Thời đại chuyên chế mới
Một bài viết cần đọc để nhìn chuyển biến của thế giới – nó không thể như ngày hôm qua. Bài Thời Đại Chuyên Chế Mới của TS Lê Mạnh Hùng….viết khi Nga xâm lăng Georgia và Olympic tại Bắc Kinh 2008.
Thời đại chuyên chế mới
Lê Mạnh Hùng
Tuần này, trong một bài viết đăng trên nhật báo Financial Times, Christia Freeland, chủ bút ấn bản Hoa Kỳ của nhật báo này đã báo động rằng một “thời đại chuyên chế” (Age of Authoritarianism) đang mở ra cho thế giới.
Mở đầu bài báo với tựa đề “A New Age of Authoritarianism” Freeland nhắc lại bài tiểu luận “The End of History” mà học giả Francis Fukuyama đưa ra vào năm 1989 khi đế quốc Cộng Sản tại Liên Xô sụp đổ. Cơn ác mộng của nửa sau của thế kỷ 20, “Ðế Quốc Tội Ác” (The Evil Empire) và Trung Quốc đỏ đã bị đưa vào sọt rác của lịch sử bởi một cặp sức mạnh song sinh: tự do và phồn thịnh. Loài người đã lựa chọn và người ta đã lựa chọn kinh tế tư bản và chính trị dân chủ.
Nhưng gần hai mươi năm đã qua kể từ ngày đó và khi nhìn vào tình hình thế giới hiện nay, Freeland đã thấy một biến chuyển khác. Theo Freeland tuy có thể rằng thời đại chuyên chính mới chưa tới, nhưng ít nhất ta cũng đã thấy những dấu hiệu ban đầu của nó, không phải chỉ ở những chế độ chuyên chính hạng nhì như Zimbabwe mà thôi, mà còn ở cả hai chế độ khổng lồ mà số phận người ta tưởng đã đi vào lịch sử từ năm 1989: Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc đã biến Thế Vận Hội 2008 của họ thành một cuộc biểu dương sức mạnh và khả năng không phải chỉ riêng trong lãnh vực thể thao và nâng uy tín của họ với thế giới mà không cần phải làm gì để giảm nhẹ những nét chuyên chế cũng như cung cách họ đối xử đối với những dân tộc bị trị như Tây Tạng hoặc Hồi Tân Cương. Từ màn trình diễn mở đầu hôm khai mạc với mười mấy ngàn người biểu diễn với những hành động đồng loạt như những người máy, qua sự “khấu đầu” của Ủy Ban Thế Vận quốc tế (IOC) đối với Trung Quốc cho đến một tình trạng quạnh vắng tại những nơi được coi như là “dành” cho những ai muốn phản đối, Thế Vận Hội Bắc Kinh này hoàn toàn vắng bóng những gì gọi là dân chủ.
Những lời chính quyền Trung Quốc hứa trước khi được chấp nhận đứng ra tổ chức Thế Vận Hội về việc tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế về cư xử văn minh, dân chủ và nhân quyền chỉ là những lời hứa suông. Một bài báo trên tờ New York Times cho thấy giá trị của những lời hứa này. Tuân hành đúng với lời hứa của chính phủ Trung Quốc với IOC, là dành một số nơi để những ai có gì bất mãn muốn phải đối có thể tới biểu tình nếu xin giấy phép trước, một công dân Bắc Kinh, ông Trương Vệ đã đến công an nộp đơn xin giấy phép biểu tình và đã bị bắt ngay đó về tội “phá rối trật tự trị an”. Và IOC cố nhiên là không có ý kiến gì hết.
Ngày mà Trung Quốc khai mạc Thế Vận Hội cũng là ngày mà Nga mở cuộc tấn công vào Georgia. Ðiều đáng chú ý nhất trong việc Nga “hạ nhục” Georgia không phải là sự dễ dàng trong việc quân đội Nga đánh bại Georgia hay sự liều lĩnh trong việc làm hành động thách đố này đối với Phương Tây mà là sự ủng hộ của hầu hết mọi tầng lớp dân chúng Nga đối với hành động này. Ngay cả những người được coi như là có tinh thần quốc tế nhất như Mikhail Gorbachov hoặc là Anatol Lieven cũng lên tiếng ủng hộ quyết định của chính phủ Nga.
Thành ra theo Freeland thì tuy rằng 1989 quả là một dấu chấm hết, kết thúc của bức tường Berlin của chế độ Xô Viết, nhưng nó cũng là một bước mở đầu. Và lịch sử không hề chấm dứt. Năm 1989 mở đầu cho một tình trạng căm phẫn âm ỷ bên trong xã hội nước Nga mà không ai cảm thấy những căm phẫn đó hơn là ông Vladimir Putin. Putin thấy những gì đất nước mà ông bỏ những năm son trẻ của mình ra phục vụ bị sụp đổ và tan rã. Ông thấy phải chịu đựng những lời dạy dỗ đầy tự mãn và khinh mạt của Phương Tây đối với nước Nga (Một chính khách Phương Tây đã nói “Không có bom nguyên tử thì Nga chỉ là một Congo tại Châu Âu”). Và ông phải nhìn mà không có cách gì phản ứng lại khi Hoa Kỳ “dụ dỗ” những nước láng giềng của mình ngả theo Mỹ; tấn công vào nước đồng minh Serbia của mình và nói chung theo cách nhìn của ông. lập một hàng rào bao vây để buộc nước Nga trở thành một chư hầu của Mỹ. Và cách nhìn này của ông Putin cũng là cách nhìn của đa số dân chúng Nga như phản ứng của người Nga với cuộc chiến này đã chứng tỏ.
Thucidides trong cuốn “Lịch sử cuộc chiến Peloponese” cách đây 2500 đã viết: “Người ta đi vào chiến tranh vì danh dự, vì e sợ hoặc vì quyền lợi”. Và đó là điều mà Mỹ cũng như các nước Phương Tây khác đã không tính toán tới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Thay vì tìm cách giúp đỡ và đưa nước Nga hội nhập vào Châu Âu thì người ta lại tìm cách khai thác tình trạng suy yếu này.
Tại Trung Quốc, 1989 chính là năm mà tia lửa của tự do dân chủ được bừng sáng lên tại Thiên An Môn, nhưng sau đó bị dập tắt. Con đường mà hai nước đi qua trong những năm sau đó đầu tiên đã tách rời với Nga thử thách chế độ dân chủ dưới thời Yeltsin trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ chính sách chuyên chế tuy rằng có cởi mở về kinh tế. Và nay thì chế độ của cả hai nước đã hầu như hội tụ. Cả hai đều chấp nhận một mức độ cởi mở nào đó về kinh tế và xã hội với điều kiện rằng những cởi mở đó không đe dọa đến quyền uy của nhà nước. Và cả hai đều thấy rằng người ta có thể mua được một mức độ ổn định đáng kể bằng cách phối hợp lòng tự hào dân tộc với một mức độ nào đó cơ hội giúp người dân có thể cải thiện mức sống của mình. Và cả hai đều khám phá ra rằng trong thế giới tư bản này, không phải chỉ người dân thường, mà cả đối với các quốc gia nữa, nếu ta giầu có thì ta sẽ được người ta nể trọng.
Ðó chính là nan đề mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh Phương Tây của Mỹ cần phải giải quyết. Mặc dầu cuộc chiến tại Georgia, không phải là một đe dọa về một cuộc chiến hạch nhân làm giới hạn những phản ứng của thế giới Phương Tây đối với sự vùng dậy của hai nước chuyên chế này. Phía Trung Quốc chẳng hạn đã vượt qua được giai đoạn hùng hổ đe dọa lúc trước mà thay thế bằng việc chuyển sang dùng sức mạnh đồng tiền của họ để dụ dỗ những lân bang. Phía Nga việc dùng võ lực tại Georgia chỉ là một ngoại lệ; cho đến nay vũ khí mà ông Putin vẫn ưa thích dùng không phải là súng đạn mà là dầu khí. Trong khi đó thì Hoa Kỳ đang bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan, bị mất sự ủng hộ tại một phần quan trọng của thế giới và đang rơi vào một tình trạng khủng hoảng về kinh tế. Thành ra như Freeland kết luận “Lịch sử đã quay trở lại nhưng có thể không phải đứng về phía Phương Tây nữa”.
Lê Mạnh Hùng