này Thổ cũng hứa sẽ định cư cho 2 triệu người Syria chạy giặc hiện đang tạm cư trên đất Thổ.
Nhưng Mỹ thấy Thổ ồ ạt mở những đợt oanh kích, những đoàn quân xa chở từng sư đoàn, những binh đoàn thiết giáp kéo đuôi nhau thì sợ rằng cuộc chiến leo thang với quân Syria dưới sự hỗ trợ của Iran và Nga sẽ đưa cuộc chiến bùng nổ lớn, mà chắc chắn Mỹ không thể ngồi yên để nhìn chiến cuộc lan rộng… Đồng thời nếu tiêu diệt hết dân quân Kurds thì rất có lợi cho quân khủng bố hồi giáo IS trổi dậy.
Khi thấy cuộc chiến mà Thổ ồ ạt đưa quân, Hoa Kỳ có ba lựa chọn: Điều động hàng ngàn quân và giành chiến thắng quân sự; Trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng tài chính và các lệnh cấm vận, hoặc đứng ra làm trung gian một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd. Điều này ông Trump đã thố lộ trên Twitter ngày 10/10.
Trường hợp vừa rồi với Thổ Nhĩ Kỳ là Hoa Kỳ là sử dụng phối hợp điều 2 và 3 có nghĩa là dùng tài chánh và cấm vận làm sức ép với Thổ để làm trung gian hòa giải giữa Thổ và Kurds. Kết quả là Thổ ngưng bắn để dân quân Kurds rút lui có trật tự. Hòa bình tạm thiết lập giữa Thổ và Kurds.
Trung Đông, cuộc chiến triền miên giữa hai giáo phái Hồi Giáo Sunni và Shiite. Ở đó không ngừng có những tổ chức hoạt động khủng bố, chỉ ở Trung Đông mới thấy có những thái độ cuồng bạo của người Hồi Giáo, nơi tập trung đông đảo những học sĩ Hồi Giáo hung dữ. Cũng là nơi những cuộc biểu tình cuồng nộ, đốt cờ, đốt xe, đốt hình nộm xẩy ra nhiều nhất và đặc biệt là ôm bom tự sát (suicide bombings) mà trên thế giới còn lại hiếm thấy xẩy ra.
Với những bản tính của người dân Trung Đông như vậy, liệu rằng sự hòa giải của Hoa Kỳ giữa Thổ và Kurds được bao lâu? Nhất khi hòa giải mới bắt đầu thì hai bên đã có hai đòi hỏi về chiều dài của vùng đất an toàn khác nhau: Tổng Thống Erdogan tuyên bố chiều dài của vùng đất trái độn là 440 km chạy từ tây sang đông Syria. Còn ông James Jeffrey (USA Special Representative for Syria Engagement) cho biết chỉ có 140 km nằm giữ biên giới hai thị trấn Ras al Ain và Tel Abyad, nơi binh sĩ Thổ và người Kurds đang đánh nhau.
Dù Mỹ không còn tha thiết với người Kurds, nhưng vẫn còn bảo vệ cho một dân tộc gần 30 triệu người sống tha phương rải rác trên thế giới nhưng không có quốc gia định cư. Khác với Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi rút quân là Mỹ rủ áo không hề ngoãnh lại!
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Ngày 20 tháng 10 năm 2019.