Tập trận Vostok 2018, Nga phô trương lực lượng cảnh cáo khối NATO

Sĩ quan quân đội Nga tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 tại trung tâm huấn luyện Telemba, Siberi ngày 12/09/2018 (Ảnh: Mladen ANTONOV / AFP)

Với 300000 quân, tất cả mọi quân binh chủng đều có mặt, cộng với 3000 quân Trung Cộng và một số đơn vị nhỏ của Mông Cổ, nước Nga khai diễn một cuộc tập trận đại quy mô lớn hơn thời Liên Xô cũ. Phải chăng Matxcơva “tổng dượt” quân sự chuẩn bị thế chiến như NATO lên án?
Song song với Diễn đàn kinh tế Vladivostok có chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tham dự, tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc tập trận mang tên Vostok 2018, kéo dài trong 5 ngày từ 11-15 tháng 09. Ngày đầu tiên dành để bố trí lực lượng: 300000 quân, 36000 chiến xa và xe quân sự, 1000 máy bay và 80 chiến hạm. Ngày thứ hai diễn tập phòng không và ngày thứ ba mới “dành cho sự kiện chính” mà bộ Quốc Phòng Nga từ chối tiết lộ chi tiết.

Tất cả vũ khí tối tân nhất của Nga được mang ra tập dượt: hỏa tiễn Iskander có thể mang đầu đạn nguyên tử, chiến xa T-80, T-90, chiến đấu cơ Su-34, Su-35. Trên biển, hạm đội Nga phô diễn các khu trục hạm trang bị hỏa tiễn Kalibr từng được sử dụng trên chiến trường Syria.

Vostok 2018 được tổ chức sau một loạt nhiều cuộc tập trận khác ở Kavkaz, Hắc Hải, gần đây là Địa Trung Hải và Bắc Cực trong tình hình căng thẳng với Tây phương trong hồ sơ Ukraina, Syria, cáo buộc tin tặc can thiệp vào bầu cử…

Câu hỏi đặt ra là vì sao Nga tổ chức phô diễn cơ bắp ở tận miền Viễn Đông vào lúc này với quy mô được chính bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu tuyên bố là “lớn hơn thời Liên Xô” ?

Theo Sputnik, một cơ quan báo chí tuyên truyền của Nga, cuộc tập trận này là một “tín hiệu gửi đến toàn thế giới là Nga được Trung Cộng hợp tác chứ không cô đơn” trước sức ép của NATO.

Cho dù Bắc Kinh nhận lời tham dự vì lợi ích riêng, học tập kinh nghiệm của quân đội Nga sau 4 năm tác chiến tại Syria, nhưng sự có mặt của 3000 quân Trung Cộng cũng là một tín hiệu chính trị.

Tín hiệu chính trị và quân sự

Nhưng tại sao Nga phải “hành động” ? Giới chuyên gia nêu ra hai lý do.

Trước hết, Putin muốn chứng tỏ với NATO là quân đội Nga, sau một thời gian dài hậu Cộng sản bị suy yếu, một lần bị kháng chiến Tchetnia đánh bại thảm khốc (thời Yeltsin), giết chết tư lệnh hành quân, nay đã hoàn toàn phục hồi uy thế của một quân đội “bình thường”, theo phân tích của tạp chí quốc phòng Pháp NEMROD.

Lý do thứ hai, theo trang thông tin mạng Pháp Mediapart, Nga không thể ngồi yên khi thấy các thành viên của NATO ở sườn tây như Ba Lan và ba nước Baltic tăng cường vũ khí Mỹ. Washington nhìn nhận, các loại vũ khí tăng cường là để NATO phòng thủ nhưng cũng để tấn công khi cần thiết.

Ngũ Giác Đài và NATO đều biết một cuộc tấn công vào nước Nga, vài hôm sau, sẽ bị quân Nga tập trung lực lượng cản lại. Nhưng quân đội Nga không được huấn luyện và không đủ phương tiện cơ giới để phản ứng nhanh. Tây phương hy vọng rằng nếu NATO ngay ngày đầu, chiếm được vài thành phố biên giới, thành công này sẽ khuyến khích phong trào chủ hòa hay thân Tây phương và đối thủ chính trị của Putin đòi chủ nhân điện Kremlin từ chức.

NATO được cảnh báo

Do vậy, Matxcơva gấp rút chứng tỏ với Tây phương là có Bắc Kinh bên cạnh và đủ sức mạnh quân sự để đối đầu với một cuộc xâm lăng ở mặt trận phương tây. Đó là mục đích của Vostok 2018. Nhưng NATO cũng được cảnh báo: Nga chưa bao giờ, cũng như lần tập trận này, nói là để tấn công ai. Nhưng rõ ràng là nếu cần thì quân Nga cũng có khả năng từ phòng thủ đổi qua tấn công.

Không lấy làm ngạc nhiên, Daylan White, một phát ngôn viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bình luận: “Vostok 2018 nằm trong hướng đi của Nga trong thời gian qua. Đó là nước Nga ngày càng tự tin, gia tăng ngân sách quốc phòng và can thiệp quân sự”.

Tú Anh (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt