“Thánh pháo”…

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Giàn pháo HIMARS Mỹ đã viện trợ cho Ukraine

Bạn có bao giờ nghe danh từ “thánh pháo”? Nếu nghe lần đầu thì hơi lạ phải không? Khá khen cho đầu óc tưởng tượng ngôn ngữ của người Việt Nam đặt tên giàn pháo HIMARS là “thánh pháo”.
Tìm hiểu tại sao giàn pháo HIMARS của Mỹ được cho là “thánh pháo”? Trước hết đi tìm nghĩa chữ “thánh” là tài năng tột bực, có khả năng hơn hẳn trong một nghề hoặc làm một việc gì. Như vậy, chữ “thánh pháo” HIMARS mang ý nghĩa giàn pháo HIMARS là vô địch trong các loại pháo mà các quân đội trên thế giới đang xử dụng…

Điểm lại vai trò của pháo binh trên các chiến trường xưa: Trước năm 1975, những ai đi ngang trung tâm huấn luyện pháo binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dục Mỹ, cách Nha Trang về phía tây bắc chừng 50 cây số, nằm trên quốc lộ 21, sẽ nhìn thấy một tấm bảng rất lớn trước cổng: “pháo binh quyết định chiến trường”. Trong các trận chiến khốc liệt giữa hai bên quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản Việt Nam luôn luôn dùng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” tức là pháo binh bắn trước rồi bộ binh mới tấn công.
Pháo binh như là nữ hoàng chiến trường. Còn chiến tranh ngày nay thì sao?

Giàn pháo HIMARS có phải nữ hoàng trên chiến trường Ukraine?

Ngày nay, pháo binh vẫn đóng vai trò then chốt trong trận chiến. HIMARS cũng là một loại pháo với chữ viết tắt của “High Mobility Artillery Rocket System” tức “Hệ thống pháo hỏa tiễn di động nhanh”.

Hệ thống pháo HIMARS gồm một bệ phóng hỏa tiễn đặt trên xe vận tải quân đội hạng trung FMTV (Family of Medium Tactical Vehicles), có khả năng bắn nhanh, trúng đích, sức công phá mạnh. Bắn xong di chuyển đến một vị trí khác rất gọn lẹ để tránh phản pháo của địch. HIMARS hoạt động trong mọi thời tiết và bất kể ngày đêm với độ chính xác rất cao, sai số cách mục tiêu từ 2-3 mét nhờ đầu đạn được điều khiển bằng GPS. Giá một giàn pháo HIMARS chừng $3.5 triệu USD và một hỏa tiễn phóng đi trên giàn HIMARS tại chiến trường Ukraine hiện nay chừng $100,000 USD. Từ khi Mỹ viện trợ pháo HIMARS cho Ukraine thì:
1) Quân đội Ukraine chuyển bại thành thắng, tấn công khắp chiến trường đẩy lùi đội quân Nga tự xưng có sức mạnh nhất nhì trên thế giới.
2) Quân Nga khi nghe tiếng pháo HIMARS thì run sợ và chạy trốn nhanh vào hầm trú ẩn, bỏ vị trí chiến đấu.
3) Nhờ pháo HIMARS mà quân Ukraine đánh lui quân Nga ở các chiến trường Đông Bắc Ukraine hàng ngàn cây số vuông, và chiếm lại thành phố quan trọng Kherson ở phía Nam.
4) Pháo HIMARS làm thay đổi cục diện chiến trường ở Donetsk, Luhansk và thành phố Kherson ở Ukraine.
Vì những thành tích trên, nên gọi là “thánh pháo” HIMARS không có gì sai.

Quân đội Mỹ có mấy loại giàn “thánh pháo” HIMARS?

Hiện quân đội Hoa Kỳ được trang bị hai loại HIMARS. Một loại có 12 nòng hỏa tiễn gọi là là M270 MLRS (Multiple Launch Rocket System) chạy bằng dây xích thiết giáp, trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 1983. Loại thứ hai giàn phóng hỏa tiễn 6 nòng gọi là là M142 HIMARS, gắn trên xe vận tải quân đội chạy bằng bánh cao su, trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 1993 (sau 1 thập niên). Cả hai đều thiết kế hình dáng và kỹ thuật tương tự giống nhau, hộp đạn M142 HIMARS có thể hoán đổi với M270 MLRS.

