Tết ở Đồng Tâm, ngày tháng này
Nhiều ngày sau cái chết của cụ Lê Đình Kình, một lực lượng hùng hậu tay sai tuyên truyền, hay còn gọi là dư luận viên, được động viên tham gia cuộc chiến trên không gian mạng, nhằm tạo ra nhiều kịch bản và hình ảnh về sự kiện 9/1/2020 ở Làng Đồng Tâm, Hà Nội.
Có ba mũi tấn công vào sự kiện đau thương này, đó là bôi nhọ và sỉ nhục cụ Kình, tiếc thương 3 công an viên chết ở Đồng Tâm, và khiêu khích, thách thức bất kỳ ai đứng về phía người dân Đồng Tâm và đồng thời chụp mũ là “chống chính quyền”. Đó là bài bản của giới tay sai tuyên truyền.
Nhưng sự thật có sức mạnh của nó. Sự thật để y nguyên sự lồng lộn của giới tuyên truyền tay sai trên không gian ảo, nhưng mọi câu chuyện thực tế của người dân, đều là sự đau xót cho các nạn nhân từ một cuộc chiến kỳ quái, dựng lên từ nhà cầm quyền.
Và dưới đây, lại là một ít sự thật chưa được kể, qua cuộc trò chuyện vào ngày giáp tết, với anh Trịnh Bá Phương, người trực tiếp truyền tải những sự kiện về Đồng Tâm lúc này.
Trong việc ngân hàng Vietcombank phối hợp ăn ý với công an để phong tỏa tiền phúng điếu cụ Lê Đình Kình, cho đến nay, đã có tin tức gì về việc hơn nửa tỷ đồng đó sẽ được trả lại không?
Vâng, vẫn không nghe tín hiệu gì từ công an về việc đấy. Khi công an bắt cóc cô Nguyễn Thúy Hạnh về đồn số 3 Nguyễn Gia Thiều, họ cũng đã không trả lời được ngay lúc đấy văn bản nào đã gửi cho ngân hàng để ra lệnh khóa tài khoản tiền phúng điếu. Phía ngân hàng Vietcombank cũng vậy. Mọi thứ là không có luật pháp.
Nhưng công an có hỏi cô Nguyễn Thúy Hạnh là nếu bây giờ cho rút tiền, thì cô Hạnh sẽ làm gì, có chuyển cho Trịnh Bá Phương, có phải chủ mưu kêu quyên góp là Trịnh Bá Phương không?… Với tư cách là người nắm nguồn quỹ, cô Hạnh đã nhận trách nhiệm và nói sẽ chuyển giao toàn bộ cho gia đình cụ Lê Đình Kình.
Trên thực tế, lẽ ra tôi cũng có tham gia vào chuyện gây quỹ nhưng do tập trung vào việc đưa tin tức cập nhật về Đồng Tâm, nên tôi nhắn cô Hạnh hãy giúp cho gia đình cụ Lê Đình Kình. Do sự việc xảy ra quá gấp gáp cũng như để tránh sơ xuất, cô Hạnh đã dùng ngay một tài khoản Vietcombank chưa dùng vào việc gì để nhận nguồn tiền phúng điếu.
Lý do gia đình cụ Lê Đình Kình (nói) không thể nhận trực tiếp vì mọi thứ đang rất căng thẳng. Mọi thứ có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Đồ đạc trong nhà đã bị cướp, ngay cả cái ô-tô đang trả góp của gia đình cũng đã bị cướp đi.
Công an nói cụ Lê Đình Kình là khủng bố và tịch thu tiền phúng điếu qua tài khoản của người dân tự nguyện góp vào, vậy còn tiền phúng điếu trực tiếp hôm đám tang thì phía công an ứng xử như thế nào?
Dạ không, mọi tiền phúng điếu trực tiếp hôm đám tang thì gia đình vẫn nhận được. Ở lễ tang cụ Lê Đình Kình, dự đoán là sẽ rất đông người đến dự, nên mọi người đã chuẩn bị khoảng 3000 khăn tang cho ai đến, muốn để tang cho cụ Kình. Thế nhưng vẫn không đủ. Tổng kết vào cuối ngày, thì có thể đến 4000 – 5000 người đã ghé qua để đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiền phúng điếu và hoa quả, hương… đều không gặp chuyện gì cả. Rất nhiều người đã ghi ngoài phong bì phúng điếu là xin chia buồn cùng gia đình, tiễn biệt lão anh hùng, vĩnh biệt người đã đứng lên chống giặc nội xâm… nhưng mới tối hôm qua, trên truyền hình VTV đưa tin, thì nói rằng nhân phúng điếu, đã có những sự kích động chống lại chính quyền, vì lẽ có những bao thư phúng điếu, khách ghi rằng “chia buồn vì cụ đã bị sát hại”, “mong sự việc này sớm được làm sáng tỏ”… Truyền thông nhà nước và công an thì nói đó là ngôn ngữ khủng bố.
Xin hãy nhìn vào đó mà suy, thì thấy rõ nhà cầm quyền không còn đạo đức, lương tâm và cả luật pháp. Họ dựng chuyện như vậy chỉ vì đã giết cụ Lê Đình Kình thì gặp phải sự phản ứng dữ dội của trong và ngoài nước nên phải làm lớn chuyện để che đậy tội ác, rồi khóa tài khoản để quy chụp khủng bố, nhằm lừa bịp mọi người.
Đây có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà cầm quyền lại làm chuyện không thể tưởng tượng được là ngăn cản và muốn cướp đi tiền phúng điếu của một người chết.
Báo chí nhà nước vào chiến dịch thông tin, liên tục nói rằng ở làng Đồng Tâm đã bình yên, dân Đồng Tâm nay vui mừng đón Tết, cám ơn chính quyền vì không còn nỗi lo “khủng bố” ở trong làng nữa. Thật sự, làng Đồng Tâm hiện nay ra sao?
Vâng, người dân Đồng Tâm lúc này rất đau buồn về cái chết của cụ Lê Đình Kình, đau lòng vì có những đứa trẻ chưa cai sữa phải xa cả bố mẹ. Và người dân Đồng Tâm cũng đau lòng vì chứng kiến những người dân bị bắt phải chịu cực hình, tra tấn, bức cung để đưa lên tòa án truyền hình. Họ đau lòng vì sự thật bị bưng bít, và người dân Đồng Tâm tự dưng trở thành tội phạm. Một người dân Đồng Tâm đã nói với tôi rằng, ở đất Đồng Tâm này, cứ 10 người thì đã có 9 người rưỡi là đi theo cụ Kình.
Báo chí Nhà nước nói Đồng Tâm bình yên, người dân vui mừng… thì chỉ là tuyên truyền. Giờ này, Đồng Tâm vẫn dày đặt an ninh, mật vụ, dòm ngó và hành động với bất cứ ai bên ngoài bước vào đây để tìm hiểu.
Báo chí cũng nói người dân Đồng Tâm thương mến đưa tang các chiến sĩ công an đã chết. Nhưng chính dân Đồng Tâm phát hiện và nói rằng chỉ có một số người dân ở xã Thượng Lâm, là xã giáp ranh, nhưng cũng là người đang làm việc hay hợp tác với chính quyền.
Ở Đồng Tâm lúc này, mọi thứ rất ảm đạm chứ không có kiểu đón Tết, đón xuân như báo chí Nhà nước nói. Nhiều người vẫn tìm cách nhắn ra bên ngoài để cầu cứu cho tình trạng khốn khổ của làng Đồng Tâm.
Còn cái chết của ba nhân viên công an, chính quyền đổ cho người dân giết. Nhưng cả trong ngôn luận độc quyền của nhà nước cũng bất nhất. Lúc thì họ nói công an bị ném lựu đạn chết, lúc thì nói bom xăng, lúc thì nói là do rơi xuống hố. Lại có lúc họ nói công an chết khi bảo vệ sân bay Miếu Môn (cách Đồng Tâm 3km) rồi có lúc lại nói chết lúc tấn công vào nhà cụ Kình … Sự thật thì chỉ có họ biết, chứ người dân Đồng Tâm không thể chống cự trong một bối cảnh đàn áp dữ dội và đầy hơi cay như sáng sớm 9/1/2020. Lấy nhà cụ Kình làm trung tâm thì chung quanh, rộng đến 300-400m không có ai có thể chịu đựng nổi khói và lựu đạn cay, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nên hầu hết người lớn đều tìm cách đưa chúng ra ngoài. Nhiều người bị ngạt, bị ngất. Bản thân cụ Hiểu, bạn cụ Kình cũng đã ngất trước khi bị bắt đi.
Vì vậy, người dân Đồng Tâm và dư luận nói chung đang rất cần một phái đoàn điều tra độc lập để trả lại sự thật cho sự thảm sát này.
Công an làm việc luôn có quay phim. Cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm chắc chắn có flycam với máy quay hồng ngoại để ghi lại sự kiện, tìm người, tìm chứng cứ để rêu rao rằng người dân Đồng Tâm đã đối đầu như thế nào, để lợi dụng tuyên truyền về sau. Thế nhưng cho đến giờ này họ vẫn không tìm ra được một dấu hiệu hay bất cứ hình ảnh nào cho thấy người dân phản kháng, để tuyên truyền chống lại cụ Kình và người dân Đồng Tâm.
Trong lúc tin tức Đồng Tâm lan nhanh tuần trước, đã có tin đồn công an sẽ bắt một loạt người nhằm trấn áp dư luận. Nhà của blogger Nguyễn Anh Tuấn tại Đà Nẵng đã bị rất đông công an đến nhà, ở Cần Thơ của có facebooker Chương May Mắn bị bắt và khởi tố. Còn Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư làm việc đưa tin Đồng Tâm ra ngoài như vậy, các bạn có bị đe dọa gì không?
Vâng, hôm qua khi công an bắt cóc cô Nguyễn Thúy Hạnh về đồn, họ đã hỏi rất nhiều, đặc biệt là hỏi về Trịnh Bá Phương. Và nguyên văn của họ là Trịnh Bá Phương nằm trên đầu các danh sách có thể bị bắt giam.
Mỗi ngày người dân lại càng chứng kiến rõ thêm tội ác của họ đối với cụ Kình, với người dân Đồng Tâm… Mọi thứ đang phơi bày sự dối trá của họ ở mọi chiều hướng, họ đang hốt hoảng và chủ động đe dọa và đã canh giữ nhiều người lên tiếng trong nhiều ngày, đặc biệt nhấn mạnh sẽ bắt Trịnh Bá Phương.
Vì tôi đã nghe tiếng khóc của những bà mẹ, những đứa trẻ, chứng kiến những cảnh tang thương…Tôi thấy mình không thể nào im lặng dù biết phía trước rất hiểm nguy. Tôi chấp nhận tất cả xảy đến với mình, chỉ mong đưa mọi thứ ra ánh sáng công lý, trước toàn thể người dân Việt Nam, và trả lại công bằng và sự thật cho những người dân Đồng Tâm đang chịu oan ức.
Tuấn Khanh (ghi)