“Thất bại ngoại giao”: Điểm đen trong bảng thành tích của Obama
Giờ phút mà Tổng Thống Barack Obama đã nói lời từ biệt, 8 năm cầm quyền của ông, nước Mỹ được gì và mất gì? Bài nói chuyện gần 50 phút tại hội trường lớn McCormick Place, thành phố Chicago ngày 10 tháng 1, 2017 gọi là: President Obama’s Farewell Address. Dưới đây là nhận định của giới truyền thông tây phương đối với ông Barack Obama:
Giờ đã điểm. Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama tối nay có bài diễn văn cuối cùng tại Chicago. Đấy cũng là lúc điểm lại những gì ông đã làm được và không làm được trong suốt tám năm cầm quyền. Theo Les Echos và Le Figaro hôm nay, 10/01/2017, ngoài việc công nhận những thành công kinh tế-tài chính, nước Mỹ dưới sự điều hành của ông Obama đã bị mất đi tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Les Echos trên trang nhất thông báo : “Sau tám năm ở Nhà Trắng, lời biện hộ cuối cùng của Obama“. Trong bài diễn văn cuối cùng tối nay tại Chicago, tổng thống Mỹ mãn nhiệm có thể tự hào về một nền kinh tế trong tình trạng tốt nhất. Mười một triệu việc làm đã được tạo ra (Le Figaro đưa con số 16 triệu). Tuy thấp hơn dưới thời Bill Clinton đến một nửa (23 triệu) nhưng cao hơn rất nhiều so với tám năm cầm quyền của G. Bush (chỉ có 1,3 triệu).
Dù vậy, sức tăng trưởng kinh tế vẫn rất thấp và mức thu nhập bình quân vẫn còn thua xa thời kỳ trước khủng hoảng. Điều nghịch lý là dưới tám năm cầm quyền của ông Obama, xã hội Mỹ vẫn chia rẽ sâu sắc, mà vấn đề chủng tộc ngày càng trở nên tồi tệ.
Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là chính trong tám năm đó, nước Mỹ đã mất dần tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Les Echos chua chát cho rằng giờ thì khó có thể tìm được một ai bảo vệ di sản kế thừa từ ông Obama trên phương diện ngoại giao, kể cả trong số các đồng minh và những người ngưỡng mộ ông.
Đương nhiên, không ai phủ nhận thành công của ông trong việc triệt hạ Bin Laden, bình thường hóa quan hệ với Cuba, hay thỏa thuận hạt nhân đã đạt được với Iran. Nhưng điều đó cũng không đủ xóa đi hai điểm chính yếu: tính nhu nhược và không kiên định của ông. Mà ví dụ điển hình là việc ông thay đổi ý kiến vào giờ phút chót, quyết định không can thiệp vào Syria năm 2013, sau khi đã lên tiếng cảnh cáo tổng thống Bachar Al Assad về lằn ranh đỏ. Một quyết định đã gây bực bội cho nhiều nước đồng minh, đứng đầu là Pháp.
Tệ hơn nữa, người ta cáo buộc chính sách không can thiệp của ông Obama đã góp phần làm sa lầy cuộc khủng hoảng tại Syria. Việc chính quyền Damas chiếm lại được Aleppo khẳng định thất bại hiển nhiên theo như quan điểm này. Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa đã chỉ trích mạnh mẽ : “Tôi không ủng hộ việc chúng tôi làm sen đầm quốc tế, nhưng việc vắng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đang tạo ra một khoảng trống mà ở đó mọi vấn đề đang bị dồn vào trong đó”.
Một điều sỉ nhục
Thái độ chần chừ của ông Obama trước những hành động phô trương thế lực củaTrung Cộng trên Biển Đông và của Nga tại Ukraine, Syria… đã làm cho nhiều quốc gia đồng minh thất vọng. Bị quốc tế cấm vận sau khi cho sáp nhập Crimia vào lãnh thổ Nga, tổng thống Vladimir Putin giờ đã lấy lại được hoàn toàn vị thế của mình trong chính trường quốc tế.
Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga thành lập một liên quân chống Daech, cạnh tranh trực tiếp với liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu được cho là kém hiệu quả. Và việc Donald Trump vào Nhà Trắng có nguy cơ củng cố thêm vị thế này của ông Putin. Đến mức, nhật báo cánh hữu Le Figaro thốt lên rằng : “Tại Ukraina và Syria, Obama đã tạo cảm giác đang bị một Putin thắng thế dắt mũi”.
Nhưng đối với Obama, đó là một điều sỉ nhục, Les Echos nhận xét. Và từ một năm nay ông đã cố gắng khoác lên người vai trò lãnh đạo một liên quân quốc tế lớn trong cuộc chiến chống Daech tại Iraq và Syria. Thế nhưng các cuộc oanh kích tại hai nơi này vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Các chiến dịch không quân đó chỉ tạm thời cản trở đà bành trướng, nhưng không ngăn chặn được quân khủng bố núp danh thánh chiến.
Điều hối tiếc cuối cùng đó là Barack Obama vẫn không lật sang trang được cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Một lời hứa ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử và đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình năm 2009. Hơn 8.000 binh sĩ Mỹ còn đồn trú tại Afghanistan để chống lại mối họa Taliban. Và gần 4600 binh lính Mỹ đang được khai triển tại Iraq.
Nói tóm lại, như nhận xét của Le Figaro, giấc mơ ra đi với khúc khải hoàn, mang vòng nguyệt quế đi vào lịch sử nước Mỹ của ông Obama đã bị người kế nhiệm Donald Trump làm cho phá sản. Với việc ông Trump kiên quyết hủy bỏ phần lớn các chính sách mà ông Obama đề ra trong tám năm qua, thời kỳ chuyển giao quyền lực đã biến trong con người ông, thành một cuộc chiến đấu nhằm khẳng định dấu ấn và bảo vệ bảng thành tích của mình. Đó cũng chính là “Cuộc chiến đấu cuối cùng của Obama cho về sau”, như hàng tựa nhận định trên Le Figaro.
Và bài diễn văn giã biệt tối nay tại Chicago sẽ là điểm nhấn cho nỗ lực đó. Có điều, “Những lời giã biệt đó của Obama lại mang một hương vị cay đắng” như hàng tít lớn thông báo trên Le Figaro.
Điểm báo tây phương của RFI