Giàn pháo hỏa tiễn M270 MLRS

Mỗi thứ có một lợi điểm riêng: M270 MLRS tấn công mạnh hơn nhờ mang 12 hỏa tiễn, nhưng di chuyển chậm vì chạy bằng bánh xích sắt, khó chuyên chở ra những chiến trường xa vì nặng gần 24 tấn. Trong khi M142 HIMARS thì di chuyển nhanh chóng nhờ chạy bằng bánh xe cao su, nặng chừng 16 tấn nên dễ dàng vận chuyển bằng vận tải cơ C-130.
Cả hai loại HIMARS dùng để phóng hỏa tiễn loại GMLRS (Guided Multiple Launch Rocket System) dẫn đường bằng hệ thống GPS.
Hiện Quân đội Hoa Kỳ có chừng 1300 giàn phóng M270 MLRS. Theo tờ Newsweek thì vào năm 2009 Hoa Kỳ có 290 giàn pháo M142 HIMARS và Bộ Quốc Phòng cho biết sẽ đặt công ty thêm 900 M142 HIMARS.

Giàn pháo HIMARS bắn xa bao nhiêu?

Chúng ta không nên lầm tưởng là tầm bắn xa nhờ vào giàn pháo HIMARS, mà bắn xa nhờ những khả năng của những hỏa tiễn mà giàn pháo HIMARS phóng đi. Mỹ chế tạo một giàn pháo bắn nhiều loại hỏa tiễn khác nhau như chế một khẩu súng có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau.
“Thánh pháo” HIMARS có thể bắn xa 70km (43.5 miles), 150 km (93.2 miles), 300km (186.5 miles) và 499km (310 miles) tùy theo loại hỏa tiễn. Hiện nay Mỹ viện trợ cho Ukraine là hỏa tiễn M31 GMLRS bắn xa tối đa là 70km (43.5 miles).

Những hỏa tiễn dùng cho giàn phóng HIMARS có tầm 70 km:

Hỏa tiễn M31 GMLRS

1) Hỏa tiễn M30 GMLRS, đầu đạn nặng 200kg, chứa đựng 404 bom mìn nhỏ loại DPICM M101, sức công phá mạnh, bắn mục tiêu xa 70 cây số, độ chính xác 2-3 mét. Sử dụng trong quân đội Mỹ từ năm 2004 đến năm 2009 thì M30 thay thế bằng M30A1.
2) M30A1 GMLRS có khả năng bắn xa và độ chính xác như M30, nhưng đầu đạn hỏa tiễn được thay thế 404 bom mìn nhỏ bằng 182,000 mãnh tungsten tạo sẵn để tạo hiệu ứng trong những vùng không có bom mìn, sử dụng trong quân đội Mỹ từ 2009, đến 2015 thì tạm ngưng thay thế bằng hỏa tiễn M30A2.
3) Hỏa tiễn M30A2 GMLRS có khả năng bắn xa và độ chính xác như M30A1, với đầu đạn được thay thế với hệ thống đẩy đạn nhạy cảm (IMPS). M30A2 được trang bị trong quân đội Mỹ đến năm 2019 thì thay bằng hỏa tiễn M31 GMLRS.
4) Hỏa tiễn M31 GMLRS tầm xa và chính xác như hỏa tiễn M30A2. Đầu đạn do General Dynamics sản xuất có chứa 51 pounds chất nổ mạnh PBX-109 trong hộp phân mảnh bằng thép. Loại hỏa tiễn này Mỹ đang viện trợ cho Ukraine.
5) Hỏa tiễn M31A1 GMLRS tầm xa và độ chính xác như M31. Cải tiến M31 đầu đạn được trang bị ngòi nổ chậm.

Những hỏa tiễn dùng giàn phóng HIMARS có tầm xa 150km (93 miles)

Hỏa tiễn Extended-Range Guided Multiple Launch Rocket System (ER GMLRS)

Hỏa tiễn ER GMLRS (Extended-Range Guided Multiple Launch Rocket System) với tầm bắn xa tới 150km (93 miles). Quân đội Hoa Kỳ đã thử nghiệm hỏa tiễn ER GMLRS thành công đầu tiên vào đầu năm 2021. Lockheed Martin là công ty chế tạo loại hỏa tiễn ER GMLRS ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sản xuất hỏa tiễn ER GMLRS trong năm 2022 và đưa vào hoạt động năm 2023.
Như vậy ER GMLRS hiện nay (2022) với tầm bắn 150km, chưa sử dụng trong quân đội Mỹ.

Những hỏa tiễn dùng giàn phóng HIMARS có tầm xa 300km (186.5 miles)

Hỏa tiễn ATACMS (Army Tactical Missile System), bắn xa 300km (186.5 miles). Hỏa tiễn ATACMS do công ty Lockheed Martin của Hoa Kỳ chế tạo. ATACMS dài 4m (13 feet), đường kính 24 inch (610 mm). Có nhiều đời hỏa tiễn ATACMS mà quân đội hoa kỳ dùng từ thập niên 1990 đến nay:

Hỏa tiễn ATACMS BLOCK IA (M39A1)

1) Hỏa tiễn ATACMS BLOCK I hay M39 là loại hỏa tiễn dẫn đường quán tính, đầu đạn mang theo 950 quả bom nhỏ chống người và vật thể. Được sử dụng từ đầu thập niên 1990. Đến năm 1997 thì thay thế hỏa tiễn M39A1.
2) Hỏa tiễn ATACMS BLOCK IA hay là M39A1. Đầu đạn còn mang thêm 300 quả bom M74 chống người và chống vật thể. M39A1 được sản xuất và trang bị cho quân đội Mỹ từ ​​năm 1997. Đến năm 2003, các hỏa tiễn M39A1 được tân trang và nâng cấp thành hỏa tiễn M57A1 sẽ hoàn thành năm 2017.
3) Hỏa tiễn ATACMS Quick Reaction Unitary (QRU) hay còn gọi là M48 với đầu đạn nặng 500 pounds (230 kg) WDU-18/B. Hiện có 176 hỏa tiễn M48 được sử dụng trong quân đội Mỹ từ ​​năm 2001. Năm 2003 sẽ thay thế bằng hỏa tiễn M57.
4) Hỏa tiễn ATACMS TACMS 2000 còn gọi là M57, mang đầu đạn WDU-18/B tương tự như M48. Hiện quân đội Hoa Kỳ có 513 hỏa tiễn M57 được sản xuất từ ​​năm 2004 đến 2013.
5) Hỏa tiễn ATACMS Modification (MOD) gọi là M57E1. M57E1 là tên gọi dành cho M39A1 cải tiến với động cơ và cơ phận điều khiển được tái cấu trúc cả hardware, software. Đầu đạn hỏa tiễn M57E1 là đầu đạn đơn vị WDU-18/B thay vì bom nhỏ M74 MOD. M57E1 ATACMS cũng có một radar tiệm cận để kích nổ khí nén. Quân đội Mỹ hiện có 220 hỏa tiễn M57E1 sử dụng từ năm 2017. Theo chương trình đến 2024 sẽ để thay thế hỏa tiễn M57E1 bằng hỏa tiễn tấn công chính xác PrSM (Precision Strike Missile).
Giá một hỏa tiễn ATACMS khoảng 1 triệu USD và mỗi giàn phóng HIMARS chỉ nạp một hỏa tiễn ATACMC.

Những hỏa tiễn dùng giàn phóng HIMARS có tầm xa 499 km (310 miles)

Hỏa tiễn PrSM (tấn công chính xác) tầm xa 499km

Hỏa tiễn PrSM có thể được phóng từ M270 MLRS hoặc M142 HIMARS, với bệ phóng chứa 2 hỏa tiễn.
Hỏa tiễn tấn công chính xác (PrSM) là một loại hỏa tiễn dẫn đường điều khiển bởi hệ thống GPS tối tân. PrSM mang đầu đạn được thiết kế hoàn hảo, bắn xa 499 km (310 miles). Năm 2022, Công ty Lockheed Martin sẽ chế tạo 110 hỏa tiễn PrSM bàn giao cho quân đội Mỹ trong năm. Hỏa tiễn PrSM sẽ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2023.
Hai giàn phóng hỏa tiễn M143 HIMARS và M270 MLRS đều là những bệ phóng dùng để phóng nhiều loại hỏa tiễn khác nhau. Đến năm 2023, quân đội Hoa Kỳ sẽ được trang bị những hỏa tiễn bắn xa 150km như ER GMLRS và 499km như PrSM.

Hiện nay, Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho quân đội Ukraine 18 giàn HIMARS và những hỏa tiễn chỉ bắn tầm xa tối đa 50km. Sợ rằng viện trợ những hỏa tiễn bắn xa hơn như ATACMS thì quân Ukraine sẽ bắn vào đất Nga và làm cho cuộc chiến leo thang giữa Nga và NATO tăng lên.

Ngày 24 tháng 11 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt